ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ TIỀN BẠC

Share

Bạn hãy thò tay vào túi và lấy ra một đôla nếu có. Mở rộng tờ bạc ra và nhìn vào đó. Hãy nhìn vào mặt trước, có các hình vẽ và hình in khắc, lật sang bên kia và nhìn vào các dấu hiệu đặc biệt trên mặt sau. Nó là một tờ giấy ,được in khắc với sự pha trộn của mực đen và xanh lá. Một tờ giấy chứng nhận có giá trị cao với những sợi lông chỉ xanh đỏ trên nó. Đó chỉ là một tờ giấy và mực. Mỗi năm, chính phủ Hoa kỳ phát hành 1.600.000.000 tờ giấy bạc một đôla; bốn, năm tỉ tờ năm, mười, hai mươi, năm mươi và một trăm đôla. Những tấm giấy lớn màu xanh lá cây chạy qua máy in, được cắt và niêm cẩn thận, rồi chuyên chở đến các nhà băng trên toàn quốc để được cất giữ.

Đó là một loại hàng hóa đặc biệt, những chiếc máy in tương tự chỉ có thể sản xuất dễ dàng các thứ nhãn hiệu đủ loại. Nhưng những máy in tiền là thứ giấy cho phép giá trị công việc hoặc sản phẩm của một người được chuyển đổi thành một hình thức mà người ta có thể mang trong túi và trao đổi với các thứ hàng hóa khác hoặc các dịch vụ mà người đó cần, thậm chí mang theo đến nửa vòng trái đất cũng được. Đó là tiền.

Tuy nhiên, điều gì đó trong những mảnh giấy được in khắc này có thể hủy hoại một cuộc hôn nhân hoặc làm cho người nam người nữ phải hy sinh thì giờ nhàn nhã với gia đình và bạn bè, thậm chí cả sức khỏe để kiếm được chúng. Tờ giấy vô tội mà bạn đang cầm trên tay đã xô đẩy các thanh niên sống trong thành phố dụ dỗ các bạn bè họ nếm thử các chất kích thích giết người. Nó đã làm hỏng sự công nghĩa của người muốn bắt đầu đời sống ngay thẳng theo luật pháp. Lòng tham muốn tiền bạc đã dẫn người lớn đến chỗ thi hành cho trẻ những điều xấu xa không thể tả xiết, làm cho hàng triệu trẻ em phải ở trong tình trạng bị kinh doanh mại dâm. Sự tham muốn giàu sang thậm chí đã gây ra chiến tranh. Bằng cách nào đó, tiền bạc đã có được năng lực khủng khiếp để giành quyền kiểm soát linh hồn con người.

Sức mạnh của tiền bạc có thể mang lại sự sống hoặc sự chết. Tôi xin kể cho bạn nghe hai câu chuyện.

Gần 20 năm trước, có một người ở miền Nam bang California đã dâng 2.000 Mỹ kim cho tổ chức YWAM để mua một bất động sản nằm tại một quốc gia ở Nam Thái bình dương thuộc đảo Fiji, không xa phi trường ở Nadi lắm. Trong nhiều năm, bất động sản này đợi ở đấy. Cuối cùng, vào năm 1983, một đội ngũ do Neville Willson hướng dẫn đã đến để đi tiên phong trong một công tác lâu dài ở Fiji. Chúng tôi có kể về một số người trong câu chuyện của ông Neville trong chương trước. Họ bắt đầu sử dụng căn nhà đó, một cấu trúc xây dựng đơn giản, phần lớn giống như căn nhà của những người hàng xóm trong các cánh đồng mía. Căn nhà ấy được sử dụng cho rất nhiều công tác hầu việc, kể cả việc phát động một dây chuyền cầu nguyện liên tục 24 giờ cho công việc truyền giáo của từng quốc gia trên thế giới. Họ đã cầu nguyện liên tục kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1989 cho đến nay, hơn 24.000 giờ, cho những nơi như Mông cổ, Ả rập, Saudi và nước Nga.

Về cơ bản, họ chẳng bao giờ có nhiều tiền bạc, nhưng họ có những tham vọng lớn để ảnh hưởng đến các quốc gia. Tám nhà truyền giáo người đảo Fiji đã đến những nơi như Ấn độ và các quốc gia khác nữa. Họ cũng muốn thực hiện một cuộc thay đổi ở tại đảo Fiji. Vì vậy, họ bắt đầu giúp đỡ những đứa bé nghèo nhất trên đảo, là con em của các công nhân sống trong ruộng mía mà nhiều người trong số họ từ Ấn độ đến, bằng cách bắt đầu một trường dành cho những trẻ em trước tuổi đến trường.

Trong các trường tiểu học của người Ấn độ ở tại Fiji, những đứa trẻ học giỏi được ngồi chỗ danh dự trên các hàng ghế đầu. Những em học kém thì phải ngồi ở các hàng ghế sau. Dân địa phương nói rằng con em của công nhân ruộng mía không bao giờ được ngồi ở các hàng ghế đầu. Từ nhiều thế hệ, chúng luôn học dở và cứ phải ngồi ở các hàng ghế sau. Ngày nay, nhờ có trường của hội YWAM dành cho trẻ trước tuổi đi học, con em của các công nhân ruộng mía đã được ngồi trên những dãy ghế đầu! Và một số phụ huynh của các em đã được hoán cải từ Ấn độ giáo đến chỗ đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus.

Tất cả những điều này, nào là trẻ em với một tương lai sáng lạng, các bậc cha mẹ với một đức tin mới mẻ, các nhà truyền giáo trẻ được sai phái ra đi sau một kỳ cầu nguyện kéo dài trên ba năm cho các dân tộc, đều là do một người từ California đã bằng lòng đầu tư 2.000 Mỹ kim cho công việc Chúa ở xa xôi mãi tận các hòn đảo của người Fiji. Như thử số tiền ấy đã đem lại sự sống, như một hạt giống được trồng và Đức Chúa Trời làm cho nó lớn lên.

Một người đàn ông tức giận bởi ai đó không chịu trả cho ông 8 Mỹ kim, đã bắn súng pháo vào căn hộ qua một cánh cửa sổ và trúng vào một chất dễ bắt lửa. Tòa nhà bị thiêu rụi, bốn mươi tám người không có chỗ ở, bảy người phải vào nhà thương và một em bé bị chết. Tất cả chỉ vì một vụ cãi vả và 8 Mỹ kim.

Vì sao tiền bạc lại có một sức mạnh ghê gớm như vậy trên con người?

Đức Chúa Trời nghĩ gì về tiền bạc? Ngài có xem nó như là một điều ác bắt buộc phải có không? Có phải Chúa Jesus đã đặt Đức Chúa Trời và tiền bạc vào hai vị thế chống nghịch nhau khi Ngài phán “Các ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa” không? (Mat Mt 6:24).

Tiền bạc không phải là điều xấu, nhưng yêu mến tiền bạc là một điều ác. Phao Lô nói rằng lòng yêu tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác (ITi1Tm 6:10). Tiền bạc tự nó không có gì là xấu cả. Nhưng chính vì tội lỗi ở trong tấm lòng con người, chính lòng yêu tiền bạc đã đem người ta đến chỗ đau đớn và nô lệ, ngay cả đối với những Cơ Đốc nhân. Tiền bạc cũng giống như một con tắc kè hoa, thay đổi màu sắc tùy theo tấm lòng của chủ nó.

Có loại tiền bạc được xem như thứ tiền ô uế hoặc “đồng tiền bị vấy máu”. Ngay đến các thầy tế lễ cả cũng hiểu được điều đó, họ đã từ chối cất lại tiền của Giuđa vào kho.

Tuy nhiên, tiền bạc tự nó không xấu. Nó chỉ là mảnh giấy có mang dấu mực. Tiền bạc và Đức Chúa Trời cũng không chống nghịch nhau. Thật ra, Đức Chúa Trời vẫn thường sử dụng tiền bạc như một công cụ hữu ích cho nhiều công việc. Ngài dùng tiền bạc, hoặc việc thiếu tiền bạc để thử luyện chúng ta, để xem điều có trong lòng chúng ta. Cách chúng ta sử dụng tiền bạc là đồng hồ đo lường giá trị ưu tiên của bạn.

Khi một người trúng lô xổ số của nhà nước, một trong những câu hỏi đầu tiên mà các phóng viên thường hỏi người ấy là “Anh sẽ làm gì với số tiền này?”. Điều chúng ta không nhận ra đó là Đức Chúa Trời cũng hay hỏi chúng ta câu hỏi đó đối với mỗi một đồng bạc được đặt vào tay chúng ta. Điều chúng ta thực hiện với số tiền mình có sẽ bộc lộ bản tánh của chúng ta. Nếu trung tín trong lãnh vực tiền bạc, Chúa Jesus phán rằng chúng ta cũng sẽ được giao cho những của cải thuộc linh (Luca 16:11)

Chúng ta cần nhận biết rằng việc thiếu thốn tiền bạc dứt khoát là điều đến từ Chúa cũng như việc được cung ứng tiền bạc vậy. Mới đây, trong lúc tôi đang trên một chuyến đi đến với các quốc gia đang phát triển, “khe suối” tài chánh của riêng tôi dường như đã bị cạn đi trong một lúc. Darlene về quê nhà tại Hawaii, mà không hề biết nguồn tài chánh của chúng tôi đã cạn kiệt như thế nào. Rồi ngày nọ, không còn tiền trong ngân hàng. Cũng chẳng còn tiền trong bất cứ chiếc ví nào. Vậy mà nàng lại đã lên chương trình đi ăn tiệm với một số bạn hữu. Nàng lục tìm khắp các tủ trong nhà để xem có đồng nào còn lạc loài. Và cuối cùng, dẫu không nhiều nhưng cũng vừa đủ ít nhất để trả cho nhà hàng mà nàng đã chọn.

Từ trước đến nay, tôi vẫn được nghe về việc những khe suối của người khác cạn kiệt, một số trường hợp còn nghiêm trọng hơn tình huống tạm thời nầy của chúng tôi nhiều. Một tôi tớ Chúa đã dốc đổ lòng ông ra với chúng tôi, ông nói ông và vợ đã chia xẻ những nhu cầu của công tác chức vụ trong các hội thánh suốt một năm mà không hề nhận được lời cam kết ủng hộ nào. Không có một đồng. Tôi nghĩ mình có thể nhận định được một số lý do về việc đó, nhưng vì để đẩy ông vào chỗ nhận được sự hiểu biết từ nơi Chúa.

Tuy nhiên, tôi đã biết rõ được một điều. Những sự thiếu thốn lạ lùng như vậy cũng là một phép lạ nữa. Sự thiếu thốn đó cũng là một phép lạ giống như sự tiếp trợ dư dật bất ngờ về mặt tài chánh. Bởi vì một cặp vợ chồng đáng mến và đáng kính như vậy mà phải thiếu thốn suốt trong một năm mà không cá nhân nào hay một hội thánh nào dâng hiến giúp đỡ thì đó cũng là một phép lạ.

Khi khe nước khô cạn, chúng tôi cần cầu hỏi Chúa phải dời chuyển đến đâu, cũng như Êli đã làm.

Bởi vì tiền bạc là quan trọng trong đời sống chúng ta. Lời Chúa dành nhiều chỗ để nói đến nó. Thật vậy có 3225 câu Kinh Thánh nhắc đến vấn đề tài chánh. Chúng ta không phải thắc mắc xem Đức Chúa Trời nghĩ gì về tiền bạc và công dụng của nó khi chúng ta tra xem các câu Kinh Thánh ấy. Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy những gì Kinh Thánh phải nói về một số trong các lãnh vực quan trọng nầy. Với những nền tảng đó, chúng ta có thể tiếp tục làm bất cứ điều gì Chúa dẫn dắt trong sự tự do hoàn toàn.

Có nhiều kế hoạch làm giàu hứa hẹn sự tự do về mặt tài chánh. Đức Chúa Trời cũng hứa ban cho sự tự do về mặt tài chánh, nhưng sự tự do của Ngài hoàn toàn khác với những hứa hẹn rỗng tuếch của những người môi giới và buôn bán. Ngài hứa rằng chúng ta sẽ biết lẽ thật và lẽ thật sẽ buông tha chúng ta. Điều đó gồm cả việc học biết lẽ thật về tiền bạc. Chúng ta có thể thật sự được buông tha.

Nhưng trước hết, cần học biết một số điều về đối thủ của chúng ta và về tiền bạc. Đức Chúa Trời không phải là Đấng duy nhất quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Kẻ thù của chúng ta, Satan cũng dính dáng rất nhiều đến tiền bạc, cả trên bình diện lớn, quốc tế, lẫn trong lĩnh vực riêng tư chống lại chúng ta với tư cách mỗi cá nhân.

Loren Cunningham & Janice Rogers (Dám Sống Trên Bờ Vực)

 

 

 

Nguồn: vietchristian.com, https://dailydeclaration.org.au

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan