Nếu Một Lãnh Đạo Rời Hội Thánh; Hãy Cho Người Ấy Cơ Hội Phát Biểu

Share

Lúc một lãnh đạo quyết rời bỏ Hội Thánh có lẽ đó là chỗ quí vị sẽ gặp một tình huống mới. Rủi thay, điều này không phải luôn luôn vui vẻ tốt đẹp, và có thể gây bất ổn cho những thuộc viên khác. Có lẽ họ hỏi, “Tại sao ông ấy ra đi?” Khi không hiểu ngọn ngành sự kiện, họ cũng có khuynh hướng ủng hộ ‘kẻ thất thế’.

Mấy năm về trước chúng tôi cũng gặp một tình huống tương tự xảy ra cho một trong những lãnh đạo của chúng tôi. Ông có một nhóm tại gia gồm trên ba mươi tín hữu. Ông cũng giúp thiết lập Hội Thánh mới mà chúng tôi đã gây dựng tại một thị trấn khác.

Vào lúc ấy tôi ghi nhận lời khuyên của một mục sư từ Mỹ đang ở thăm chúng tôi. Ông bảo, “Khi có một lãnh đạo không thỏa lòng muốn rời Hội Thánh, tôi dành cho người ấy cơ hội để phát biểu công khai lý do người ấy muốn ra đi. Sau đó tôi cầu nguyện cho vị lãnh đạo ấy và đưa tiễn trong ân điển Chúa. Tôi không thốt một lời nhằm bênh vực vị trí của mình. Điều duy nhất tôi hỏi dân sự là ai muốn đứng chung với vị lãnh đạo này? Xin cho tôi biết trong tương lai tôi sẽ phải chịu trách nhiệm về những ai”. Ông bảo điều ấy sẽ dọn sạch rác rến, chấm dứt thị phi và đem lại sự tin tưởng mới.

Chúng tôi đã áp dụng lời khuyên này. Vào sáng Chúa nhật đầu tiên sau khi vị lãnh đạo của tôi từ nhiệm, tôi gọi cho ông và nói rằng tôi muốn thông báo về việc từ nhiệm của ông trong buổi nhóm chính. Tôi hỏi ông có muốn phát biểu trước Hội Thánh hay là nhờ tôi đọc đúng những gì ông bảo tôi trình bày lại với hội chúng. Tôi hứa sẽ không bình luận về phát biểu của ông, cũng không biện minh vị trí của tôi. Ông đắn đo rồi cho tôi lời phát biểu. Tôi ghi lại đúng như ông nói.

Tại buổi nhóm ở nhà thờ chính, tôi phát biểu (đại khái như thế) rằng người anh em ấy đã quyết định rời khỏi Hội Thánh. Tôi nói là mình đang giữ bài phát biểu của người anh em ấy nói về lý do ra đi. Xong tôi đọc cho mọi người nghe, nhưng không bình luận.

Hãy xử lý sự vụ cách mạnh dạn, nhưng phải công bằng

Tôi không đủ can đảm để hỏi dân sự rằng ai muốn theo ông ấy thì tự tỏ ra. Tôi mời hội chúng đứng dậy trong khi cầu nguyện cho vị lãnh đạo ấy và vợ ông. Tôi nói rõ đây là người anh em mà chúng tôi vẫn cứ yêu thương chớ không phải là kẻ thù.

Kết quả thật đáng kể. Bầu không khí trở nên trong lành, dân sự nhận lại lòng tin và chỉ có bốn người theo ông ra khỏi Hội Thánh vào lúc ấy. Thậm chí sau này họ đã chấm dứt mối thông công mật thiết với ông trong nỗ lực khởi động một Hội Thánh ở vùng ông ở.

Hội Thánh chúng tôi tiếp tục sinh sôi, nhờ tinh thần hiệp một được phát huy.

Nếu như tình huống tương tự lại xảy ra, và lời phát biểu gồm có sự cáo buộc chống lại cá nhân tôi đi nữa, tôi sẽ không biện minh cho chính mình. Đôi khi yên lặng lại tốt. Tự biện là một sự chống đỡ thật nghèo nàn.

Từ đó, có ai hỏi, “Nếu điều này tái diễn, liệu ông có để cho những người khác tự tuyên bố sẽ theo hoặc không theo người lãnh đạo rời bỏ Hội Thánh không?” Câu trả lời của tôi là, “Tôi tin là quí vị phải cho người ta có thời gian để bàn thảo kỹ những  quyết định chính như thế. Có lẽ họ cần thông qua vị mục sư hoặc các lãnh đạo khác.”

 

Nguồn: John Walton, Khôn Ngoan Thực Tiễn.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan