Đồng Vắng Là Gì?

Share

Đồng Vắng Là Gì? May quá, phần lớn trong chúng ta chưa ai phải sống ở đồng vắng thật sự, một cái sa mạc khan hiếm nước và không tìm thấy bóng mát. Ban ngày thì nóng, còn ban đêm thì lạnh, và chúng ta thì cô độc, vừa khát vừa đói. Tệ hơn nữa, chúng ta đã bị lạc lối và không biết cách nào thoát ra. 

Có thể cơ đốc nhân chưa trải qua kinh nghiệm đó, nhưng chúng ta đều đã có những cảm xúc đồng vắng. Tôi sẽ chia sẻ một số biến cố chính từ những kinh nghiệm đồng vắng của tôi – tôi đã trải qua một số kinh nghiệm đồng vắng, và không có một trải nghiệm nào trong đó mà giống như chuyến đi dã ngoại cả! 

Tin mừng là đồng vắng không nhất thiết là một giai đoạn tiêu cực nếu chúng ta khao khát vâng lời Chúa. Tôi biết điều này nghe có vẻ lạ, nhưng đồng vắng có mục đích rất tích cực: để huấn luyện, để thánh hoá, để củng cố và để chuẩn bị chúng ta cho sự vận hành tươi mới của Thánh Linh, kết quả là chúng ta trở nên kết quả hơn. Nhưng vô tình là khi trải qua kinh nghiệm đồng vắng, nhiều tín đồ hoang mang và hành xử thiếu khôn ngoan. Do không hiểu biết, họ tìm kiếm sai mục đích và làm nhiều chuyện sai trật. Một ví dụ thực tế đó là một sự thay đổi đột ngột trong nghề nghiệp hay một sự thay đổi hội thánh – hay bất kỳ sự biến chuyển nào mà họ nghĩ sẽ mang lại hạnh phúc và trở lại cuộc sống bình thường. Đối với một người độc thân, đó có thể là bước vào một mối quan hệ mới sau khi có sự chia tay đau đớn trước đó. 

Nếu bạn tìm kiếm một lối thoát trước khi hiểu tại sao Chúa đặt bạn trong một hoàn cảnh khô hạn nào đó, bạn sẽ vô tình kéo dài thời gian đồng vắng của mình. Việc này có thể gây ra thêm sự khó khăn, sự thất vọng và thậm chí là sự thất bại, vì bạn không hiểu thời kỳ hay địa điểm mà Chúa đã dẫn bạn tới. Điều này đúng với dân Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi năm đồng vắng của họ. Do thiếu hiểu biết về những gì đang xảy ra cho họ đã khiến cả một thế hệ không xứng đáng để hưởng Xứ Hứa. 

Thật là một thảm kịch! Mục đích của Chúa trong việc dẫn họ vào đồng vắng là để thử thách, huấn luyện và trang bị họ để họ trở thành các dũng sĩ mạnh mẽ có khả năng đánh thắng và chiếm hữu lời hứa của Chúa – một quê hương mới. 

Nhưng thay vào đó dân Y-sơ-ra-ên đã nhận thức sai lầm rằng đồng vắng là một hình phạt; vì thế họ than phiền, lằm bằm và ham muốn đủ điều. 

Khi đến thời điểm để họ ra khỏi đồng vắng và chinh phục Xứ Hứa, sau khi các thám tử trở về và đưa ra lời báo cáo do thám, thì dân sự lại chú ý đến báo cáo xấu của những người hay than phiền và lằm bằm. Đứng trước việc chọn lựa giữa các lời hứa và khả năng của Chúa với quan điểm cùng sự bất lực của con người, họ đã chọn tin con người hơn là Đức Chúa Trời. Họ đã bị thuyết phục bởi những lời nói dối rằng họ sẽ chuốt lấy thất bại và không nhận xứ đượm sữa và mật. Chính việc thiếu hiểu biết về bản chất và phẩm tính của Chúa đã khiến họ hành động một cách xấu xa. Nên Chúa đã phán rất nhiều lần, “Thôi được, cứ làm theo ý các ngươi đi.” Sự việc đáng lý chỉ là một hành trình ngắn ngủi ngang qua đồng vắng chỉ mất một năm đã trở thành một kinh nghiệm cả đời. 

Thôi rồi! Bạn và tôi không muốn một quyết định như thế ghi trong lý lịch của chúng ta! Nhưng chúng ta có thể học từ các sai lầm của dân Y-sơ-ra-ên, như sứ đồ Phao-lô chỉ ra: “Những điều này đã xảy ra cho họ như là một bài học và cũng được ghi chép lại để làm gương cảnh báo chúng ta, là những người sống vào thời đại cuối cùng này.” (1 Cô-rinh-tô 10:11). Nếu chúng ta có thể học để nhận biết khi nào chúng ta bước vào kinh nghiệm đồng vắng, thay vì trách móc và than phiền, chúng ta hãy biết ơn, vì biết rằng vượt qua nơi này là đến “xứ hứa” của sự trưởng thành, của quyền năng, của các phước hạnh, của những cơ hội và lời hứa được ứng nghiệm. Như thế sẽ làm cho thời điểm khó khăn đó trở nên bớt khó khăn hơn sao? 

Lúc đó chúng ta sẽ đồng ý với Gia-cơ, khi ông viết:

Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng… kiên nhẫn có hoàn tất công việc thì anh chị em mới trưởng thành, toàn vẹn, không thiếu sót gì. (Gia-cơ 1:2, 4)

Chúa Đang Làm Điều Tốt Đẹp! Đồng vắng không phải là thời điểm để tìm kiếm các dấu hiệu, các phước hạnh, tìm kiếm đời sống sung mãn hay điều gì đó lạ lùng, mà là thời điểm để tìm kiếm tấm lòng của Chúa, để qua đó sản sinh ra phẩm cách và sức mạnh trong bạn. Đó là thời gian để duy trì khải tượng. Còn nếu không có cái nhìn rõ ràng về lời hứa của Chúa trong lòng, thì thời điểm này sẽ gây ra sự nản lòng và nuôi dưỡng sự than phiền. Nếu bạn hiểu được bạn đang ở vị trí nào trong cuộc sống, thì bạn sẽ có cái nhìn đúng về đời sống bạn. Sau đó bạn nhìn thấy cánh tay của Chúa, thậm chí bạn không cảm thấy sự đụng chạm của Ngài. Đây là lúc tình yêu của bạn dành cho Ngài sẽ đạt đến sự trưởng thành, vượt trên kinh nghiệm “Ngài sẽ làm gì để chúc phước cho tôi đây?” và tiến tới chỗ “Ngài mong gì nơi tôi?” 

Từ đầu tôi đã nói đến nỗi thất vọng mà ông Gióp ngày xưa đã thể hiện, đó là cách ông không hiểu hết những gì Chúa đang làm. Dù ông xoay qua phía nào, ông cũng không tìm thấy Chúa! Nếu đó là kết cuộc của việc dò tìm của ông Gióp thì hậu quả là ông sẽ thất vọng vô cùng. Nhưng ông Gióp đã không rơi vào nỗi thất vọng mà ông lại nói ra những lời đầy đức tin và hy vọng này:

Nhưng Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài rèn luyện tôi, tôi sẽ ra như vàng.

Gióp 23:10

Thật là một cái nhìn bức phá! Dù chúng ta cảm thấy khó mà biết được hết Chúa sẽ đem chúng ta tới đâu, nhưng Chúa thì biết hết rồi. Chúng ta có thể tin cậy Ngài hoàn toàn, bởi vì như sứ đồ Phao-lô viết, “Tôi tin chắc điều này, Đấng đã bắt đầu làm một việc tốt lành trong anh chị em cũng sẽ hoàn thành việc đó cho đến ngày của Chúa Cứu Thế Giê-su.” (Phi-líp 1:6). Và chúng ta biết đó là lẽ thật…ngay cả khi ở trong đồng vắng.

 

John Bevere (Chúa Ơi, Ngài Ở Đâu ?)

(Nguồn: vietchristian.com)

 

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan