Nhu Cầu Thấy Mình Là Quan Trọng (P.1)

Share

Một phụ nữ ôm con vào lòng mình và nói: Xin dạy cho chúng tôi nghe về con trẻ.

Và nhà tiên tri trả lời:

Con cái bà không phải là con của bà.

Chúng là con trai, con gái của lòng khao khát sự sống.

Chúng do bà sinh ra, nhưng không phải từ bà.

Và dầu chúng ở với bà nhưng không thuộc về bà.

Bà có thể cho chúng tình yêu, nhưng không thể cho chúng ý tưởng của bà.

Vì chúng có suy nghĩ của riêng mình.

Bà có thể cấp nơi ăn chốn ở cho thân thể chúng, nhưng không thể làm thế với linh hồn chúng.

Vì linh hồn chúng ngụ trong ngôi nhà của ngày mai, nơi bà không thể viếng thăm, ngay cả trong giấc mơ.

Bà có thể nỗ lực để được giống chúng nó, nhưng đừng tìm cách khiến chúng giống như bà.

Vì đời sống không đi thụt lùi, cũng không lần lữa với quá khứ.

Bà là cây cung mà các con bà như những mũi tên sống được bắn ra.

Người bắn cung nhìn thấy tiêu điểm trên nẻo đường của vô hạn, và dùng sức bẻ cong cây cung để các mũi tên của người lướt nhanh và xa.

Hãy cứ vui lòng để tay vị bắn cung uốn cong mình.

Vì người bắn cung yêu mủi tên bay thể nào thì cũng yêu mến cây cung yên vị thể đó.

*Trích từ cuốn “The Prophet”, của Khalil Gibran.

TRẺ CON CẦN Ý THỨC VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÌNH

Có ba đứa nhỏ đang chơi. Sau một hồi đùa giỡn với nhau rất hợp ý và thích chí, hai đứa tách ra chơi riêng, bỏ mặc đứa thứ ba. Chỉ một lúc sau đứa nhỏ bị cho ra rìa khóc lớn lên: “Tao đây này! Tao đây này! Tụi mày không thấy tao ở đây sao?”

Dầu bé gái này không thể tranh luận về phản ứng của mình hoặc phân tích về mặc tâm lý, hay giải thích nó về mặt thần học, song em đã bày tỏ một nhu cầu phổ quát. Em muốn được lưu tâm và được chấp nhận như một con người có giá trị.

Khi một người bị tước đoạt lòng tự trọng thì người ấy bị tước mất đi cái điều làm cho người đó đáng yêu. Vì lợi ích của con người, nếu không vì lý do nào khác, xác lập thay vì làm tổn hại nó. Điều này đạt được, không phải do sự tâng bốc, mà là bởi sự đánh giá cao ưu điểm của người khác cũng như rộng lượng đối với các nhược điểm của họ, bằng cách nói về những điểm tốt và tránh nói về những điểm xấu của họ. Người tốt với nhau giúp nhau trở nên tốt. – Jo Coudet

Ý thức lành mạnh về giá trị cá nhân là điều thiết yếu. Nếu chúng ta thấy mình ít giá trị hoặc không thích chính mình thì chúng ta hầu như không thể sống với chính mình được. Một người cảm thấy mình là người tầm thường thì sẽ đóng góp rất ít cho cuộc sống. Điều này cần được nhấn mạnh ở đây bởi vì mặc cảm tự ti khởi sự rất sớm trong đời. Nếu phải ý thức về tầm quan trọng của mình thì chúng ta, những con người, cần được lưu tâm, được công nhận giá trị cũng như được yêu thương. Ngày nọ, một nhóm học sinh lớp một được dẫn đi xem một cửa hàng bán các sản phẩm sữa. Cuối chuyến đi, người hướng dẫn hỏi: “Các em có thắc mắc gì không?” Một em giơ tay lên hỏi: “Cô có thấy áo lạnh mới của em không?” Em nhỏ này muốn được chú ý. Nếu không được lưu tâm thích đáng, em có thể tìm cách để được như thế bằng cách làm nhiều sữa, ném đồ vật xuống đất hoặc phá phách. Có người cho rằng trẻ con thà bị đòn còn hơn bị lãng quên.

Một đứa trẻ có thể tỏ ra biếng ăn vì nó biết rằng ngưng ăn sẽ khiến cho cha mẹ chú ý. Trẻ con thích được chú ý. Hãy phớt lờ sách lược trì hoãn đó thì chẳng bao lâu đứa trẻ sẽ ăn uống trở lại. Đứa trẻ có thể nổi cơn giận và làm đảo lộn trò chơi để giành lấy sự chú ý về mình. Đứa khác có thể la hét tại một số nơi hoặc với một vài người nào đó để được chú ý.

Nếu thái độ đó chấm dứt khi trẻ lớn lên thì chúng ta có thể chịu đựng được và có thể không bận tâm về một vài năm ngắn ngủi ấy. Nhưng cả giới thanh thiếu niên vốn không ý thức đủ về tầm quan trọng của mình, cũng tìm cách gây sự chú ý bằng cách đua xe, vứt cao su lên xa lộ, nói năng ồn ào hoặc ăn mặc diêm dúa.

Người lớn cũng muốn được chú ý và muốn được nổi danh, nhưng thường bằng phương cách tế nhị hơn, như trưng bày những gì mà họ đã làm hoặc nói về những nơi họ đã đến. Người lớn thường giành nói trong cuộc đàm thoại, ăn mặc lòe loẹt, đòi quyền lãnh đạo hoặc đòi địa vị, hoặc phấn đấu như những kẻ dại dột để được bằng khen hoặc bằng cấp đại học, xứng đáng hay không xứng đáng. Nếu người ta ý thức được về tầm quan trọng của chính mình trong thời thơ ấu thì họ có nền tảng lành mạnh về cảm xúc và sự thăng bằng suốt cả cuộc đời.

Nhưng làm thế nào để nhu cầu cơ bản này được đáp ứng trong cuộc đời của đứa trẻ? Đôi khi chúng ta bắt đầu bằng những giả định sai.

Ba Giả Định Sai

Thứ nhất, người ta cho rằng mối liên hệ cha mẹ – con cái phải ưu tiên hơn mối liên hệ chồng – vợ. Tiến sĩ Alfred A Nesser, thuộc đại học y khoa Emory cảnh cáo những gia đình chỉ tập trung chú ý đến con cái. “Có lẽ yếu tố quan trọng nhất làm tan rã những cuộc hôn nhân đã lâu năm là hậu quả của việc sống trong thế giới của trẻ con, coi trẻ con quá quan trọng?”

Trong nhiều thập niên, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái đã được nhấn mạnh đến nỗi, vì lợi ích của con cái mà những ưu tiên trong quan hệ chồng vợ đã bị gạt sang một bên cách quá dễ dàng. Sau khi đứa con đầu tiên ra đời, một cuộc thử nghiệm thực sự diễn ra. Người mẹ sẽ cướp đi thời gian cũng như tình yêu dành cho chồng để lo cho con và làm gián đoạn tương giao chồng vợ, hay bà sẽ tiếp tục dành cho chồng mình quyền ưu tiên số một? Có một người chồng nhận định: “Tôi có người vợ tốt cho đến khi đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời. Lúc đó, nàng (cô ấy) quan tâm đến vai trò làm mẹ hơn vai trò làm vợ.”

Cần nhớ rằng hôn nhân mang tính lâu dài trong khi vai trò làm cha mẹ thì ngắn ngủi. Vì hôn nhân bắt đầu và kết thúc với hai người, nên quan tâm chính yếu phải là giữ cho mối quan hệ này ở trong tình trạng tốt nhất có thể được. Nếu được như vậy, mối quan hệ với con cái có khuynh hướng tự nó trở nên khá suông sẻ. Louis M Terman viết: “Nếu một người không yêu chồng mình hơn là yêu thương con cái thì cả con cái lẫn cuộc hôn nhân đang gặp nguy hiểm.” Khi một người đàn ông biết chắc rằng tình yêu của vợ mình không sút giảm, thì người ấy thường sẵn lòng giúp chăm sóc con cái và làm phần việc của mình ở nhà.

Khi cha mẹ yêu nhau đứa con vui sướng và biết rằng mình có giá trị. Không có cách nào đem lại cho đứa con ý thức về tầm quan trọng của mình tốt hơn là để nó thấy và cảm nhận được sự thân thiết và lòng tin cậy của cha mẹ đối với nhau.

Cha mẹ nên dành thời gian nỗ lực để phát triển nhân cách cũng như mối tương quan của chính mình. Nếu cha mẹ vui vẻ với nhau, thì sự thỏa lòng đó được truyền sang đứa con. Kết quả không chỉ là lối cư xử và tình cảm tốt, mà còn là ý thức về giá trị cá nhân nữa.

Cha mẹ cần bày tỏ tình yêu thương, quí mến đối với nhau trước mặt con cái. Người chồng nên gọi vợ mình bằng tên, chứ đừng gọi là ‘má’ hay ‘mẹ.’ Hãy để ‘mẹ’ hoặc ‘má’ cho con cái gọi. Thẩm phán Gillian nói: “Sự thiếu hụt tình yêu giữa cha mẹ là nguyên nhân lớn gây ra sự phạm pháp trong vòng các thanh thiếu niên mà tôi được biết.”

Cha mẹ nên dành thêm thì giờ và nỗ lực vun đắp cho tình bạn giữa hai người. Khi cha mẹ cùng làm cho cuộc sống của chính mình thêm phong phú, thì đồng thời họ cũng làm phong phú cuộc sống của các con, và chúng có thể cảm biết được điều ấy.

Người ta hỏi một lớp mẫu giáo trước ngày lễ Phụ Thân (nhớ ơn cha): “Cha là gì, và tại sao các em yêu cha mình?” Các em đã đưa ra nhiều câu trả lời qua đó chúng ta thấy ý thức của trẻ thơ về tình yêu giữa cha và mẹ. Một em nói: “Cha là bố và cũng là một người bạn trai, bạn trai của mẹ em. Bố có ánh mắt dễ mến. Em yêu bố vì bố ôm em và ẵm em. Mẹ em cũng thích bố nữa.”

Giả định sai lầm thứ hai, đó là con cái xứng đáng làm trung tâm của sự chú ý. Rất thường xuyên người ta bẻ cong mọi thứ vì lợi ích hoặc vì mong muốn của đứa trẻ. Kết quả là chúng ta khiến đứa bé trở thành vị kỷ. Nếu đứa bé không được điều nó muốn, thì nó có thể phản ứng, chống đối, hoặc chạy đi nơi khác. Triết lý sống của đứa bé là: “Tôi có thể nhận được gì?” thay vì “Tôi có thể cho gì?”

Jean Laird viết: “Phần đông chúng ta muốn được con cái yêu thương hơn muốn được bất cứ điều gì khác, và cảm thấy rằng đó là chứng cớ tỏ ra chúng ta đang làm tốt vai trò cha, mẹ của mình. Trong những năm về trước, đa số phụ huynh chủ yếu mong muốn được con cái kính trọng và điều này làm cho việc dạy con dễ dàng hơn nhiều.

Cha mẹ không sợ bị con cái ghét khi bắt buộc chúng tuân hành luật lệ.

“Giờ đây một cuộc cách mạng đang diễn ra trong gia đình chúng ta. Cha mẹ cảm thấy mệt mỏi với ý thức trách nhiệm, mặc cảm tội lỗi. Họ ý thức rõ mối tương quan cảm xúc phức tạp giữa cha mẹ và con cái và đang suy nghĩ đến nguyên nhân và hậu quả về mặt tâm lý. Cha mẹ được hướng dẫn để tin rằng mọi điều chúng ta nói hay làm đối với con cái đều sẽ có hậu quả lâu dài, hoặc tốt hoặc xấu.

Kết quả là nhiều người trong chúng ta đã trở nên khó chịu, lúng túng, ấp úng và sợ sệt – thế hệ đầu tiên của những cha mẹ, bất động, đang để cho con cái thực sự nắm quyền kiểm soát gia đình.” Con cái không phải là trung tâm của gia đình. Trung tâm hợp lẽ chính là mối quan hệ giữa chồng với vợ.

Giả định sai lầm thứ ba là cho rằng cần phải thúc đẩy nhanh đứa trẻ vào những vai trò trưởng thành hơn. Vấn đề của chúng ta là không để trẻ con làm trẻ con – thế nên chúng ta làm những việc buồn cười. Chúng ta chọn cho con những đồ chơi mà cha mẹ thích. Trẻ ba tuổi thì được cho xe lửa điện. Trẻ con còn đang phải mặc tả lót thì lại được chở xe đạp. Chúng ta cho các bé năm tuổi mặc áo mão để giữ lễ tốt nghiệp mẫu giáo. Một em nhỏ nói: “Em nghĩ mình thật tệ khi đã tốt nghiệp mà vẫn chưa biết đọc.”

Những trẻ em vẫn còn muốn chơi búp bê lại bị đưa vào trung tâm thành phố để học khiêu vũ. Chúng ta làm nản lòng trẻ bằng cách ghép đôi chúng ngay khi ở lớp một. Chọn chúng vào các chức vụ của lớp, hoặc cắt đặt chúng vào các ủy ban trước khi chúng biết điều đó có nghĩa gì. Chúng ta mặc đồ cho chúng giống người lớn. Trong môn bóng chày chúng ta mong muốn chúng chơi như những nhà chuyên môn trước khi hông của chúng không đủ lớn để bận đồ của một tay bóng, hoặc tay chúng không đủ lớn để bắt bóng. Chúng ta ép chúng đọc chữ trong khi chúng vẫn còn thích chơi xếp nhà.

Tại sao? Vì nhiều bậc phụ huynh tìm cách thành đạt một cái gì đó qua con cái mình. Họ muốn các con kinh nghiệm cũng như đạt được những gì mà chính họ bị khước từ. Con cái họ trở thành chuyến đi của bản ngã họ. Do việc bắt con trẻ đóng vai người lớn trước tuổi, họ làm cho con mình cảm thấy nản lòng và bất tài.

Người ta mong dân Bắc Mỹ vượt trội trong ba lãnh vực, đó là sắc đẹp, của cải và trí thông minh. Một đứa trẻ sẽ khổ sở vì thường xuyên bị gây sức ép để đạt được tiêu chuẩn được đề ra, bị ép phải vượt trội, xuất sắc trong các phương diện này thay vì được sống với con người thật của chính mình. Mặc cảm tự ti, vốn nảy sinh từ ham muốn tự tôn, sẽ gia tăng rất nhanh

(còn tiếp)

 

Nguồn: John M. Drescher, Seven Things Children Need, Pensylvania: Herald Press, 1976, 1988. 

Chuyển ngữ: Hội Thánh Cộng Đồng Việt Nam

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan