C.S.Lewis, tác giả người Anh nói: Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta khi chúng ta vui, Ngài nói với lương tâm chúng ta; nhưng Ngài la to trong lúc chúng ta đau đớn, hoạn nạn. Đó là cái loa Ngài để đánh thức người điếc”. Nếu Đức Chúa trời không còn cách nào để thu hút sự chú ý của chúng ta thì Ngài phải dùng đến những biện pháp mạnh bạo hơn là chỉ nói nhỏ nhẹ.
Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng gởi thư xin tôi cầu nguyện cho con trai họ đang chờ ngày ra tòa về tội ăn cắp. Cậu đã bỏ nhà ra đi khi 18 tuổi vì không chịu nổi những luật lệ của bố mẹ. Thoạt đầu họ buồn rầu và lo lắng, nhưng có người đưa họ xem quyển “Từ Ngục Tù Đến Ca ngợi”. Họ quyết định dâng những lo lắng cùng với con trai họ cho Thiên Chúa và cảm tạ Ngài về mọi hoàn cảnh đem đến trong đời sống con trai họ.
Ít lâu sau, cậu con trai bị dính líu vào một vụ cướp, bị bắn rồi bị bắt. Cậu bị bắn làm mù một mắt nhưng vẫn nhất quyết là mình vô tội và xin được xét xử. Trong thời gian chờ đợi cậu ta có dịp tin Chúa và dâng đời mình cho Ngài. Trong thư cha mẹ cậu kể lại rằng cậu được tòa xét xử là vô tội và hiện đã trở về nhà, họ vui mừng vì Chúa đã gìn giữ đời sống cậu một cách đặc biệt. Bà viết con tôi thường nói: “cảm tạ Chúa vì con bị mất một mắt. Thà một mắt còn hơn cả thân thể vào địa ngục.” (Mathiơ 5:29).
Đức Chúa Trời không thường sử dụng những biện pháp như vậy để thu hút sự chú ý của chúng ta, Ngài phải hành động như vậy để cứu chúng ta khỏi bị hư mất hoàn toàn thì chúng có lý do để vui mừng và cảm tạ Chúa.
Một trong những tội lỗi tinh vi nhất chúng ta dễ vướng mắc là thái độ chỉ trích. Tôi tin rằng thái độ nầy gây ra nhiều đau đớn hơn tất cả những căn bệnh thân thể hợp lại. Nó làm đổ vỡ những cuộc hôn nhân, khiến con cái lìa bỏ gia đình và các nhóm trong Hội Thánh chia rẻ. Con người trở nên bệnh tật khi tinh thần bị tổn thương quá nhiều do bị chỉ trích thường xuyên. Một số người rơi vào chứng bệnh tâm thần, số khác thì phạm tội ác và quay sang uống rượu, dùng ma túy, ăn uống quá độ, hay không hội nhập được với xã hội vì người ta cứ nhai đi nhai lại với họ rằng bất cứ điều gì họ làm cũng sai hết.
Tất cả chúng ta điều biết một lời chỉ trích có thể làm hỏng trọn một ngày của chúng ta, nhưng những người tuôn ra lời chỉ trích lại thường cảm thấy họ làm điều đúng. Chúng ta thường tự nhủ rằng chúng ta chỉ trích vì muốn nói lên sự thật và muốn giúp đỡ người khác mà thôi.
Chúa Giê-xu gọi sự chỉ trích là giết người. Ngài cũng nói; “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người” (Giăng 8:7). Những lời nói tiêu cực, chỉ trích, kết tội có thể hủy phá con người y như ném đá họ vậy. Rất nguy hiểm cho những ai thích chỉ trích. Chúa Giê-xu nói: “Các ngươi đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thế nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy” (Mathiơ 7:1-2). Tội lỗi ta như một cây đa lớn.
Những tác hại của sự chỉ trích được bày tỏ rõ hơn hết trong hàng triệu gia đình, vốn đã thành địa ngục do những lời nói và thái độ xấu xa. Dường như chúng ta thường làm tổn thương những người mà chúng ta nghĩ rằng mình yêu mến. Mỗi ngày có biết bao người muốn kể cho tôi nghe những sai trái của các ngưòi thân trong gia đình họ. Tôi thường đáp lại: “Đức Chúa Trời muốn chữa lành gia đình bạn bắt đầu ngay từ chính bạn. Nếu bạn sẵn sàng ngưng chỉ trích để tạ ơn Chúa.”
Khi bắt đầu nghĩ đến những điểm hay của người khác thì điều lạ lùng là chẳng bao lâu chúng ta sẽ thán phục, tán thưởng và cảm tạ Chúa về họ. Chẳng bao lâu những lỗi lầm của họ sẽ không còn nghiêm trong như trước. Với thái độ thay đổi “cây đa” của chúng ta, Đức Chúa Trời có thể đưa tay ra cất bỏ “cái rác” trong mắt anh em chúng ta.
Dù bạn là người ít nói hay lắm lời, nếu bạn đã sử dụng sai lời nói, thì hãy xin Chúa tha thứ cho bạn. Ngài có thể thay đổi những lời chỉ trích, chán chường của chúng ta, thành những câu yêu thương khích lệ. Hãy để lời cầu nguyện của Đa-vít thành lời cầu nguyện của bạn: ” Hỡi Chúa hằng hữu là vầng đá tôi, là Đấng cứu chuộc tôi. Nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài” (Thi thiên19:14)
Hãy dâng miệng lưỡi bạn cho Chúa, xin Ngài cầm giữ và sử dụng nó. Khi thấy cần nói hãy hỏi: “Điều con muốn nói có thật sự cần không?” Nếu chúng ta yên lặng chờ đợi Ngài, Chúa sẽ ban những lời thích hợp để chúng ta nói những câu nhân từ, khích lệ nâng đỡ, đáp ứng trực tiếp nhu cầu của mọi người theo cách mà chúng ta không bao giờ làm được với trí óc bình thường của chúng ta.
Kể từ nay, bạn có thể là người luôn luôn khích lệ mọi người bằng lời nói. Gặp bạn họ sẽ vui mừng vì biết bạn luôn luôn có lời tử tế và yêu thương. Chồng bạn vội trở về nhà, vợ bạn nôn nóng gặp bạn, con bạn đem bạn nó về nhà sau buổi học vì nhà bạn là nơi ấm áp đầy tình yêu thương và luôn nói những điều tốt về người khác. Các đồng nghiệp, bạn bè hay khách hàng tìm gặp bạn vì những lời nói giúp họ cảm thấy vui tươi chứ không thất vọng, chán nản.
Nguồn: https://vietchristian.com