Đức Thánh Linh là ai? Ý nghĩa các biểu tượng của Thánh Linh
Đức Thánh Linh là Đấng ít được nhắc đến hoặc dạy dỗ trong Hội Thánh. Ngài là ngôi vị ít người hiểu biết nhất trong lẽ đạo Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Có nhiều người hiểu biết Ngài cách mơ hồ, với những ý niệm và thần học sai lầm dẫn đến nhiều sự tranh luận vô bổ. Càng có ít người gần gủi Đức Thánh Linh, kinh nghiệm Ngài để có thể thốt lên như Benny Hinn rằng, “Chào Thánh Linh Buổi Sáng!” Kêu gào lên như Claudio Freidzon, “Lạy Đức Thánh Linh! Con khao khát Ngài! Và tuyên bố với thế giới như Tiến sĩ David Yonggi Cho, “Đức Thánh Linh Người Bạn Lớn Của Tôi”.
Có người mô tả Ngài như một thế lực, một thần linh và một Đức Thánh Linh đến thay thế nhưng không quan trọng bằng Chúa Giê-su. Khi Ngài biểu hiện, nhiều người và hội thánh bối rối, hiểu lầm và cho công việc Ngài làm như là công việc của chúa quỷ (Ma-thi-ơ 12:22-24).
Chúa Giê-su đã nói về Đức Thánh Linh trước khi về cùng Cha như sau :
Nhưng Ta bảo các con sự thật này: Ta ra đi là ích lợi cho các con, vì nếu Ta không đi thì Đấng Phù Hộ sẽ không đến cùng các con. Nhưng nếu Ta đi, Ta sẽ phái Ngài đến cùng các con
Giăng 16 :7
Lý do Chúa Giê-su nói về sự thật là “Ta ra đi là ích lợi cho các con”, vì nếu Ngài còn trên đất thì Ngài sẽ không thể ở nhiều nơi cùng một lúc. Ngài không thể giúp đỡ, chữa lành và giải cứu tất cả chúng ta vì Ngài bị giới hạn trong thân xác con người. Nếu chúng ta muốn gặp Chúa Giê-su phải đi qua Do Thái mới gặp Ngài, phải tốn chi phí máy bay và ăn ở. Thậm chí chúng ta có thể chờ đợi nhiều năm mới đến phiên chúng ta được gặp Ngài. Nhưng sau khi Ngài thăng thiên về trời thì Ngài đã sai Đức Thánh Linh xuống.
Đức Thánh Linh là Đấng đã ở cùng phù hộ Môi-se, Giô-suê, Đa-vít, Tiên tri Ê-li, tiên tri Ê-li-sê, Phi-e-rơ, Giăng, Phao-lô và những con người vĩ đại trong Kinh Thánh, và là Đấng trên Chúa Giê-su. Ngài cũng chính là Đấng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta để phù hộ chúng ta đến đời đời. Do đó, khi Cơ-đốc nhân có Thánh Linh ở với mình, thì chúng ta có thể nhờ Ngài giúp đỡ bất cứ lúc nào 24/7 và nhờ Ngài bất cứ điều gì và không có gì là khó cho Ngài cả. Do đó, không gì tốt hơn cho chúng ta là hiểu biết rõ ràng về Đấng Phù Hộ và đem ích lợi cho chúng ta hơn cả chính khi Chúa Giê-su ở với các môn đồ. Đã đến lúc Cơ-đốc nhân và Hội Thánh cần thấy Đức Thánh Linh hết sức quan trọng đối với mình như thế nào!
Chúng ta cần học biết để có mối liên hệ thân mật với Ngài, hiểu cách Ngài biểu hiện các công việc của Ngài. Chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu về Đức Thánh Linh là ai? Những công việc của Ngài trong đời sống Cơ-đốc nhân và Hội thánh là gì? Ngài có thể làm gì cho Hội Thánh chúng ta ngày nay nhất là trong thời kỳ cuối cùng?
1. Đức Thánh Linh là ai?
Đức Thánh Linh là Ngôi thứ ba trong lẽ đạo Ba Ngôi gồm Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Ngài là Đức Chúa Trời Hằng Hữu, là “Thánh Linh đời đời” (Hê-bơ-rơ 9 :14). Tên Ngài nói đến Ngài là Đấng Thánh Khiết. Ngài hiện hữu và vận hành sáng tạo vũ trụ, Chính Ngài “hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh” (Sáng thế 1; 2:7). Ngài là Đấng vận hành làm nhiều dấu kỳ phép trong Kinh Thánh lẫn hiện nay, Ngài còn được gọi ngón tay, bàn tay và cánh tay của Đức Chúa Trời (Thi thiên 8:3; 19:1; 89:10; Xuất Hành 8:19; Lu-ca 11:20) .
Đức Thánh Linh có nhiều danh xưng, chúng ta có thể được biết đến như sau: Thần Đức Chúa Trời/Thần Chúa, Thánh Linh của Đấng Christ, Thần Linh Sự Sống, Tác Giả của Kinh Thánh; Thánh Linh Ân Điển; Đấng Cáo Trách tội lỗi; Ngài là Giáo Sư; Đấng Xức Dầu; Thần Chân Lý; Đấng Làm Chứng. Ngài còn được gọi là Thần khôn ngoan và hiểu biết, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ CHÚA (Sáng thế 1:2; Ma-thi-ơ 3:16; 2 Cô-rinh-tô 3:17; 1Phi-e-rơ 1:11; Giăng 6:63; 2 Phi-e-rơ 1:21; 2 Ti-mô-thê 3:16; Hê-bơ-rơ 10:29; Giăng 16:7-11; Giăng 14:26; Giăng 14:16 và 16:13; Rô-ma 8:16; Hê-bơ-rơ 10:15; Ê-sai 11:2)
Khi yêu, chúng ta muốn tặng cho người mình yêu điều quý giá nhất và không tính toán. Đức Chúa Trời là tình yêu nên Ngài không tiếc ban món quà vô cùng quí giá là Con Một của Ngài là Chúa Giê-su để chết thay tội lỗi nhân loại để chúng ta tin và nhận được sự cứu rổi.
Điều vô cùng quan trọng kế tiếp chúng ta cần biết Đức Thánh Linh là tặng phẩm vô cùng quí giá thứ hai mà Đức Chúa Cha ban cho chúng ta. Qua Chúa Giê-su, Đức Thánh Linh là Thần quyền năng của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và ở với chúng ta đời đời. Ngài là minh chứng Em-ma-nu-ên – Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Chúa Giê-su nói đến Đức Thánh Linh là tặng phẩm tốt nhất và quý báu nhất mà Cha ban tiếp theo sau khi chúng ta tin nhận Ngài. Vậy hãy khao khát tìm cầu điều tốt nhất từ Đức Chúa Cha:
Vậy, nếu các con là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt, huống gì Cha trên trời lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin Ngài sao?
Lu-ca 11:13
Chúa Thánh Linh giống như Đức Cha và Đức Con. Ba Ngôi không phải chỉ là hữu thể mà có thân vị và bản thể. Một thân vị gồm có tri thức, trí tuệ, sự hiểu biết, suy nghĩ và ý chí. Thân vị có tình cảm, có sự cảm biết yêu thương, buồn giận và ghen. Thân vị có ý chí dẫn đến quyết định và hành động.
Vì là thân vị, Đức Thánh Linh có thể nghe và nói, Ngài phán dạy, trò chuyện và muốn nghe và muốn có mối thông công với chúng ta. Ngài cầu thay và cảm nhận những cảm xúc của chúng ta dù điều đó chúng ta không nói được nên lời (Khải huyền 3:6,13,22; 2 Cô-rinh-tô 13:14; Rô-ma 8:26). Đức Thánh Linh đồng thời có những đức tính như “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, nhu mì, tiết độ (Ga-la-ti 5:22).
Khi Cơ-đốc nhân không vâng lời và phản nghịch là họ chống lại Đức Thánh Linh, làm Ngài bị xúc phạm, buồn lòng và ghen. Ai phạm thượng cùng Ngài thì sẽ không được tha thứ (Ê-sai 63:10; Ê-phê-sô 4:30; Công vụ 7:51; Hê-bơ-rơ 10:29; Ma-thi-ơ 12:31). Chúng ta không được thử Đức Thánh Linh của Chúa nghĩa là thách thức Ngài và tiếp tục sống trong tội lỗi và cho rằng không sao cả. Chúng ta không được dập tắt Thánh Linh nghĩa là ngăn trở hay nói ngược lại dòng chảy hay công việc Ngài đang làm. Không khinh rẻ lời tiên tri là lời Ngài dùng con người để phán với chúng ta (Công vụ 5:9; 1 Tê-sa 5:19,20).
2. Công việc của Đức Thánh Linh qua các biểu tượng
Công việc của Chúa Thánh Linh thật là quyền năng, nhưng lại vô hình, vinh hiển và dịu dàng ở bên trong Cơ-đốc nhân. Ngài đồng công với Chúa Giê-su để bày tỏ Cha cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 1 :1-2), Đức Thánh Linh đến để tôn cao Chúa Giê-su, giúp chúng ta nhìn thấy và biết Chúa Giê-su nhiều hơn. Ngài giúp chúng ta đáp ứng lại Chúa Giê-su một cách ngoan ngoãn hơn và yêu mến Chúa Giê-su với một tấm lòng sâu sắc và phục vụ Ngài tận tụy hơn.
Các biểu tượng của Chúa Thánh Linh là những điều thiết yếu để chúng ta hiểu được những chức năng của Ngài, và biết những gì Ngài thích làm. Chúng ta không phân tích để hiểu biết Ngài cách ‘khách quan tiêu cực’ như một số phương pháp bình luận thần học từ vị trí ‘tạm đứng một bước bên ngoài đức tin’ (a step back from faith) như các nhà thần học khai phóng. Chúng ta phân tích theo phương pháp chủ quan từ vị trí ‘với đức tin’ và trung thực tiếp nhận từ những biểu hiện cho đến các phép lạ và uy quyền – mà Ngài đã và đang bày tỏ. Từ đó, chúng ta sẽ mở lòng để Đức Thánh Linh có thể chiếm hữu cuộc sống của chúng ta theo cách của Ngài, Đấng vô hình sẽ làm việc trong đời sống của con người hữu hình và xuyên qua họ.
Khi nói về một biểu tượng của Thánh Linh ví dụ như lửa, mục đích không phải là để biết: “À thì ra, Đức Thánh Linh giống như lửa”. Nhưng mục đích là để xin Ngài thiêu đốt, thanh tẩy mình và khiến chúng ta thành sứ giả đầy lửa của Ngài. Đồng thời nhờ cậy Thánh Linh đến như lửa hủy phá công việc của kẻ ác là Satan và ma quỷ đang chống phá chúng ta.
Có 10 biểu tượng nói đến chức năng của Đức Thánh Linh. Ngài được kể như: chim bồ câu, nước, sông, mưa, gió và hơi thở, lửa, dầu, dấu ấn, sương móc và rượu.
[bs_smart_list_pack_start][/bs_smart_list_pack_start]
Dấu ấn
(2 Ti-mô-thê 2:19; Giăng 6:37; 2 Cô-rinh-tô 1:21-22; Ê-phê-sô 1:13,14; 4:30).
Những người có thẩm quyền và trách nhiệm từ các vua, quan, tổng thống, thủ tướng và các viên chức chính quyền cho đến hiệu trưởng trường học, chủ tịch công ty (dù lớn hay nhỏ) vv đều có con dấu hay dấu ấn. Cái ấn công bố danh dự, thẩm quyền, giá trị của họ và sự sở hữu của họ trên con người, tổ chức hay một con vật được đóng ấn. Dấu ấn còn mang ý nghĩa phê chuẩn, bảo lãnh và xác nhận nếu là công văn hay thư từ. Sau khi người chủ đóng ấn, thì người chủ và những người thừa hành của người chủ có quyền ra lệnh bắt những ai dưới quyền họ phải tuân thủ những điều đã được dấu ấn xác nhận.
Đức Chúa Trời “đã đóng ấn Ngài trên chúng ta, và ban Thánh Linh của Ngài vào lòng chúng ta để làm bảo chứng” (2 Cô-rinh-tô 1:22). Ngài đánh dấu chúng ta là con dân của Đức Chúa Trời, là chiên của đồng cỏ Ngài, vì chúng ta được Chúa Giê-su mua và là vật sở hữu của Đức Chúa Trời. Ai đụng đến chúng ta là đụng đến Ngài, kẻ thù chúng ta là kẻ thù của Ngài, nan đề chúng ta là nan đề của Ngài. Do đó dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra chúng ta hãy nhận biết không có gì có thể chống nghịch và phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong Đấng Christ. Đức Chúa Trời sẽ không tiếc ban bất cứ điều gì khi chúng ta xin Ngài theo như ý Ngài. Sứ đồ Phao-lô đã quả quyết nói:
Đấng thật đã không tiếc chính Con Ngài nhưng đã phó Con ấy vì tất cả chúng ta thì làm sao mà Ngài chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta? (Xem Rô-ma 8:31-39)
Chim bồ câu
(Ma-thi-ơ 3:16,17; 10:16; Giăng 1:32).
Ý nghĩa tinh khiết và hiền lành; Ngài là Đấng Bình An. Đức Thánh Linh đại diện cho hòa bình, tinh khiết và vô hại (Ma-thi-ơ 10:16). Chim bồ câu tượng trưng cho sự nhạy cảm dễ bay đi nếu nó cảm thấy điều gì mà nó sợ và không thoải mái. Nếu chúng ta làm Ngài buồn lòng Ngài sẽ rời chúng ta, đây là điều rất đáng sợ. Vua Đa-vít đã nói trong Thi Thiên 51:11, “Xin đừng từ bỏ con khỏi mặt Chúa; Cũng đừng cất Thánh Linh Chúa khỏi con”. Bồ câu cũng biểu thị sự tận tụy và chung thủy – Bồ câu luôn biết trở về tổ của mình, nó hoàn toàn yêu bạn đời của mình giống như Chúa Thánh Linh không muốn rời chúng ta, Ngài yêu Hội Thánh và con cái Ngài.
Nước
(Thi thiên 87: 7; Giăng 4:7-15; 7: 37-39).
Đức Thánh Linh là Nước Hằng Sống, Đấng khiến chúng ta không còn khát nữa, mọi sự trên thế gian này khiến con người có và có thêm, nhưng Ngài ban chúng ta sự thỏa nguyện. Ngài làm sạch chúng ta khỏi tội lỗi, lo lắng sợ hãi và bối rối. Nước đóng vai trò rất quan trọng cho cuộc sống, không có nước con người sẽ chết khát, còn nước ô nhiểm sẽ đem đến bệnh tật.
Khi chúng ta tìm kiếm những gì của thế gian, xem, nghe, gần gủi những người tiêu cực chúng ta làm cho thân thể và linh hồn mình ô uế. Ngược lại nếu chúng ta chuyên tâm học Lời Chúa chú tâm vào những việc thiên thượng, thì Thánh Linh sẽ như nước làm sạch và làm mới chúng ta. Ngài thánh hóa chúng ta bằng nước và đạo (đạo nghĩa là lời Chúa). Đức Thánh Linh tác động qua Lời Chúa khi chúng ta học, đọc và suy ngẫm và ham muốn vâng Lời Chúa mỗi ngày (Ê-phê-sô 5:26), thì Lời Chúa sẽ giải phóng chúng ta (Giăng 8:31,32).
Sông
(Giăng 10:10; Giăng 7:38; Thi thiên 1:3).
Khi Đức Thánh Linh được nói đến như sông nghĩa là sự sống dư dật, phong phú và thịnh vượng. Trong Ê-xê-chi-ên 47:1-12, nước từ đền thờ chảy ra thành sông, rồi chảy ra biển, càng đi thì nước càng sâu, đi từ mắc cá chân đến ngập đầu và phải bơi lội.
Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật bò sát ở đó sẽ sống. Sẽ có rất nhiều cá khi nước này chảy đến đó và nước sẽ trở nên lành… Ngư phủ sẽ đứng trên bờ,… sẽ có những chỗ để giăng lưới; cá rất nhiều và đủ loại như cá ở Biển Lớn…. Dọc theo hai bên bờ sông, người ta sẽ trồng đủ loại cây ăn trái, lá sẽ không tàn, trái không dứt; mỗi tháng cây đều sinh trái nhờ nước từ đền thờ chảy ra. Trái sẽ dùng làm thực phẩm và lá làm thuốc.
Ê-xê-chi-ên 47:8-11
Điều này nói đến cuộc đời sống dầm mình trong Thánh Linh, thì Nước hằng sống chảy từ đền thờ nơi Thánh Linh ngự trong chúng ta chảy ra thành sông rồi đến biển. Nếu chúng ta cứ tiếp tục bước theo Thánh Linh và sống trong Ngài, thì càng lúc Ngài sẽ dẫn chúng ta chìm sâu và ngập trong dòng sông sự sống của Ngài. Nguồn sự sống chảy từ bên trong chúng ta, đem chữa lành, sự sống và sự sung túc không hề dứt cho chúng ta và đến những người chung quanh.
Mưa
(Thi Thiên 72:6; Ô-sê 6:3; Giô-ên 2:23-29; Ê-sai 28:11,12).
Khi Thánh Linh được nói đến với biểu tượng là mưa. Mưa mang hai ý nghĩa. Một là nói lên sự sảng khoái, tươi mới. Khi mưa đến thì đất không còn khô hạn nhưng sinh hoa lợi. Khi mưa đến mọi sự phát triển rất nhanh. Thứ hai mưa là sự phục hưng và hồi sinh những gì đã mất. Ô-suê đã nói Thánh Linh sẽ đến như cơn mưa đầu mùa và cuối mùa để đem đến sự phấn hưng cho chúng ta. Ngài chắc chắn sẽ đến, dù cuộc đời đầy nan đề của chúng ta có tối tăm cách mấy, chúng ta sẽ thấy bình minh, nếu chúng ta gắng sức tìm biết Chúa và dầm thấm mình trong Ngài.
Chúng ta hãy tìm biết, Hãy gắng sức tìm biết CHÚA. Ngài sẽ ra khỏi nơi ngự Ngài, và đến với chúng ta, Chắc chắn như hừng đông đến, Như mưa đầu mùa thu, như mưa cuối mùa xuân tưới nhuần đất đai
Ô-suê 6:3
Những người gắng sức tìm biết Chúa không chỉ được Đức Thánh Linh đến phục hưng đời sống họ, nhưng Ngài đến giúp họ đạt những thành tích chói lọi, như lời thiên sứ nói với Đa-ni-ên như sau: “Những người biết Đức Chúa Trời của mình sẽ mạnh mẽ và thực hiện những thành tích chói lọi” (Đa-ni-ên 11:32 Tác giả dịch theo Bản NKJV – the people who know their God shall be strong, and carry out great exploits).
Gió hay hơi thở
(Sáng 2: 7; Ê-xê-chi-ên 37: 9; Giăng 3:8; Thi thiên 1:4; Xuất Hành 14:22; Dân số 11:31; Công vụ 2:1; 2: 2).
Đức Thánh Linh mang biểu tượng như là gió và hơi thở, Ngài mang sự tươi mát, sức sống và quyền năng của Đức Chúa Trời, là quyền năng vô hình. Gió Thánh Linh đã vận hành trong việc sáng tạo vũ trụ. Khi gió Thánh Linh thổi đến thì biển đỏ dồn nước lại và nước rẽ ra và làm cho biển trở thành đất khô. Gió thổi đem đến sự cung ứng thức ăn chim cút cho dân Y-sơ-ra-ên. Khi gió và hơi thở thổi Thánh Linh đến thì thung lũng hài cốt khô trở thành đạo binh. Gió thổi làm kẻ ác biến mất. Khi gió thổi vào phòng cao thì các môn đệ đi ra giảng Tin Lành và có nhiều người được cứu.
Gió không lệ thuộc vào con người và không thể bị kiểm soát. Giống như Chúa Thánh Linh không thể bị kiểm soát hay thao túng. Chúng ta chỉ có thể nhờ sức Ngài, vâng phục và đi theo sự hướng dẫn của Ngài. “Vì tất cả những ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt đều là con của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:14). Từ đó chúng ta sẽ thấy công việc của Đức Chúa vận hành qua chúng ta như Lời Chúa đã phán:
Chẳng phải bởi quyền thế, cũng chẳng phải bởi năng lực, Nhưng bởi Thần Ta, CHÚA Vạn Quân phán
Xa-cha-ri 4:6
Lửa
(Xuất Hành 13:21; Công vụ 2: 3; Hê-bơ-rơ 12:29).
Lửa nói đến sự hiện diện liên tục của Chúa Thánh Linh, như lửa cần phải cháy luôn trong đền thờ. Ngài thanh tẩy, bảo vệ, chiếu sáng, rèn thử, phán xét và hủy diệt. Trong Ma-thi-ơ 3:11, Giăng Báp-tít nói rằng Chúa Giê-su sẽ đến làm Báp-tem bằng Thánh Linh và bằng lửa. Môi-se căn dặn dân Y-sơ-ra-ên không được thờ các thần khác, “Vì Chúa, Ðức Chúa Trời của anh chị em, là ngọn lửa hay thiêu đốt, một Vị Thần ghen tương” (Phục Truyền 4:24 – BD 2016). Do đó, chúng ta cần tránh không để bất cứ điều gì ưu tiên hơn Chúa, đừng để Ngài buồn và đừng chọc giận Ngài. Hãy khao khát gặp mặt Chúa, Ngài sẽ đến như lửa, những ai đã gặp Ngài cuộc đời và số phận họ được Ngài thay đổi. Họ sẽ bước đi trong sứ mạng thánh Ngài như Môi-se. Họ là sứ giả của lửa. (Xuất Hành 1; 24:17; 1 Các vua 18:20-40).
Lửa và mây đồng thời nói đến sự hiện diện vinh hiển của Chúa. Như sự hiện diện của Ngài trong đồng vắng với dân Y-sơ-ra-ên. Sự hiện diện Chúa khi Vua Sa-lô-môn cung hiến đền thờ (Xuất Hành 13:21,22; 1 Các Vua 8:10-12).
Dầu
(Lu-ca 4:18; Giăng 8:12; 1 Giăng 2:27; Công vụ 10:38; Hê-bơ-rơ 1: 9; Ê-sai 10:27).
Dầu mang ý nghĩa đem đến ánh sáng xóa tan bóng đêm, soi sáng để biết lẽ thật. Thánh Linh là vị Giáo Sư tuyệt vời sự xức dầu của Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự, và dạy chúng ta hãy ở trong Ngài. Sự xức dầu dẫn dắt, định hướng đưa đến đúng nơi, đem quyền năng chữa lành, hủy diệt ách và giải cứu khỏi sự áp bức của ma quỷ. Dầu cũng nói lên sự biệt riêng và chấp thuận khi Chúa kêu gọi và phong chức. Sứ đồ Phi-e-rơ đã làm chứng khi nhìn thấy tác động của sự xức dầu Thánh Linh trên chức vụ Chúa Giê-su, ông nói:
Thế nào Đức Chúa Trời đã xức dầu Đức Giê-su ở Na-xa-rét bằng Thánh Linh và quyền năng, Ngài đi khắp nơi làm việc phúc đức và chữa lành tất cả những người bị quyền lực quỷ vương áp bức, vì Đức Chúa Trời ở với Ngài.
Công vụ 10:38
Sương móc
(Thi thiên 110:3; 133:2,3; Châm ngôn 19:12; Ô-suê 6:4; 14:5).
Đức Thánh Linh được nói đến như sương móc, Ngài đem đến sự mầu mỡ, trù phú, ân sủng, đặc ân và làm mới lại. Sương móc chỉ xuất hiện khi nhiệt độ và thời tiết phù hợp. Chúng ta không thể tạo nên sương móc, nhưng chúng ta có thể tạo môi trường để Ngài đến đem sương móc hay ân huệ trên cuộc đời chúng ta. Một trong môi trường mà chúng ta có thể tạo nên, để Ngài đem sương móc đó là đời sống luôn vâng lời, sống đẹp lòng Chúa. Sống yêu thương hòa thuận hiệp một thì sương móc sẽ xuất hiện như Thi thiên 133.
Rượu
(Châm ngôn 20:1; Phi-e-rơ 4:3; Rô-ma 13:13; Truyền đạo 9:7).
Cuộc đời say xỉn theo Kinh Thánh được kể là tội vì sống theo xác thịt. Rượu nho theo Kinh Thánh đại diện cho sự thịnh vượng, lễ hội vui mừng, niềm vui và Chúa Thánh Linh. Trong Sách Ê-phê-sô 5:18, sứ đồ Phao-lô ngăn cấm và dạy rằng “Đừng say rượu, vì rượu đưa đến trụy lạc, nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh”. Trong Sách Công vụ 2:1-15, khi Chúa Thánh Linh giáng trên các môn đồ, khiến họ giống như người say rượu, nên dân chúng lầm tưởng và nói những môn đồ này say rượu. Cơ-đốc nhân không cần rượu để trải nghiệm niềm vui. Rượu chỉ là vật giả mạo của những gì Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta. Chúa Thánh Linh là rượu của Thiên đàng không gì so sánh được, khiến chúng ta vui vẻ, say mê và ghiền Ngài, nếu chúng ta tiếp tục nếm biết Ngài.
Chúa Giê-su quở trách người Pha-ri-si và dạy cho chúng ta là phải cận trọng. Ngài dùng ví dụ nói đến phải loại bỏ những tội lỗi, đời sống cũ, những truyền thống, lễ nghi và những giáo nghi khiến chúng ta là bình da cũ và Thánh Linh không thể tuôn đổ vào đời sống và Hội Thánh chúng ta. Chúa Giê-su căn dặn như sau:
Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm như thế, bầu da sẽ nứt, rượu chảy hết mà bầu cũng hư; nhưng người ta đổ rượu mới vào bầu da mới, thế là giữ được cả hai
Ma-thi-ơ 9:17
[bs_smart_list_pack_end][/bs_smart_list_pack_end]
Người Dọn Đường & Phạm Phi Phi
(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)