Những Ai Cần Có Giáo Sỹ? (Không Chỉ Là “Những Người Chưa Được Vươn Đến”)

Share

Sứ đồ Phao-lô là một nhà truyền giáo tiên phong. Tham vọng của ông là rao giảng Phúc Âm ở nơi mà danh Đấng Christ “chưa được truyền đến” (Rô-ma 15:20). Một ngọn lửa bùng cháy trong ông, hướng đến những người chưa bao giờ được loan báo Phúc Âm là “hãy nhìn biết”, cho những người chưa bao giờ có cơ hội nghe để “hiểu” sứ điệp về ân sủng của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ (Rô-ma 15:21). Mặc dù dành nhiều thời gian để phục vụ trong các Hội Thánh, Phao-lô luôn khao khát đi đến “những vùng xa hơn.” (2 Cô. 10:16).

   Nhưng Phao-lô hiểu rằng, không phải tất cả những người làm công vụ loan truyền Tin Lành đều chia sẻ sự kêu gọi của ông. Khi ông nhắc nhở người Cô-rinh-tô, trong mùa gặt của Đức Chúa Trời, một số người sẽ làm việc vun trồng và những người khác là tưới (1 Cô-rinh-tô 3:5-9). Trong tòa nhà của Đức Chúa Trời, một số người đặt nền móng trong khi những người khác xây dựng lên trên đó (c. 10). Những người thực hiện công vụ này làm việc “như Chúa đã chỉ định cho mỗi người” (c. 5). Một số, như Phao-lô ở Cô-rinh-tô, là những người trồng. Những người khác, như A-bô-lô, làm việc ở nơi mà Phúc Âm đã bén rễ.

   Ngày nay, trong công trường truyền giáo thế giới, chúng ta có xu hướng nghĩ về các nhóm người theo hai loại: “đã được vươn đến” và “chưa được vươn đến”. Nhưng nếu như Phao-lô đã giải thích, một số người làm việc nơi những người khác đã gieo, thì chúng ta không thể giới hạn sứ mạng của Hội Thánh chỉ trong công tác truyền giáo tiên phong trong những người chưa được vươn đến. Vậy thì người tưới và người xây dựng phục vụ ở đâu?

   Tôi muốn đề nghị thêm ba nhóm loại và những nơi cần phải làm công vụ truyền giáo: Những người đã được vươn đến một cách sai trật, những người đã từng được vươn đến và những người chưa được vươn đến.

“Những người đã được vươn đến một cách sai trật”

   Những người này sẽ bao gồm: các dân tộc và những nơi mà Phúc Âm đã đến, nhưng trong một thể dạng “không trong sạch”. Các khu vực rộng lớn của Nam Bán Cầu thuộc loại này. Có vô số Cơ đốc Nhân và nhà thờ tuyên xưng đức tin trong những khu vực này, nhưng có nhiều phần trong đó, là những sản phẩm của một Phúc Âm thiếu máu hoặc sai lầm.

   Cho dù đó là kết quả của một dạng Công giáo La Mã (chỉ rửa tội là trở thành Cơ đốc Nhân), Chủ Nghĩa Ngũ Tuần Cấp Tiến (“có Linh nhưng không có Lời nền tảng”), Chủ Nghĩa Truyền Thống (dựa trên truyền thống hơn là ý nghĩa của truyền thống và quyền năng của Thánh Linh) hay Phúc Âm Thịnh Vượng (chỉ nhấn mạnh về sự thịnh vượng) v.v… thì chúng chỉ khiến, làm cho người theo chúng trở thành những Cơ đốc nhân trên danh nghĩa.

   Dường như là những cách vươn đến của những nguồn kể trên, có một hình thức bên ngoài của Cơ Đốc Giáo, làm cho những người sống theo hình thức đó là “đã được vươn đến.”  Họ thậm chí có thể được các nhà nghiên cứu dán nhãn là “đã được vươn đến” và tô màu xanh lá cây trên bản đồ. Nhưng họ không phải là Cơ Đốc Nhân, vì họ thật sự không có Phúc Âm. Họ có hình thức tin kính, nhưng không có quyền năng của sự tin kính đó là quyền năng của Phúc Âm (2 Ti-mô-thê 3:5). Thay vào đó, họ có “một Phúc Âm khác” mà Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng, đó không phải là Phúc Âm (Ga-la-ti 1:6–7).

Đã Có Một Lần Được Vươn Đến.

   “Đã có một lần được vươn đến” là những người và những nơi đã từng có sự hiện diện của Phúc Âm, trung tín nhưng tại một thời điểm nào đó trong Lịch sử, chân đèn đã bị dời khỏi vị trí của nó (Khải huyền 2:5). Thật đáng chú ý khi Trung Đông – ngày nay nằm trong số những khu vực chưa được vươn đến nhiều nhất trên trái đất –  đã từng là tâm điểm của Hội Thánh sơ khai phát triển mạnh mẽ. Châu Âu, đã từng được coi là “tận cùng trái đất”, sau này trở thành nơi sản sinh ra Phong trào Cải Chánh và cuối cùng là các phong trào truyền giáo hiện đại. Tuy nhiên, ngày nay, Châu Âu là một trong những nơi thế tục và vô thần nhất trên hành tinh của chúng ta.

   Với dòng chảy thăng trầm của Tin Lành trong suốt lịch sử Hội Thánh, nhiều dân tộc và khu vực, đã di chuyển tăng lên và sa sút giữa các mức độ khác nhau, về được vươn đến và chưa được vươn đến.

   Điều này nhắc nhở chúng ta về sự phức tạp trong sứ mạng của mình. Chúng ta không thể xem Đại Mạng Lệnh như một công vụ, có làn ranh rõ ràng phải làm đầy trọn hoặc hoàn tất một lần đủ cả. Đó là một mệnh lệnh, phải được thực hiện luôn luôn và mãi mãi không ngừng. Cái hộp đã từng kiểm chọn trở thành không còn được kiểm chọn. Những dân tộc đã được vươn đến, thường trở thành những người đã từng có lần được vươn đến.

   Tất nhiên, những gì đã được vươn đến một cách sai trật và đã từng thật sự được vươn đến như trên –  trong thực tế hiện tại là những gì chưa được vươn đến.  Chúng cho thấy là việc chia ra 2 nhóm loại “được vươn đến” và “chưa được vươn đến” như hầu hết các nhà truyền giáo làm là điều cần làm nhưng không làm đủ. Việc thiếu những tín đồ thật trong các Hội Thánh thật – là các Hội Thánh đã nói Lời Chúa đúng – có thể khiến những tín đồ này khó có thể nghe được Phúc Âm chân chính trong đời của họ, như những tín đồ sống trong những khu vực dù nghèo khó, nhưng đúng là những khu vực thật sự được vươn đến.  (Ý của tác giả bài viết là các nước Âu Mỹ là những nơi thịnh vượng và từng là thành trì “đã được vươn đến” trong lịch sử nay không còn có sứ điệp Tin Lành mà ngày xưa họ từng có như là ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển nhưng thật sự đang “được vươn đến.” – LND).

 Chưa Được Vươn Đến Một Cách Đầy Đủ

   Nhiều người thường được coi là “đã được vươn đến” nhưng thật sự lại là “chưa được vươn đến một cách đầy đủ”. Đây là những người và những nơi có Phúc Âm thật nhưng thiếu sức khỏe để phát triển, đào tạo môn đồ, và chống lại sự dạy dỗ sai lầm.

   Có nhiều lý do cho sự tồn tại của những người chưa được vươn đến một cách đầy đủ. Trong một số trường hợp, Phúc Âm đã được giới thiệu ở dạng hạt giống bởi một Mục Sư hay một người truyền giáo lưu động, nhưng nó chưa bao giờ được vun trồng đến mức chín muồi. Đôi khi Phúc Âm đến, qua một nhà truyền giáo có ý tốt nhưng sai lầm. Đây là người háo hức “hoàn thành nhiệm vụ” truyền giáo thế giới, nhưng đã không ở lại và “hoàn thành sứ mệnh” môn đồ hóa những người cải đạo và thành lập Hội Thánh. Trong những trường hợp khác, người ta chưa được vươn đến một cách đầy đủ, vì những người lãnh đạo địa phương hoặc là đã không bao giờ được nhận diện ra, hay được đào tạo đầy đủ để chăn bầy và nắm vững Lời Chúa một cách đúng đắn (2 Ti-mô-thê 2:2, 15).

   Vào một thời điểm nào đó trong đời sống của những người “đã được vươn đến” này, quá trình thực hiện Đại Mạng Lệnh một cách đầy đủ, thông qua việc thành lập Hội Thánh một cách đầy trọn và trung tín đã bị cắt ngắn. Chúng không bao giờ đem lại sức khỏe đầy đủ cho giới lãnh đạo Hội Thánh. Kết quả là, các Hội Thánh hiện tại ở mức tốt nhất là không có sức khỏe lành mạnh, hoặc tồi tệ nhất là chết đi.

   Ở những vùng chưa được vươn đến đầy đủ, thường có mối đe dọa thường trực từ sự dạy dỗ sai lầm, vì không ai được dạy để dạy “giáo lý chân chính mà khuyên nhủ cũng như phản bác những kẻ chống đối.” (Tít 1:9). Kết quả là, họ là “trẻ con, bị dồi dập và cuốn theo luồng gió học thuyết, bởi sự xảo quyệt của con người và những mánh khóe lừa dối” của những kẻ xấu (Ê-phê-sô 4:14). Đôi khi tội lỗi tràn lan, bởi vì Hội Thánh không bao giờ được dạy để giải quyết nó theo Kinh Thánh.

Cùng một công việc, những nhu cầu khác nhau

   Tất cả những người này và những nơi này cần gì? Họ cần những người thực thi công vụ Đại Mạng Lệnh. Trong một số trường hợp, họ cần những người trồng và đặt nền. Với những người và những nơi khác, họ cần người tưới nước và người xây dựng.

Tất cả những người và những nơi này cần gì? Họ cần những người làm công vụ Đại Mạng Lệnh.

   Với những thực tế của những người đã được vươn đến một cách sai trật, đã có một lần được vươn đến và chưa được vươn đến đầy đủ. Tôi tin rằng, chúng ta nên vượt ra khỏi cái nhìn cho rằng “chưa được vươn đến” và “đã có một lần được vươn đến” là hai nhãn hiệu duy nhất dành cho các dân tộc trên thế giới.

   Trong các sứ mạng truyền giáo, chúng ta cần một sự hiểu biết sâu sắc hơn, về những nơi khác nhau mà Phúc Âm đã đến. Và chúng ta cần đánh giá cao hơn, về sự đa dạng cần thiết cho các nhiệm vụ của những người truyền giáo này.

   Phao-lô nhấn mạnh với người Cô-rinh-tô rằng, những người làm công vụ truyền giáo không nên tranh cạnh với nhau. Họ là “những người cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô. 3:9). Mỗi người được giao một vai trò và chức năng cụ thể. Suy cho cùng, “kẻ trồng người tưới đều như nhau” (c. 8). Về cơ bản chúng giống nhau. Họ chỉ đơn giản là những đầy tớ trong mùa gặt của Chúa, mỗi người làm việc trong lĩnh vực mà Chúa giao cho.

 

Ánh Dương

(Lược dịch theo: thegospelcoalition.org)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan