Con người là một sinh vật sống. Ai sống là phải biết đi đứng, ăn uống suy nghĩ, nghe và nói. Đây là con người bình thường khỏe mạnh, không có tật nguyền. Tuy vậy, vẫn có một số người đang sống nhưng bị tật, chẳng hạn người câm, không nói được, người điếc, không nghe được. Khoa học tân tiến ngày nay giúp những người bị tật này có thể sinh hoạt với cộng đồng được. Người điếc có máy nghe, người câm dùng những dấu hiệu để phát biểu ý mình và cũng hiểu ý người khác được.
Con người sống có tập đoàn. Con người cần sinh hoạt với nhau. Nếu con người sống mà không sinh hoạt với nhau thì nguy lắm. Con người sống tách rời khó mà tồn tại và phát triển được. Còn sinh hoạt giữa con người với Thiên Chúa thì sao? Chắc chắn là cần, lẽ nào con người sống mà không cần đến Thiên Chúa! Chúng ta biết người điếc là người không nghe được. Người điếc thuộc linh là người không nghe biết Thiên Chúa nói gì, dạy gì. Tại sao con người bình thường có khả năng để nghe Thiên Chúa mà không muốn nghe Ngài nói? Lương tâm con người do Thiên Chúa ban cho có khả năng giúp con người nghe được Thiên Chúa nói. Cái đài “lương tâm” của chúng ta có nghe được Thiên Chúa không? Không nghe được, có thể vì chúng ta không chịu mở đài lương tâm lên để nghe. Chúng ta không chịu ngồi yên, đọc Thánh Kinh, suy gẫm và lắng nghe Thiên Chúa dạy bảo, nhắc nhở, cảnh báo chúng ta. Con không nghe cha là sai quấy. Tạo vật, con người mà không nghe Thiên Chúa là có tội. Tội lỗi làm cho con người xa cách Thiên Chúa. Có thể cái đài lương tâm của chúng ta quá yếu bị các đài khác mạnh hơn, hấp dẫn hơn như đài tiền tài danh lợi, đài hận thù ghen ghét, đài kiêu ngạo khoe khoang, lấn ép khiến cho lương tâm của chúng ta bị chai lì dần đi, chúng ta không còn sáng suốt nữa. Thánh Kinh gọi đây là người bị mù lòng.
“Chúa đời này đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không thấy sự vinh hiển chói sáng của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời.” (2 Cô rinh tô 4:4)
Lòng bị mù thì nguy lắm. Lẽ nào chúng ta không muốn cho cái lòng bị mù của mình được sáng ra? Lúc nào Thiên Chúa cũng gọi mời con người chúng ta quay trở lại để nghe Thiên Chúa:
“Hỡi các con, hãy đến nghe Ta; Ta sẽ dạy cho các con sự kính sợ Thiên Chúa.” (Thi Thiên 34:11)
Lời của Thiên Chúa là sự sống, là sự sáng cho nhân loại, cho ông bà và tôi nói riêng:
“Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105)
“Cha ta có dạy ta rằng: Lòng con nhớ ghi nhớ các lời ta; Hãy gìn giữ mạng lệnh ta, thì con sẽ được sống.” (Châm ngôn 4:1)
“Ta là bánh của sự sống.” (Giăng 6:48)
“Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh hồn các ngươi vui thích trong của béo. Hãy nghiêng tai và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh hồn các ngươi được sống” (Ê sai 55:2-3)
Dĩ nhiên con dân Thiên Chúa nghe Thiên Chúa để nhận lệnh, để biết ý Thiên Chúa muốn mình làm gì và làm theo là tốt rồi, là phước rồi. Nhưng vì con người còn sống với con người nên phải nghe lẫn nhau. Vì vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề nghe Chúa – nghe người như thế nào cho phải lẽ. Nghe người nhiều quá cũng không tốt, cũng nản lắm nên có một thiểu số người Việt muốn sống tách xa cộng đồng người Việt. Ngay cả một số con dân Thiên Chúa cũng chọn lối sống tách biệt đó nên sinh ra kiêu ngạo thuộc linh, cho mình chỉ nghe Thiên Chúa là đủ rồi, chẳng cần nghe các tín hữu khác. Cá nhân mình biết nghe Thiên Chúa, còn anh em mình trong Hội Thánh không biết nghe Thiên Chúa sao?
Ai nghe Thiên Chúa dạy, rồi nói lại cho bạn bè, anh em trong Hội Thánh để cùng nhau được gây dựng, cùng nhau tôn kính, thờ phượng Thiên Chúa một cách phải lẽ thì đó là người đáng cho ta nghe. Cũng vì lý do đó mà Thiên Chúa thành lập Hội Thánh. Cũng vì đó mà con dân Thiên Chúa họp lại tại Hội Thánh để cùng tôn thờ, hầu việc Thiên Chúa và truyền bá Danh Ngài.
Chúa Jêsus đã từng dạy các môn đồ ngày xưa và chúng ta ngày nay:
“Các ngươi là muối của đất; là ánh sáng của thế gian. Sự sáng ngươi hãy soi trước mặt người ta.” (Mathiơ 5:13-16)
Lẽ nào con dân Thiên Chúa sống ngược lại những gì Chúa Jêsus dạy bảo? Phải chăng con dân Chúa nên ưu tiên lắng nghe Thiên Chúa và sau đó cũng lắng nghe con người nữa nhất là những tín hữu khác nhưng chỉ tiếp nhận những gì anh em mình nói đúng với Thánh Kinh, và dĩ nhiên phải tránh những gì không đúng với ý Thiên Chúa. Nghe Thiên Chúa phán dạy khi cầu nguyện hoặc suy gẫm Thánh Kinh để học biết ý muốn của Thiên Chúa rồi làm theo. Thánh Kinh ghi lại trường hợp vua Giô-Ách, xứ Giu-Đa. Khi vua nghe người tốt là thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa thì vua và cả nước được phước. Ngược lại, khi vua nghe các quan trưởng Giu-Đa là những người xấu thì vua và cả nước bị nạn (2 Sử Ký 24:1-2).
Tướng Na-a-man nghe binh lính và tôi tớ dưới quyền khuyên ông ta vâng lời tiên tri Ê-li-sê đi tắm bảy lần dưới sông Giô Đanh thì được sạch bịnh phong (2 Các Vua 5:1-15).
Lịch sử Việt Nam có vua Lê Lợi và tướng Lê Lai nghe lẫn nhau nên vua Lê Lợi thoát chết khi bị giặc Minh bao vây, vua sống làm lợi cho cả nước.
Tại hội nghị Diên Hồng tháng 12 năm 1285, toàn dân toàn quân Việt lắng nghe nhau và quyết tâm chống giặc vì “sơn hà nguy biến” nên sau đó đánh thắng được giặc ngoại xâm Mông Cổ.
Vấn đề là chúng ta, con dân Thiên Chúa nên nghe ai? Chắc chắn là nghe Thiên Chúa trước nhất để nhận được kinh nghiệm thuộc linh, tức là biết Thiên Chúa cách riêng tư, sâu đậm. Từ đó chúng ta mới có thể phân biệt được ai tốt, ai xấu. Kế đến, chúng ta lắng nghe những người tốt, là những người có kinh nghiệm thuộc linh, sống gần Chúa, những người xứng đáng làm công việc Hội Thánh và lãnh đạo Hội Thánh.
Hai tiên tri Ê-xê-chi-ên và Giê-rê-mi biết chắc Thiên Chúa bảo hai ông nói lên sứ điệp của Ngài dù gây mất lòng cả vua và dân tộc họ. Hai tiên tri đã nghe Thiên Chúa và nói theo Thiên Chúa chứ không nghe và nói cho vừa lòng vua và dân tộc họ. Tiên tri Giê-rê-mi vâng lời Thiên Chúa, báo cho vua biết thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị quân thù xâm chiếm. Hậu quả, ông bị tù và bị nhiều người khác chế nhạo, kể cả những bạn bè thiết hữu của ông. Dù vậy ông phải nói ý của Chúa vì nếu ông không nói thì trong lòng ông như bị lửa thiêu đốt, sống không yên (Giê-rê-mi 19:14-20:1-11)
Còn tiên tri Ê-xê-chi-ên vâng lời Thiên Chúa, một mình ông dám nói nghịch cùng các tiên tri giả là những người tham danh lợi, nói theo ý riêng, đã lừa dối, xúi dân chúng giết hại những người đáng sống và tha chết cho những người đáng chết (Ê-xê-chi-ên 13:17-23).
Đến lượt tiên tri Mi-Chê thì ông bị áp lực bảo phải nói hợp ý vua, giống như bốn trăm tiên tri khác đồng thanh xác nhận vua A Háp và vua Giô-sa-phát sẽ thắng trận Ra-mốt tại Ga-la-át thuộc xứ Sy-ri. Nhưng tiên tri Mi-Chê nói theo ý Chúa, cho biết Vua A Háp sẽ tử trận. Hậu quả tiên tri Mi-Chê bị vua A Háp bỏ tù. Thật ra A Háp là vua Y-sơ-ra-ên còn Giô-sa-phát là vua Giu-Đa; hai vua kết sui gia với nhau. A Háp là vị vua không tốt, hung ác, ghen ghét và không kính sợ Thiên Chúa, cứ ra trận. Kết cục vua A-Háp bị tử trận, còn vua Giô-sa-Phát được Thiên Chúa thương xót cho trở về bình an nhưng cũng bị tiên tri Giê-Hu quở trách (2 Sử Ký 18:1-34).
Trên thực tế, nghe Thiên Chúa thì khó, nghe bạn thì dễ. Ảnh hưởng của bạn bè rất mạnh. Có biết bao người trẻ trong Hội Thánh vì nể bạn trai, bạn gái nên sống xa Thiên Chúa. Theo bạn đi chơi, tiêu phí tiền bạc cho bạn một cách bừa bãi, dần dần bỏ lễ ngày Chúa Nhật, không dâng tiền cho Thiên Chúa. Ưu tiên cho Thiên Chúa không còn nữa nhưng trở thành ưu tiên cho bạn bè, cho cái tôi ích kỷ. Hậu quả cuộc đời mất phước mà lại mang họa vào thân. Còn nếu nghe theo bạn bước thêm một bước nữa lập gia đình với người không cùng đức tin thì sanh ra nhiều tai hại khác nữa! Không những người trẻ trong Hội Thánh mà cả người trung niên cũng vì nể bạn bè, nể sui gia mà tiêu xài tiền bạc không theo nhu cầu ưu tiên, tốn hao thì giờ vào những sinh hoạt hội đoàn, xã hội, sinh hoạt gia đình của bạn bè, có khi không còn giữ ngày Sa-bát, không còn ưu tiên dâng tiền cho Thiên Chúa nữa. Hầu hết những người chưa tin Chúa đều chú trọng và tận dụng ngày Sa-bát tối đa để tổ chức sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình. Trong Hội Thánh cũng có một số gia đình cha mẹ tin Chúa tốt, nhưng vì con cái mà phải làm sui với những gia đình chưa biết Chúa. Kết cục tương lai của những gia đình này cũng không sáng sủa lắm. Con cái vì nể bạn không cùng niềm tin rồi đi đến hôn nhân ngoài Chúa, mà đặt ông bà, cha mẹ, anh chị em vào một trường hợp khó xử cho đời sống đức tin, cho sự tôn thờ Thiên Chúa, cho việc giữ ngày Sa-bát như tình ông bà nội, tình ông bà ngoại, tình sui gia, tình chú bác, tình cô cậu. Ông bà nội giải quyết như thế nào khi con dâu mời ông bà qua dự sinh nhật cháu mình với ông bà sui vào sáng Chúa Nhật? Ông bà nội trả lời như thế nào khi ông bà sui mời đi họ nhà gái cho đám cưới của con trai ông ta vào ngày Sa-bát? v..v..
Dù sao vấn đề “nghe Chúa, nghe người” của con dân Thiên Chúa cũng rất là phức tạp và khó xử. Là con người nên rất dễ cho chúng ta nghe theo con người. Vì thế Thiên Chúa đã khẳng định bảo dân Y-sơ-ra-ên khi vào đất Hứa không được làm sui với dân bản xứ; không được cưới vợ, hay gả chồng cho con cái mình với con gái, con trai bản xứ (Phục truyền 7:1-6).
Thiên Chúa đã biết trước cái tai hại lớn lao vì nể người, nể bạn, nể sui gia nên Ngài đã dạy nghiêm khắc cho dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa và cho con dân Thiên Chúa ngày nay. Biết bao hậu quả tai hại do sự nể người, nghe người trong cộng đồng con dân Thiên Chúa ngày nay. Từ các bài học lịch sử và những câu chuyện thực tế đau thương xảy ra trước mắt con dân Thiên Chúa liệu có đủ lý cớ để thuyết phục chúng ta nhờ ơn Thiên Chúa quyết định nghe Thiên Chúa hơn là nghe người, nể Thiên Chúa hơn là nể người chưa? Phương pháp hiệu nghiệm để giúp con dân Thiên Chúa lắng nghe Thiên Chúa là chúng ta tiếp tục đọc học, suy gẫm Thánh Kinh và cầu nguyện thường xuyên tại nhà và tại Hội Thánh. Nói tóm lại, Thánh Kinh là kim chỉ nam của Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh Kinh chỉ cho con người biết ý muốn, đường hướng của Thiên Chúa để con người nghe và làm theo. Con người chúng ta, bất cứ ở đâu trên trái đất này, bằng lòng đọc Kinh Thánh, suy gẫm và làm theo Thánh Kinh thì người đó không còn bị tật điếc thuộc linh nữa. Ai không bị điếc thuộc linh là nghe được Thiên Chúa, và sống theo Thánh Kinh thì lương tâm người đó được sáng lên và nhạy bén, nhận được tiếng phán của Thiên Chúa cách dễ dàng và có thể phân biệt được ai tốt, ai xấu để nghe hoặc không nghe theo.
Kính mời quý ông bà dù chưa tin hay đã tin Chúa Jêsus là Chúa Cứu Thế của mình nên tiếp tục đọc Kinh Thánh hằng ngày để lắng nghe Thiên Chúa, hầu biết hướng sống đẹp lòng Thiên Chúa tức là sống kính Chúa yêu người.
Câu hỏi thảo luận:
- Từ “nghe con người” và “nghe Chúa” có nghĩa gì?
- Bạn thường nghe ai? Nghe người hay nghe Chúa?
- Bạn có thấy cần nghe Chúa không? Nếu có, xin bạn cho biết, bạn nghe Chúa bằng cách nào và nghe như thế nào?
(Nguồn: Mục sư Lê Ngọc Cẩn, Trở Về)