Hãy Khiến Tôi Trở Thành Người Nữ Của Lời Chúa

Share

Tôi đã đánh giá thấp lời của Đức Chúa Trời. Trong vài năm qua, khi học Kinh Thánh cùng những phụ nữ khác, tôi nhận ra mình không đơn độc. Nhiều người đã có cùng trải nghiệm như tôi. 

   Chúng tôi quý trọng Lời Chúa, bàn luận với nhau, suy gẫm cùng nhau, áp dụng và muốn đọc Lời Chúa nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, càng dành nhiều thời gian với Lời Chúa và những phụ nữ yêu mến Kinh Thánh, Đức Chúa Trời càng cho tôi thấy sự đánh giá của tôi về Lời Chúa thực sự khập khiễng như thế nào. Tôi đọc Kinh Thánh giống như một người đứng ngó thung lũng Canyon từ đằng xa, rồi cố gắng tính nhẫm thể tích nước mà cái thung lũng có thể chứa là bao nhiêu: “Tôi đoán là khoảng 23 hoặc 24 cốc gì đó! Đó là một thung lũng rất to và rất kỳ diệu!”

   Điều gì đã thay đổi quan điểm của tôi? Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh nhiều hơn, với tốc độ nhanh hơn, cùng với nhiều phụ nữ khác. Nhóm của chúng tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh với tốc độ nhanh (nhưng không vội) – khoảng sáu chương mỗi ngày và hàng ngàn phụ nữ đã tham gia thử thách này. Đọc nhiều hơn, nhanh hơn cùng với người khác đã thay đổi quan điểm của chúng tôi bằng vài cách đáng kể. Chúng tôi muốn trở thành những phụ nữ biết Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải những phụ nữ thỉnh thoảng tìm đọc Lời Chúa.

Kinh Thánh là hình ảnh về Đức Chúa Trời do chính tay Đức Chúa Trời vẽ ra Nhu cầu được đáp ứng cách bất ngờ

   Trước hết, đọc Kinh Thánh hơn với tốc độ nhanh hơn sẽ thay đổi góc nhìn của chúng ta. Nếu chúng ta chọn những đoạn chỉ hấp dẫn chúng ta trong một giai đoạn nhất thời, thì chúng ta sẽ đọc Kinh Thánh (nhất thiết) với khuynh hướng tập chú vào bản thân. Cách áp dụng Kinh Thánh của chúng ta cũng tập chú vào bản thân, vì chúng ta quá chú tâm vào tấm lòng, khao khát và cảm xúc của mình. Thật dễ dàng đối xử với Lời Chúa giống như cái máy bán hàng tự động để tìm kiếm lời khích lệ nào đó thay vì được uốn nắn và được thay đổi bởi Lời Chúa.

   Khi chúng ta cam kết đọc toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta sẽ bất ngờ được uốn nắn bởi các cuộc chiến trong Cựu Ước, khải tượng, những chi tiết về mặt kiến trúc và những câu chuyện về lòng thương xót. Chúng ta sẽ chăm chú nhìn vào Đức Chúa Trời, vào câu chuyện của Ngài, vào kế hoạch của Chúa. Lời Chúa khiến chúng ta không còn quá tập chú vào cảm xúc và sinh hoạt trong ngày nữa, ngước mắt nhìn lên các nơi cao và tập chú vào những điều thuộc về Đức Chúa Trời. 

   Nếu chúng ta đọc Kinh Thánh nhiều hơn cùng với những phụ nữ khác, điều đó thôi thúc chúng ta trò chuyện về Đức Chúa Trời và Lời Chúa nhiều hơn. Khi có một chi tiết nổi bật trong Kinh Thánh, chúng ta đề cập với một người cũng đang đọc phân đoạn ấy, chúng ta sẽ kinh nghiệm được phước hạnh tuyệt vời (và khác thường). Tôi nhớ có một cuộc trò chuyện từ mùa thu năm ngoái về cách Đa-vít cầu xin Chúa tha mạng sống của những người đáng bị trừng phạt vì tội lỗi của họ và để ông cùng gia đình của ông gánh thay cho họ.

   Đa-vít đã phạm tội nghiêm trọng khi ra lịnh điều tra dân số (2 Sa-mu-ên 24:1–2) và xứng đáng bị Đức Chúa Trời phán xét. Đó là lần duy nhất tôi nhớ có một người trong Kinh Thánh đã cầu xin Đức Chúa Trời trút cơn thịnh nộ ở trên người ấy (2 Sa-mu-ên 24:17). Thiên sứ đã dừng tai họa lại (2 Sa-mu-ên 24:16). Bất chấp những điều ông đã làm, Đa-vít là một người làm vui lòng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chỉ tạm giận tội lỗi này, mà cơn thịnh nộ của Ngài đối với tất cả tội lỗi đã trút xuống trên gia đình của Đa-vít. Chính Đấng Christ đã sinh ra trong gia đình của Đa-vít để chịu chết cho dân sự của Đức Chúa Trời – Con Đức Chúa Trời, Con của Đa-vít.

   Tôi không nghĩ người nào nhìn vào một nhóm phụ nữ bận rộn – đi chung xe, đi mua hàng tạp hóa, đi làm, đi ăn trưa, đảm đương quá nhiều trách nhiệm khác nhau – rồi nghĩ rằng: Có ai biết những phụ nữ này xứng đáng nhận được phước hạnh gì không? Đức Chúa Trời giáng họa trên dân Y-sơ-ra-ên vì cuộc điều tra dân số của Đa-vít. Hãy giúp họ nhìn thấy Chúa Jêsus trong 2 Sa-mu-ên 24 và được thôi thúc vào buổi chiều bận rộn của họ. Đó chính là điều Đức Chúa Trời đã làm.

Kinh nghiệm sống động

   Khi góc nhìn của chúng ta thay đổi, chúng ta bắt đầu thấy cuộc đời của mình qua câu chuyện vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thông thường, khi chúng ta đọc một câu chuyện, mà không kết nối với chúng ta ngay lúc đó, thì chúng ta chỉ đọc cho hết rồi quên đi. Rồi có khi đến vài tuần sau, chúng ta mới cảm thấy sự nóng cháy bừng lên trong tâm trí. Bây giờ, chúng ta mới biết vì sao Đức Chúa Trời muốn mình đọc về sự lằm bằm trong đồng vắng vào tuần trước. Bây giờ, chúng ta mới biết vì sao Chúa muốn mình được uốn nắn bằng những bài ca thương trong Thi thiên. Lúc này, chúng ta mới nhận ra Chúa đang giúp mình đứng vững bằng sự trông cậy thực sự mà hầu như không hề thấy được trong khi đọc. 

Chúng ta muốn trở thành những phụ nữ biết Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải những phụ nữ thỉnh thoảng tìm đọc Lời Chúa

   Lời Chúa càng liên quan trực tiếp đến cuộc đời của chúng ta chừng nào, thì chúng ta càng thấy Lời Chúa thật sống động chừng nấy. Chúng ta càng thấy bạn bè của mình được thêm sức ở trong Chúa để đối diện với những trách nhiệm và gánh nặng mỗi ngày, thì chúng ta càng thấy sự kỳ diệu mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta qua Lời Chúa – không chỉ vì chúng ta xác quyết với tín lý cho rằng Lời Chúa là vô giá, mà còn vì chúng ta nhận biết được sự quý báu của Lời Chúa qua kinh nghiệm của cá nhân. 

   Chúng ta đã thấy Lời Chúa xuyên thấu cả đến xương tủy, động viên và cáo trách, bồi dưỡng tâm hồn của mình (Hê-bơ-rơ 4:12). Chúng ta đã thấy bàn tay nhân từ của Đức Chúa Trời qua mọi điều đã đọc và Lời Chúa còn trang bị để chúng ta làm mọi việc lành nữa (2 Ti-mô-thê 3:17). Chúng ta biết ngay từ đầu rằng Lời Đức Chúa Trời phục hưng tâm hồn, kẻ dại được khôn ngoan, làm vui vẻ tấm lòng, làm sáng mắt và ban thưởng cho kẻ nào lắng nghe cách trung tín (Thi thiên 19:7–11).

Hình ảnh vĩ đại về Đức Chúa Trời

   Đọc Kinh Thánh cũng có tác dụng củng cố hệ miễn dịch thuộc linh của chúng ta. Khi người nào đưa ra một vấn đề không đúng sự thật, chúng ta biết ngay! Thí dụ, rất nhiều phụ nữ đọc Kinh Thánh cùng với tôi đã gặp mặt Chúa Jêsus mà họ thấy khá lạ lẫm. 

   Nhiều cuộc thảo luận của chúng ta có vẻ giống với đám đông đi theo Chúa Jêsus trong các sách Phúc Âm. “Ngài thực sự đã nói vậy sao?” “Thật thô lỗ!” “Sao Chúa lại nói như vậy?” “Tại sao tôi không hiểu được những ngụ ngôn của Ngài?” Cơ Đốc Nhân mà không nhận ra Đấng Christ hay sao? Điều này xảy ra khi chúng ta không lắng nghe Chúa bày tỏ về chính Ngài, thay vào đó lại nghe người khác nói Đức Chúa Trời là ai, Chúa quan tâm điều gì, Chúa trông thế nào và hết thảy những điều đó có nghĩa gì với chúng ta. 

   Quyển Kinh Thánh mà chúng ta để trên kệ không phải là hình ảnh truy lùng của cảnh sát được một người quan sát từ xa vẽ ra đâu. Kinh Thánh là quyển sách mà Đức Chúa Trời đã chọn để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Kinh Thánh là hình ảnh về Đức Chúa Trời do chính tay Đức Chúa Trời vẽ ra. Điều này vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta. Đức Chúa Trời phải gia tăng khả năng nhìn biết Chúa của chúng ta và liên tục biến đổi chúng ta qua những điều đã đọc trong Kinh Thánh. Chúa phải làm mới tâm trí của chúng ta bằng Lời Chúa, mở rộng tấm lòng của chúng ta, củng cố đức tin của chúng ta và trang bị cho các thánh đồ của Ngài.

Người nữ của Lời Chúa

   Khi chúng ta trung tín đọc Kinh Thánh, không chỉ đọc suông mà đọc hết tất cả, thì Lời Chúa sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta sẽ được thay đổi qua luật pháp và các tiên tri. Chúng ta sẽ được thay đổi qua sự thương xót và sự phán xét. Chúng ta sẽ được thay đổi bởi những phân đoạn lúc đầu không hiểu được và nhờ đó mà lập tức khiến tấm lòng của chúng ta được vui mừng. 

   Nếu Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta món quà đáng kinh ngạc này, còn chúng ta nhìn thấy sự bao la ấy mỗi ngày, thì tại sao chúng ta lại thường nói quá ít với nhau về những khúc Kinh Thánh đó? Tại sao chúng ta cứ bám vào những phân đoạn dễ hiểu hoài như vậy? Có phải sự hùng vĩ của thung lũng khiến chúng ta bị choáng ngợp phải không? một số người hỏi. Hãy thử đọc một câu Kinh Thánh mỗi ngày! Như vậy là đủ rồi! Suy gẫm một từ, có thể là ‘tha thứ’ hoặc ‘lòng thương xót!’ Hãy lắng nghe một bài thánh ca! Chúng ta chỉ nhận được ít hơn vì sợ những điều mà thung lũng bao la này sẽ nói về mình. Thung lũng ấy phơi bày sự nhỏ bé của chúng ta khi bày tỏ Đức Chúa Trời rất lớn, sự tan vỡ khi làm cho chúng ta được trọn vẹn, và sự yếu đuối khi làm cho chúng ta được mạnh mẽ. 

   Khi sự bao la của thung lũng khiến chúng ta cảm thấy mình là kẻ thiếu thốn, thì câu trả lời không phải là hãy chạy trốn, mà hãy ném mình vào trong sự bao la ấy bằng một lời cầu nguyện: 

   Lạy Chúa, xin khiến con giống Chúa hơn. Hãy giúp con hiểu Ngài hơn. Hãy cho con thấy sự  yếu đuối của mình để con nương cậy vào sức lực của Ngài. Lạy Chúa, xin khiến con trở thành một người nữ của Lời Chúa, cũng hãy cho con được dự phần vào công tác xây dựng vương quốc vinh hiển của Chúa ở trên đất. Hãy giúp con nhìn thấy Chúa nhiều hơn mỗi ngày cho đến khi con ở trong sự hiện diện của Ngài.

 

Nguồn:https://tienphong.org

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan