Để đèn ở trên chân đèn; tầm quan trọng của sự lắng nghe – Mác 4:21-25

Share

Các câu Kinh Thánh này nhằm thu hút sự chú ý của người nghe vào câu chuyện ngụ ngôn về người gieo giống. Những câu chuyện súc tích, được diễn đạt bằng cách ngôn rất đáng chú ý. Chúng được sắp đặt cách rõ ràng để thu hút một người thiếu hiểu biết chịu lắng nghe. Chúng thường tấn công và đọng lại trong ký ức khi người ta quên mất ý chính của bài giảng. Từ các câu Kinh Thánh này, chúng ta học được rằng mình không chỉ nhận được sự hiểu biết mà còn phải truyền đạt sự hiểu biết ấy cho người khác nữa.

  1. Chúng ta phải truyền đạt kiến thức của mình cho người khác

Không ai thắp đèn xong lại đem giấu đi, mà phải đặt nó ở trên chân đèn để sử dụng. Ánh sáng của Tin lành không chỉ phát cho người ta dùng cách ích kỷ, mà phải đem đến ích lợi cho người khác nữa. Chúng ta phải cố gắng rao truyền và phổ biến những điều mình đã biết. Chúng ta phải cho người khác thấy báu vật mà mình đã tìm được và thuyết phục họ đi tìm điều đó. Chúng ta phải cho người ta biết Tin lành mà mình đã nghe và cố gắng giúp họ tin nhận và quý trọng Tin lành đó.

Tất cả chúng ta sẽ chịu trách nhiệm cho chính cách sử dụng kiến thức của mình. Những quyển sách của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét sẽ phơi bày những điều chúng ta đã làm. Nếu chúng ta chôn giấu ta-lâng của mình ở dưới đất – nếu chúng ta thỏa lòng với Cơ Đốc giáo lười biếng, nhàn rỗi, không làm gì cả và không quan tâm đến những điều xảy ra với người khác, miễn là chúng ta được vào thiên quốc – thì ngày cuối cùng sẽ là một ngày rất đáng sợ. 

Vì chẳng có điều chi kín mà không phải lộ ra. Cơ Đốc nhân phải ghi nhớ những điều này trong lòng.

Đã đến lúc truyền thống xưa cũ – chỉ có hàng giáo phẩm mới có thể giảng dạy và truyền đạo – phải bị tiêu tan và loại bỏ mãi mãi. Làm việc lành và lan tỏa sự sáng là một nghĩa vụ mà tất cả tín hữu trong Hội thánh của Đấng Christ phải chịu trách nhiệm, dù là người hầu việc Chúa hoặc là một tín hữu bình thường đi chăng nữa. Hàng xóm láng giềng phải nói với người lân cận biết mình đã tìm được phương thuốc trong thời kỳ tai họa này. Cơ Đốc nhân phải nói với người khác biết mình đã tìm được phương thuốc cho linh hồn nếu thấy những người đó ngu muội và bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết. Sứ đồ Phi-e-rơ nói gì? Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau (1 Phi-e-rơ 4:10). Ấy sẽ là những ngày tháng hạnh phúc cho Hội thánh khi họ làm theo Lời Chúa.

  1. Tầm quan trọng của việc suy gẫm những điều đã nghe

Thứ hai, từ mấy câu Kinh Thánh này, chúng ta học được tầm quan trọng của việc lắng nghe và suy xét kỹ những điều đã nghe.

Đây là một điểm mà Chúa của chúng ta rất quan tâm. Chúng ta đã thấy điều đó trong câu chuyện ngụ ngôn về người gieo giống. Chúng ta thấy điều này được củng cố bằng hai cụm từ đáng chú ý: Nếu ai có tai mà nghe, hãy nghe! Hãy cẩn thận với điều mình đã nghe.

Hãy lắng nghe chân lý là con đường chính đáng mà ân điển được ban cho linh hồn của loài người. Đức tin đến bởi sự người ta nghe (Rô-ma 10:17). Một trong những bước đầu tiên để được cải đạo là Đức Thánh Linh ban cho chúng ta một lỗ tai thiêng liêng. Loài người hiếm khi ăn năn và tin nhận Đấng Christ mà không lắng nghe. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở tín hữu ở Ê-phê-sô một quy tắc chung đó là: Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin (Ê-phê-sô 1:13).

Chúng ta hãy ghi nhớ điều này khi nghe thấy giảng luận được coi là một công cụ của ân điển. Loài người luôn tìm cách trục xuất công cụ này khỏi vị trí cao trọng mà Kinh thánh đã bày tỏ. Nhiều người lớn tiếng tuyên bố rằng điều quan trọng là linh hồn cần nghe đọc Kinh Thánh và dự Lễ tiệc thánh hơn là nghe giảng giải Lời Chúa. Chúng ta phải cẩn thận trước những khái niệm như thế. Chúng ta phải nhớ rằng nghe Lời Chúa là một trong những công cụ hàng đầu của ân điển mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người. Chúng ta hãy đánh giá đúng từng công cụ và nghi lễ khác sao cho phù hợp. Nhưng đừng bao giờ quên mấy lời của sứ đồ Phao-lô: Chớ khinh dể các lời tiên tri (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:20), và trọng trách mà ông giao phó cho Ti-mô-thê trước khi chết: Hãy giảng đạo (2 Ti-mô-thê 4:2).

  1. Sử dụng những công cụ ân điển

Cuối cùng, từ mấy câu Kinh Thánh này, chúng ta học được tầm quan trọng của việc chăm chỉ tận dụng những công cụ của ân điển. Chúa phán gì? “Người ta sẽ . . . thêm vào đó nữa. Vì sẽ ban thêm cho kẻ nào có; nhưng kẻ nào không có, sẽ bị cất lấy điều mình đã có”.

Đây là một nguyên tắc mà chúng ta thấy Kinh Thánh lặp lại rất nhiều lần. Tất cả mọi điều người tin Chúa phải làm là tin chắc vào ân điển. Sự ăn năn, đức tin và sự thánh khiết của họ đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Nhưng sự sâu sắc của người tin Chúa ở trong ân điển tùy thuộc vào sự chăm chỉ tận dụng những công cụ và nếp sống trung tín ở dưới sự sáng và theo sự hiểu biết của người đó. Sự biếng nhác và lười biếng luôn bị Lời của Đức Chúa Trời khiển trách. Sự lao nhọc và đau đớn khi lắng nghe, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện luôn có phần thưởng. Lòng người siêng năng sẽ được no nê (Châm ngôn 13:4). Linh hồn trễ nải sẽ bị đói khát (Châm ngôn 19:15).

Hãy chú ý, vì nguyên tắc vĩ đại này là bí mật của sự giàu có thuộc linh. Người nào tiến bộ nhanh chóng trong các thành tựu thuộc linh – tức là tăng trưởng cách rõ rệt trong ân điển, sự hiểu biết, sức lực và năng lực – sẽ luôn được coi là người chăm chỉ. Người đó sẽ không bỏ sót bất kỳ điều gì có thể dùng để nuôi dưỡng linh hồn của mình. Người đó chăm chỉ đọc Kinh Thánh, chăm chỉ tĩnh nguyện, chăm chỉ nghe giảng và chăm chỉ dự Lễ tiệc thánh. Người đó sẽ gieo gì gặt nấy. Cơ bắp trên cơ thể được tăng cường bằng cách tập thể dục thường xuyên thể nào, thì ân điển được ban cho linh hồn cũng gia tăng bằng cách chăm chỉ sử dụng ân điển thể ấy.

Chúng ta có muốn lớn lên trong ân điển không? Chúng ta muốn có đức tin mạnh mẽ hơn, có lòng trông cậy và hiểu biết rõ ràng hơn không? Nếu chúng ta là Cơ Đốc nhân thật thì chắc chắn sẽ có những khao khát ấy. Vậy thì, hãy sống trọn vẹn ở trong sự sáng và tận dụng mọi cơ hội. Đừng bao giờ quên Lời Chúa dạy ở trong phân đoạn này. Linh hồn “sẽ đong” cho chúng ta “bằng lường” mà mình đã đong cho nó. Chúng ta càng chăm sóc linh hồn của mình chừng nào, thì chúng ta sẽ càng thấy Đức Chúa Trời chăm lo cho mình chừng ấy.

 

 

 

Nguồn: https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan