Những Gì Đã Xảy Ra Với 7 Hội Thánh Trong Sách Khải Huyền

Share

Một chuyến đi đầy ý nghĩa của cuộc đời tôi – thăm Bảy Hội Thánh trong Sách Khải Huyền. Cho đến gần đây, tôi thậm chí còn không biết tất cả bảy Hội Thánh này đều nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Một người bạn và tôi đã bay đến Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi chúng tôi đã thuê một chiếc ô tô và lái xe đến tất cả bảy Hội Thánh trong một chuyến đi nhanh trong ba ngày.

Cuối cùng, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều tảng đá.

Đừng hiểu lầm tôi. Chúng là những tảng đá đẹp. Nhưng chúng chỉ là những tảng đá, tàn tích của những thành phố cổ xưa đã từng chật ních người từ lâu. Trong khải tượng của sứ đồ Giăng về Khải Huyền, Chúa Giê-xu đã phán với các Cơ-Đốc nhân ở những thành phố này, Ngài khen ngợi một số Hội Thánh trong đó nhưng hầu hết là cảnh báo. Khi tôi đọc những lời của Chúa Giê-xu cho bảy Hội Thánh và tìm hiểu về từng địa điểm, tôi đã tự hỏi làm thế nào những tảng đá này sẽ thay đổi cuộc sống của tôi.

Ê-phê-sô — Thị trấn Selçuk

Ê-phê-sô là thành phố lớn thứ tư của đế chế La Mã trong thế kỷ đầu tiên. Là một trung tâm thương mại thịnh vượng và thành phố cảng, Ê-phê-sô cũng là quê hương của một ngôi đền thờ nữ thần Ạt-tê-mít. Nhà hát lớn tại Ê-phê-sô, có sức chứa tới 25.000 người, là nơi đã diễn ra cuộc bạo động giận dữ chống lại những Cơ-Đốc nhân trong Công vụ 19.

Giảng đường nơi nổ ra bạo loạn trong Công vụ 19 cũng là địa điểm tổ chức các cuộc mít-tinh và hòa nhạc. Sting, Elton John và Diana Ross là một trong số những người đã biểu diễn ở đó. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Trong sách Khải Huyền, Chúa Giê-xu khen ngợi Hội Thánh Ê-phê-sô vì đã chịu đựng gian khổ và ghét tà giáo của người Ni-cô-la – là những người theo thuyết Trí Huệ Giáo thời kỳ đầu là những người muốn kết hợp Cơ-Đốc giáo với các thực hành ngoại giáo như tình dục vô luân. Nhưng những người khác ở Ê-phê-sô đã bỏ lòng kính mến ban đầu của họ đối với Đấng Christ và nhận được một lời cảnh tỉnh: “Vậy, hãy nhớ lại con đã sa sút từ đâu! Hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu. ” (Khải huyền 2: 5). Một số học giả cho rằng những Cơ-Đốc nhân này có thể đã chìu theo áp lực để thờ phượng tại đền thờ của Hoàng đế Domitian (Domitian, là một hoàng đế La Mã trị vì từ ngày 14/9 năm 81 cho đến khi qua đời năm 96 – ND).

Phần còn lại của một ngôi đền có thể được xây dựng cho Hoàng đế Domitian trong thế kỷ đầu tiên. Domitian đã đàn áp Hội Thánh đầu tiên và chịu trách nhiệm về việc đày sứ đồ Giăng đến đảo Bát-mô. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Theo thời gian, Ê-phê-sô chuyển về vị trí hiện nay là thị trấn nhỏ Selçuk, chỉ cách tàn tích Ê-phê-sô năm phút lái xe. Cây kim ngân tỏa hương thơm ngát khắp các cửa hàng và con phố mà tôi đến thăm. Thị trấn thuộc Hồi giáo – cũng như 99% người Thổ Nhĩ Kỳ là người Hồi Giáo. Mặc dù vậy, một nhà thờ Tin Lành nhỏ của những cựu tín đồ Hồi giáo vẫn nhóm lại ở Selçuk để thờ phượng và thông công. 

Những nhành hoa kim ngân rực rỡ, thơm ngát phủ khắp các cửa hàng ở Selcuk, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Si-mẹc-nơ — Izmir

Tàn tích khu chợ của Si-mẹc-nơ nằm ẩn mình trong một khu phố của thành phố cảng biển thịnh vượng, Izmir. Là một trong những thành phố lâu đời nhất có người sinh sống trên thế giới, Izmir hiện là nơi sinh sống của hơn bốn triệu người. Khi chúng tôi tranh thủ đi đến tàn tích của khu chợ cổ Si-mẹc-nơ, thì học sinh trung học tràn ra khỏi trường của chúng. Chúng dường như vừa yêu vừa ghét đối với các tàn tích của thành phố cổ hàng thiên niên kỷ trước dọc theo xuyên suốt con đường.

Các tầng hàng ngang của một gara đậu xe ngày nay ở Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ tương phản với các cột dọc bao quanh một khu chợ của Si-mẹc-nơ cổ đại. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Những lời của Chúa Giê-xu phán với các tín hữu ở Si-mẹc-nơ đã khích lệ họ khi đối mặt với sự bắt bớ sắp tới. “Hãy trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho con mão triều thiên của sự sống.” (Khải 2:10 NIV). Thật vậy, không chỉ ở Si-mẹc-nơ mà trên toàn bộ khu vực, những tín hữu vào thế kỷ thứ nhất, là những người chống lại sự sùng bái tôn giáo của đế quốc đã phải chịu đựng sự đàn áp. Một số học giả nghĩ rằng cuộc đàn áp này thường là liên quan đến kinh tế, chẳn hạn như mất việc làm hoặc của cải tài chánh (Fairchild, tr.146). Có lẽ vì lý do này mà Chúa Giê-xu đã nhắc nhở họ rằng họ giàu về thuộc linh mặc dù nghèo về vật chất.

Khu chợ cổ của Si-mẹc-nơ vẫn có những mái vòm tuyệt đẹp và có nước chảy, vốn đã được tập hợp lại vào các bồn chứa để sử dụng trong thành phố trong thời cổ đại. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Giáo phụ Polycarp của Hội Thánh đầu tiên là giám mục của Si-mẹc-nơ và là môn đồ của sứ đồ Giăng. Ở tuổi 86, ông đã bị thiêu cháy trên cây cọc vì đã từ chối từ bỏ đức tin của mình nơi Đấng Christ. Một số lời cuối cùng của Polycarp là, “Tôi đã là người hầu việc Ngài trong 86 năm, và Ngài đã không làm cho tôi điều gì sai trật. Làm sao tôi có thể phỉ báng Vua tôi, Đấng đã cứu tôi? ” (Wilson, trang 311).

Thành phố hiện đại Izmir chứa đầy những người theo chủ nghĩa hiện đại thế tục – theo tên gọi chính thức là thuộc người Hồi giáo nhưng thật sự vỡ mộng với Hồi giáo và bầu không khí chính trị hiện tại. Họ có thể biết rằng những người Cơ-Đốc nhân “đã từng” sống ở Izmir, nhưng hầu hết đều không biết về cộng đồng Cơ-Đốc nhân đang phát triển mạnh lên đến 500 tín hữu nằm rải rác trong ít nhất 12 Hội Thánh.

Các thánh đường Hồi giáo, cờ Thổ Nhĩ Kỳ và những cây cọ dọc theo những ngọn đồi của thành phố cổ Si-mẹc-nơ, nay là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Mặc dù nhiều Hội Thánh trong số này theo lịch sử là Công Giáo hoặc Chính Thống Giáo, nhưng ngày càng có nhiều tín hữu theo Tin Lành Cải Chánh.

Pẹt-găm — Bergama

Tàn tích của Pẹt-găm nằm trên đỉnh đồi nhìn ra thành phố Bergama ngày nay. Một chiếc cáp treo hiện đại đã đưa chúng tôi lên đỉnh đồi, nơi chúng tôi xem những tàn tích được khai quật rộng rãi. Pẹt-găm là một thành phố chính của đế chế La Mã vào thế kỷ đầu tiên. Dấu tích nổi bật nhất còn lại là nhà hát có độ dốc xây vào sườn đồi.

Thành cổ và một giảng đường cổ kính có sức chứa 10.000 người nhìn ra thành phố Pẹt-găm, ngày nay là Bergama, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Karrie Sparrow)
Ngôi đền của hoàng đế La Mã Trajan được sử dụng để thờ thần Zeus ở thượng đô Pẹt-găm, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Nhưng chính sự đổ nát của ngôi đền thờ thần Zeus đã khiến tôi thổn thức. Một số người cho rằng ngôi đền này là lý do vì sao Chúa Giê-xu gọi Pẹt-găm là nơi mà Satan ngự trên ngai. Chúa Giê-xu đã có một số cảnh báo nghiêm trọng đối với các Cơ-Đốc nhân ở Pẹt-găm, là những người đã không vâng giữ sự dạy dỗ của Ngài để chấp nhận những hành vi tội lỗi. Nếu họ không chịu ăn năn, thì chính Chúa Giê-xu sẽ đến và chiến đấu chống lại họ. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đã khen ngợi một số ít người ở Pẹt-găm đã đứng vững và không từ bỏ đức tin ngay cả khi người bạn An-ti-pa của họ bị giết (Khải huyền 2:13). 

Ngày nay, Bergama được tạo thành từ một “thành phố cổ” với những con đường nhỏ hẹp rải sỏi và một thành phố hiện đại hơn. Những người dân địa phương mà tôi đã tiếp xúc không hề thất vọng khi họ mở rộng lòng hiếu khách nổi tiếng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Một người đàn ông vui vẻ cho chúng tôi nhiều thông tin, nói với tôi rằng những Cơ-Đốc nhân đến thăm bảy Hội Thánh giống như người Hồi giáo đến thăm thánh địa Mecca – để mong nhận được hồng ân từ Đức Chúa Trời. Lòng tôi chùng xuống khi nghe sự hiểu lầm về Cơ Đốc Giáo của anh ta. Ngày nay, có một số tín hữu được biết đến xung quanh Bergama, nhưng không có Hội Thánh.

Đường đến Asclepion of Pẹt-găm, có lẽ là trung tâm y tế nổi tiếng nhất thế giới cổ đại. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Thi-a-ti-rơ — Akhisar

Trong sách Công vụ, Ly-đa là một ân nhân giàu có và đã cải đạo sang Cơ-Đốc giáo. Là một người buôn bán vải tía, quê hương ban đầu của Lydia là thành phố Thi-a-ti-rơ. Các đồng tiền cổ của Thi-a-ti-rơ cho thấy vô số các hội nghề bao gồm thợ dệt vải lanh, thợ đồng, thợ gốm và thợ làm bánh. Thi-a-ti-rơ là thành phố duy nhất của Bảy Hội Thánh được xây dựng trên nền đất bằng phẳng không có hệ thống phòng thủ tự nhiên nên rất dễ bị tấn công. Trong khải tượng của Giăng, Chúa Giê-xu được mô tả với đôi chân giống như đồng được nung – một ẩn dụ mà công dân Thi-a-ti-rơ có thể dễ dàng nắm bắt vì những người thợ làm đồ đồng tại đó.

Chúa Giê-xu đã cảnh báo những người ở Thi-a-ti-rơ đang dung túng sự giảng dạy lừa dối của “Giê-sa-bên”, một kẻ có ảnh hưởng tiêu cực mà không chịu ăn năn hoặc có lẽ là biểu tượng cho sự khoa trương đã dẫn người ta vào “những sự thâm hiểm” của Sa-tan (Khải 2:20, 24). Có vài người ở Thi-a-ti-rơ vẫn trung thành với đức tin và Chúa Giê-xu khuyến khích họ “giữ vững” (Khải 2:25). Ngài đã hứa trao uy quyền trên các quốc gia cho những ai kiên trì cho đến cùng.

Một tòa nhà chung cư nhìn ra những bức tường đổ nát của Thi-a-ti-rơ cổ. Có thể Phao-lô và Si-la đã đến thăm Thi-a-ti-rơ trong chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai hoặc thứ ba của họ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Những tàn tích ít ỏi của Thi-a-ti-rơ được khai quật ở thành phố Akhisar hiện đại. Các tòa nhà chung cư hiện đại nằm dọc các con phố với đầy xe buýt và ô tô. Không có Hội Thánh ở Akhisar và không có tín hữu được biết đến tại đây.

Sạt-đe — Sart

Chúng tôi đậu chiếc xe của chúng tôi tại đó và đây là phương tiện duy nhất trong bãi sỏi ở tàn tích Sạt-đe – và chúng tôi bước ra xe để xem các cuộc khai quật rộng lớn. Vua Croesus huyền thoại, giàu có, là người tích lũy vàng từ một con sông gần đó và trị vì Sạt-đe vào những năm 500 TCN. Tàn tích từ một ngôi đền Ạt-tê-mít – nguyên có niên đại từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên và được xây dựng lại bởi Alexander Đại đế 100 năm sau – vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Một sân vận động, các cửa hàng và tàn tích của nhà hội Do Thái cổ đại lớn nhất trên thế giới cách đền thờ một quãng đường ngắn. Vào thời điểm Giăng nhận sự khải thị trong sách Khải Huyền, Sạt-đe là một trong những thành phố giàu có nhất của La Mã mặc dù đã được xây dựng lại nhiều lần sau những trận động đất kinh hoàng.

Nhà Hội Do Thái ở Sart đã được sử dụng đến sáu trăm năm. Nhiều người tin rằng nó là bằng chứng cho thấy Do Thái giáo vẫn mạnh ngay cả khi Cơ-Đốc giáo được giới thiệu trong khu vực. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Những lời của Chúa Giê-xu trong sách Khải Huyền đã phân chia sự phát triển “lành mạnh” của Sạt-đe đối với thực tế thuộc linh của Hội Thánh. Mặc dù có một số ít người trung tín, nhưng hầu hết mọi người trong Hội Thánh Sạt-đe đều đã chết và đang chết về mặt thuộc linh. Đấng Christ đã kêu gọi họ để “thức tỉnh”, “nhớ lại” và “ăn năn” (Khải 3: 2–3). Tàn tích của một nhà thờ Byzantine nhỏ có từ thế kỷ thứ tư nằm trong khuôn viên của đền thờ Ạt-tê-mít. Tôi thấy nhà thờ này đổ nát – được xây vài trăm năm sau lá thư của Giăng. Đây là một dấu hiệu đầy hy vọng cho thấy một số người ở Sạt-đe đã nhận lời cảnh báo để ăn năn.

Việc xây dựng và sử dụng Đền Ạt-tê-mít ở Sạt-đe bắt đầu từ thời Alexander Đại đế, gần thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Ngôi đền này vẫn chưa hoàn thành vào thế kỷ thứ tư sau Công nguyên và bị bỏ hoang khi Cơ-Đốc giáo tiến vào Sạt-đe. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Phi-la-đen-phi-a — Alasehir

Chỉ còn những tàn tích nhỏ từ Phi-la-đen-phi-a cổ đại. Không được thành lập cho đến giữa những năm 100 trước Công nguyên, thành phố Phi-la-đen-phi-a là thành phố mới nhất trong số các Hội Thánh mà Chúa Giê-xu đề cập trong sách Khải Huyền. Thành phố Alasehir hiện đại đứng trên Phi-la-đen-phi-a. Bạn phải quan sát rất kỹ để tìm bất kỳ dấu hiệu nào về cuộc sống trước đây của thành phố. Những bức tường Byzantine đổ nát hòa vào cảnh quan thành phố của nó. Một khu phố đã bảo tồn các mái vòm và các ngôi mộ bằng đá từ một nhà thờ ở thế kỷ thứ sáu. Lời kêu gọi cầu nguyện từ nhà thờ Hồi giáo gần đó đã làm gián đoạn niềm phấn khởi của chúng tôi khi chúng tôi ngắm nhìn những tàn tích thưa thớt này.

Cổng mái vòm bị hỏng này, hiện có một nhà thờ Hồi giáo ở phía sau, được cho là đã được cung cấp một mái vòm từ nhà thờ ở Phi-la-đen-phi-a cổ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Tôi cảm thấy không thoải mái với sức nặng thuộc linh ở Alasehir. Tôi cố gắng dung hòa cảm giác đó với sự hiểu biết rằng đây là nơi mà những tín đồ trung thành được Chúa Giê-xu khen ngợi, Ngài đã nói: ‘Ta biết các công việc của con… vì con có ít năng lực mà vẫn vâng giữ lời Ta và không chối danh Ta.” (Khải Huyền 3:8)

Ngôi mộ bằng đá và các cổ vật khác nằm trong một khu phố nhỏ ở Alasehir, Thổ Nhĩ Kỳ, thành phố cổ Phi-la-đen-phi-a. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Chúa Giê-xu cũng nói với Hội Thánh ở Phi-la-đen-phi-a rằng ngài sẽ gìn giữ họ trong giờ thử thách. Dù Chúa Giê-xu đề cập đến điều này thì không có nghĩa là họ sẽ không bị bắt bớ. Các tài liệu cổ tường thuật lại rằng có 11 Cơ-Đốc nhân từ Phi-la-đen-phi-a đã tử vì đạo cùng với Polycarp vào năm 156 sau Công nguyên. 

Phi-la-đen-phi-a, thành phố của tình anh em, bây giờ được gọi là Alasehir, mà một số người tin rằng có nghĩa là “thành phố của Allah.” (Ảnh: Karrie Sparrow)

Lao-đi-xê — Denizli

Các cuộc khai quật đang được tiến hành của thành phố Lao-đi-xê chỉ bắt đầu từ gần đây, vào năm 2003. Công việc khai quật liên tục khám phá ra một thành phố rộng lớn, giàu có. Lao-đi-xê được xây dựng trên đường cao tốc lớn và trở thành trung tâm thương mại, tài chánh. Lao-đi-xê được biết đến với thuốc chữa tai và mắt và vải len đen. Nước ở Lao-đi-xê nhạt nhẽo và gây khó chịu, nhưng tại Hierapolis gần đó đã phun ra các suối nước nóng. Cũng gần đó, Cô-lô-se là nơi của nước lạnh và tinh khiết.

Nhà thờ Lao-đi-xê vẫn đang được khai quật. Trước khi thành phố được đặt tên là Lao-đi-xê, nó được gọi là “Diopolis”, “thành phố của thần Zeus.” (Ảnh: Karrie Sparrow)

Các nhà thờ ở Hierapolis, Cô-lô-se và Lao-đi-xê tương đối gần nhau và dường như có mối liên hệ với nhau. Phao-lô hướng dẫn rằng thư của ông gửi cho người Cô-lô-se cũng được đọc tại Lao-đi-xê (Cô-lô-se 4:16), và ông được khích lệ bởi đức tin mạnh mẽ của họ nơi Đấng Christ (Cô-lô-se 2:5). Tuy nhiên, có vẻ điều gì đó đã thay đổi trong 30 năm sau lá thư của Phao-lô khi Giăng viết sách Khải Huyền. Sự giàu có và tính độc lập đã làm suy yếu kết ước của họ với Đấng Christ.

Người ta biết rất ít về những gì đã được khai quật ở Lao-đi-xê cổ đại vì những nỗ lực khai quật là tương đối mới. Các nhà khảo cổ hiện tin rằng khu vực này từng là một khu chợ. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Trong Khải Huyền 3, Chúa Giê-xu sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh quen thuộc với người Lao-đi-xê: sự giàu có, thuốc chữa mắt, quần áo trắng và nước hâm hẩm. Ngài phán, “‘Ta biết các công việc của con; con không lạnh cũng không nóng. Ước gì con nóng hay lạnh thì hơn. Vậy, vì con hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên Ta sẽ nhả con ra khỏi miệng Ta.’ Con nói: ‘Tôi giàu, tôi đã phát đạt rồi, tôi không cần gì nữa.’ Nhưng con không biết rằng mình đang cùng khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ.” (Khải Huyền 3:5-7)

Lao-đi-xê được thành lập dọc theo một tuyến đường buôn bán sầm uất. Con đường cổ xưa này, được gọi là Phố Syria, nối Lao-đi-xê với Cô-lô-se. (Ảnh: Karrie Sparrow)

Hầu hết công dân ở Lao-đi-xê đã tái định cư vào thành phố Denizli ngày nay sau một trận động đất kinh hoàng vào năm 600 sau Công nguyên. Có vẻ như thành phố cổ đại đã chết hoàn toàn sau khi người Thổ Nhĩ Kỳ đến sống vào thế kỷ thứ mười một. Ngày nay Denizli là một thành phố nhộn nhịp với hơn nửa triệu người. Trong số đó, ba hoặc bốn người Hồi giáo trước đây đã bước ra để tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ.

Bài Học Từ Những Tảng Đá

Trong những ngày tiếp theo sau chuyến đi của chúng tôi, tôi đã chuẩn bị một số bài học để rút ra từ những di tích cổ này và từ những bức thư cho bảy Hội Thánh. 

Nhớ Đến Chúa Giê-xu

Chúa Giê-xu của thế kỷ thứ nhất cũng giống như Chúa Giê-xu của ngày nay. Ngài được mô tả trong những bức thư này là Đấng đi giữa các Hội Thánh (Khải Huyền 2:1), là đầu tiên và cuối cùng, và Đấng đã chết và đã sống lại (Khải huyền 2:8), Đấng có thanh gươm hai lưỡi sắc bén (Khải huyền 2:12), Đấng có đôi mắt như ngọn lửa và chân như đồng đánh bóng (Khải 2:18), Đấng Thánh và Đấng Chân Thật (Khải Huyền 3:7), Đấng A-men, và là Đấng Làm Chứng Thành Tín và Chân Thật (Khải huyền 3:14). Mặc dù những bức thư này xảy ra ở một thời điểm cụ thể trong thời cổ đại, nhưng chúng mang lại nhiều điều hơn chỉ là sự thật lịch sử cho những người đang nghe những bức thư này. Những bức thư gửi cho Bảy Hội Thánh là những lời của Đấng Hằng Sống, và chúng có sức nặng đối với lòng tận hiến của chúng ta đối với Ngài ngày nay.

Hãy Coi Chừng Kẻo Ngã

Chúa Giê-xu không thể làm cho điều này rõ ràng hơn nữa rằng: Bước theo Ngài đòi hỏi tất cả của chúng ta. Các tín đồ của thế kỷ thứ nhất cảm thấy áp lực xã hội liên tục phải thỏa hiệp đức tin của họ bằng cách thờ phượng hoàng đế, dung túng những giáo sư giả và được dẫn dắt bởi lối sống phản chiếu thế giới ngoại giáo xung quanh họ.

Có điều gì thực sự thay đổi trong hơn 2.000 năm qua? Chúng ta có thể không có các đền thờ ngoại giáo ở gần khu vực mà chúng ta đang sống, nhưng các Cơ-Đốc nhân ngày nay cảm thấy áp lực phải thỏa hiệp theo những cách tương tự. Môn đồ của Đấng Christ là một công việc nghiêm túc đòi hỏi sự kết ước không ngừng với chỉ duy chính Chúa của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn chọn con đường thập giá.

Kiên Trì Cho Đến Cuối Cùng

Đời sống Cơ-Đốc nhân là những ngọn núi và thung lũng. Nếu chúng ta không giữ vững quan điểm dài hạn, chúng ta sẽ nhanh chóng chán nản và sa ngã. Đấng Christ thường nói về sự chịu đựng trong các bức thư của ngài. “Hãy trung tín cho đến chết,” Ngài đã khích lệ Hội Thánh Si-mẹc-nơ. Những người kiên trì đến cùng được gọi là người chiến thắng và sẽ được dự phần trong vinh quang của Đấng Christ (Khải 3:21). Chúng ta hãy ghi nhớ những tấm gương trung tín của những người đã đi trước chúng ta và kiên trì giữ lòng trung thành với Đấng Christ cho đến hơi thở cuối cùng.

Mong Đợi Đức Chúa Trời Dấy Những Người Khác Lên

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ không phải là cùng một dân tộc của thế kỷ thứ nhất. Là một dân tộc Hồi giáo, người Thổ Nhĩ Kỳ tự hào về cuộc lật đổ cuối cùng của họ đối với Đế chế Byzantine của Cơ-Đốc giáo vào năm 1453. Tuy nhiên, Hội Thánh của Đức Chúa Trời đang tăng trưởng. Trong nhiều thị trấn nhỏ như Bergama rải rác trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, những người nam và người nữ đang tìm kiếm Đức Chúa Trời. Vào năm 2017, gần 10.000 người đã trả lời một mục quảng cáo để nhận một quyển Tân Ước gửi qua bưu điện. Đức Chúa Trời đang dựng lên Hội Thánh của Ngài trên mảnh đất cổ kính này.

Nhiều tàn tích mà chúng tôi đến thăm đã trở nên hoang tàn. Ở đó chỉ có bạn của tôi, tôi và những con thằn lằn giữa những phiến đá cổ xưa. Tôi nhớ lại lời mà Chúa Giê-xu nói với những người Pha-ri-si muốn ngài quở trách những ai kêu lớn tiếng tung hô rằng: “Phước cho Vua nhân danh Chúa mà đến!” Chúa Giê-xu phàn với họ, “Nếu họ giữ im lặng, thì đá sẽ kêu lên” (Lu-ca 19:38, Lu-ca 19:40).

Và chúng cũng vậy. Ngay cả những tảng đá được xây dựng để thờ cúng ngoại giáo cũng kêu lên rằng Chúa Giê-xu là Vua. Ngài đang xây dựng Hội Thánh của Ngài, và tôi muốn Ngài tìm thấy tôi – tìm thấy chúng tôi – trung tín cho đến cuối cùng.

 

Barnabars Huỳnh

(Lược dịch theo: churchleaders.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan