Từ thông báo tin tức ‘nóng hổi’ trên màn hình điện thoại, cho đến mạng xã hội, cùng với các cuộc bàn tán xôn xao tại cơ quan làm việc, xung quanh chúng ta luôn tràn ngập các tiêu đề ‘giật gân’.
Không giống như thế hệ trước, khi mà tin tức được đưa đến qua tờ báo mỗi sáng, hoặc được phát trên tivi mỗi tối, ngày nay chúng ta buộc phải dành nhiều thời gian để suy nghĩ và xử lý rất nhiều thông tin, thật giả lẫn lộn.
Cơ Đốc nhân phải xử lý điều này thế nào cho tốt? Một mặt, chúng ta nên chống lại ý nghĩ rằng lúc nào mình cũng phải biết và bình luận công khai về mọi tin tức. Mặt khác, chúng ta không thể yêu thương những người lân cận như Chúa Jêsus đã truyền nếu cứ giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vậy Cơ Đốc nhân phải sàng lọc tin tức ra sao?
Dưới đây là 6 câu hỏi chúng ta cần trả lời:
1. TÔI CÓ BIẾT TOÀN BỘ CÂU CHUYỆN KHÔNG?
Thật dễ để nghĩ rằng chúng ta biết toàn bộ câu chuyện khi chỉ mới lướt qua một dòng tiêu đề.
Ngày nay chúng ta chỉ đọc lướt và viết một cách ngắn gọn về các chi tiết thực tế. Nhưng nếu thực sự quan tâm đến sự thật, chúng ta không thể nêu quan điểm khi chưa biết được tất cả các sự kiện.
Đây là lúc để áp dụng những lời khôn ngoan của Gia-cơ cho Hội Thánh vào thế kỷ thứ nhất, với một chút thay đổi về cách áp dụng: Hãy nhanh chóng lắng nghe toàn bộ câu chuyện, chậm nêu ý kiến, chậm giận (Gia-cơ 1:19).
2. NHÀ BÁO VÀ MẠNG XÃ HỘI CÓ ĐÁNG TIN CẬY KHÔNG?
Đừng để ý đến những tiêu đề mang tính chất kích động và sao chép lừa đảo, cố ý bẻ cong câu chuyện theo hướng tiêu cực.
Thật đáng buồn vì có rất nhiều ấn phẩm, kể cả ấn phẩm Cơ Đốc, được xây dựng dựa trên chủ nghĩa ‘giật gân’ và chỉ nói một nửa sự thật. Nếu một tiêu đề quá tốt, quá xấu hoặc quá giật gân, rất có thể đó không phải là sự thật. Và ngay cả trong các hãng truyền thông lâu đời hơn, hãy tìm hiểu xem nhà báo nào thường lên tiếng công bằng và nhà báo nào đang cố khơi mào những câu chuyện ‘giật gân’.
3. TÔI CÓ SẴN SÀNG TỔNG HỢP TIN TỨC TỪ NHIỀU NGUỒN KHÔNG?
Nếu thực sự muốn hiểu biết và truyền đạt “điều gì chân thật” (Phi-líp 4:8), chúng ta phải sẵn sàng gạt bỏ “lăng kính thành kiến” của mình khi xử lý tin tức.
Ví dụ, tôi là một người bảo thủ. Nếu không cẩn thận, tôi sẽ chỉ đọc tin tức từ những tờ báo có khuynh hướng bảo thủ. Cám dỗ cũng tương tự đối với những người cầu tiến.
Chúng ta cần đọc nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng ta sẵn sàng đối mặt và tìm kiếm sự thật, dù điều đó có là gì đi nữa. Đôi khi, đọc các bài báo dài hơn và nghe chương trình phát thanh cũng giúp chúng ta cảm nhận đầy đủ hơn về những gì đang xảy ra, thay vì dựa vào các loạt thông tin ngắn và thiếu sót.
4. TÔI CÓ SẴN SÀNG NGHE TIN XẤU VỀ QUAN ĐIỂM MÀ TÔI ỦNG HỘ?
Tất cả chúng ta thường mắc phải một xu hướng gọi là “thành kiến xác nhận”. Đây là xu hướng tin vào những tin tức tốt nhất về quan điểm mà chúng ta ủng hộ, và tin vào những điều xấu xa về quan điểm mà chúng ta đối đầu.
Xu hướng này đặc biệt nghiêm trọng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta thảo luận về chính trị trên mạng xã hội, vì chính trị ngày càng thay thế tôn giáo trong vai trò ý nghĩa và mục đích sống. Cơ Đốc nhân cần chống lại điều này, vì chúng ta đã xưng nhận sự bất toàn và bản chất tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời. Chúng ta nên sẵn lòng thừa nhận lỗ hổng trong các đảng phái hoặc phong trào mình ủng hộ, cũng như sẵn sàng thừa nhận điểm tích cực của các đảng phái và phong trào khác.
Bên cạnh đó, khi chống lại xu hướng “thành kiến xác nhận”, chúng ta sẽ tránh khỏi nội dung ‘giật gân’ đã đề cập ở trên.
5. TÔI CÓ ĐỦ HIỂU BIẾT ĐỂ BÌNH LUẬN VỀ VẤN ĐỀ NÀY KHÔNG?
Mạng xã hội thường thúc đẩy bạn bình luận về mọi tin tức từ mọi nguồn. Nhưng thật ra, bạn không cần phải bình luận về mọi bài đăng. Đôi khi, chúng ta chỉ cần đọc tin tức và không bày tỏ ý kiến gì cả. Tốt nhất là hãy chỉ nói về những vấn đề mà mình hiểu rõ.
Châm ngôn 17:28 là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho thời đại truyền thông xã hội: “Khi giữ im lặng, dù người ngu dại cũng được kể là khôn ngoan, người biết kiềm chế môi miệng được xem là thông sáng.”
6. LIỆU NHỮNG LỜI TÔI NÓI CÓ ĐỦ GÂY DỰNG ĐỂ KHƠI MÀO MỘT CUỘC TRÒ CHUYỆN LÀNH MẠNH KHÔNG?
Ngay cả khi đã hiểu rõ về một tin tức nào đó, chúng ta vẫn nên tự hỏi xem liệu bình luận của mình có khơi mào một cuộc trò chuyện lành mạnh giữa mọi người hay không. Chúng ta thường nghĩ rằng bình luận thật nhiệt thành sẽ có thể thuyết phục người khác thay đổi ý kiến của họ về một vấn đề nào đó. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên sử dụng ngôn từ mạnh mẽ để lên tiếng chống lại điều xấu, tuy nhiên hầu hết những lúc chúng ta nghĩ rằng mình chính là “nhà tiên tri” lên tiếng để thay đổi thế giới, thật ra chúng ta chỉ đang hành động một cách bốc đồng.
Có lẽ những câu hỏi này sẽ giúp Cơ Đốc nhân chúng ta suy nghĩ khôn ngoan hơn về việc đọc và phản ứng với tin tức. Điều này giúp chúng ta không trôi theo dòng chảy của mạng xã hội, nơi mà các bài tường thuật và ý kiến thường được hình thành với cảm xúc bốc đồng và thiếu dữ kiện thực tế. Điều quan trọng là tín đồ của Chúa Jêsus phải sáng suốt khi đối diện với tin tức mỗi ngày, để có thể đánh giá chính xác về những gì đang diễn ra, và yêu thương những người lân cận một cách trọn vẹn hơn.
(Nguồn: oneway.vn)