Hỡi Người Trai Trẻ, Hãy Mạnh Mẽ – Phần 9

Share

Chương 9 

Phát triển một tinh thần rộng rãi

Về phương diện tự nhiên con người thường quan tâm đến chính mình trước tiên. Bạn thử hình dung thế giới này sẽ ra như thế nào nếu tất cả mọi người đều ích kỷ. Sự rộng lượng là một đặc điểm tính cách mà chúng ta phải phát triển.

TINH THẦN KHÔNG ÍCH KỶ

Không ích kỷ là quan tâm đến người khác nhiều hơn là quan tâm đến bản thân mình. Khi tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho người khác càng lớn thì chúng ta càng tiến gần hơn đến tinh thần không ích kỷ. Thực ra, không ích kỷ là yếu tố cốt lõi trong việc phục vụ Đức Chúa Trời và người khác một cách có hiệu quả. Liệu Chúa Giê-xu có làm những gì Ngài đã làm nếu Ngài đã sống trong sự ích kỷ chăng?

Một số người không ích kỷ vì cớ những lý do sai trật. Họ ban cho vì họ mong đợi nhận lại nhiều hơn. Một tín đồ nọ hằng năm đều tặng cho mục sư của mình một món quà. Nhưng khi vị mục sư cần phải giải quyết với một số tội lỗi trong đời sống của tín hữu này, việc tặng quà đó ngưng lại. Một số người ban cho để khiến người khác mắc nợ họ để họ có thể kiếm thêm chút gì đó. Họ khoe mình trong sự hào phóng của họ. Họ giống như những người Pha-ri-si bỏ tiền vào thùng dâng hiến để nhận được những lời khen ngợi của con người. Làm điều tốt để được công nhận là một cái bẫy. Đó thực sự là một hình thức của sự ích kỷ.

Tinh thần không ích kỷ là làm tốt vì lý do tốt – không phải vì lợi ích cá nhân. Đó là mong muốn phục vụ chứ không phải mong muốn được phục vụ. Một vị tổng thống Hoa Kỳ đã nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn; hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc.” Tinh thần yêu nước như vậy có thể là một tinh thần cao quý trong đời này. Nhưng Cơ-đốc nhân có một lý do cao quý hơn nhiều. Đó là phục vụ Chúa Giê-xu Christ và phục vụ dân sự của Ngài.

Bạn có thể nghĩ rằng bạn muốn sống không ích kỷ nhưng bạn không có cơ hội. Bạn chưa tham gia vào một số pha cứu nguy và có lẽ chưa từng có ai bảo bạn phải thực hiện một sự hy sinh lớn sao. Nhưng tinh thần không ích kỷ khởi đầu trong những việc rất bình thường trong cuộc sống. Đa-vít đã sẵn sàng để đối mặt với Gô-li-át bởi việc trung thành chăm sóc những con chiên của cha mình.

Những người không ích kỷ thường không tập trung vào chính mình chút nào, hoặc hầu như không tập trung vào chính mình gì cả. Họ dường như không nhận ra là mình đang sống không ích kỷ. Đối với họ, đó là một lối sống. Khi có một nhu cầu, họ không đặt câu hỏi, nhưng họ làm những gì họ có thể để giải quyết nhu cầu đó. Một con gấu tấn công hai anh em nọ. Người anh chạy thoát được nhưng người em thì bị con gấu vồ lấy. Thay vì bỏ rơi người em của mình và bỏ chạy, người anh này đã tiến về phía con gấu với khẩu súng của mình và cố tránh gây nguy hiểm cho em trai mình, anh ta bắn con gấu. Khi được ca ngợi về tinh thần dũng cảm của mình, anh nhún vai và nói, “Tôi chỉ làm những gì cần phải làm thôi.”

Thông thường, sự không ích kỷ không quyến rũ lắm. Tốt hơn là bạn nên quên đi chuyện luôn được người khác công nhận về những việc bạn làm. Chúa Giê-xu nói về việc người đầy tớ làm việc vất vả suốt cả ngày. Vào buổi tối, lại phải phục vụ ông chủ của mình tại bàn ăn. Liệu một đầy tớ như vậy có được khen ngợi vì cớ sự phục vụ không chút ích kỷ của mình chăng? Câu trả lời của Chúa Giê-xu là không. Đó là nhiệm vụ mà chúng ta cần làm; không có danh dự gì ở đây cả –  chỉ một sự thừa nhận về nhiệm vụ đã hoàn thành.

Tấm lòng của người rộng rãi cảm động và xem nhu cầu của người khác như thể là của chính mình. Nhưng tinh thần ích kỷ giết chết tấm lòng quan tâm đến những nhu cầu của người khác. Những thầy tế lễ và người Lê-vi ích kỷ trong dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành không cảm động trước hoàn cảnh của nạn nhân đã ngã xuống bởi tay của những tên cướp. Người Sa-ma-ri nhân hậu đã mở lòng mình và giúp người bị nạn ấy. Ông là một ví dụ điển hình về tình yêu đích thực.

Hỡi các bạn trẻ, còn bạn thì sao? Bạn có cảm thấy thỏa nguyện trong việc làm hài lòng người khác hơn là làm hài lòng chính bạn chăng? Bạn có thể thay đổi kế hoạch của mình vì lợi ích của những người khác chăng? Có sự thỏa nguyện trong việc phớt lờ chính mình vì lợi ích của người khác. Chúng ta càng làm điều đó nhiều bao nhiêu, thì cuộc sống của chúng ta càng phong phú hơn và rộng lớn hơn bấy nhiêu. Đó là những gì Chúa Giê-xu muốn nói khi Ngài phán: “Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh.”

SỐNG HỮU ÍCH

Một người đàn ông đã dành một tuần với một người bạn của mình. Anh ta thông báo cho bạn của mình rằng anh ta đang đi nghỉ mát và lên kế hoạch cho mọi việc trở nên thoải mái. Nhưng điều anh làm là  đòi vị khách của mình trả các chi phí đó. Nhưng mặt khác, bạn bè của anh ta đến thăm thường giúp đỡ anh ta rất nhiều.

Một người sống hữu ích cố gắng tránh làm những điều bất tiện cho người khác. Khi người ấy nhìn thấy một nhu cầu, người ấy sẽ làm những gì có thể làm để giải quyết nó. Người ấy không chờ đợi cho đến khi có ai đó nhờ bảo. Thông thường, nếu bạn đang đau ốm hoặc tổn thương, bạn không thể luôn chăm sóc bản thân mình được. Điều đó không có gì đáng xấu hổ. Nhưng nếu một người khỏe mạnh mà thích được hầu hạ từ đầu đến cuối thì người đó đánh mất sự cao thượng rồi.

Hãy tự dọn dẹp đi. Một bảng hiệu tại một nhà máy đề là, “Hãy tự dọn dẹp đi. Mẹ của bạn không có ở đây.” Khi ở nhà, mặc dù mẹ bạn làm mọi việc, nhưng bạn phải tự dọn dẹp nhà cửa là điều cũng rất quan trọng. Việc xắn tay lên rửa chén hoặc làm những việc lặt vặt trong nhà không khiến bạn đánh mất phẩm giá của mình.

Đôi khi các bạn trẻ nghĩ rằng họ đã quá lớn để giúp bố mẹ làm những điều nhỏ nhặt. Thực ra thì điều ngược lại mới đúng. Họ càng lớn hơn, họ cần phải có đôi mắt sâu sắc hơn để tìm ra những phương cách để trở nên hữu ích. Tại nơi làm việc, đừng nên cố gắng tránh né việc làm thêm. Những người làm nhiều hơn phần việc được giao có được nhiều niềm vui hơn trong công việc của họ.

Tại một xưởng cưa nọ, các nhân viên liên tục cãi nhau với quản lý về tiền lương, điều kiện làm việc và các lợi ích. Viên quản lý đe dọa sẽ đóng cửa nhà máy. Nhưng tại một xưởng cưa khác, những nhân viên làm việc ca ngày và những nhân viên làm việc ca đêm cạnh tranh với nhau để xem ai có thể xẻ gỗ nhiều hơn. Nếu họ thấy họ bị tụt lại đằng sau, họ sẽ cố gắng để gia tăng công việc. Đâu là xưởng cưa bạn thích làm việc hơn?

Điều này cũng đúng trong nếp sống hội thánh. Nếu sàn nhà thờ cần được lau sạch hoặc nhà thờ cần phải được sơn lại, hãy có mặt ở đó. Đừng ngần ngại trong sự tình nguyện. Hãy để cho tinh thần hữu ích trở thành một thói quen. Bằng cách đó người khác sẽ biết họ có thể tin tưởng bạn khi họ cần giúp đỡ. Hãy ban cho nhiều hơn nhận lãnh. Hãy cẩn thận đừng rơi vào chỗ làm việc để được người khác tôn trọng. Hãy làm như làm cho Chúa.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan