Hơn 32.000 bác sĩ và chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới đã ký đơn phản đối các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), mà họ cho rằng đã gây ra “những tổn thất không thể bù đắp”.
Tính đến ngày 13/10, hơn 23.000 bác sĩ hành nghề, hơn 9.000 học giả y khoa và sức khỏe cộng đồng, cùng hơn 400.000 nhân vật công chúng quan tâm đến vấn đề này đều đã ký tên vào bản kiến nghị.
Bản kiến nghị này do 3 học giả hàng đầu cùng khởi xướng. Bao gồm Giáo sư Đại học Harvard Martin Kulldorff, Giáo sư Đại học Oxford Sunetra Gupta và Giáo sư Đại học Y khoa Jay Bhattacharya. Họ có lần lượt chuyên môn về giám sát dịch tễ học, miễn dịch học và sự lây nhiễm của các nhóm dễ bị tổn thương.
Ba học giả đã công bố và đọc bản kiến nghị vào ngày 4/10 tại Great Barrington, thuộc tiểu bang Massachusetts. Bản kiến nghị được gọi là “Tuyên bố Barrington vĩ đại”.
Bản kiến nghị nêu rõ: “Từ khắp nơi trên thế giới, bất kể là cánh tả hay cánh hữu, chúng tôi cam kết bảo vệ sự nghiệp của mọi người. Dù ngắn hạn hay dài hạn, chính sách phong tỏa hiện tại đang có tác động tàn phá đến sức khỏe cộng đồng.”
Bản kiến nghị cho rằng các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra nhiều vấn đề như: Bệnh tim mạch trầm trọng hơn, giảm tầm soát ung thư, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, … dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn trong vài năm tới.
3 học giả cũng viết: “Việc ngăn cản học sinh quay trở lại trường học cũng là một hành động bất công nghiêm trọng.”
Các học giả cho rằng thay vì phong tỏa mọi thứ cho đến khi có vắc-xin, tốt hơn nên tập trung vào việc giảm tỷ lệ tử vong và tác hại xã hội cho đến khi đạt được khả năng miễn dịch quần thể (herd immunity).
Miễn dịch quần thể chỉ việc tạo miễn dịch cho toàn bộ quần thể chống lại một loại bệnh nhất định. Khi khả năng miễn dịch của hầu hết mọi người đối với bệnh này tăng lên, tất cả mọi người, kể cả người già và người ốm yếu, sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Điều này có thể đạt được với sự trợ giúp của vắc-xin, nhưng không nhất thiết phải dựa vào vắc-xin.
“May mắn thay, sự hiểu biết của chúng ta về loại virus này ngày càng sâu rộng. Chúng ta biết rằng người già và người ốm yếu có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn gấp ngàn lần so với những người trẻ tuổi. Trên thực tế, đối với trẻ em, virus corona mới (virus Trung Cộng) có nguy cơ thấp hơn nhiều mối nguy hiểm khác, kể cả bệnh cúm”, bản kiến nghị viết.
Lời tuyên bố kêu gọi các quan chức y tế cộng đồng làm việc để bảo vệ những người yếu nhất, trong khi cho phép nhóm người nguy cơ thấp “trở lại cuộc sống bình thường”.
“Cách đồng cảm nhất khi cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích là để những người có nguy cơ tử vong thấp nhất được sống bình thường. Hãy để họ xây dựng khả năng miễn dịch với virus thông qua lây nhiễm tự nhiên. Đồng thời, bảo vệ tốt hơn những người có nguy cơ cao nhất”, tuyên bố cho biết.
Bản tuyên bố còn nêu rõ biện pháp bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương có thể bao gồm một số trường hợp. Ví dụ: Viện dưỡng lão nên sử dụng nhân viên miễn dịch và hạn chế tối đa việc luân chuyển nhân viên của viện dưỡng lão. Đối với những người về hưu sống tại nhà thì giúp họ mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, nếu hoàn cảnh cho phép thì nên gặp gỡ thân nhân ở ngoài trời, chứ không phải ở trong nhà.
Các học giả nói rằng tất cả thành viên trong xã hội nên thực hiện các biện pháp vệ sinh đơn giản, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và ở nhà khi mắc bệnh, để hạ thấp ngưỡng miễn dịch quần thể, khiến khả năng miễn dịch quần thể đạt được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, những người lớn có nguy cơ mắc bệnh thấp nên được phép làm việc bình thường, chứ không phải ở nhà. Các trường học nên được mở để giảng dạy trực tiếp, các hoạt động ngoại khóa như thể thao cũng nên được tiếp tục.
“Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao và các hoạt động văn hóa khác nên được nối lại.” Tuyên bố cho biết: “Những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn có thể tham gia theo ý muốn của họ. Toàn xã hội có thể được hưởng việc bảo hộ dành cho người già và người có thể chất kém bởi những người đã có khả năng miễn dịch quần thể.”
Bác sĩ người Canada Matt Strauss, người đã tham gia ký tên chung, là bác sĩ chăm sóc đặc biệt và là giáo sư tại Trường Y Đại học Queen. Ông ấy nói với tờ “Toronto Sun” rằng ông đã thảo luận với hầu hết các chuyên gia y tế và họ đồng ý rằng việc phong tỏa sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Ông Strauss nói: “Trong số các chuyên gia làm việc với tôi, tôi không nghĩ rằng quan điểm của mình chỉ là thiểu số.”
Tuy nhiên, tuyên bố này cũng vấp phải một số chỉ trích.
Tiến sĩ Irfan Dhalla nói với “National Post”: “Nếu không có thiệt hại lớn về nhân mạng hoặc tiêm phòng, chúng ta sẽ không thể có được khả năng miễn dịch quần thể, đơn giản vậy thôi.”
Ông Irfan Dhalla là bác sĩ nội khoa kiêm phó chủ tịch của Unity Health. Hệ thống bệnh viện này có hai bệnh viện ở Toronto.
Ông nói: “Thành thật mà nói, rất nhiều người thông minh đang ký vào bản tuyên bố này. Điều này khiến tôi thực sự không thể tin được.”
Tiến sĩ David Naylor, đồng chủ tịch Nhóm Công tác Tiêm chủng Virus Canada, nói với “Washington Post” rằng, cân nhắc tới việc sẽ luôn có một loại vắc-xin xuất hiện trong tương lai, “Tại sao chúng ta lại vội vàng áp dụng một đơn thuốc liều lĩnh khi đề cập đến một mầm bệnh nguy hiểm và tổ chức một ‘bữa tiệc thủy đậu’ dựa trên nhân khẩu học.”
Thư gửi Thống đốc Ontario Ford phản đối các biện pháp phong tỏa
Vào cuối tháng Chín, một nhóm 20 bác sĩ Canada đã gửi một lá thư đến ông Doug Ford, Thống đốc Ontario, phản đối việc khôi phục phong tỏa khi số ca bệnh tăng lên.
Bức thư đã được đăng trên “National Post”. Bức thư viết: “Sự thật đã chứng minh rằng các biện pháp phong tỏa không thể loại bỏ virus này.”
Những người ký tên trong lá thư này bao gồm các giáo sư y khoa từ Đại học Toronto, Đại học McMaster và Đại học Ottawa, cũng như các bác sĩ từ các bệnh viện khác nhau.
“Điều này đã dẫn đến tình trạng không thể kết thúc việc phong tỏa và xã hội không thể tiến lên với những lĩnh vực trọng yếu, bao gồm y tế, nền kinh tế, giáo dục, giải trí, sự tương tác lành mạnh của con người và các chức năng quan trọng khác.”
Các bác sĩ nói rằng hầu hết các ca bệnh gia tăng gần đây ở Ontario là ở những người dưới 60 tuổi. Những người này không có khả năng phát triển bệnh nặng. Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào giữa tháng Tư, những người trên 60 tuổi chiếm hơn một nửa, và bây giờ họ chỉ chiếm dưới 15% số ca bệnh.
Bức thư viết: “Ở Ontario và các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Liên minh châu Âu, sự gia tăng số ca bệnh không nhất thiết chuyển thành tỷ lệ nhập viện không thể kiểm soát và chen chúc trong các phòng chăm sóc đặc biệt.”
“Chúng ta hiểu rằng chúng ta lo lắng về sự lây lan của những ca bệnh này sang nhóm những người dễ bị tổn thương, nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc những rủi ro thực tế.”
Bác sĩ nói rằng các quan chức nên xem xét đầy đủ chi phí của việc phong tỏa. Bao gồm các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chẳng hạn như tăng 40% sử dụng thuốc quá liều ở một số khu vực nhất định, chậm trễ trong việc phẫu thuật và chẩn đoán bệnh nhân ung thư, cũng như việc đóng cửa trường học.
“Trong 6 tháng qua, xã hội của chúng ta đã phải gánh chịu nỗi thống khổ cự đại. Đã đến lúc phải làm một điều gì đó khác biệt”, các bác sĩ viết trong bức thư.
Đồng thời, một nghiên cứu được công bố trên “Tạp chí Y khoa Anh Quốc” vào tuần trước cho thấy, mặc dù các biện pháp phong tỏa ban đầu có thể giảm bớt gánh nặng cho các phòng chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện Anh một cách hiệu quả, nhưng duy trì việc phong tỏa sẽ kéo dài thời gian của đại dịch và tăng số ca tử vong.
Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu được Chính phủ Anh sử dụng khi lệnh phong tỏa được thực hiện vào tháng Ba. Nghiên cứu cho biết: “Mô hình này dự đoán rằng việc đóng cửa trường học và cách ly thanh thiếu niên sẽ trì hoãn làn sóng bùng phát thứ hai và các đợt bùng phát tiếp theo. Nhưng cuối cùng lại làm tăng tổng số người chết”.
(Nguồn: trithucvn.org)