Tiểu Sử Mục Sư Charles Gutzlaff (1803-1851)

Share

Charles Gutzlaff là một nhà truyền giáo Tin Lành gốc người Đức. Ông sinh ngày 8/7/1803 tại Pyriztz, một thị trấn nhỏ tại Pomerania, một vùng đất thuộc nước Phổ thời xưa, và nước Đức ngày nay. Tên đầy đủ của ông trong tiếng Đức là Karl Friedrich August Gützlaff; tuy nhiên trong các văn bản Anh ngữ, tên ông thường được viết là Charles Gutzlaff.

Charles Gutzlaff là con trai của Johann Jacob Gützlaff và Maria Elisabeth Behncke. Cha của Charles Gutzlaff làm nghề thợ may, và mẹ ông mất sớm khi Charles Gutzlaff mới được bốn tuổi.

Năm 15 tuổi, Charles Gutzlaff đã có ý định trở thành một nhà truyền giáo cho những người Hồi giáo. Với ý định đó, cậu thiếu niên Charles Gutzlaff đã học tiếng Ả Rập và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ với dự tính sẽ đi truyền giáo tại Constantinople.

Năm 18 tuổi, Charles Gutzlaff được huấn luyện tại Missionary Institute of Berlin thuộc Hội Thánh Tin Lành Lutheran. Năm 1823, Charles Gutzlaff sang Rotterdam, Hòa Lan, và nhận lời cộng tác với Hội Truyền Giáo Hòa Lan (Netherlands Missionary Society) vì ông muốn đi truyền giáo tại bán đảo Malaysia.

Ngày 20/7/1826 Charles Gutzlaff được phong chức mục sư tại Rotterdam, Hòa Lan; sau đó ông được bổ nhiệm hầu việc Chúa tại Indonesia. Mục sư Charles Gutzlaff đến Batavia vào ngày 6/1/1827. Tuy nhiên Mục sư Charles Gutzlaff không ở tại Batavia lâu vì sau đó ông được cử đến làm việc tại Singapore và Thái Lan (1828).

Năm 1829, trung tâm truyền giáo của Hội Truyền Giáo London (London Missionary Society) tại Malacca không có người quản nhiệm, Mục sư Charles Gutzlaff được mời cộng tác với Hội Truyền Giáo London để lo công việc Chúa tại Malacca. Mục sư Charles Gutzlaff đã nhận lời yêu cầu này.

Năm 1830, Mục sư Charles Gutzlaff được cử đến Thái Lan để lo việc truyền Tin Lành cho khu vực Đông Dương. Trong những năm về sau, Mục sư Charles Gutzlaff đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau với trách nhiệm truyền bá Tin Lành cho cả khu vực Đông Á, bao gồm các quốc gia từ Indonesia cho đến tận Đại Hàn; trong đó có Việt Nam. Trong thời gian này, Mục sư Charles Gutzlaff dùng thuyền đi dọc bờ biển từ Thái Lan đến Đại Hàn để phân phối Kinh Thánh và phát triển công việc truyền giáo tại Á Đông.

1. Biên soạn từ điển Thái Lan và Việt Nam

Mục sư Charles Gutzlaff là người có năng khiếu về ngoại ngữ. Lúc đến Á Đông vào 1826, Mục sư Charles Gutzlaff cộng tác với Hội Truyền Giáo Hòa Lan làm giáo sĩ tại Java, Indonesia. Trong thời gian truyền giáo tại đây, Mục sư Charles Gutzlaff  đã học tiếng Trung Hoa.

Năm 1828, Mục sư Charles Gutzlaff cộng tác với Hội Truyền Giáo London và sau đó đổi sang làm giáo sĩ tại Bangkok, Thái Lan. Tại đây ông và vợ là Maria Newell đã viết một số sách chứng đạo, dịch toàn bộ, hoặc một phần Kinh Thánh sang năm thứ tiếng khác nhau. Sau đó, ông bà bắt đầu biên soạn tự điển Thái và Việt Nam.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng từ điển mà Mục sư Charles Gutzlaff soạn là tiếng Lào và Campuchia chứ không phải là tiếng Việt. [1] Tuy nhiên, Mục sư Charles Gutzlaff là người hiểu rất rõ các quốc gia trong vùng Đông Á; ông cũng rất thông thạo về tình hình chính trị của Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan vào lúc đó.  Trong phần mở đầu cuốn sách Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, with Notices of Siam, Corea, and the Loo-Choo Islands của Mục sư Charles Gutzlaff, lời giới thiệu cuốn sách có ghi những dòng chữ sau: “Many tracks have been written, a Siamese and a Cochin Chinese dictionary framed, the Scriptures partially or wholly translated into five dialects” (Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages, lxxxv)

Trong tác phẩm Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, with Notices of Siam, Corea, and the Loo-Choo Islands [2], Mục sư Charles Gutzlaff có nhắc lại việc vua Minh Mạng cử đại sứ sang Thái Lan giải hòa và đề nghị hai quốc gia chia nhau ảnh hưởng trên nước Lào. Để thuyết phục Thái Lan, vị Đại sứ Việt Nam đã nói rằng Việt Nam là mẹ, và Thái Lan là cha của nước Lào (Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages, 44).  Trong khi đó, khi viết về ảnh hưởng của Việt Nam trên Campuchia, Mục sư Charles Gutzlaff cho biết triều đình nhà Nguyễn cương quyết không chịu nhượng bộ Thái Lan (Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages. 47-50).

Trong những cuốn sách của mình, Mục sư Charles Gutzlaff đã dùng chữ Cochin Chinese và Cochin China để nói về Việt Nam chứ không phải là Lào và Campuchia (Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages. 22-66).  Hai cuốn bút ký của Mục sư Charles Gutzlaff xuất bản ngay sau khi ông hoàn tất các chuyến truyền giáo, và được tái bản vào lúc ông còn sống; do đó, chúng ta tin rằng không có sự nhầm lẫn trong việc dùng chữ Cochin-china để chỉ Lào và Campuchia. Vì thế chúng ta tin rằng bản thảo từ điển Cochin-Chinese mà Mục sư Charles Gutzlaff đã soạn là từ điển Anh-Việt chứ không phải là từ điển Lào hay Campuchia. Rất tiếc bản thảo cuốn từ điển Anh Văn và chữ Nôm, hoặc Quốc Ngữ, này đã bị thất lạc.

Mục sư Charles Gutzlaff cũng là người quen biết Giám mục Jean-Louis Tabert. Năm 1838 Giám mục Jean-Louis Tabert đã hiệu đính và phát hành từ điển Dictionnarium Annamitico-Latinum tại Serampore, Malaysia.

2. Dịch Kinh Thánh sang chữ Hán

Trước khi Mục sư Charles Gutzlaff  sang Á Đông, Mục sư Robert Morrison và William Milne đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Trung Hoa. Bản dịch Kinh Thánh chữ Hán của các Mục sư Robert Morrison và William Milne vào năm 1817 không phải là một bản dịch hoàn hảo. Sau khi Mục sư Robert Morrison về với Chúa vào năm 1834, các nhà truyền giáo Tin Lành tại Trung Hoa đã thành lập một ủy ban phiên dịch Kinh Thánh mới. Uỷ ban gồm có các Mục sư Walter Henry Medhurst, William Milne, Charles Gutzlaff, và John Robert Morrison, con trai của Mục sư Robert Morrison.

Ủy ban quyết định thực hiện một bản dịch Kinh Thánh chữ Hán chính xác hơn, được dịch từ nguyên văn Hebrew và Greek. Bản dịch Kinh Thánh mà ủy ban này thực hiện, về sau được gọi là bản Văn Lý (Wen Li), là bản Kinh Thánh được dùng để đối chiếu khi dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt 80 năm sau đó.

Sáu sách đầu tiên trong Kinh Thánh, là Ngũ Kinh và sách Giô-suê, do tất cả các thành viên trong ủy ban cùng dịch; những sách còn lại trong Cựu Ước và Tân Ước do Mục sư Charles Gutzlaff  dịch từ nguyên văn Hebrew và Greek sang chữ Hán.

Mục sư Charles Gutzlaff không phải là người chỉ lo dịch Kinh Thánh, ông cũng là người phổ biến Kinh Thánh. Năm 1834, Mục sư Charles Gutzlaff xuất bản cuốn sách Journal of Three Voyages Along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833. Trong cuốn sách này, Mục sư Charles Gutzlaff  đã kể lại những chuyến đi dọc duyên hải các quốc gia vùng Đông Á từ Thái Lan đến Đại Hàn. Mục đích của các chuyến đi này là để phân phối Kinh Thánh và sách chứng đạo cho dân chúng tại các quốc gia trong vùng.

Mục sư Charles Gutzlaff cho biết ông đã tặng Kinh Thánh cho quốc vương Đại Hàn. Tại Trung Hoa, một vị phó thống đốc đã gởi một bản sao bài học Kinh Thánh lên cho Hoàng đế Mãn Thanh yêu cầu hoàng đế xem xét kỹ lưỡng tín lý trong Kinh Thánh.[3]

Mặc dầu trong thời gian đầu, chính quyền Đại Hàn và Trung Hoa ngăn trở việc truyền giáo Tin Lành; tuy nhiên, trong những năm về sau, các nhà truyền giáo Tin Lành đã được phép hoạt động tại Đại Hàn và Trung Hoa. Bên cạnh việc truyền giáo, các nhà truyền giáo Tin Lành đã góp phần trong việc xây dựng hệ thống y tế và giáo dục đại học tại các quốc gia này. Trong khi đó, dầu có nhiều cố gắng, Mục sư Charles Gutzlaff vẫn không thể tiếp kiến các vua Việt Nam để xin phép truyền Tin Lành tại Việt Nam. Các nhà truyền giáo Tin Lành vẫn không được phép hoạt động tại Việt Nam cho tới cuối thế kỷ 19.

Vào năm 1833, Mục sư Charles Gutzlaff đã xuất bản cuốn sách Journal of Two Voyages Along the Coast of China in 1831 and 1832. Trong phần giới thiệu cuốn sách có đăng một bức thư mà Mục sư Charles Gutzlaff đã gởi cho Thánh Kinh Hội vào ngày 24/9/1832. Trong bức thư đó, Mục sư Charles Gutzlaff nói rằng: “Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ cần khoảng 10.000 cuốn Thánh Kinh Tân Ước để phát cho Đàng Ngoài, Đàng Trong, Hải Nam, vùng duyên hải Trung Hoa, Mãn Thanh, Đại Hàn, …”[4]

Những lời ghi lại trong bức thư cho thấy vào thập niên 1830, Thánh Kinh đã được phân phối tại Đàng Trong và Đàng Ngoài. Việt Nam đứng đầu trong danh sách ưu tiên để phân phối Kinh Thánh chữ Hán. Mục sư Charles Gutzlaff cũng viết thêm: “Tôi lấy làm tiếc là những bản dịch cho vùng Đông Dương vẫn chưa in xong.”[5]

3. Dịch sách khoa học sang chữ Hán

Khi tiếp xúc với những người Á Châu vào lúc đó, các nhà truyền giáo Tin Lành nhận biết một điều đó là nhiều người địa phương đã tiếp xúc với các giáo sĩ, không phải để tìm hiểu về niềm tin Cơ Đốc nhưng muốn học những kiến thức khoa học kỹ thuật của người Tây Phương.

Khi biết được điều đó, Mục sư Charles Gutzlaff  đã khuyến khích một số nhà truyền giáo Tin Lành có khả năng, ngoài việc biên soạn tự điển, dịch Kinh Thánh và các sách giáo lý, nên dịch một số sách khoa học sang chữ Hán. Vài người hưởng ứng trong công tác này trong số đó có Mục sư Joseph Edkins (1823-1905), Mục sư William Alexander Parsons Martin (1827-1916) và Mục sư Alexandre Wylie (1815-1887).

Các giáo sĩ Tin Lành tiền phong tại Trung Hoa đã có khải tượng thành lập những trường đại học Tin Lành trong tương lai cho nên việc dịch sách khoa học kỹ thuật sang chữ Hán là điều phù hợp và cần thiết. Tại Việt Nam từ thập niên 1810, Jean-Baptiste Chaigneau, một tín hữu Tin Lành người Pháp, làm quan dưới triều vua Gia Long, đã dịch một số sách khoa học ra chữ Hán.[6]  Tại Trung Hoa, Mục sư Joseph Edkins dịch cách sách giáo khoa về môn Động Vật Học, Thực Vật Học, Hóa Học, Địa Lý, Vật LýLogic,  Mục sư William Alexander Parsons Martin đã dịch Những Yếu Tố Căn Bản của Luật Quốc Tế của Henry Wheaton, Triết Học Tự Nhiên, và Toán Học Vật Lý. Mục sư Alexandre Wylie đã dịch Thiên Văn Học, Cơ Học, Số Học, Đại Số của De Morgan, Giải Tích của Elias Loomis, Động Cơ Máy Hơi Nước của Thomas John Main và Thomas Brown. Đặc biệt Mục sư Alexandre Wylie  đã dịch tiếp và hoàn tất bộ Hình Học Euclid mà Linh mục Matteo Ricci đã khởi đầu từ thế kỷ 17 nhưng không hoàn tất.

Người Trung Hoa rất thích bộ Hình Học Euclid, và họ đã học được rất nhiều từ bộ toán học này trong suốt 200 năm. Tuy nhiên, bộ Hình Học của Euclid gồm 15 cuốn mà Linh mục Matteo Ricci chỉ dịch có 6 cuốn đầu tiên. Người Trung Hoa cho rằng người Tây Phương giấu nghề nên không muốn truyền đạt những kiến thức còn lại.

Mục sư Alexandre Wylie cùng với nhà toán học Li Shanlan của Trung Hoa đã dịch tiếp 9 cuốn còn lại. Trong lời giới thiệu của lần xuất bản vào năm 1857, Mục sư Alexandre Wylie cho biết không phải người Tây Phương muốn giấu nghề nhưng nội dung trong những tập sau khó hơn; đòi hỏi phải có kiến thức mà một trình độ toán nhất định mới có thể dịch và giải thích được.

Một số những sách vỡ khoa học kỹ thuật mà các nhà truyền giáo Tin Lành dịch sang chữ Hán đã được truyền qua các nước lân cận. Bộ Hình Học Giải Tích của Elias Loomis đã được dịch từ chữ Hán sang tiếng Nhật hai lần. Những kiến thức này đã góp phần trong cuộc canh tân về khoa học kỹ thuật của người Nhật dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng trong những năm sau đó. Một số sách khoa học do các nhà truyền giáo Tin Lành phiên dịch cũng được truyền sang Việt Nam vào thế kỷ thứ 19. Một số trí thức trong triều đình nhà Nguyễn đã mua những sách này khi được cử đi công tác tại các quốc gia lân cận, đã đọc những sách vở này, và biết về những dịch giả nói trên.

Sử gia Đào Duy Anh khi nghiên cứu về học giả Nguyễn Trường Tộ đã nêu lên một thắc mắc là làm thế nào chỉ trong một thời gian ngắn khoảng hai năm ở Pháp, học giả Nguyễn Trường Tộ có thể thu thập kiến thức sâu sắc trong nhiều lĩnh vực khác nhau mặc dầu ông không phải là người giỏi tiếng Pháp như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hoàng hay Huỳnh Tịnh Của.[7]

Trước thắc mắc đó, Đào Duy Anh đã tìm hiểu. Học giả Đào Duy Anh cho biết khi ông đến thăm gia đình của Nguyễn Trường Tộ, con cháu của học giả này đã chỉ cho Đào Duy Anh thấy nhiều sách vỡ khoa học viết bằng chữ Hán. Điều mà học giả Đào Duy Anh không nhắc đến đó là một số sách khoa học này do những nhà truyền giáo Tin Lành đã dịch sang chữ Hán vào lúc đó. Có lẽ Nguyễn Trường Tộ đã mua những sách này trên đường ông đi Pháp khi ông ghé thăm Hong Kong và Singapore. Hong Kong và Singapore là hai trung tâm hoạt động chính của các nhà truyền giáo Tin Lành tại vùng Đông Á trong thế kỷ 19.

 4. Tham gia phái đoàn ngoại giao Anh đến Việt Nam

Sau khi vua Minh Mạng băng hà vào năm 1841, vua Thiệu Trị lên ngôi. Vua Thiệu Trị tiếp tục chính sách đàn áp Cơ Đốc giáo của vua Minh Mạng. Theo Giáo sư William L. Langer của Đại Học Havard, là Tổng Biên Tập bộ Bách Khoa Tự Điển Lịch Sử Thế Giới, trước cảnh các giáo sĩ và tín đồ Công giáo bị bách hại tại Việt Nam, Mục sư Charles Gutzlaff đã theo phái đoàn ngoại giao Anh đến Huế, thuyết phục vua Thiệu Trị xin thay đổi chính sách cấm đạo và tha cho những người tin Chúa đang bị bắt bớ.[8]

Trong chuyến đi đó, phái đoàn ngoại giao Anh mang thơ của Nữ Hoàng Victoria đến xin bang giao với Việt Nam. Trong khi phái đoàn Anh chờ ở cảng Đà Nẵng, Thống đốc John Francis Davis đã hai lần nhờ Mục sư Charles Gutzlaff lên bờ xin phép cho phái đoàn Anh đi Huế; tuy nhiên, cả hai lần tiếp xúc với các quan địa phương đều không mang lại kết quả.[9]

Lý do phái đoàn Anh không được tiếp kiến vua Thiệu Trị không phải vì triều đình nhà Nguyễn không muốn tiếp, nhưng lúc đó vua Thiệu Trị đang lâm trọng bệnh. Các quan trong triều Nguyễn không dám tiết lộ chi tiết này cho phái đoàn Anh. Chỉ vài ngày sau khi phái đoàn Anh rời Việt Nam, ngày 4/11/1847 vua Thiệu Trị băng hà tại Huế.

5. Nghiên cứu về đất nước và dân tộc Việt Nam

Sở dĩ Mục sư Charles Gutzlaff được mời đến Việt Nam cùng với phái đoàn ngoại giao Anh vào năm 1847 vì trước hết ông là người thông thạo chữ Hán, có khả năng giao tiếp với người Việt. Mục sư Charles Gutzlaff cũng biết chữ Quốc Ngữ. Trong bài nghiên cứu của Mục sư Charles Gutzlaff về Việt Nam, ông đã ghi lại vài chục địa danh bằng chữ Quốc Ngữ.

Bên cạnh đó, Mục sư Charles Gutzlaff cũng là một chuyên gia về Việt Nam. Mục sư Charles Gutzlaff không chỉ giới thiệu Lời Chúa, khuyến khích việc giới thiệu kiến thức khoa học Tây Phương cho người Á Đông nhưng ông cũng viết sách giới thiệu con người, địa lý, lịch sử, văn hóa của người Á Đông cho các độc giả Tây Phương. Trong khi các nhà truyền giáo Tin Lành chưa được phép chính thức vào hoạt động tại Việt Nam, Mục sư Charles Gutzlaff đã nghiên cứu và giới thiệu đất nước và con người Việt Nam cho độc giả nói tiếng Anh.

Nhận xét về người Việt, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết như sau:

“If the character of the Cochin-Chinese was not detoriated by the government, the people would hold superior rank in the scale of nations. They are lively, intelligent, inquitive, and docile, though unclean and indolent. This indolence, however, results from the tyranny of government, which compels the people to work most of the time for its benefits.” (Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages, 50-51.)

Lược dịch:

“Nếu bản chất của người Việt không bị băng hoại bởi nhà cầm quyền, dân tộc này sẽ được liệt vào bậc ưu hạng giữa các quốc gia. Họ là những người linh hoạt, thông minh, thích tìm tòi, và dễ bảo, mặc dù hơi ở dơ và lười biếng. Tuy nhiên, chuyện làm biếng này là kết quả của việc chính quyền tàn ác bắt họ làm việc quá nhiều cho lợi ích của chính quyền.”

Trong bài nghiên cứu về Việt Nam, Mục sư Charles Gutzlaff chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của ông đã tiếp xúc với người Việt. Mục sư Charles Gutzlaff ghi lại cả ưu điểm lẫn nhược điểm như sau:

“The Annamese are a cheerful race of people. The author has lived amongst various tribes of Asiatics, but he has never found such friendly companions as they are; so free and unsophisticated, so ready to oblige, so open and kind; yet they are fickle and restless in their disposition, subject to sudden impulses, and not faithful to their promises.” (Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19 (1849), 122.)

Lược dịch:

“Người Việt là một dân tộc vui tính. Tác giả đã sống với rất nhiều sắc dân khác nhau tại Á châu, nhưng chưa bao giờ thấy có những người đồng hành thân thiện như họ: rất phóng khoáng và bình dị, rất sẵn sàng để cam kết, rất cởi mỡ và tử tế; nhưng họ có khuynh hướng hiếu động và dễ thay đổi, dễ nổi nóng, và không giữ lời hứa.”

Năm 1849, Tạp Chí Địa Dư của Hội Hoàng Gia Anh tại London (The Journal of the Royal Geographical Society of London) đã đăng một bài nghiên cứu dài 64 trang của Mục sư Charles Gutzlaff mang tựa đề Geography of the Cochin-Chinese Empire (Địa Dư Của Vương Quốc Đại Nam).[10] Trong bài nghiên cứu này, Mục sư Charles Gutzlaff đã trình bày một số chi tiết về địa lý, lịch sử, chính trị, văn hóa, đặc sản và con người Việt Nam. Với nhận xét của một nhà nghiên cứu, cộng với kinh nghiệm cá nhân nhiều lần đến Việt Nam, bài nghiên cứu của Mục sư Charles Gutzlaff về Việt Nam đã cung cấp cho độc giả một tài liệu đáng tin cậy.

Một trong những chi tiết mà Mục sư Charles Gutzlaff  đã viết trong bài nghiên cứu của ông là mô tả quần đảo Hoàng Sa. Mục sư Charles Gutzlaff  đã viết về Hoàng Sa như sau:

“We should not mention here the Paracels (Katvang)[11] which approach 15-20 leagues to the coast of Annam, and extend between 15o – 17o N. lat., and 111o – 113o e. longtitude, if the King of Cochin-China did not claim these as his property, and many isles and reefs, so dangerous to navigators. … Isles rise every year higher and higher, and some of them now permanently inhabited… They would be no values if fisheries were not very productive [12],…. From time inmemmorial, junks in large number from Haenam, having annually visited all of these shoals, and proceeed in their excursions as far as the coast of Borneo … The Annam govertment, perceiving the advantage which it might derive if a toll were raised, keeps revenue cutters a small garrison on the spot to collect the duty on all visitors, and ensure protection of its own fishermen…” (Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, 93)

Lược dịch:

“Chúng ta không quên nhắc đến quần đảo Hoàng Sa (Cát Vàng), nằm cách bờ biển Annam 15-20 hải lý, giữa 15 đến 17 độ vĩ bắc, và 111 đến 113 độ kinh đông. Nếu vua Đại Nam đã không nhìn nhận chủ quyền như là tài sản của vua, nhiều đảo và mỏm đá rất nguy hiểm cho những nhà hàng hải,….. Những đảo này mỗi năm cứ cao hơn, và một số đảo đã có dân định cư…. Nếu việc đánh cá không dồi dào, những hòn đảo này chỉ là vô dụng.… Từ khi nào không rõ, những đoàn thuyền với số lượng lớn, từ Hải Nam đã đến những bãi ngầm này, và tiếp tục chuyến viễn du đến tận vùng duyên hải Borneo…. Chính quyền Annam, nhận rõ những lợi ích mang lại nếu tăng thêm lệ phí, nên đã đặt những thuyền thu thuế, một đội quân đồn trú tại chỗ để thu thuế tất cả những du khách, và bảo vệ những ngư phủ của họ…”

Mục sư Charles Gutzlaff cho biết người Việt đã cư trú, và các ngư dân Việt Nam đã sinh sống bằng nghề đánh cá, tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Quân đội Việt Nam đã trú đóng thường xuyên tại đây. Chính quyền Việt Nam đã thu thuế những du khách, mà phần lớn là những người Trung Hoa.

Từ giữa thập niên 1970 cho tới nay, những điều Mục sư Charles Gutzlaff viết đã được một số học giả Việt Nam dùng để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[13]

6.  Vận động cho việc truyền giáo tại Á Đông

Giống như Mục sư Robert Morrison quảng bá Trung Hoa cho nước Anh, Mục sư Charles Gutzlaff  muốn giới thiệu Việt Nam cho công chúng Anh. Tác giả muốn độc giả Anh, đặc biệt những nhà truyền giáo cho Việt Nam trong tương lai, có một kiến thức căn bản về Việt Nam. Bài nghiên cứu của Mục sư Charles Gutzlaff về Đông Dương đã được gởi cho Nam Tước George Staunton.[14] Sau đó bài viết được đăng trên Tạp Chí Địa Dư uy tín của Hội Hoàng Gia Anh tại London.

George Staunton vốn là Giám đốc Thương cuộc của Công ty Đông Ấn Anh tại Trung Hoa. Lúc đó, ông đã trở về Anh, và đang làm Nghị viên tại Quốc Hội Anh.

Trước đó 55 năm, lúc George Staunton mới 12 tuổi, ông đã theo cha là Nam Tước George Staunton, một thành viên trong phái đoàn ngoại giao Anh do Bá Tước George Macarthey làm trưởng đoàn, đến Việt Nam.

Phái đoàn ngoại giao Anh đã đến Đà Nẵng vào tháng 5 năm 1793 để tiếp xúc với nhà Tây Sơn. Rất tiếc phái đoàn Anh không được tiếp kiến vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, lúc đó mới lên ngôi được vài tháng. Khi đó George Staunton cũng là một thiếu niên chỉ hơn vua Cảnh Thịnh hai tuổi. Không rõ có phải vì biết vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi mà phái đoàn Anh đã cho phép George Staunton theo cha theo đến Việt Nam hay không.

Vào năm 1807, George Staunton chính là người đã khuyên Mục sư Robert Morrison từ bỏ ý định làm giáo sĩ tại Trung Hoa. Tuy nhiên đến cuối đời, ông lại làm một điều tương tự như Mục sư Robert Morrison đã làm. Mục sư Robert Morrison đã giới thiệu nước Trung Hoa cho người Anh và kêu gọi các giáo sĩ Tin Lành đến Trung Hoa. Khi biết Mục sư Charles Gutzlaff muốn làm như vậy cho Việt Nam, George Staunton đã giúp đỡ.

Điều đáng tiếc là những nỗ lực của Mục sư Charles Gutzlaff cho Việt Nam không mang lại nhiều kết quả. Chưa đầy hai năm sau khi bài viết của ông được phát hành, Mục sư Charles Gutzlaff đã về với Chúa vào năm 1851 tại Hong Kong. Lúc đó, không có giáo sĩ nào tiếp tục dự án truyền Tin Lành cho Việt Nam mà Mục sư Charles Gutzlaff đã chuẩn bị.

Trước khi qua đời, Mục sư Charles Gutzlaff đã thành lập Hội Truyền Giáo Trung Hoa (Chinese Evangelization Society).   Hai năm sau ngày ông mất, cơ quan này đã gởi giáo sĩ đầu tiên là Hudson Taylor đến Trung Hoa.

Nhiều năm về sau, Giáo sĩ Hudson Taylor đã thành lập Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa (China Inland Mission). Đây là cơ quan truyền giáo Tin Lành hoạt động mạnh nhất tại Trung Hoa, đã gởi hơn 800 giáo sĩ hoạt động khắp nước Trung Hoa. Ảnh hưởng bởi khải tượng truyền giáo của Mục sư Charles Gutzlaff, Giáo sĩ Hudson Taylor đã gọi Mục sư Charles Gutzlaff là ông tổ của Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Hoa.

Mục sư Charles Gutzlaff là người đã đặt nền tảng cho việc truyền Tin Lành tại Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 19. Điều đáng tiếc là sau khi ông về với Chúa không có người tiếp tục công việc truyền giáo này. Thêm vào đó, tình hình chính trị tại Việt Nam vào hậu bán thế kỷ 19 trở nên căng thẳng: nhà Nguyễn gia tăng việc bách hại Cơ Đốc giáo dẫn đến việc quân đội Pháp xâm lăng Việt Nam. Do đó, công việc truyền Tin Lành cho Việt Nam bị gián đoạn thêm một thời gian khá lâu. Trong khi đó, những công tác truyền giáo mà Mục sư Charles Gutzlaff đã thực hiện tại Đại Hàn và Trung Hoa đã đem lại những kết quả tốt đẹp và lâu dài trong những năm về sau.

Mục sư Charles Gutzlaff cũng là người đã kêu gọi các nhà truyền giáo trong lĩnh vực y khoa đến Á Đông. Hơn nửa thế kỷ sau khi Mục sư Charles Gutzlaff đưa ra lời kêu gọi đó, Alexandre Yersin, một bác sĩ Tin Lành Pháp đã đến hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực y khoa.

————————-

Nguồn: Trích lại từ Thư Viện Tin Lành, với vài chỗ được rút ngắn để thích hợp với mục đích chú trọng vào phần tiểu sử của Mục sư Charles Gutzlaff.

Chú Thích:



[1] McFarland, G. B., Historical Sketch of Protestant Missions in Siam 1828-1928, Bangkok, 1928, 4

[2] Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, London:Frederick Westley and A.H. Davis (1834).

[3] Gutzlaff, C., Journal of Two Voyages along the Coast of China in 1831 and 1832, London: John P. Haven (1833), vi.

[4] Gutzlaff, C., Journal of TwoVoyages along the Coast of China in 1831 and 1832, vii.

[5] Trong phần này, Mục sư Charles Gutzlaff dùng chữ Indo-Chinese. Có lẽ tác giả nhắc đến những bản Kinh Thánh bằng tiếng Thái và Campuchia mà ông đã dịch chứ không phải Kinh Thánh bằng tiếng Việt.  Khi nói về Việt Nam, Mục sư Charles Gutzlaff dùng chữ Cochin-China, Annam hoặc Tonkin.

[6] Đại Nam Thực Lục. Tập 1, 620, 858.

[7] Đào Duy Anh, Nguyễn Trường Tộ Học Ở Đâu? Tri Tân, Số 7, Ngày 18/7/1941.

[8] Langer, W.L., Bách Khoa Tự Điển Lịch Sử Thế Giới, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin (2004), 892.

[9] Journal of Occurrencies, China Repisitory, 16 (1847), 615.

[10] Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19 (1849), 81-143.

[11] Mục sư Charles Gutzlaff viết bằng chữ Quốc Ngữ ở đầu thế kỷ 19.  Katvang là Cát Vàng (tiếng Việt) hay Hoàng Sa (Hán Việt).

[12] Lúc đó Mục sư Charles Gutzlaff không biết là hai quần đảo này có dầu lửa.

[13] Hoàng Xuân Hãn, Quần Đảo Hoàng Sa, Tập San Sử Địa Số 29 (1974), 12.

[14] Nam Tước George Staunton (1781-1859) là con trai của Nam Tước George Staunton (1737-1801).  Hai cha con có cùng tên và cùng tước vị.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan