Tại Sao Là Y-sơ-ra-ên? (Phần cuối)

Share

Chương 11

Sự Bình An

 

Y-sơ-ra-ên sẽ đến với sự yên nghỉ của mình như thế nào? Có phải là nhờ vào tiến trình hòa bình Trung Đông, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, Nga, Châu Âu và Liên Hợp Quốc đã thành công? Không, điều đáng sợ là khi các cuộc đàm phán hòa bình cho thấy dấu hiệu thành công – sự đau khổ lớn nhất sắp bắt đầu.

Các tiên tri giả nói: Hòa bình, hòa bình, nhưng thực ra không hề có hòa bình (Giê-rê-mi 6:14, 8:11,15, Ê-xê-chi-ên 13:1-6). Antichrist sẽ lập một giao ước, một hiệp ước hòa bình, với Y-sơ-ra-ên, nhưng sẽ phá vỡ hiệp ước trong một thời gian ngắn và, như đã được tiên tri, những trận chiến và tàn phá sẽ tiếp diễn cho đến cuối cùng (Đa-ni-ên 9:26b-27, Ma-thi-ơ 24:15-22, Mác 13:14-20). Khi Y-sơ-ra-ên hy vọng được sống trong hòa bình, thì thình lình, như một cơn giông bất chợt, kẻ thù sẽ tấn công (Ê-xê-chi-ên 38:1-16). Sẽ có một loại hòa bình – không có chiến tranh – và ai là kẻ không muốn điều đó cho với người Do Thái, ai là kẻ đã nhiều thế kỉ qua cố gắng làm như vậy? Nhưng tất cả các quốc gia sẽ cố gắng nâng tảng đá Giê-ru-sa-lem không thể dịch chuyển, và trong tiến trình đó, chúng sẽ bị thương nặng (Xa-cha-ri 12:3) trong một thất bại thảm hại. Y-sơ-ra-ên sẽ dành ra bảy tháng để chôn người chết (Ê-xê-chi-ên 38,39). Sự hòa bình, mà tất cả chúng ta đều đói khát, sẽ chỉ đến khi Đức Chúa Trời của sự bình an đạt được mục tiêu của Ngài cho hội thánh của Ngài và cho Y-sơ-ra-ên, và cuối cùng là mục tiêu của Ngài cho các quốc gia và chính tác phẩm đó nữa.

Điều này có nghĩa là chúng ta nên ngừng nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và trên thế giới hay sao? Chắc chắn là không rồi! Hòa bình thì luôn tốt hơn là chiến tranh, cũng như ăn uống tốt hơn đói khát, khoẻ mạnh tốt hơn bệnh tật, một môi trường sạch sẽ thì tốt hơn một thế giới ô nhiễm, đúng thì tốt hơn sai… Nhưng, chúng ta cần phải nhớ những gì Lời của Ngài nói về Y-sơ-ra-ên và vùng đất Ngài đã hứa ban cho họ. Hết lần này đến lần khác, dường như lòng con người là xảo trá và luôn ích kỷ. Con người có khuynh hướng thù ghét Chúa. Chúng ta nghĩ chúng ta hiểu biết hơn Đức Chúa Trời (Tít 3:3, Giăng 15:25-28, Rô-ma 1:28-32, Thi Thiên 143:2, Rô-ma 3:11). Tội lỗi đang cai trị. Và quyền lực của bóng tối, được dẫn dắt bởi “thần đời này” (Giăng 14:30, Ma-thi-ơ 4: 8-9), Sa-tan cai trị trên “vua chúa của thế gian mờ tối” (Ê-phê-sô 6:12).

Trước đây, Đức Chúa Trời đã phán xét thế gian bằng một trận lụt bởi vì lòng người ta đều hướng về điều ác (Sáng thế ký 6: 5-8). Khi mà mức độ gian ác của con người lại một lần nữa lên đến đỉnh điểm, và sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời cùng không còn nữa, sẽ có một sự phán xét toàn thế giới (II Phi-e-rơ 3:1-13) với sự hủy diệt bằng lửa. Sự canh chừng nghiêm ngặt là yêu cầu của thời đại, vì tất cả sự hòa bình, yên ổn chỉ là tạm thời và liên tục bị đe dọa. Không có chỗ cho sự bất cẩn. Chúng ta không được phép lơ là trong sự canh chừng, cho dù những vấn đề cần được xử lý là nhỏ hay lớn. Ngay cả khi Chúa ban cho chúng ta sự nghỉ ngơi và thảnh thơi ngắn ngủi, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng đó vẫn chưa phải là kết thúc. Chúng ta đang trên đường đến với một Vương quốc và với vị Vua của Vương Quốc đó. Cho đến chừng nào những câu chữ cuối cùng trong Kinh Thánh và lời phán của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm, thì chừng đó mới có sự bình an thật (Ma-thi-ơ 24:35). Sự bình an đích thực chỉ sẽ xuất hiện khi chính Chúa hoàn thành mục tiêu của Ngài đối với Y-sơ-ra-ên khi mắt họ mở ra để nhận biết Ngài.

MỘT LỜI TIÊN TRI ĐƯỢC LẶP LẠI BA LẦN

Có ba lần Kinh thánh ghi chép việc người Do Thái nhìn thấy Chúa Giê-xu. Khi Giăng mô tả sự đóng đinh của Chúa trên thập tự giá, ông đã trích dẫn lời tiên tri của Xa-cha-ri: “…Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm.” (Giăng 19:37). Ý ông muốn nói ở đây là gì? Những người lính La mã, chứ không phải người Do thái, thực hiện việc hành quyết Chúa Giê-xu. Bởi vì ngày Sa-bát Người Do Thái sắp tới, nên không có một xác chết nào được phép để lại trên thập tự cho đến ngày hôm sau, và họ đã quyết định chấm dứt sự tra tấn những người bị đóng đinh bằng cách dùng một thanh sắt đánh gãy chân họ. Ý nghĩa của việc này là để ngăn những người bị đóng đinh đẩy mình lên để hít không khí vào phổi của họ, do đó họ sẽ bị ngộp thở khi bị treo cổ bởi chính hai cánh tay của họ. Nhưng khi họ đến với Chúa Giê-xu, họ thấy Ngài đã chết. Để chắc chắn, một người trong số họ đã lấy giáo đâm vào hông Ngài, dưới mạn sườn và xiên vào chỗ của trái tim. Nếu Chúa Giê-xu chỉ bị bất tỉnh mà thôi, việc đâm giáo vào hông sẽ làm cho máu của Ngài từ tim tuôn ra, và dẫn đến cái chết. Nhưng không phải Chúa Giê-xu bất tỉnh, Ngài đã chết. Chỉ có nước và máu tuôn ra từ vết thương ở hông Ngài.

Quan điểm y học về nguyên nhân cái chết của Chúa Giê-xu là sự kết hợp giữa ngạt thở và suy tim. Giăng đã nói rất rõ ràng về điều này. Ba lần chúng ta được đảm bảo rằng ông là một nhân chứng, là người đã chứng kiến chính xác những gì đã xảy ra: Kẻ đã thấy thì làm chứng về việc đó [1] lời chứng của người là thật [2], và người vẫn biết mình nói thật vậy [3] hầu cho các ngươi cũng tin (Giăng 19:35). Xương của Chúa Giê-xu không bị gãy, để cho ứng nghiệm thêm hai câu Kinh thánh nữa: “…Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy” (Giăng 19:36, Xuất Ai-cập ký 12: 46, Dân số ký 9:12, Thi thiên 34:20) và “…Chúng sẽ ngó thấy người mà mình đã đâm.” (Giăng 19:37, Xa-cha-ri 12:10). Ai đã đâm Ngài? Phải chăng người Do Thái đã làm điều đó? Không, như chúng ta đã thảo luận trước, những người lính La Mã đã đâm thủng tay và chân của Chúa Giê-xu bằng đinh và đâm hông Ngài bằng giáo.

Nhưng phần Kinh Thánh trích dẫn ở đây chỉ được ứng nghiệm một phần. Xa-cha-ri 12:10 viết: “Chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm, và chúng nó sẽ thương khóc như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng như người ta ở trong sự cay đắng như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng”. Có phải tất cả những điều này đã được ứng nghiệm tại thập tự giá? Không, vì có những tiếng cười, chế nhạo, dè bĩu và la hét. Những người ở Giê-ru-sa-lem, những người mà Xa-cha-ri đề cập đến, chắc chắn sẽ không than khóc khi những người ngoại, những người La Mã đã đâm Chúa Giê-xu. Họ có thể nhìn xem Đấng mà chúng (người La Mã) đã đâm, nhưng họ không hề thương khóc và cay đắng. Vì vậy, đó vẫn chưa phải là tất cả. Và tất cả sẽ ứng nghiệm khi Chúa “… đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít và trên dân cư Giê-ru-sa-lem” trong phần còn lại của câu Kinh Thánh này ở sách Xa-cha-ri. Chúa Thánh Linh sẽ khiến họ tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét (Giăng 16: 8). Đột nhiên họ sẽ nhận ra rằng Đấng đã bị giết là ai.

Mặc dù tòa công luận của người Do Thái xử Đức Chúa Giê-xu tội chết (Ma-thi-ơ 26:59-66), và người La Mã đã giết Ngài, nhưng không ai trong số những người này biết được họ thực sự đang làm gì. Chỉ có Thánh Linh mới có thể ban cho bạn sự mặc khải đó.

Có một phần trong lời tiên tri của Xa-cha-ri được ứng nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giê-ru-sa-lem (Công vụ 2). Người Do Thái (và những người ngoại đạo đã cải đạo sang Do Thái giáo – Công vụ 2:10), là những người có mặt tại Lễ Ngũ Tuần đã bị những lời của Phi-e-rơ đụng chạm đến tấm lòng (pirced to the heart – đâm vào tim) khi Đức Thánh Linh được tuôn đổ (Công vụ 2:37) mặc dù là không đề cập gì đến sự thương khóc và cay đắng. Sự ứng nghiệm đầy đủ sẽ xảy ra khi Đức Chúa Giê-xu đổ Thánh Linh xuống trên dân Do Thái ở Giê-ru-sa-lem và trong cả xứ Y-sơ-ra-ên (Xa-cha-ri 12:12) và mọi thế hệ, đàn ông và đàn bà sẽ than khóc Đấng đã bị đâm, bởi vì họ sẽ đột nhiên nhận ra được Ngài là ai. Sự than khóc này sẽ dẫn đến sự ăn năn, để cho cả Y-sơ-ra-ên, những người thánh còn sót lại, thế hệ cuối cùng sẽ tin. Một số người nghĩ rằng việc Thánh Linh khiến Y-sơ-ra-ên tin sẽ trùng hợp với sự nhận biết Đấng mà họ đã đâm vì nó sẽ trùng hợp với sự hiện đến của Ngài trong vinh quang. Trong trường hợp đó, tất cả chúng ta là những kẻ đã đâm Ngài, người La Mã, người Do Thái, và chúng ta là dân ngoại, sẽ thấy Đấng “…vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, nhưng Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người.” (Ê-sai 53: 5,10).

Dù ở trong bối cảnh nào đi chăng nữa, Y-sơ-ra-ên sẽ được nhìn thấy Chúa Giê-xu là ai, và đó là lý do tại sao Ngài đưa người Do Thái trở về vùng đất của họ [Y-sơ-ra-ên] và thành phố GIÊ-RU-SA-LEM, để gặp họ ở đó, thuộc linh lẫn thuộc thể. Xa-cha-ri 12:10-14 nói: Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên dân cư GIÊ-RU-SA-LEM; chúng nó [Y-sơ-ra-ên] sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, phàm những họ còn sót lại, mỗi họ riêng ra, và những vợ chúng nó riêng ra.” Phần Kinh Thánh này trong Xa-cha-ri được trích dẫn một lần nữa trong Khải Huyền 1:7, như thế này: Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trong thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Nhưng ở đây, sự than khóc không dẫn đến sự ăn năn; thay vào đó là ở trong sự khủng khiếp vì sự đoán phạt sắp xảy đến. Những dân tộc trên thế giới, đã một mực khước từ Ngài, sẽ la lên với những núi đồi và đá trong nước mắt rằng: “…Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?” (Khải Huyền 6: 16-17). Thời điểm đó đang đến rất gần rồi. Hội thánh sẽ được trở nên toàn hảo, Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu rỗi, và các dân tộc đều bị phán xét, hết thảy đều sẽ nhìn thấy Đấng đã bị hết thảy chúng ta đâm, thuộc thể lẫn thuộc linh.

BÀY TỎ SỰ ĂN NĂN ĐỐI VỚI NGƯỜI DO THÁI

Với vai trò là hội thánh, là những con người thuộc về Đấng Christ, những gì chúng ta thảo luận từ trước đến giờ rồi sẽ đi về đâu? Chúng ta có nên gia tăng lòng nhiệt thành trong việc truyền giáo cho người Do Thái không? Chắc chắn rồi, khi được người Do Thái hỏi, chúng ta cần phải sẵn sàng đưa ra lý do về niềm hy vọng của chúng ta (I Phi-e-rơ 3:15). Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta được phép chuẩn bị đường cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta được phép để cho người Do Thái nhìn thấy được tình yêu thương của Chúa Giê-xu trong lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể cố gắng loại bỏ những sự vấp phạm trong quá khứ.

Chúa có phán rằng: “…Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta”, (Ê-sai 40:1). Phao-lô đã nói: “Hãy cố sức dục lòng tranh đua (của họ)”, (Rô-ma 11:14). Một phần quan trọng của việc để có thể thực hiện được điều này là thái độ khiêm tốn và thừa nhận lỗi lầm. Chúng ta phải thừa nhận lỗi lầm của chúng ta về thái độ của hội thánh trong nhiều thế kỷ, khi mà những người Do Thái đói, khát nước, là kiều dân giữa vòng chúng ta; họ trần truồng, đau ốm và bị tù (trại tập trung) mà không được giúp đỡ. Chúng ta đã lờ đi ý muốn của Đức Chúa Trời khi Ngài nói đến kẻ rất nhỏ trong vòng anh em Ngài.

Phần Kinh Thánh trong Ma-thi-ơ 25:31-46 chép rằng:”Khi Con người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra; để chiên ở bên hữu và dê ở bên tả. Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó. Vì ta đã đói, các ngươi không cho ăn; ta khát, các ngươi không cho uống; ta là khách lạ, các ngươi không tiếp rước; ta trần truồng, các ngươi không mặc cho ta; ta đau và bị tù, các ngươi không thăm viếng. Đến phiên các người nầy bèn thưa lại rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa, hoặc đói, hoặc khát, hoặc làm khách lạ, hoặc trần truồng, hoặc đau ốm, hoặc bị tù mà không hầu việc Ngài ư? Ngài sẽ đáp lại rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi không làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy, ấy là các ngươi cũng không làm cho ta nữa. Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.

Phần Kinh Thánh này đôi khi được giải thích là ‘Hãy đối xử tốt với những người đang gặp khó khăn, và bạn sẽ được xưng là công bình trong Ngày Phán Xét’. Đây là một loại Phúc âm mang tính nhân văn, theo đó chúng ta được cứu bởi những hành động tốt của chính chúng ta. Những việc làm như thế là không đủ để có được sự cứu rỗi đời đời (chỉ có công tác của Đấng Christ trên thập tự giá có thể làm được điều đó, và sự cứu rỗi chỉ có thể trở thành sở hữu của bạn bởi đức tin). Tuy nhiên, rõ ràng là chúng ta thực sự được kêu gọi để làm điều lành cho những người gặp khó khăn trên khắp thế giới.

Những người khác thì cho rằng phần Kinh Thánh này có ý nghĩa là: ‘Bạn phải đối xử tốt với những anh em Cơ-đốc đang gặp khó khăn khắp nơi trên thế giới, những Cơ-đốc nhân đang bị giam giữ và bị bức hại và những khó khăn tương tự như vậy. Làm như vậy sẽ đảm bảo rằng bạn sẽ được xưng công bình trong Ngài Phán Xét’. Và, một lần nữa, chúng ta cần phải làm điều tốt cho những anh chị em Cơ-đốc của chúng ta khắp nơi trên thế giới đang bị bức hại vì đức tin của họ. Nhiều người trong số họ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các quốc gia Hồi giáo. Nhưng ý Chúa Giê-xu muốn nói trước hết đó là: “…Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. Các dân tộc đã đối xử như thế nào với những người Do Thái ở giữa vòng họ? Đây rõ ràng là một cơ sở cho sự phán xét các dân tộc, để phân ra thành các dân tộc chiên và các dân tộc dê. Hội thánh đã làm gì với những người Do Thái ở giữa vòng họ? Chúng ta đã làm gì với những người Do Thái chung quanh chúng ta? Chúa đã nói rất rõ ràng ở đây. Ngài không thường nói về lửa địa ngục đời đời, nhưng trong đoạn này Ngài đề cập đến: “...Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.” (Ma-thi-ơ 25:41).

Nói chung, hội thánh đã không có động tĩnh gì khi người Do Thái bị ngược đãi. Hơn nữa, hội thánh không chỉ là một kẻ làm ngơ về những điều khủng khiếp, hội thánh còn là kẻ đã khởi xướng những điều khủng khiếp đó thông qua các hệ thống thần học mù quáng của họ. Y-sơ-ra-ên có thể bị mù, và phần nào đó cứng cỏi (các họa sỹ theo truyền thống mô tả Y-sơ-ra-ên trong tư thế bị bịt mắt), nhưng chính hội thánh vẫn mù quáng – thậm chí còn mù quáng hơn – trong những vấn đề này. Điều cần phải được thực hiện là thừa nhận lỗi lầm và kết ước ăn năn trong một tuyên ngôn rõ ràng đối với người Do Thái. Chỉ nói suông là chưa bao giờ đủ, cần phải có hành động để chứng minh sự hiệp nhất tuyệt đối. Chúng ta cần phải bắt chước những Cơ-đốc nhân Hà Lan như gia đình Corrie Ten Boom, và nhiều người khác nữa; họ là những người đã tận hiến cả đời sống để bảo vệ người Do Thái khi một trong những hiện thân của Antichrist trong lịch sử, là Hitler, xuất hiện. Họ sát cánh với người Do Thái chống lại kẻ thù của dân Do Thái và cũng là kẻ thù của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 83:5-6). Họ không chỉ giúp đỡ những Cơ-đốc nhân Do Thái. Họ sát cánh cùng với tất cả người Do thái. Những Cơ-đốc nhân Hà Lan biết rằng người Do Thái là con dân của Đức Chúa Trời, là những người được chọn lựa của Ngài, là con đầu lòng của Ngài! Khi người ta nhìn vào những cây ghi nhớ công lý ở các quốc gia tại Yad Vashem ở Giê-ru-sa-len, họ sẽ nhìn thấy nhiều cái tên của các Cơ-đốc nhân và không phải Cơ-đốc nhân đã sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình để cứu người Do Thái. Có những cái tên tiếng Hà Lan, tiếng Ba Lan, tiếng tiếng Pháp, vân vân.

Chúng ta cũng có thể làm được một điều gì đó. Chúng ta có thể giúp đỡ người Do Thái ở bất cứ nơi nào có thể (khi họ cho phép điều đó) bằng cách đưa họ về nhà, bằng cách giúp họ trở về quê hương Y-sơ-ra-ên, khỏi cảnh lưu vong trên khắp thế giới. Chúng ta cũng có thể hỗ trợ người Do Thái ở Y-sơ-ra-ên bằng cách viện trợ nhân đạo cho những người đã bị thương bởi các cuộc tấn công trong chiến tranh và khủng bố. Chúng ta có thể cố gắng hỗ trợ về tinh thần và tài chính để chống lại mọi hình thức tẩy chay về kinh tế bởi các nước xung quanh. Chúng ta có sát cánh cùng với họ trên chính trường, nhắc nhở họ rằng “Hãy tin cậy Chúa, hãy tin nơi Lời của Ngài. Ngài chính là Đức Chúa Trời của các bạn, Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Ngài sẽ không lìa, không bỏ các bạn ngay cả khi tất cả những người khác đều rời bỏ các bạn.” Làm như vậy có thể bắt đầu làm cho người Do Thái thấy được rằng có lẽ có một điều gì đó rất tốt đẹp ra từ Chúa Giê-xu người Na-xa-rét. Rồi họ sẽ thấy được rằng có một sự khác biệt giữa những người theo đạo và những người theo Chúa.

Những việc làm của chúng ta có thể giúp chuẩn bị cho sự hiện đến của Ngài. Tội lỗi cần phải được thừa nhận, và cảm biết sâu sắc bởi tất cả chúng ta. Thật chẳng có giá trị gì khi chúng ta chỉ tay vào người khác và nói: “Những hội thánh đó phải chịu trách nhiệm” hay là “Những người châu Âu đã làm điều này” Chúng ta phải đồng nhất chúng ta với những lỗi lầm mà hội thánh đã gây ra. Chúng ta cần phải giống như Đa-ni-ên, ông đã bắt đầu lời cầu nguyện của mình như thế này: “Chúng tôi đã phạm tội và làm sự trái ngược” (Đa-ni-ên 9:3-19). Bản thân ông là một người công bình, tin cậy Chúa trong một môi trường thù địch và vẫn giữ đúng theo luật lệ về chế độ ăn uống của người Do thái, mặc dù có những nguy cơ tiềm ẩn (Đa-ni-ên 1:16-17). Nhưng con người chánh trực này đã tự nhận mình có tội cùng với dân sự của ông: Ông nói rằng: “Chúng tôi đã phạm tội; tôi, dân sự của tôi, và tổ phụ chúng tôi!” Ông thậm chí còn ăn năn thay cho những người khác. Ông đã đồng đồng chịu tội với người dân của mình. Ông thậm chí còn đồng nhất những tội lỗi của các thế hệ đã qua. Giống như ông, mỗi Cơ-đốc nhân, như là một phần của hội thánh Cơ đốc ở mọi lứa tuổi và mọi nơi, đôi khi cũng cần phải thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm.”

Làm như vậy sẽ mang lại sự sống tươi mới cho Hội Thánh, một sự đổi mới trong đức tin, và thậm chí có thể là sự phục hưng, bởi vì chừng nào tội lỗi và sự gian ác trong đời sống của một người hay một chi thể của thân thể chưa được xưng ra, thì chừng đó Đức Thánh Linh vẫn chưa thể xuống phước một cách đầy trọn được. Nguyên tắc này đúng với các cá nhân cũng như với toàn thể hội thánh. Cách để đến với sự sống không phải là tự hào trong mối quan hệ với người Do Thái, nhưng đó là sự khiêm nhường. Chúng ta phải ăn năn bằng lời nói (càng ít càng tốt) và với hành động (càng nhiều càng tốt). Không phải bằng cách nói ra điều này một lần hay hai lần, hoặc bằng cách tuyên bố nghiêm túc rằng: Đây là thái độ hội thánh cần có đối với Y-sơ-ra-ên. Hội thánh cần phải hiệp một với Y-sơ-ra-ên và với người Do Thái. Ai biết được Chúa sẽ làm gì cho Y-sơ-ra-ên và cho các dân tộc trên thế giới khi Ngài thấy hội thánh của Ngài được biến đổi? Chúng ta để việc đó lại cho Ngài.

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ LÀM ĐIỀU ĐÓ

Tôi chia sẻ kinh nghiệm của một đồng nghiệp của tôi. Anh ấy đã ghé thăm Đại Giáo đường Do Thái ở Giê-ru-sa-lem với một nhóm khách du lịch Cơ-đốc người Hà Lan, và trong một buổi lễ cầu nguyện, một người Do Thái chính thống xuất hiện, đến gần anh ấy và hỏi nhỏ rằng: “Các anh là ai?” Buổi cầu nguyện ở nhà hội khác với các buổi thờ phượng trong hội thánh ở chỗ là, một số người thì cầu nguyện riêng, một số thì cầu nguyện cùng nhau, và một số thì quan sát những gì đang diễn ra ở phía trước nhà hội. Đồng nghiệp của tôi trả lời: “Chúng tôi là một nhóm khách du lịch Cơ-đốc người Hà Lan, và tôi là một mục sư.” “Vậy thì bạn tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si?” “Vâng,” đồng nghiệp của tôi trả lời. Người Do Thái này đột nhiên nói rằng: “Tôi cũng vậy!” Anh bạn đồng nghiệp tôi nhìn người Do Thái kia với vẻ mặt hết sức ngạc nhiên. Người đó nói: “Vâng, đúng vậy, điều đó đã trở nên rất rõ ràng đối với tôi vào một đêm nọ.” Không được nghe về Phúc âm và không có giáo sĩ Cơ-đốc nào được sai đến với ông. “Tất nhiên là chúng tôi biết các bạn tin điều gì về Chúa Giê-xu, nhưng chúng tôi không tin điều đó. Tuy nhiên, vào một đêm, tôi đã hiểu được, điều đó đã được bày tỏ ra cho tôi, đơn giản là tôi có điều gì đó xảy ra cho tôi khiến tôi hiểu được rằng Đấng Mê-si chính là Chúa Giê-xu. Rằng Ngài thật sự là Đấng mà Ngài đã nói về chính mình. Và có nhiều người giống như tôi, “ông tiếp tục,” nhưng chúng tôi không công khai, và chúng tôi cũng không gia nhập vào một hội thánh Do Thái cứu rỗi. Chúng tôi chỉ ở trong nhà hội. Chúng tôi cảm thấy ở đây như là nhà mình, và chúng tôi không nói thêm về điều đó, nhưng chúng tôi biết ai là người của mình.” Sau đó, ông trở lại và tiếp tục cầu nguyện trong nhà hội.

Đây là một ví dụ nhỏ, một dấu hiệu, về những gì Chúa sẽ làm cho tất cả con dân Y-sơ-ra-ên qua Đức Thánh Linh. Người Do Thái biết về Kinh Thánh. Đó là Kinh Thánh của họ. Họ biết những gì chúng ta – những Cơ-đốc nhân tin. Và khi Chúa mở mắt họ bởi Đức Thánh Linh, tất cả họ đều sẽ nhìn thấy. Chúng ta có thể để Chúa làm việc đó, và để cho anh chị em người Do Thái của chúng ta, như Phao-lô nói (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17, II Tê-sa-lô-ni-ca 1:3-10, Phi-líp 3:20-21); họ là những người cảm thấy cần phải nói với anh chị em Do Thái của họ. Chúng ta – những người ngoại đạo (và chúng ta vẫn là dân ngoại, cho dù chúng ta có đức tin đến đâu) đang đứng ở một nơi xa, với gánh nặng của lịch sử hội thánh đeo vào cổ của chúng ta. Chắc chắn là Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Chúng ta cũng có một sự kêu gọi thiên thượng. Chúng ta đang trên đường đi gặp cô dâu chú rể trên thiên đàng (Khải huyền 2:26-27, 19:6-10). Một ngày nào đó chúng ta sẽ là Nữ hoàng bên cạnh vị Vua của chúng ta (Khải Huyền 21:5). Chúng ta có đích đến rõ ràng.

Nhưng nếu chúng ta cần phải truyền giáo cho người Do Thái, phản ứng của họ sẽ giống như những gì chúng ta mong đợi từ người Hà Lan khi người Đức đã quay trở lại Hà Lan sau chiến tranh thế giới thứ hai để nói với người Hà Lan rằng họ cần phải được cải đạo. Chúng ta mong đợi người Hà Lan nói rằng: “Hãy đi đi! Hãy quay trở lại quê hương của các bạn. Trước tiên hãy có cho mình một căn nhà!” Chúng ta – những Cơ-đốc nhân không nhận ra tội lỗi của chúng ta nhiều như thế nào. Một số người Do Thái thậm chí còn cho rằng Chúa Giê-xu không thể là Đấng Mê-si được bởi vì có quá nhiều máu của người Do thái vấy trên tay những người theo Ngài, những Cơ-đốc nhân. Ngài chắc có lẽ phải là vị thần giả dối, khát máu người Do Thái.

Chúng ta cần để cho những công việc của chúng ta tự nói với họ, trước khi chúng ta cố gắng nói bất cứ điều gì. Hơn nữa, Phao-lô đã dạy chúng ta trong Rô-ma 11 rằng Đức Chúa Trời đã làm cho người Do Thái trở nên cứng lòng và làm mờ mắt họ một phần nào đó. Một phần, vì người Do Thái biết Đức Chúa Trời là ai, nhưng có một điểm mù về Chúa Giê-xu là ai. Và cũng một phần bởi vì luôn có những người còn sót lại theo sự chọn lựa của ân sủng. Nhưng để tích cực truyền giáo cho người Do Thái, như một số người, có vẻ như tôi muốn nói rằng: “Chúa ơi, Ngài đã cứng lòng họ, nhưng chúng con sẽ làm tốt hơn và đưa họ đến với Đấng Christ để họ được cứu.” Khi chúng ta có một tinh thần khiêm nhường và tôn trọng lẫn nhau thì mối quan hệ bạn bè với người Do Thái sẽ được xây dựng – có thể mất một thời gian và cần được chứng minh bằng việc làm của chúng ta nhiều hơn là bằng lời nói của chúng ta – luôn cần có sự cởi mở để nói về vấn đề đức tin và tôn giáo. Những người Do Thái sẽ lắng nghe những gì chúng ta tin về Chúa Giê-xu trong sự tôn trọng. Đôi khi họ thậm chí sẽ hỏi chúng tôi về quan điểm ​​và niềm tin của chúng ta. Họ cũng sẽ hỏi những câu hỏi mang tính chất phê phán. Khi người Do Thái bắt đầu nhận ra rằng có loại ‘Cơ-đốc nhân thật’ và ‘Cơ-đốc nhân tôn giáo’ và không phải tất cả các Cơ-đốc nhân đều giống như ‘Cơ đốc nhân’ tôn giáo mà họ biết trong Lịch sử Hội Thánh của chúng ta, nhưng có thể có những điều tốt đẹp từ những người theo Chúa Giê-xu chứ không chỉ là những sự vô tâm và đổ máu, trong tinh thần của tình yêu thương, tình bạn và sự quí trọng, một cuộc trò chuyện tốt đẹp có thể diễn ra. Ngay cả đó là về Đấng Mê-si của họ.

CẦU NGUYỆN LÀ ĐIỀU TỐI QUAN TRỌNG

Nhiệm vụ của chúng ta là xóa đi những vỡ vụn của thời gian và lấp đầy những sự vi phạm bằng lời cầu nguyện. Chúng ta phải là những người lính canh trên tường thành của Si-ôn, và liên tục tìm kiếm Chúa trong lời cầu nguyện cầu xin lòng thương xót của Chúa cho dân Ngài. Chúng ta phải tuân theo mạng lệnh của Kinh thánh để “Cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem” (Thi Thiên 122:6). Làm như vậy là đang cầu nguyện cho một sự đổ đầy của Đức Thánh Linh lên dân cư Giê-ru-sa-lem và cả Y-sơ-ra-ên. Đó là sự cầu nguyện cho sự hiện đến của Hoàng tử Bình An. Đó là sự cầu nguyện cho các quốc gia xung quanh, mà Chúa cũng đã hứa ban phước cho họ. Đó là để nhắc nhở Chúa về những lời Ngài đã hứa và hạ mình cầu xin Ngài thực hiện những lời đó, giống như một số thánh đồ vĩ đại trong Kinh thánh đã cầu nguyện.

Cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem suy cho cùng cũng là cầu hòa bình cho toàn thế giới. Đó là sự cầu nguyện cho sự hiện đến của Vua của Giê-ru-sa-lem và sự xuất hiện của vương quốc của Ngài, giống như Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta trong bài cầu nguyện chung. Ma-ra-na-tha! Xin Chúa hãy đến. Nguyện xin ân sủng của Chúa Giê-xu Christ ở với tất cả chúng ta (I Cô-rinh-tô 16:22-24, Khải Huyền 22:20-21).

 

(Bảo Trợ Phiên Dịch: Hội Đồng Phục Hưng Liên Hiệp Toàn Cầu)

Bài trước
Bài tiếp theo

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan