Hoàng Tử Châu Phi

Share

Samuel Morris (1872-1893), sinh ở Liberia, là hoàng tử Kaboo, con trai của tù trưởng bộ lạc Kru. Bộ lạc Kru luôn có chiến tranh với các bộ lạc chung quanh. Khi Kaboo được 15 tuổi, một bộ lạc lân cận đánh bại bộ lạc Kru và bắt sống cậu. Họ đòi cha của cậu phải trả tiền chuộc mạng. Đang khi giam cầm Kaboo, kẻ thù luôn luôn tra tấn và đánh cậu bằng những thứ có tẩm chất độc. Khi tình trạng của cậu thật là tuyệt vọng và gần với cái chết thì một ngày kia, trước khi sắp bị đánh đập, Kaboo thấy một ánh sáng vĩ đại hiện ra trước mặt. Một tiếng nói như sấm từ ánh sáng bảo cậu hãy chạy đi. Ngay lập tức, vết thương của cậu được lành và cậu có đủ sức để chạy. Cậu chạy theo ánh sáng vào rừng sâu trong lúc bọn cai ngục lùng kiếm cậu. Trong vài tuần lễ ánh sáng dẫn đường cho cậu vào ban đêm và chỉ chỗ cho cậu nơi ẩn núp trong ban ngày.1

Khi rời khỏi khu rừng, Kaboo thấy một đồn điền nhỏ của những người ngoại quốc da trắng. Kaboo hết sức ngạc nhiên khi người đầu tiên mà cậu gặp lại là một cậu thiếu niên cũng là người Kru đồng lứa tuổi với cậu. Cậu thiếu niên này giúp Kaboo xin một việc làm và bắt đầu một cuộc sống mới. 

Cứ khi đêm xuống thì Kaboo thấy cậu này quỳ xuống cầu nguyện. Một đêm kia, Kaboo hỏi cậu này đang làm gì. Cậu này trả lời, “Tôi đang cầu nguyện với Chúa. Ngài là CHA của tôi.”2 Ngày Chúa Nhật tuần đó, họ cùng đi đến nhà thờ. Trong buổi thờ phượng, một nữ giáo sĩ kể lại câu chuyện Sau-lơ tin Chúa và ánh sáng từ trời. Nghe câu chuyện này, Kaboo la lớn lên, “Tôi đã thấy ánh sáng đó!”3 và dâng mình cho Chúa Giê-su. Cô Knolls, giáo viên trường Chúa Nhật bắt đầu dạy đạo cho Kaboo và giúp cậu học tiếng Anh. Rồi Kaboo chịu báp têm và có một tên mới tiếng Anh là Samuel Morris lấy theo tên của người bảo trợ cô Knoll.

Tăng trưởng trong đức tin, Samuel Morris càng đói khát sự học hỏi thêm về Chúa Giê-su và Đức Thánh Linh. Một giáo sĩ cho cậu biết họ đã học về Đức Thánh Linh từ một người tên là Stephen Merritt ở New York. Samuel tuyên bố, “Thế thì tôi sẽ đi đến New York!” Sau khi chờ tàu trong vài ngày, Samuel đáp tàu đi New York bằng cách xin làm việc trên tàu. Các thủy thủ khi thấy Samuel không biết nghề thì đánh đập và bắt nạt cậu, nhưng cậu chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và phản ứng một cách tử tế và tha thứ. Họ thấy Samuel luôn cầu nguyện ngay cả trong những lúc bão tố nguy hiểm. Bị thu hút bởi sự bình an lạ lùng của Samuel, từng thủy thủ một bắt đầu dâng đời sống cho Chúa Giê-su. 

Một đêm nọ, một vụ đánh lộn xảy ra giữa hai thủy thủ. Một người dùng mã tấu dọa giết người kia. Samuel bình tĩnh can thiệp, nhìn một cách tự tin vào mắt của người này, và mọi sự trở nên bình an trở lại. Sau này người này bị bệnh gần chết. Samule cầu nguyện cho anh ta và anh ta được chữa lành. Anh ta ăn năn và trở nên một con người mới. Sau hành trình 5 tháng vượt Đại Tây Dương, thủy thủ đoàn đã biến đổi khác hẳn.

Khi đến New York, Samuel tìm cách đến nơi của Stephen Merritt. Một người vô danh nói với cậu là Ông Merritt sống ở phía bên kia thành phố, và đề nghị đưa Samuel đến đó với giá 1 đô. Khi họ đến nơi, người đó đòi 1 đô la và Samuel trả lời, “Stephen Merritt sẽ trả tất cả cho tôi.” Stephen Merritt vui vẻ trả tiền.4 Vì ông có cuộc hẹn phải đi nên Samuel chờ ở trạm phục vụ. Tối hôm đó, khi Merritt về đến thì thấy chung quanh Samuel có đến 17 người nam, tất cả đang nằm sấp ăn năn trước Chúa.5 Merritt hết sức kinh ngạc. Ông mời Samuel vào nhà để lo thức ăn và quần áo cho Samuel. 

Ngày hôm sau, Merritt phải hướng dẩn một đám tang và ông mời Samuel cùng đi. Dọc đường họ đón thêm hai người có chức vụ mục vụ. Những người này do dự và sửng sốt khi biết là sẽ đi chung cỗ xe ngựa với một cậu bé Phi Châu. Trên đường đi, Samuel đề nghị họ cầu nguyện. Cậu quỳ ngay trong cỗ xe và bắt đầu “nói chuyện với Cha của mình.” Sự trong sạch và đơn sơ của lời cầu nguyện của cậu khiến lòng nóng cháy của Đức Thánh Linh vận hành trong họ khiến họ ăn năn về đời sống thuộc linh thấp kém của mình.

Mối quan hệ giữa Samuel với Chúa tác động rất mạnh lên lớp Trường Chúa Nhật đến nổi Trạm Truyền Giáo quyết định lo tài chánh cho cậu đi học Trường Kinh Thánh. Merritt sắp xếp cho cậu đến học tại Đại Học Taylor ở Fort Wayne, Indiana. Năm ngày sau, cậu đến đó. Ngay lập tức người trai trẻ này gây nên một ấn tượng lớn tại đó. Khi Chủ Tịch trường hỏi cậu muốn ở phòng nào, Samuel trả lời, “Nếu có một phòng nào mà không ai muốn, xin hãy cho tôi phòng đó.”6 Vào Chúa Nhật, cậu tìm đến một hội thánh người da đen trong thành phố. Khi cậu phát biểu, mọi người được Chúa động chạm. Mục sư Quản Nhiệm ở đó cho biết, “Hội chúng chưa bao giờ chứng kiến sự thăm viếng của Đức Thánh Linh như vậy.”7

Mùa đông năm ấy, thời tiết lạnh khiến Samuel bị bệnh. Cậu qua đời về với Chúa vào tháng 1 năm 1893. Vẻ mặt cậu hết sức vui mừng và bình an. Lời vắn tắt nhất và tốt nhất để nói về cuộc đời của thanh niên 20 tuổi này là lời khắc trên bia mộ của cậu: “Samuel Morris… một Cơ đốc nhân kỳ diệu. Sứ đồ của Đức Tin Đơn Sơ. Người Bày Tỏ Đời Sống Đầy Dẫy Đức Thánh Linh.”8

pastedGraphic.png

1. Lindley Baldwin, Samuel Morris (Minneapolis, MN: Bethany House Publishers, 1942), 7–15.

2. Wilbur Konkel, Jungle Gold: The Amazing Story of Sammy Morris and True Stories of African Life (Salem, OH: Schmul Publishing Co., Inc., 1993), 17.
3. Baldwin, Samuel Morris, 16.

4. Stephin Merritt and Thaddeus Constantine Reade, Samuel Morris: A Spirit Filled Life (Albion, MI: The Golden Rule Publishing Co., 1908), 7.

5. Baldwin, Samuel Morris, 43.

6. Ibid., 54.

7. Ibid., 59.

8. Ibid., 74.

 

Nguyễn Bình

(Lược dịch theo: ihopkc.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan