Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời: Tóm tắt Kinh thánh cho các doanh nhân.
Nhiều năm qua, tôi đã làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ thợ mộc và lái xe tải đến việc giảng dạy tại trường đại học và dịch vụ tài chính. Với niềm đam mê phục vụ Chúa, tôi hoàn tất cử nhân thần học- nhưng tôi không tham gia vào mục vụ của Hội thánh giống như công việc trọn thời gian. Trong kế hoạch của Chúa, việc học thần học của tôi được kết hợp với các khoản đầu tư và một công ty quản lý tài chính.
Khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, tôi thường tự hỏi “Tôi có được kêu gọi làm việc trong mục vụ không?” Nhưng khi đến tuổi trung niên, tôi thấy mình tự hỏi “Tôi có được kêu gọi để phục vụ trong thương trường không? Giống như những Cơ đốc nhân khác, tôi muốn đón nhận sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và làm điều gì đó có ý nghĩa.
Có lẽ bạn cũng đã vật lộn với ý nghĩ về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi của Chúa gắn kết như thế nào với việc trở nên một thương gia hay doanh nhân? Được gọi trong kinh doanh thương mại có nghĩa là gì?
Nhiều cách sử dụng từ kêu gọi
Từ kêu gọi được sử dụng khá rộng rãi. Giống như bạn đã từng nghe người ta gọi công việc (sở thích) của họ là một “sự kêu gọi”. Trong Hội thánh, người ta nói về “sự kêu gọi” như một khía cạnh khi mời và cung lương cho một mục sư mới. Những người khác sẽ nhanh chóng chỉ ra sự khác biệt quan trọng giữa “sự kêu gọi” và công việc của chúng ta.
Có lẽ một trong những lý do sự kêu gọi được sử dụng trong rất nhiều cách là nó bắt đầu với một từ chung chung. Trong Tân Ước từ “Kêu gọi” (Greek Kaleo) không phải là thuật ngữ chuyên môn, nó có nghĩa là mời hay gọi một người đến- nhưkhi bạn mời người khác đến bàn ăn tối (gọi họ đến bữa ăn tối). Từ này cũng sử dụng để mô tả hành động đặt tên cho ai đó (gọi anh ta là John).
Chắc chắn, lịch sử Hội Thánh và các giáo hội đóng một vai trò trong việc chúng ta hiểu như thế nào về sự kêu gọi. Ví dụ, truyền thống Công giáo thường quan niệm sự kêu gọi nằm trong phạm vi các phận sự tôn giáo, trong khi truyền thống của Lutheran và các hệ phái Tin Lành khác nhấn mạnh sự kêu gọi trong phạm vi công việc hằng ngày.
Một khuôn mẫu Kinh Thánh về sự kêu gọi
Thay vì đào sâu vào cái nhìn tổng quan về lịch sử, bằng cách nào Hội Thánh hiểu được sự kêu gọi, tôi muốn đưa ra một khuôn khổ để hiểu ý nghĩa kinh thánh của nó. Đây không phải là khuôn mẫu nguyên bản nhưng đã được các nhà thần học và giáo viên, như Os Guiness trình bày trong cuốn sách The Call của ông.
Sự hiểu biết thiết yếu nhất về sự kêu gọi là Đức Chúa Trời chủ yếu kêu gọi hoặc mời mọi người “đến với chính Ngài”, chứ không phải cho một nhiệm vụ cụ thể. Os Guinness định nghĩa sự kêu gọi là, “sự thật rằng Chúa kêu gọi chúng ta đến với chính Ngài một cách dứt khoát rằng mọi thứ chúng ta đang… làm, và… đã đầu tư với một sự tận tâm đặc biệt… và định hướng để sống đáp lại lời mời và sự phục vụ của Ngài.” (tr. 29)
Định nghĩa này làm nổi bật mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời, với tư cách là Đấng mời gọi, và dân sự của Ngài là những người được kêu gọi vào mối quan hệ với Ngài. Chúa Giê-su đến để “kêu gọi” tội nhân ăn năn (Ma-thi-ơ 9:13). Ngài mời tất cả những người làm công đến với Ngài (Ma thi-ơ 11:28). Khá thường xuyên trong Tân Ước, được Đức Chúa Trời kêu gọi là một từ đồng nghĩa với chính sự cứu rỗi.
Vì Tân Ước sử dụng tràn ngập những cách gọi để mô tả việc được gọi “đến với Đấng Christ”, chúng ta xác định đây là sự kêu gọi chính của chúng ta. Lời kêu gọi chính của chúng ta là đáp lại những lời của Chúa Giê-su khi Ngài nói, “hãy theo ta”. Đây là sự kêu gọi của chúng ta để biết, tin cậy, yêu mến, quý trọng và theo Chúa Giê-su Christ.
Tuy nhiên, một khía cạnh khác của sự kêu gọi xuất hiện trong Kinh thánh. Sự kêu gọi thứ yếu này công nhận rằng Đấng Christ là chủ của chúng ta và có quyền tể trị trên tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ và làm. Những người đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Như Phao-lô đã thúc giục, chúng ta phải tìm cách “hãy sống một đời sống xứng đáng với sự kêu gọi mà (chúng ta) đã được kêu gọi, với tất cả sự khiêm nhường… mềm mại… nhẫn nhục…” (Ê-phê-sô 4:1-2). Lời kêu gọi chính của chúng ta là bước theo Đấng Christ, sự kêu gọi thứ yếu của chúng ta bắt đầu khi chúng ta tìm cách làm theo gương của Ngài trong quá trình sống.
Mặc dù khía cạnh của sự kêu gọi này có ý nghĩa đối với công việc, nhưng nó không hẳn có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ thông báo một nhiệm vụ cụ thể. Kinh thánh không hướng dẫn chúng ta đoán trước những lời như, “Ta muốn con trở thành một họa sĩ” hoặc, “Ta muốn con mở một nhà hàng.” Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng ta với Đấng Christ chắc chắn mách bảo mọi điều chúng ta làm, bao gồm cả cách thức và công việc chúng ta làm.
LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP VÀ SỰ KÊU GỌI CỦA CHÚA
Chủ đề về sự kêu gọi của Đức Chúa Trời xuất hiện trong suốt Kinh thánh và đáng được nghiên cứu và suy ngẫm nhiều hơn trong bản tóm tắt ngắn gọn này. Tuy nhiên, dựa trên khuôn khổ này, tôi muốn đưa ra bốn lời khuyến khích đơn giản cho các doanh nhân Cơ đốc và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp:
- Sự kêu gọi của bạn “trong Đấng Christ” là bạn là ai. Được Đấng Christ gọi là danh tính của bạn – không phải công ty, không phải vai trò, không phải hiệu quả tài chính. Là một Cơ đốc nhân, bạn đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, xưng công bình và yêu thương (Rô-ma 8: 29-30). Đó là nền tảng để xây dựng cuộc đời của bạn. Xây dựng bản sắc cho việc khởi nghiệp của bạn, kinh doanh gia đình hoặc công việc của bạn sẽ không hỗ trợ cho một cuộc sống có ý nghĩa. Sau cùng hết, điều quan trọng nhất đối với bạn là Chúa Giê-su nói với bạn, “Hãy đến, hãy theo ta.”
- Công việc của bạn quan trọng đối với Đức Chúa Trời và những người khác, mặc dù sự kêu gọi của Đức Chúa Trời lớn hơn chỉ là công việc của bạn. Trong sự sáng tạo, Đức Chúa Trời thể hiện mình là một nghệ nhân khéo léo, chăm chỉ. Sau đó, Đức Chúa Trời tạo ra người nam và người nữ theo hình ảnh của Ngài để tiếp tục công việc và chăm sóc tạo vật. Thông qua công việc của bạn với tư cách là chủ doanh nghiệp và doanh nhân, Đức Chúa Trời đang quan tâm đến nhu cầu của người khác. Và thông qua công việc đó, tính cách và phần thưởng đời đời của bạn sẽ thành hình. “Vì Ngài [Chúa] sẽ trả cho một người tùy theo công việc của họ” (Thi Thiên 62:12).
- Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không chỉ dành cho những người làm công việc Hội thánh hoặc công việc thế tục; đúng hơn nó bao gồm cả hai. Trong các sách Phúc âm, chúng ta thấy một kinh nghiệm khác thường về việc Chúa Giê-su kêu gọi 12 sứ đồ bỏ công việc của họ và đi theo Ngài. Ngược lại, hầu hết các tín hữu khác được khuyến khích tiếp tục làm việc như một cách để tôn vinh Đấng Christ. “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Cô-lô-se 3:23)… nhưng thà chịu khó, tự tay mình làm việc lương thiện …” (Ê-phê-sô 4:28). Lời kêu gọi làm môn đồ thường là lời kêu gọi gia tăng công việc của chúng ta hơn là rời bỏ nó.
- Cuối cùng, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không bị tổn hại bởi sự thất bại hoặc được xác chứng bởi sự thành công. Vì sự kêu gọi của bạn phát triển từ mối quan hệ của bạn với Đấng Christ, bạn không thể bỏ lỡ sự kêu gọi của mình trừ khi bạn bỏ lỡ Đấng đã gọi bạn. Nếu bạn đeo đuổi ước mơ thay vì phải trả giá để bước theo Chúa, thì vâng, bạn đã bỏ lỡ sự kêu gọi của mình. Nhưng giữ lòng trung thành với Đấng Christ và nhận được sức mạnh từ Ngài, ngay cả trong những lúc thất vọng nhất trong cuộc đời, là thước đo để bạn thực sự sống với sự kêu gọi của bạn.
Chúa Giê-xu phán, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta,… và học theo Ta…(Ma-thi-ơ 11:28-29)
An Nhiên
(Lược dịch theo: faithdrivenentrepreneur.org)
Luke Bolton, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH | WATERROCK FINANCIAL
Luke Bolton (Thạc sĩ , Nghiên cứu Kinh thánh) là Giám đốc điều hành của WaterRock Financial gần Minneapolis, Minnesota. Ông lấy bằng Cử nhân Thần học tại Đại học Quốc tế Miền Bắc và bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Kinh thánh tại Chủng viện Thần học Baptist.
Ông có hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trong thời gian làm giám đốc chứng khoán tại Tập đoàn tài chính Securian, ông đã cung cấp giám sát theo quy định cho hơn 1.000 cố vấn tài chính. Ông hiện đang hỗ trợ một đội ngũ cố vấn phục vụ các nhà đầu tư với tấm lòng rộng lượng và mong muốn tạo ra ảnh hưởng.