HAMAS Là Ai? P.4: Ai Là Người Palestine?

Share

Ý nghĩa và tầm quan trọng của cái tên “Palestine” là gì?

Và “người Palestine” là ai?

Không thể hiểu về Hamas nếu không hiểu các khái niệm “Palestine” và “Người Palestine”.

Ý nghĩa của “Palestine” rất phức tạp. Nó đã thay đổi qua nhiều năm và vẫn còn gây tranh cãi.

Từ này ban đầu xuất phát từ tên của người Philistines trong Cựu Ước và các bản khắc cổ. Người Philistines là một dân tộc, có lẽ có liên quan đến người Hy Lạp, đôi khi được gọi là “Dân tộc biển”. Họ chiếm đóng lãnh thổ ở khu vực Gaza ngày nay và Gaza cổ đại là một trong những thành phố chính của người Philistine.

Giống như rất nhiều dân tộc cổ đại khác, người Philistines cuối cùng đã mất đi bản sắc dân tộc riêng biệt và biến mất khỏi các trang lịch sử khoảng 2500 năm trước.

Sáu trăm năm sau, người La Mã đã khôi phục lại cái tên “Palestine” để thay thế cho “Giu-đê – Judea”: vào thời điểm đó, người Do Thái đã cư trú ở vùng đất này hơn 1400 năm. Sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Bar Kokhbar của người Do Thái vào năm 132-136 sau Công Nguyên, người La Mã đã đặt tên cho tỉnh thay thế Judea là “Syria Palaestina”. Nó giáp với phía bắc của Syria và phía đông và phía nam của Arabia Petraea.

Chúng ta biết từ các bản khắc trên đá rằng Arabia Petraea là khu vực nói tiếng Ả Rập chính vào thời điểm đó, bao gồm Sinai, Arabah bao gồm Petra, Transjordan (khu vực phía đông sông Jordan) và các phần phía bắc của Hijaz (nay thuộc Ả Rập Saudi).

Vào gần cuối thế kỷ thứ tư, Syria Palaestina được chia thành hai tỉnh nhỏ hơn: Palaestina Prima và Palaestina Seconda, hiện bao gồm Transjordan. Sinai, Negev và Arabah, trước đây là một phần của Arabia Petraea, đã trở thành Palestina Palutoris (hay Palaestina Tertia). Vào thời điểm người Hồi giáo xâm chiếm vào thế kỷ thứ 7, ba tỉnh của Palestine này là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc khác nhau, bao gồm người Hy Lạp, người nói tiếng Aramaic, người Do Thái, người Ả Rập định cư và người Ả Rập du mục Bedouin.

Sau cuộc chinh phục của người Hồi giáo và sự chiếm đóng quân sự toàn bộ vùng Levant vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên bởi người Ả Rập theo đạo Hồi, một quá trình Ả Rập hóa đã thay thế tiếng Hy Lạp và tiếng Aramaic bằng tiếng Ả Rập.

Qua nhiều thế kỷ, người dân từ các vùng khác đến định cư ở Palestine. Những người này bao gồm người Ả Rập và người Thổ Nhĩ Kỳ, và vào thế kỷ 19, những người tị nạn Circassian và Chechnya. Hơn nữa, khi nền kinh tế địa phương đang phát triển vào đầu thế kỷ 20 do dân số người Do Thái ở đây càng ngày càng tăng, điều này đã khuyến khích những người di cư kinh tế chuyển đến Palestine.

Đến cuối thế kỷ 19, một phong trào Chủ nghĩa Liên Ả Rập đã phát triển, trong đó những người theo Cơ đốc giáo và theo Hồi giáo kết hợp với nhau. Quá trình này được khởi xướng và lúc đầu do những người theo đạo Cơ đốc lãnh đạo. (Cộng đồng Cơ đốc giáo ở Trung Đông đã bị tổn thương trầm trọngbởi một loạt vụ thảm sát diệt chủng những người theo đạo Cơ đốc bởi người Hồi giáo trong nhiều thập kỷ, và chính trong bối cảnh này mà những người theo đạo Cơ đốc ở Trung Đông đã tìm kiếm sự an toàn trong lai lịch Ả Rập được chia sẻ chung cho toàn vùng.)

Ý tưởng lớn của chủ nghĩa Ả Rập là các dân tộc nói tiếng Ả Rập ở Trung Đông có chung một bản sắc duy nhất và là một quốc gia duy nhất có chung vận mệnh. Khẩu hiệu của nó là “một quốc gia Ả Rập với sứ mệnh đời đời”. Điều này có nghĩa là những người có tổ tiên là người Hy Lạp, Syria, Ai Cập và nhiều sắc tộc khác đều tự coi mình là người Ả Rập do là người bản xứ nói tiếng Ả Rập.

Tuy nhiên, những người Do Thái nói tiếng Ả Rập đã bị loại khỏi danh tính này. Quả thực, bản sắc toàn Ả Rập phát triển đối lập với bản sắc Do Thái: mục tiêu chính của phong trào Ả Rập trong nửa đầu thế kỷ 20 là ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Do Thái ở Palestine.

Sau cuộc chinh phục của người Hồi giáo, thuật ngữ “Palestine” tiếp tục được sử dụng trong các ngôn ngữ Ả Rập và châu Âu. Tuy nhiên, dưới sự cai trị của người Hồi giáo, vừa là một phần của Đế chế Ottoman và trước đó, khu vực này đã hình thành nên phần cực nam của tỉnh Sham (Syria), trong đó các dân tộc khác nhau sống cạnh nhau mà không có bản sắc dân tộc thống nhất. (Các văn bản Hồi giáo đầu tiên đề cập đến hướng cầu nguyện đầu tiên của người Hồi giáo – kiblah – nói rằng người Hồi giáo đang cầu nguyện hướng tới “Sham”; ngày nay, điều này được hiểu là có nghĩa là Jerusalem.)

Vì vậy, vào đầu thế kỷ 20, “Palestine” không phải là một dân tộc hay quốc tịch, mà là một tên gọi khu vực. Theo thông lệ, người ta gọi những người sống trong khu vực là “người Palestine”, một cách gọi bao gồm người Hồi giáo, Druze, người Do Thái và người theo Cơ đốc giáo. Những người Do Thái sống trong khu vực được gọi là “Người Do Thái Palestine”.

Ghi chú: người Druze là người Ả Rập không theo Hồi Giáo nhưng theo một tín ngưỡng hỗn hợp nhiều tính cách của Hồi Giáo, Cơ Đốc Giáo, Ấn Độ Giáo, Triết lý Hy Lạp vv… Và điều này cho thấy bản chất đa dạng sắc tộc của Palestine trong tinh thần Liên Ả Rập  — LND

 Trong một thời gian, Khu Ủy Trị Palestine của Hội Quốc Liên (một tiền thân của Liên Hiệp Quốc sau thế chiến thứ hai), do người Anh cai trị từ 1921 đến 1946, bao gồm khu vực mà ngày nay được gọi là Jordan. Điều này được nhắc đến trong Điều 25 của Ủy trị Palestine là “các vùng lãnh thổ ở Palestine nằm ở phía đông sông Jordan”.  Khu vực phía đông này được quản lý riêng biệt theo Ủy trị với phần còn lại của Palestine, và vào năm 1946, nó trở thành một quốc gia riêng biệt, “Vương quốc Hashemite Jordan”, không còn được coi là một phần của “Palestine”.

Trước cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, một số người Do Thái đã cân nhắc khả năng gọi một nhà nước Do Thái là “Palestine”. Tuy nhiên, cuối cùng họ lại chọn cái tên “Israel”. Vì vậy, chẳng hạn, Dàn nhạc Giao hưởng Palestine, được thành lập năm 1936, được đổi tên thành Dàn nhạc Giao hưởng Israel vào năm 1948.

Khi người Do Thái tạo dựng bản sắc dân tộc mới của họ là người Israel, các nhãn hiệu “xứ Palestine” và “người Palestine” được dùng cho cho người Ả Rập, những người coi những danh hiệu này để chỉ bản sắc Ả Rập đối lập với Israel gốc Do Thái. Từ “Palestine” từ đây trở

đi được người Ả Rập dùng để với ý đánh dấu điều mà họ cho là sự bất hợp pháp của sự hiện diện của người Do Thái.

Theo thời gian, câu chuyện đã phát triển rằng chỉ có người Palestine gốc Ả Rập mới là cư dân bản địa, thổ dân ở Palestine. Lãnh đạo PLO, Faysal al-Husseini đã bày tỏ quan điểm này như sau vào năm 2001:

Nếu bạn hỏi tôi với tư cách là một người theo Chủ Nghĩa Quốc Gia Liên Ả Rập về biên giới của người Palestine là gì theo chiến lược cao hơn, tôi sẽ trả lời ngay: ‘Từ sông tới biển.’ Palestine toàn bộ là một vùng đất Ả Rập, vùng đất của quốc gia Ả Rập…”

Chiến lược trình bày lý tưởng của người Palestine theo dòng thuyết này đã thu hút các ý tưởng về phi thực dân hóa: người Ả Rập được cho là người bản địa, còn người Do Thái được cho là những kẻ xâm lược ngoại nhập.

Trong quá trình Hồi giáo hóa lịch sử (viết lại lịch sử theo nhãn quan của người Ả Rập theo đạo Hồi) các nhà lãnh đạo Palestine cũng chiếu ra một hình ảnh ngược thời gian về bản sắc Ả Rập của người Palestine để khẳng định rằng người Palestine ngày nay là cư dân nguyên thủy của khu vực. Một số nhà lãnh đạo thậm chí còn khẳng định rằng người Do Thái không có nguồn gốc lịch sử nào ở khu vực này và sự hiện diện của người Palestine đã có từ hàng nghìn năm trước.

Với một quan điểm đi ngược lại với lịch sử, các nhà lãnh đạo Palestine đã gọi Chúa Giê-su là một chiến binh hay một vị tử đạo vì tự do “người Palestine”, người đã bị những người La Mã chiếm đóng bắt bớ, khiến Chúa Giêsu trở thành một kiểu nguyên mẫu của cuộc kháng chiến của người Palestine, và việc Người bị đóng đinh là một sự báo trước về sự thống khổ của người Palestine ngày nay.   

Những Cơ đốc nhân Palestine nằm ở đâu trong bức tranh của tất cả những điều kể trên?

Một thế kỷ trước, Cơ đốc nhân ở Palestine chiếm 11% dân số nói tiếng Ả Rập. Đó là kết quả của phong trào Liên Ả Rập mà hầu hết những người theo đạo Cơ đốc này đã xác định là thuộc về một quốc gia với người Ả Rập theo đạo Hồi.

Ngày nay, Cơ đốc nhân chỉ chiếm khoảng 1% dân số Ả Rập ở vùng lãnh thổ Palestine. Đã có một cuộc di cư kéo dài của các Cơ đốc nhân rời khỏi Lãnh thổ Palestine trong suốt thế kỷ qua. Ngày nay, hầu hết các Cơ đốc nhân người Palestine đều có mặt trong cộng đồng “lưu vong” hải ngoại trên toàn cầu.

Các Cơ đốc nhân cũng đã rời bỏ tất cả các quốc gia xung quanh: Lebanon, Syria, Iraq, Jordan và Ai Cập. Ví dụ, ở Jordan, số người theo đạo Thiên chúa biến mất đi từ 20% chỉ còn 2% dân số trong thế kỷ qua.

Ngược lại, những người theo đạo Cơ đốc vẫn chiếm khoảng 7% dân số Ả Rập ở Israel, nơi mà về một số khía cạnh, họ đang phát triển mạnh mẽ.

Trên thực tế, bản sắc Palestine giờ đây đã trở thành một biểu hiện địa phương của Umma Hồi giáo, quốc gia Hồi giáo, khi chủ nghĩa Ả Rập đã nhường chỗ cho chủ nghĩa Hồi giáo.

Một nhà lãnh đạo Hamas gần đây đã tuyên bố rằng người Palestine là người “bản địa” của Palestine. Điều này có đúng không?

Đây là lời kêu gọi dùng quan niệm của phương Tây về tính bản địa và thuộc địa: nó nhằm truyền đạt rằng người Ả Rập Palestine đã ở đó trước tiên, cho đến khi người Do Thái đến chiếm đóng lãnh thổ của họ và xâm chiếm họ. Những người Do Thái ngoại nhập (từ ngoài vào sống trong vùng) bây giờ nên rời đi trong một quá trình “phi thực dân hóa”.

Điều này phủ nhận mối liên hệ lịch sử lâu dài của người Do Thái với vùng đất này, bao gồm cả việc người Do Thái liên tục định cư trong khu vực này kể từ thời Chúa Giê-xu Christ. Nó cũng phủ nhận bản chất đa dạng sắc tộc của người Palestine nguyên thủy trong suốt nhiều thế kỷ bị Hồi giáo chiếm đóng.

Tại sao người Palestine không chấp nhận rằng người Do Thái có mối liên hệ lịch sử với vùng đất này?

Đầu tiên và quan trọng nhất, hệ tư tưởng chinh phục của Hồi giáo đòi hỏi một vùng đất, từng bị Hồi giáo chinh phục, sẽ vĩnh viễn thuộc về người Hồi giáo. Sau cuộc chinh phục, những người cư trú trước đó đã trở thành khách kiều ngụ được khoan dung của những người chiếm đóng Hồi giáo, và theo luật Hồi giáo, họ được phép sống sót miễn là họ cống nạp.

Gắn liền với ý tưởng rằng vùng đất bị chinh phục thuộc về người Hồi giáo là khái niệm về mustakhlafīn (‘người kế vị’) trong Kinh Qur’an. Sura 24:55 nói, “Chúa đã hứa với những ai trong số các bạn tin tưởng và làm những việc công bình rằng Ngài chắc chắn sẽ phong các bạn trở thành người kế vị trên đất liền.”

Trong Qur’an, “những người kế vị” là những tín đồ tiếp quản tài sản của một dân tộc mà Allah đã tiêu diệt, bao gồm cả việc chinh phục dưới bàn tay của những tín đồ. Theo logic này, người Hồi giáo trở thành “người kế thừa” – chủ sở hữu hợp pháp – của những vùng đất bị chinh phục. Phù hợp với điều này, khi các dân tộc theo đạo Cơ đốc và Do Thái bị chinh phục được phép giữ quyền sở hữu tài sản của mình sau khi chinh phục, họ phải cống nạp hàng năm để đền bù cho người Hồi giáo.

Hơn nữa, Hồi giáo dạy rằng các nhân vật trong Kinh thánh như Solomon, David, Abraham và Jesus đều là những nhà tiên tri Hồi giáo. Theo logic này, nếu Solomon từng xây dựng một ngôi đền ở Jerusalem thì đó là một nhà thờ Hồi giáo, và chính người Hồi giáo, chứ không phải người Do Thái, mới là những người thừa kế thực sự di sản Thánh địa trong Kinh thánh.

 

(CÒN TIẾP)

___

 

 

Nguồn: https://dailydeclaration.org.au

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan