Ngài Đem Tôi Lên

Share

“Trà đá đây!… Ai trà đá không?”

Tiếng rao của cô gái nhỏ nhắn có nước da ngăm đen như chìm vào mớ âm thanh hỗn độn của khu vực Chợ Lớn sầm uất. Giữa dòng người ồ ạt như nước chảy, cô gái tất tả ngược xuôi với bình trà đá trên tay, cố chen, cố lấn để kiếm sống trong các khu chợ, bến xe, không phải chỉ để nuôi mình, mà cưu mang cả đàn em nheo nhóc ở nhà.

Buổi xế chiếu… khi những lon trà đã gom lại, tấm thân mảnh mai ấy lại tiếp tục bươn bả trong các khu chợ với rổ quýt trên tay. Nhanh nhẹn, lanh lợi và chịu khó… nhưng tất cả những cái đó cộng lại cũng không thể nào đem cô gái ra khỏi số phận hẫm hiu. 

Một bộ đồ cũ sờn, một đôi dép Lào mòn sát đất đã đôi ba lần đứt, được cột dây kẽm để tiếp tục sống sót. Cứ thế, cô dội nắng dầm mưa cho ngày tháng đi qua. Nhịn thèm từng cái bánh, chén chè để nuôi em, và những gì cô có thể ‘tận hưởng’ cho riêng mình là những bữa cơm ‘chan’ (cơm chỉ chan tí nước đồ xào và nước tương lên trên). Có ngày thòm thèm, cô đánh bạo xin tí nước thịt, thì liền nghe mắng té tát, “Mày tối ngày ăn cơm chan mà đòi nước thịt!” Giữa chợ đời, thiên hạ vẫn ồn ào qua lại… chẳng ai hay… có cô gái tội nghiệp vừa ăn vừa khóc.

Nhưng dễ chịu biết bao nếu cái khổ chỉ dừng lại ở đó. Đằng này…

Cô gái lớn lên như cọng cỏ, chẳng ai yêu thương dạy dỗ, ngay cả việc sơ đẳng nhất của mọi người nữ cô cũng không biết! Và cái dại khờ đã đẩy cô gái xuống tận cùng khổ đau. Cô đã nhẹ dạ trao đời con gái mình cho một thanh niên làm nghề bốc vác, mà không hề lường hết những gì sẽ đến…

Cái ngày mà cô thắc mắc sao bỗng dưng mình mập (?) cũng là ngày mà cô không còn gặp chàng thanh niên đó nữa! Nỗi kinh hoàng chẳng biết nói cùng ai. Mỗi sáng đến chợ trở nên cực hình. Không có chiếc áo nào che giấu bụng mỗi ngày một lớn, và người ta bắt đầu xầm xì, còn cô thì cứ ráng nín thở, thót bụng đến đau thốn không chịu nổi. Nhưng cái cảm giác nhục nhã còn lớn hơn mọi nỗi đau khác, nó khiến cô phải bỏ chợ.

Đó là bắt đầu những tháng ngày buồn tủi không biết nói cùng ai. ‘Người’ mà cô những mong được nương dựa yêu thương đã bặt tăm. Phía trước là con đường mù tịt không thấy lối ra… Chỉ còn biết gằm đầu, cắm cúi móc những chiếc giỏ đổi lấy miếng cơm qua ngày. Trong căn nhà nghèo nàn rách nát, hằng đêm nước mắt thấm đẫm sợi len trên tay. Cô không thể nào hiểu nổi vì cớ gì mà cuộc đời mình cơ khổ?

… Mới sáu tuổi đầu đã chứng kiến cảnh cha mẹ chia tay. Cô và các em sống với mẹ. Nhưng vì bị quyền lực tối tăm ràng buộc, mẹ cô cứ lang thang khắp nơi để ‘làm phước, chữa bệnh’ cho người mà chẳng có trách nhiệm với đám con côi cút ở nhà.

Bảy tuổi, cái tuổi mà bạn bè tung tăng đến trường học, thì cô lạc lõng giữa trường đời. Khi thì bán tỏi, chanh, ớt… lúc thì xâu mía ghim… chào mời giữa chợ, cái tuổi thơ khốn khó nào biết đến cơm ngon, áo đẹp, thậm chí, chẳng dám ước ao! Năm lên mười tuổi, cô phải nếm mùi ở đợ để gánh vác gia đình…. Bao nhiêu nặng nhọc đè lên đôi vai nhỏ bé, nhiều lúc mệt nhoài, cô thèm lắm… một giấc ngủ trưa cũng không được.

… Tuổi thơ ấu tội nghiệp là thế, mà thời con gái khổ cực càng hơn. Làm sao cô quên những ngày tháng ‘nhảy tàu’ ở ga Bình Triệu đầy nguy hiểm. Ba giờ chiều, cô phải chui lỗ chó, chờ tàu chạy là đu lên. Ngồi trốn trên nóc tàu, ban ngày chịu cái nắng như thiêu, khi đêm xuống, lại chịu cơn gió lạnh cắt vào da thịt, cô buồn ngủ cũng không dám vì sợ lăn xuống đường ray, sợ chết khi tàu chạy vào đường hầm. Rồi cơ cực vẫn nối tiếp khi cuộc sống xô đẩy, cô trở thành phụ xế nữ duy nhất ở bến xe Long Khánh, giấu hàng xuống gầm, cho hàng lên mui, đu xe, vượt trạm… những nặng nhọc dành cho cánh ‘mày râu’ cô đã phải gồng mình gánh đủ, hung hăng như một ‘đàn chị’ để không bị ăn hiếp mà kiếm sống.

Phải chăng cuộc đời là một chuỗi dài cơ cực không bao giờ dứt? Sao nhìn lại chẳng thấy một ngày vui, có chăng là triền miên một kiếp khổ! Giờ đây, nghĩ đến cái bào thai cứ lớn lên từng ngày mà kinh hãi, cô chỉ còn biết kêu khóc với ‘Cao Xanh…”

Thế rồi, cái ngày không chờ ấy cũng đến. Cô gái ‘lỡ dại khờ’ đơn độc vượt cạn trong thiếu thốn, đói khổ, không tiền bạc, không người thân, không kinh nghiệm, không có bất cứ món đồ nào như thế thường của một sản phụ… mọi thứ đều phải ngửa tay xin và đứa bé sơ sinh cất tiếng chào đời trong nước mắt buồn tủi của mẹ nó.

Rồi ngày qua ngày… cái khổ, cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc đời của cô.

Đêm đêm trước bóng đèn hột vịt, người mẹ trẻ còm lưng với cuộn len, vừa móc, vừa khóc, có cố bao nhiêu cũng chẳng đắp đủ để nuôi con mà mắt ngày càng mờ, cơm không đủ ăn, một cái chổi cũng mượn hàng xóm để rồi phải nhận chịu sự khinh miệt. Trong tận cùng buồn khổ, cô luôn thầm ước ao đời mình sẽ có một ngày thoát khỏi cảnh này, cái mà cô không còn đơn độc, cái ngày mà ai đó sẵn lòng chia sẻ khó nhọc, buồn vui với mình.

Năm năm sau, cô những tưởng cái ngày ấy đã đến, khi có người đàn ông dáng vẻ cao ráo, gương mặt thật thà ngỏ lời yêu thương. Cô chấp nhận chung sống với hy vọng đây sẽ là chỗ dựa cho cuộc đời mình. Nhưng trái với những gì cô nghĩ, nghèo khổ lại càng thêm khi hai đứa con tiếp tục ra đời. Cô luôn luôn phải tảo tần, ngược xuôi mà không bao giờ đủ. Cái đói thiếu, bịnh tật và nợ nần có đeo đẳng triền miên. Chồng không việc làm, cả nhà sống lây lất nhờ vào xe bánh mình, cái khổ kể sao cho hết…. Có những hôm mưa, hai bàn tay gầy guộc ôm lấy cái dù tả tơi cứ bật ngược giữa đêm gió lớn, cũng lại vừa khóc vừa kêu ông Cao Xanh, rồi mòn mỏi chờ khách đến ba giờ sáng, mong bán được để có tiền góp nợ cho ngày mai. Cái cảnh con đi học mà không tiến đóng cho trường, còn phải để chúng thường xuyên chứng kiến những tay anh chị xiết nợ, xỉ vả mẹ mỗi ngày. Rồi những tủi hổ bao lần.. khi mang con đến bệnh viện mà không một xu dính túi, phải sống nhờ cơm xin cháo thừa, đến khi con bớt bịnh là tìm đường trốn viện.

Cứ thế… ngày qua ngày, nợ chồng thêm nợ… và cái khổ như một lời nguyền không thể thoát ra được. Cô tự nhủ mình chẳng làm gì xấu, sao cứ phải sống cơ cực như ăn mày. Thậm chí bao lần gạt nước mắt đứt ruột khi nghe con gái đề nghị bán nó cho Đài Loan, Nhật… để có tiền cứu sống gia đình. Vậy mà cũng không xong. Đem con đi, người ta không nhận vì con còn chưa đủ tuổi. Nỗi thất vọng vì chưa có tiền, lẫn cảm giác mừng vì còn được giữ con cứ tuôn trào qua những dòng nước mắt trên đường về. Cô muốn gào thét đến vỡ lồng ngực… Con phải làm gì đây? Hỡi Cao Xanh… phải chăng đến chết mới hết khổ? Đã bao lần trong cuộc đời cô nghĩ đến cái chết, bây giờ đây, nó lại đến, mãnh liệt hơn bao giờ!

Thế nhưng, có một sự sắp đặt lạ lùng mà mãi sau này cô mới hiểu.

Buổi chiều, trong tâm trạng rối bời, ngỗn ngang, một người Dì ghé qua thăm rồi đưa cô đến Hội thánh. Giữa bao lo lắng chồng chất, cô ngồi nghe mọi người hát ngợi khen Chúa mà thầm nghĩ… mình sắp chết tới nơi sao có thể hát nổi! Dù vậy, cô mù mờ nhận ra Chúa chính là Ông Cao Xanh mà cô thường kêu gào! Và ngay hôm ấy, cô đã cúi đầu cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Cô nào hay biết, đó là ngày mà cuộc đời cô đã bắt đầu có những thay đổi lớn lao.

Hôm sau, bỗng dưng một người đàn ông ở đầu xóm, chẳng hề thân thiết, đem đến cho cô ba trăm ngàn “để sắm sửa Tết cho sắp nhỏ…” Cô cầm số tiền run run kinh ngạc. Với cô, trong hoàn cảnh này số tiền thật là lớn lao, và cô lại đơn sơ thầm nói “Sao Chúa hay quá” Lần đầu tiên trong cuộc đời cô thấy lóe lên niềm hy vọng. Thay vì kêu gào Ông Cao Xanh, cô bắt đầu cầu xin Chúa giúp đỡ để những người ‘xã hội đen’ không đến hành hung cô như mọi ngày. Và điều Chúa làm khiến cô kinh ngạc, dường như có một sự can thiệp lạ lùng! Chẳng những đám người hung hăng không đến nữa, mà những thư đòi nợ của nhà nước cũng không còn gây áp lực nặng nề như trước. Hàng chục chủ nợ mà để cho cô được yên ổn, đó chẳng là chuyện rất lạ sao? Kể từ ngày đó, cô khao khát đến với Chúa, và mỗi ngày cứ khám phá điều tuyệt vời “Sao Chúa yêu mình nhiều quá!” Tuy nợ còn đó, vận phải giải quyết nhưng lòng cô rất bình an.

Cứ càng gần gũi với Chúa, cô càng nhận ra đời sống mình càng được cải thiện bằng những cách lạ lùng không thể hiểu. Một buổi chiều, chồng cô lang thang trở về nhà và kể rằng anh gặp một người bạn, người này hứa cho anh mược chiếc hon-đa để anh có thể chạy xe ôm kiếm sống. Cô tưởng mình như đang nằm mơ, vì trước đây hai vợ chồng đã từng ước ao nhưng không có tiền ‘thế chân’ nên không thể mướn xe được. Thế là chồng đã có việc làm. 

Rồi con cái cô được tiếp tục học mà không phải đóng học phí. Con gái lớn thì kiếm được công việc làm thêm nên để phụ giúp gia đình. Cô thật sự choáng ngợp vì sự thương xót của Chúa. Cô cũng vô cùng biết ơn Chúa vì đôi mắt mờ của mình cũng được chữa lành sau khi cô kiêng ăn cầu nguyện (trước đây cô từng có biệt danh là ‘H quáng gà’ vì hậu quả của những ngày vừa sanh xong đã khóc ròng rã, lại còn phải cặm cụi móc len trước bóng đèn mù mờ). 

Ngồi bên cạnh tôi, cô chậm hàng nước mắt và nói “Chúa thương tôi lắm! Ngài bù đắp lại những ngày cực khổ của tôi cách lạ lùng. Chỉ trong vòng gần một năm thôi, mà Chúa làm cho đời sống tôi thay đổi hẳn!” Rồi cô say sưa kể về những phước hạnh mà cô kinh nghiệm qua cuộc hôn nhân hết sức lạ lùng của đứa con gái lớn với một Việt kiều ở Mỹ. Con gái thứ hai thì lập gia đình với một thanh niên hầu việc Chúa và hai con gái nhỏ rất hiền ngoan trong một môi trường mà nhiều người phải lắc đầu ngán ngẫm (vì các em trai của cô đã từng là những thành phần giựt dọc, hút bồ đà, làm bảo kê…). Thật rõ, không những Chúa đem cô ra khỏi đời sống tối tăm cơ cực, mà Ngài còn bao phủ gia đinh cô trong ánh sáng quan phòng của Ngài.

Ngày hôm nay, nợ thế gian cô không còn vướng bận, nhưng cô sung sướng tự biết mìn mắc nợ tình yêu thương với những cuộc đời quanh mình. 

Cầm bàn tay cô, tôi thầm tạ ơn Chúa. Ngài cho tôi có cơ hội để gần gũi và tiếp xúc với những con người tầm thường nhưng đặc biệt. Tôi nhận ra Chúa có chương trình khi đặt cô trong những cảnh khổ và tôi cũng không ngạc nhiên khi được biết ngày hôm nay cô trở thành niềm an ủi, nâng đỡ cho biết bao nhiêu cuộc đời cũng đang ở trong cảnh ngộ khốn khó. Thật đúng như sứ đồ Phao-lô đã nói: “Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng yên ủi kẻ khác trong sự khớn nạn nào họ gặp!” (II Cô-rinh-tô 1.4).

Bởi đời sống được thay đổi của cô, ngày hôm nay tất cả bà con bên cô lẫn bên chồng đều tiếp nhận Chúa. Từ một cô gái thất học nghèo khổ biết dâng đời sống cho Chúa, ngày hôm nay cô trở thành người chăm sóc dạy dỗ Lời Chúa cho hơn năm mươi người tại quận 7 (trong số đó có những người học thức hơn cô rất nhiều). Bên cạnh đó, cô còn là một ‘Chiến sĩ cầu thay’ vô cùng hiệu quả cho chức vụ của tôi tớ Chúa và anh em mình.

Cô mỉm cười đọc cho tôi câu Kinh Thánh mà cô yêu thích “Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lầy; Ngài đặt chân tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền.” (Thi Thiên 40.2).

Cảm ơn Chúa vì hơn 2000 năm qua, Ngài vẫn đang từng bước hành động qua những con người đơn sơ nhưng biết trao thác cuộc đời cho Ngài.

 

(Nguồn: Đình Trân (viết theo lời kể), Hạt Muối Số 4, Tháng 12, Năm 2009)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan