Hãy Nói “Tôi Đã Sai!”

Share

Không ai thích nhận là mình đã sai, nhưng Juli có viết một bài viết giúp chúng ta dễ nhận lỗi, đặc biệt phần viết về “lối suy nghĩ trắng đen.” 

Chúng ta dễ nói “xin lỗi” theo cách nói cho qua chuyện. Thật khó để nói rõ ràng và chân thật rằng “Anh…” hay “Em đã sai!”

Bạn có biết ai như vậy không? Ở chỗ làm việc, trong gia đình, và khi cùng với bạn hữu, họ không bao giờ nhận mình đã sai lầm. Họ có thể ngấm ngầm nhận lỗi bằng cách tỏ ra tử tế hay rộng rãi bất thường trong một khoảng thời gian, nhưng họ không thể nói: “Tôi đã sai!”

Xin lỗi hay nhận ra sự thất bại của mình chẳng bao giờ là một cảm giác tốt. Hầu hết chúng ta có thể nói “Xin lỗi” nhưng sau đó chúng ta nhanh chóng đưa ra lời giải thích biện minh. Hay tiếp theo sau lời xin lỗi thì chúng ta nói rằng người đó có nhiều điều phải xin lỗi hơn là chúng ta.

Thừa nhận lỗi của mình không giống như là chịu để cho lỗi lầm đó bắt phục mình. Chúng ta biết có loại người biện minh cho thái độ hủy phá của họ bằng cách nói rằng, “Đó là cách của tôi. Hãy chấp nhận thôi!” Thái độ này thật ra là để hạ thấp những nguy hại mà họ gây ra và cũng để bỏ qua lời Chúa kêu gọi chúng ta trở nên toàn thiện như Chúa Giê-su bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. 

Thay vì vậy, chúng ta được kêu gọi có một tâm linh khiêm nhường tìm kiếm sự hòa giải thật sự sau khi chúng ta đã làm một điều sai hay gây tổn thương.

Phải Bỏ Lại Phía Sau Lối Suy Nghĩ Trắng Đen 

Hàng rào lớn nhất ngăn cản sự thành thật nhận lỗi là lối suy nghĩ mang tính cách hủy phá. Nó nói rằng nhìn nhận “tôi đã sai” có thể là một sự khởi đầu lên một chuổi những suy nghĩ tiêu cực. “Tôi đã sai” dẫn đến “Tôi là một người tệ hại,” dẫn đến “Tôi ghét chính mình,” dẫn đến “Chúa ghét tôi.”

Mặc dù điều này chẳng hợp lý chút nào, việc nhận lỗi có thể tạo cảm giác chấp nhận sự đổ lỗi cho mọi điều sai lầm khác với cuộc hôn nhân, con cái hay nơi làm việc của bạn. Một người nữ thường tin rằng nhận lỗi về vai trò người vợ có nghĩa là cho phép chồng được tránh khỏi mọi trách nhiệm về những điều sai phạm của anh ta. Cho nên chẳng lạ gì khi chúng ta không muốn nói “Em/Anh xin lỗi”! Nhưng tại sao những người thông hiểu lại rơi vào cái bẫy này?

Tôi không có ý dạy đời ở đây, nhưng cốt lỏi của vấn đề là chúng ta đã không bỏ đi quá khứ con trẻ với cái lý luận trắng đen. Hãy nghĩ về những cuốn phim hoạt họa và nhân vật trong phim trẻ em. Có những người tốt và người xấu, kẻ ác và siêu anh hùng, cảnh sát và kẻ cướp. Tâm trí trẻ con khó có thể nắm bắt được khái niệm rằng không ai hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Một đứa trẻ bị kỷ luật cảm thấy vô cùng xấu hổ về những hành vi sai phạm của nó. Nó nghĩ quá đà, ra khỏi chỗ “tôi đã làm một điều xấu” và tưởng rằng “tôi là một cái gì xấu.” Rồi trong một chốt lát đó, nó có thể sợ là nó không còn được cha mẹ yêu thương nữa.

Khi chúng ta lớn lên, chúng ta phát triển một khả năng thông minh để chấp nhận rằng con người không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Bạn tốt nhất của chúng ta có thể làm một điều gì đó độc ác, và người ích kỷ có thể làm một hành động tử tế. Trong khi chúng ta có khả năng thông hiểu để hiểu được điều này, nhưng có nhiều lúc chúng ta thiếu sự trưởng thành về cảm xúc để áp dụng điều này cho chính mình. Ngay cả khi đã là một người đã trưởng thành hoàn toàn, chúng ta có thể rơi vào tình trạng suy nghĩ theo lối trắng đen. “Tôi đã làm một lỗi lầm” bất thình lình bùng nổ trở thành “Tôi đúng là một nhân viên tệ hại, tôi không thể làm điều gì đúng cả!”

Hãy Hướng Tới Sự Trưởng Thành

Giống như mọi người trên hành tinh này, chúng ta bất toàn và tội lỗi. Cần phải chấm dứt sự giả vờ rằng chúng ta không là như vậy! Tôi nhớ vài năm trước đây khi đi vào phòng tắm ở một sân tập, tôi mắc cở dấu băng vệ sinh trong xấp quần áo mà tôi đem đến chỗ tắm đứng. Một phụ nữ kia kêu tôi dừng lại và chỉ cho tôi thấy tôi đã đánh rớt cái băng vệ sinh. Tôi hỗ thẹn quá! Nhưng tại sao tôi phải hỗ thẹn như thế? Tôi đang ở trong phòng thay đồ phụ nữ và chung quanh tôi là các bà các cô là những người mỗi tháng đều có kinh. Tại sao tôi phải xấu hổ cho một điều là bình thường cho tôi?

Chúng ta cũng làm y như vậy, ráng sức che dấu sự thật hiển nhiên về chúng ta là con người bất toàn, phạm tội và sa ngã. Tại sao phải xấu hổ khi tôi không thể nhớ tên của một ai đó? Tại sao chối bỏ rằng tôi nổi nóng và khó khăn? Tại sao tôi thấy bị xúc phạm khi ai đó chỉ ra những phẩm tính tiêu cực để tôi biết thực về chính mình? Sự trưởng thành có nghĩa là chấp nhận lỗi lầm và giới hạn nhưng vui mừng trong ân sủng Chúa, rằng Ngài yêu chúng ta và xử dụng chúng ta dù chúng ta là như vậy. Hãy học thành thật với những lỗi lầm và thất bại. 

Hãy suy nghĩ đến 5 cách giúp chúng ta học như vậy:

1. Chúng Ta Chỉ Có Thể Thay Đổi Những Gì Chúng Ta Chịu Trách Nhiệm: 

Khi chúng ta đổ lỗi cho những người khác về những tình trạng của mình, chúng ta trở nên nạn nhân của những tình trạng đó. Khi chúng ta đứng lên chấp nhận rằng đó là phần của chúng ta, chúng ta có thể cải thiện sự việc đó. Nếu những vấn đề trong hôn nhân của bạn là 100% lỗi của người đó (chồng, vợ, bạn, người đối tác vv), thì bạn chẳng làm gì được (ngoại trừ tình yêu thương tha thứ và cầu nguyện). 

Nhưng nếu có những phần lỗi của bạn, và bạn nhận lỗi, bạn đoán ra được điều gì không? Bạn có quyền lực để làm một thay đổi (về chính bạn) để có ảnh hưởng gây biến đổi trong cuộc hôn nhân của bạn. 

2. Chúa Được Vinh Hiển Trong Mọi Điều Kết Quả. 

Khi bạn cởi mở về sự thất bại và giới hạn của mình, những người chung quanh bạn có thể dâng vinh hiển cho Chúa khi những điều tốt lành xảy ra. 

Thí dụ, tôi càng biết rõ thất bại của mình trong vai trò người mẹ, tôi càng tạ ơn Chúa về những công việc Ngài làm trong đời sống (thành công) của con cái của tôi. Vì khi con tôi thăng tiến thành công, tôi biết rằng đó không phải là do tôi là một người mẹ vĩ đại: đó là bởi vì Ngài là một Đức Chúa Trời đầy ân sủng.

3. Sự Xưng Nhận Tội Có Đặc Tính Lây Loan.

Chúng ta thường tránh né kêu gọi một sự tha thứ vì chúng nghĩ làm như vậy là cho người khác một sự tự do cho phần trách nhiệm của họ trong vấn đề giữa chúng ta và họ. Nhưng thật ra, khi chúng ta chân thành và ăn năn, chúng ta mở cửa cho Đức Thánh Linh bắt phục họ.

Sự bảo vệ mình có tính lây lan làm sao thì sự xưng nhận tội có tính lây lan như vậy. Như là trò chơi kéo co, khi bạn bỏ đi trận chiến đổ lổi để kéo người khác vào chỗ chịu lỗi thì họ sẽ cầm giữ lại phản ứng của họ.

4. Bạn Không Phải Giả Vờ Nữa.

Bao nhiêu năng lực cảm xúc bạn phải tuôn ra để cố gắng thuyết phục mọi người trong đó có chính bạn nữa, rằng bạn có đủ lý do? Hãy ra khỏi cách hành xử đó… “Tôi là một người căng thẳng.” “Tôi có tính nóng nảy.” “Tôi hay quên.” “Tôi là người có tội, một con người sa ngã nhưng tôi đang kêu cầu Chúa thay đổi tôi.” 

5. Bạn Tăng Trưởng Sự Trưởng Thành.

Đa-vít viết, “Nguyện người công chính đánh con vì lòng nhân từ, Và sự sửa dạy của họ là dầu tốt nhất xức cho con, Nhưng trong khi kẻ ác làm điều gian ác thì con vẫn luôn cầu nguyện.” (Thi Thiên 141:5, BDM 2002). 

Hãy nhận trách nhiệm về những lỗi lầm của bạn. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu hèn nhưng một dấu chỉ của sức mạnh lớn lao bên trong con người. Một mức chủ yếu của sự trưởng thành trong cảm xúc và quan hệ là khả năng thừa nhận lỗi lầm và tìm cầu một sự phê bình xây dựng.

Tôi tin rằng không sẵn lòng nhận biết lỗi lầm của chúng ta là một chứng bệnh trầm trọng trong thân thể Đấng Christ. Cho dù đó là một sự bất đồng giữa các hệ phái hay trong hôn nhân, một tấm lòng hạ mình sẽ để cho Đức Thánh Linh vận hành từ bên trong và qua chúng ta. Sự cứng lòng và bảo thủ của chúng ta làm buồn lòng Đức Thánh Linh và cản trở công việc của Ngài để sáng tạo một tình yêu thương hiệp một sâu sắc trong các con cái của Chúa.

 

Ngọc Nga

(Lược dịch theo: thrivingmarriages.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan