(Ngoại trừ được nêu lên, các phần Kinh Thánh trích dẫn là từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)
“Kinh Thánh hứa … thì những điều đó phải được nên cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời … phải được nên xuyên suốt đến tương lai.”
TỪ BỎ Y-SƠ-RA-ÊN TRONG LỊCH SỬ HÌNH THÀNH THẦN HỌC THAY THẾ
Có những lúc mà người đứng ngoài thấy và hiểu biết vấn đề hơn những người trong cuộc. Robert Louis Stevenson là một nhà thơ và nhà văn tiểu thuyết, không phải là một nhà thần học. Nhưng người ta biết được là trước khi ông biết đọc, bà vú của ông đã đọc lớn cho ông nghe toàn bộ Kinh Thánh ba lần.
Ông nói lên điều này: “Tôi không thể hiểu cách mà quí vị, những nhà thần học và thầy giảng, có thể đặt ra cho Hội thánh……Kinh Thánh hứa những điều, theo nghĩa đơn giản của chúng, phải được làm nên cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời; và chúng phải được làm nên xuyên suốt tương lai.”
Ông tiếp tục nói đến vấn đề những lời tiên tri, khi chúng bị “thuộc linh hóa,” – theo kiểu bỏ đi ý nghĩa đơn giản rõ ràng và những điều phải được làm nên, bởi các nhà “thần học thay thế,” – “đã trở nên lố bịch – khi áp dụng cho Hội thánh, chúng như là một hài kịch.”
“Thần Học Thay Thế” không chỉ là một hài kịch. Nó là một nguồn của những thảm kịch. Những tư tưởng đều sinh ra những hậu quả, và với người Do Thái, nhiều tư tưởng đến từ Cơ đốc nhân đã có những lúc dẫn đến những hậu quả thê thảm.
Thần Học Thay Thế (Replacement Theology) khởi đầu từ những quan điểm thiếu quân bình và tiêu cực về mối quan hệ giữa dân Do Thái với Đức Chúa Trời của một số giáo phụ và nhà thần học trong thế kỷ thứ hai. Vào năm 167, Giám mục Mileto (không rõ năm sinh-chết vào năm 180) ở Sardis, nay là Thổ Nhĩ Kỳ, giảng rằng khi đóng đinh Chúa trên thập giá, không chỉ những người liên hệ nhưng “toàn thể dân Do Thái” đã phạm tội nghịch chống lại Chúa. Giáo phụ Tertulian (160-220) nói đến Hội thánh là “tuyển dân” cao trọng hơn dân Do Thái. Giáo phụ Origen (c.185-254) khai triển quan điểm “vì họ đã bội nghịch Chúa nên họ không thể được Chúa phục hồi như trước.” Từ những ý tưởng này, giáo phụ Lactantius (240-320) cho là Chúa đã từ bỏ họ.
Nhưng vị giáo phụ gây nhiều ảnh hưởng nhất là John Chrysostom (344-407). Ông lấy việc “dân” Do Thái đã từ khước và giết Chúa Giê-su, và sau đó, trong thế kỷ thứ nhứt, đã trục xuất Cơ đốc nhân ra khỏi nhà hội – để dạy là không thể có mối liên hệ mật thiết giữa Hội Thánh và người Do Thái. Ông phân biệt ra Y-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước là tuyển dân nhưng đã thất bại khác với “Y-sơ-ra-ên mới” được Tân Ước nói đến là Hội thánh. Tư tưởng này được một số giáo phụ trong thời đó như St. Jerome (347-419/420) chia sẻ ở mức độ nhẹ hơn, nhưng nó lại được các giáo phụ và nhà thần học sau Chrysostom, trong những hoàn cảnh giới hạn của họ, khai triển sâu rộng thêm! Theo Augustine (354-430), Chúa dùng Cơ Đốc Giáo (Christianity) để hoàn toàn thay thế cho Do Thái Giáo (Judaism) và những tai họa cùng sự lưu vong trong nhiều thế kỷ của người Do Thái là do Chúa trừng phạt “dân tộc” không tin kính. Những luồng giải thích thần học như vậy nuôi dưỡng lòng thù hận người Do Thái. Những hành động tấn công và hà hiếp người Do Thái trong Đế Quốc La-mã và sau đó là Châu Âu càng lúc càng gia tăng trong sự càng thờ ơ của Giáo Hội thời đó (lúc đó là Công Giáo Chung).
Trong thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 5 đến 15), hầu hết các nhà thần học đều bị bối rối giữa hai luồng tư tưởng: (1)dân Do Thái sẽ được phục hồi (Rô-ma 11) và (2)họ đã mất đi địa vị tuyển dân của Đức Chúa Trời. Nhà thần học nổi bật nhất trong thời kỳ này là Thomas Aquinas (1225-1274) tìm cách dung hợp chúng nhưng trong thực chất, ông vẫn nghiêng nặng về luồng tư tưởng (2). Tình hình chính trị vương quyền-giáo quyền và thái độ bài Do Thái sâu rộng trong thế giới Cơ Đốc Châu Âu thời đó (Christendom) khiến thuyết bài Do Thái trở thành gần như là một lẽ thật (truth). Sự đàn áp người Do Thái càng trở nên một lẽ tự nhiên.
Đến thời kỳ Cải Chánh, sự giải thích của Martin Luther (1483-1586) – rằng dân Do Thái không còn địa vị tuyển dân như trước và đáng bị những tai họa – có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng hơn sự giải thích tương tự nhưng có chỗ nói đến cơ hội phục hồi của dân Do Thái của John Calvin (1509-1564).
Trong những năm đầu, 1523, Luther chỉ trích Giáo Hội Công Giáo Chung đã đối xử tệ bạc với người Do Thái khiến họ không thể cải đạo sang Cơ Đốc Giáo. Nhưng sau 15 năm không thấy được hy vọng cải đạo họ, ông thay đổi thái độ.
Không ai có thể chối cãi những ơn lớn lạ Chúa ban cho và sự Chúa dùng ông để đem đến những đóng góp vĩ đại về giải kinh, thần học, lẽ đạo, giảng dạy, dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ quốc gia thay vì tiếng La-tin vv… Đặc biệt nhất là 3 lẽ đạo nền tảng “chỉ bởi ÂN SỦNG”, “chỉ bởi ĐỨC TIN” và “chỉ bởi KINH THÁNH” đã đặt nền móng cho phong trào cải chánh hội thánh của Chúa kể từ thế kỷ thứ 15 và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng có một điểm đen trong chức vụ của ông là mà sau này chính các nhà lịch sử hội thánh trong giáo hội Luther đã công tâm chỉ ra. Đó là lòng cuồng nhiệt của ông muốn giải quyết vấn đề người Do Thái, nhưng lại không dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh nói về giao ước đời đời giữa Chúa với họ.
Ông cho rằng họ theo một giáo lý chống nghịch, không ăn năn và đáng bị Chúa tước đi địa vị của họ:
“Trừ khi họ (người Do Thái) làm điều này (ăn năn), và bỏ đi mọi sự rỗng tuếch, trở lại với Đức Chúa Trời, sẽ đến một lúc mà Ngài sẽ thay đổi giao ước của Ngài, là sự ban cho cơ nghiệp sự sống đời đời trên các nước ngoại bang, và tập họp lại cho Ngài từ những người sinh ra là dân ngoại một dân trung tín hơn… Căn cứ trên những sự bội đạo của họ, Ngài đã bỏ họ vĩnh viễn.” (Martin Luther, On the Jews and Their Lies” in LW 47: 138-39 and WA 53.418).
Chúng ta không hiểu tại sao ông không xét đến những lời hứa đời đời của Chúa với dân Y-sơ-ra-ên trong cả Cựu Ước và Tân Ước:
“Ngài nhớ giao ước Ngài mãi mãi, Nghìn đời không quên lời phán của Ngài; Tức là giao ước Ngài đã lập với Áp-ra-ham, Đã thề cùng Y-sác, Đã định cho Gia-cốp làm luật lệ, Và cho Y-sơ-ra-ên làm giao ước đời đời,” (Thi thiên 105.8-10).
“Y-sơ-ra-ên cùng Giu-đa chẳng bị bỏ bê, Bởi Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va vạn quân của họ; Dù xứ sở chúng dẫy đầy tội lỗi. Vì chống lại Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên” (Giê-rê-mi 51.5).
“Đức Chúa Trời không hề từ bỏ dân Ngài là dân mà Ngài đã biết trước… vì các sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng bao giờ thay đổi” (Rô-ma 11.2a, 29)
Ông đề nghị với các tiểu vương ở Đức thời đó một số biện pháp “cải tạo” người Do Thái như sau: (1) đốt trường học và nhà hội của họ; (2) chuyển họ vào những nơi định cư tập thể; (3) tịch thu tất cả những văn hóa phẩm của người Do Thái có tính chất phạm thượng; (4) ngăn cấm các thầy Ra-bi dạy; (5) bãi bỏ chính sách trước đây về đường lưu thông an toàn cho người Do Thái để tránh sự truyền bá Do Thái Giáo; (6) trưng dụng tài sản của họ và dùng cho những tu viện và cũng để tránh việc người Do Thái cho vay lãi nặng; (7) chỉ định người Do Thái làm những công việc lao động nặng như là một hình thức trừng phạt (ghi chú 1).
Đến thế kỷ 19 và 20, một dòng ảnh hưởng khác cộng hợp với ảnh hưởng của Luther đưa đến sự hình thành thần học thay thế ngày nay. Với lòng nóng cháy đem Tin Lành cứu chuộc đến khắp nơi theo mạng lệnh Chúa trong Ma-thi-ơ 28.19-20 và với sự hiển nhiên là chỉ có Hội thánh (invisible church), chứ không phải là tuyển dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước, mới có thể thi hành được sứ mạng này, nhiều nhà thần học Đức, vốn có ảnh hưởng lớn trên các nhà thần học Tây Phương sau này, vào đầu thế kỷ 20 như Rudolph Bultmann và sau đó là Karl Barth, luận thuyết rằng Y-sơ-ra-ên “thật” mà Tân Ước nói đến là Hội thánh. Vai trò và sứ mạng của tuyển dân của Y-sơ-ra-ên đã được Chúa “thu hồi lại” vào trong thánh chức của Hội thánh. Từ đó trở đa số các nhà thần học hay sử học thuộc khuynh hướng Tin Lành (Evangelical) cũng như những khuynh hướng khác bắt đầu phát triển dòng thần học “thay thế” (replacement) hay “thu hồi lại” (suppressionism) của thế kỷ 20. Có thể kể ra một số vị tiêu biểu như: Bruce K. Waltke, Hans K. LaRondelle, Loraine Boetner, N. T Wright, John Bright, George Eldon Ladd, Millard Erickson, Wayne Grudem, David Gushee, Glen Stassen vv… Dĩ nhiên là họ không ngờ rằng quan điểm thần học của họ sinh ra những hệ quả phá hủy khi áp dụng vào vấn đề lịch sử của đất và quyền sống của người Do Thái.
Từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay, Những mức mạnh và nặng khác nhau trong cái nhìn tiêu cực về quan hệ giữa dân Do Thái với Đức Chúa Trời khiến sinh ra những nhánh trong dòng thần học này. Dựa theo ngôn ngữ và nội dung thần học, có thể tạm phân loại chúng một cách chưa hoàn chỉnh như sau:
— “Thần học thay thế” (replacement theology) của thế kỷ 20: Dân Y-sơ-ra-ên không còn xứng đáng là tuyển dân của Đức Chúa Trời như đã là trong giao ước giữa Ngài với Áp-ra-ham. Hội thánh hoàn toàn thay thế địa vị tuyển dân của dân Y-sơ-ra-ên.
— “Thần học làm trọn vẹn” hay “Thần học chuyển giao” (fulfilment theology or transference theology): Vai trò tuyển dân của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã chấm dứt để nhường chỗ cho Hội thánh là Y-sơ-ra-ên mới.
— “Thần học mở rộng” (extension/expansion theology): Y-sơ-ra-ên vẫn giữ được một phần đặc tính “tuyển dân” và Chúa sẽ phục hồi họ nhưng Hội thánh là “tuyển dân mới” của Ngài.
ÁP BỨC VÀ HỦY DIỆT KINH HOÀNG
“Thần học thay thế” từ lúc khởi đầu cho đến trước thế chiến thứ hai, phóng lên một hình ảnh “dân” Do Thái giết Chúa, phản Chúa, bắt bớ Hội thánh và trục xuất Cơ đốc nhân ra khỏi nhà hội trong thế kỷ thứ nhất, sống nghịch lại với niềm tin và đạo đức Cơ Đốc vv… nên đáng bị trừng phạt nặng nề, và bị mất đi địa vị và sứ mạng là “tuyển dân” vào tay Hội thánh vv… Hình ảnh hết sức tiêu cực và ghê tởm này khiến cho kể từ thế kỷ thứ tư trở đi, Hội thánh chuyển từ mối quan hệ cùng chia sẻ nguồn gốc đứng chung trong chương trình cứu chuộc của Chúa (Rô-ma 11.11-36; Ga-la-ti 3.28) trở thành đối nghịch và sau đó là thù nghịch với người Do Thái.
Những gốc rễ thần học, truyền thống và tâm linh bài Do Thái đó, qua nhiều thế kỷ đã được dùng làm nền tảng cho sự đối xử tệ hại với người Do Thái trong lịch sử Cơ Đốc Giáo tại Châu Âu trong thời gian từ thế kỷ thứ 4 đến 20. Trong những giai đoạn sa sút trong lịch sử Hội thánh thời trung cổ, khi mà giáo quyền và chính quyền gần như là một, thì các vua và lãnh chúa đều có những cuộc bắt bớ người Do Thái. Hơn nữa, khi mà quần chúng không được học Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ để sống theo Lời Chúa, đời sống thuộc linh chỉ dựa vào giáo quyền bài Do Thái, cộng thêm với gốc rễ mê tín sâu xa từ tổ tiên xa xưa, đã có những giai đoạn mà ngay cả vương quyền và giáo quyền dù chủ trương bài Do Thái cũng phải ngăn cản những phản ứng đốt phá và giết hại người Do Thái của quần chúng.
Thần học thay thế dẫn đến tinh thần bài Do Thái cực đoan ăn sâu trong nhiều thế kỷ đã trở nên một cơ hội cho Hitler tiến hành chương trình diệt chủng người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai – “holocaust”. Trên 6 triệu người Do Thái bị giết chết trong các trại tập trung và đặc biệt trong những lò hơi ngạt! Trong số đó có 1 triệu rưỡi trẻ em! Những điều kinh khủng này xảy ra trước sự yên lặng khó hiểu của Giáo Hội Công Giáo La-mã trong thời đó, trong sự thờ ơ không đón tiếp người tỵ nạn Do Thái của các nước dưới ảnh hưởng Tin Lành, và sự cực kỳ khó khăn chính trị quốc tế chống lại sự thành lập nước Do Thái mãi cho đến năm 1948.
(Vào ngày 16 tháng ba năm 1998 Đức Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức xin lỗi về sự thụ động của Giáo Hội La-Mã trước biến cố diệt chủng Holocaust)
Dù sau đó, biến cố diệt chủng người Do Thái đã đánh thức lương tâm nhân loại, dòng thần học thay thế vẫn tiếp tục sinh ra những nhánh độc hại, từ những gốc rễ như: quan điểm thần học hạ thấp vai trò của Kinh Thánh Cựu Ước, luận thuyết bác bỏ giao ước đời đời giữa tuyển dân Do Thái với Đức Chúa Trời, và xu hướng chính trị chống quốc gia Do Thái trong giới trí thức Tây Phương trong đó có nhiều nhà thần học Tin Lành (trong bài “Những Gốc Rễ Độc Hại Của Thần Học Thay Thế sẽ được đăng trong những tuần tới).
Hạ thấp vai trò của Kinh Thánh Cựu Ước tức là hạ thấp giao ước đời đời giữa dân Do Thái với Đức Chúa Trời và từ đó đưa đến sự bác bỏ quyền sinh sống của người Do Thái trên mảnh đất mà Kinh Thánh và lịch sử đã cùng xác chứng. Đây là một trong những nguyên cớ khiến nhiều nước, đặc biệt ở Châu Âu từ thập niên 1990s, và gần đây nhất là Mỹ dưới thời cựu Tổng Thống Obama, chuyển từ chỗ đứng ủng hộ có chừng mực sang những thái độ chính trị bất công và áp lực kẻ cả trên chính quyền và người dân Do Thái trong vấn đề Do Thái – Pa-lét-tin.
CHỌN LỰA CỦA CƠ ĐỐC NHÂN TIN LÀNH (EVANGELICAL)
Trong những thập niên đã qua, Cơ đốc nhân Tin Lành (Evangelicals) luôn là những người nhiệt thành ủng hộ quốc gia và dân tộc Do Thái. Tại sao? Bởi vì, không như những nhà thần học thay thế, nhưng như Robert Louis Stevenson, họ dạn dĩ tin rằng kinh văn trong kinh thánh, thật sự, là để chuyển tải ý nghĩa trong những lời của kinh văn đó — ý nghĩa đó chắc chắn là rõ ràng cho những người là độc giả đối tượng mà Kinh Thánh viết cho đọc. Ở đâu mà kinh văn nói về một vùng đất được hứa ban cho một “dân,” những người này không tìm đến biện chứng thần học. Họ không tìm cách tạo nên một màn khói mù để che lấp ý nghĩa hiển nhiên. Và ở đâu mà kinh văn nói về người Do Thái bị tản lạc và sau cùng được gom lại về đất tổ, họ không đặt họ vào chỗ chống lại mục đích thiên thượng đó. Họ đứng chung với người Do Thái.
Hơn nữa, những người sẳn lòng chấp nhận tuyên ngôn của Kinh Thánh về Y-sơ-ra-ên luôn bác bỏ những phiên bản bóp méo về lịch sử Trung Đông. Chúng tô điểm người Do Thái thành những tên thực dân. Chúng làm đảo điên đạo đức bằng những nhãn hiệu gán ghép cho những người Do Thái từ chỗ là những nạn nhân của chủ nghĩa hồi giáo quá khích (tiêu diệt Do Thái) trở thành những tên xâm lược đất Pa-lét-tin.
Nhưng mọi sự đang thay đổi. Chủ nghĩa diệt chủng Do Thái thời Hitler đã chết. Nhưng chủ nghĩa tiêu diệt Do Thái của những nước quá khích Trung Đông và Pa-lét-tin đang sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Càng ngày, những người Tin Lành ủng hộ Y-sơ-ra-ên càng bị bảo rằng sự xác định của họ về những lời hứa trong Kinh Thánh cho Y-sơ-ra-ên là một tà thuyết – thậm chí là một tội lỗi. Càng ngày, ảnh hưởng của các nhà thần học thay thế càng lớn hơn trong các giới trí thức Cơ Đốc và lãnh đạo Hội thánh. Một thí dụ điển hình là vào năm 2011, như là đại biểu cho các thần học gia thay thế, David Gushee (Mercer University) và Glen Stassen (Fuller Theological Seminary) cùng ra tuyên ngôn rằng “… Những Cơ đốc nhân Hoa Kỳ theo chủ thuyết Si-ôn ủng hộ quyền đất đai và chính quyền Do Thái hiện thời là phạm tội và sản xuất tội lỗi.”
Và giống như những lời nói dối được luôn luôn lập đi lập lại để sau cùng được tin là sự thật, dòng tường thuật lịch sử bị sửa lại bắt đầu có sức mạnh nắm bắt. Thế là quốc gia được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu Ước là được Đức Chúa Trời tuyển chọn làm nguồn phước cho thế giới (Sáng Thế 12.3), và cũng được Kinh Thánh Tân Ước xác chứng, trở nên một nguồn tranh cãi trong vòng những người Tin Lành, đặc biệt là về vấn đề đất đai và chủ quyền của người Do Thái.
Vị thế của nước Do Thái có là điều đáng quan tâm không? Chúng tôi tin như vậy. Chúng tôi nhận xét là trong tất cả những tuyên ngôn mà Kinh Thánh cho biết là đến từ Chúa, không điều nào có sự nhấn mạnh hơn những lời Ngài hứa với dân Do Thái (thí dụ như Giê-rê-mi 31.35-37; 32.41 vv…) – và có nhiều trong số đó là về vùng đất của nước Do Thái (dù là rõ ràng hay ngụ ý (Ê-sai 49.12-26; Giê-rê-mi 23.6-8, 30.16-24; Ê-xê-chi-ên 37.1-14).
Người Tin lành (Evangelicals) tuyên bố là quan điểm của họ dựa trên Kinh Thánh. Nếu những tài liệu mà chúng ta gọi là Kinh Thánh phải được đón nhận một cách nghiêm chỉnh, thì địa vị của nước Y-sơ-ra-ên và dân Do Thái phải được đón nhận nghiêm chỉnh nhất. Sự thực là nếu chữ viết ra có ý nghĩa, thì sự toàn vẹn và chân thực của Đức Chúa Trời của Kinh Thánh dựa trên sự thành tín của Ngài với dân tộc Do Thái và quyết định của Ngài phục hồi họ với Ngài và phục hồi quê cha đất tổ của họ.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy vai trò “đóng góp” của thần học thay thế trong tiến trình hình thành luận thuyết diệt chủng người Do Thái (2). Hầu hết Cơ đốc nhân đều “sung sướng” vì không biết đến một lịch sử xấu hổ của chủ nghĩa bài Do Thái của Cơ đốc nhân và về làm sao mà những sự dạy dỗ của những người như Augustine và Luther đã giúp lót đường dẫn đến trại tập trung thiêu người Do Thái Aushwitz – cũng như sự thất bại của cả thế giới trong biến cố diệt chủng người Do Thái. Hầu hết người Do Thái, dù vậy, biết rõ cái lịch sử này.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa bài Do Thái và thần học thay thế đang được hiểu rõ sâu xa hơn.
Có lẽ vì lý do đó mà các nhà thần học thay thế bắt đầu tránh đi từ ngữ “thay thế.” Thay vì vậy, họ kiên quyết rằng thần học của họ là loại “làm đầy trọn”, “hoàn tất”, “nhận thức”, hay “nới rộng”. Dù có dùng từ ngữ gì đi nữa, vấn đề là cấu trúc nguyên thủy (địa vị tuyển dân của Chúa và giao ước đời đời với Chúa) bị phá hủy. Và trong thuyết làm đầy trọn là thuyết nhẹ nhất, những lời hứa dành cho nước Y-sơ-ra-ên, dù đã được diễn giải rất rõ trong Kinh Thánh, sẽ không bao giờ được làm thành. Chúng ta hiểu rằng từ ngữ “thay thế” làm các nhà thần học này không dễ chịu chút nào. Nhưng trong mỗi trường hợp, dù cho họ cố đính chính, luận thuyết của họ là tước bỏ và thay thế quốc gia Y-sơ-ra-ên.
Một người ăn trộm tài sản của người hàng xóm, khi bị bắt, có thể diển giải hành động của y như là “dời đồ đi trong đêm tối.” Cho dù nói cách nào đi nữa, y thật là một tên trộm và hành động của y là phạm pháp hình sự. Các nhà thần học thay thế dự phần vào sự ăn trộm lai lịch thần học của tuyển dân Y-sơ-ra-ên. Không một cách sáng chế nhãn hiệu nào có thể hợp pháp hóa những hành động của họ.
Hitler cố thanh trừng thế giới của người Do Thái. Hắn đã không thành công. Trong nhiều thế kỷ các nhà thần học thay thế đã cố gắng thanh trừng người Do Thái ra khỏi thời hiện tại và tương lai của Kinh Thánh. Rồi họ cũng sẽ thất bại.
Nay là lúc cho những ai tuyên xưng là người Tin Lành nhưng lại bác bỏ mối quan hệ vĩnh viễn giữa Y-sơ-ra-ên với đất của họ và địa vị của họ như là một dân tộc. Những người này phải hoặc là bỏ đi điều họ đã bác bỏ, hoặc là trở lại xác định những gì mà Kinh Thánh đã dạy quá rõ ràng. Đây là lúc những ai tuyên xưng là người Tin Lành, nhưng lại bác bỏ mối quan hệ vĩnh viễn giữa Y-sơ-ra-ên với đất của họ và khước từ địa vị của họ như là một dân tộc, những người Tin Lành này phải trở lại xác định những gì mà Kinh Thánh đã dạy về dân Y-sơ-ra-ên không hề thay đổi.
Chúng ta hãy chú ý, những luận thuyết của các giáo phụ và các nhà thần học gia thay thế đã đưa đến ý tưởng và thảm họa phong trào bài Do Thái, diệt chủng Do Thái. Ngoài ra, còn nhiều điều khác nữa và hơn nữa từ những vị này (cũng như từ chính chúng ta) đã hình thành và phát triển nên những tư tưởng “độc hại tiềm ẩn” trong Cơ-đốc giáo, để khi đến những thời điểm chín muồi sẽ gây ra những thảm họa, sự chia rẻ, dùng kinh văn Kinh Thánh để nghịch với Lời Chúa hay chống lại Đức Thánh Linh và đường lối của Đức Chúa Trời vv… Tất cả chúng đều có chung một gốc rễ độc hại là không dựa trên những điều Kinh Thánh dạy. Do đó chúng ta cần sáng suốt giống như người Bê-rê “cởi mở… nhiệt thành tiếp nhận Đạo Chúa, hằng ngày tra cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không?“ (Công vụ 17:11, BDM 2002) và “Hãy xem xét mọi sự, điều gì lành thì hãy giữ lấy, mọi hình thức gian ác thì hãy tránh xa.” (1 Tê-sa 5:21,22, BDM 2002).
Phạm Phi Phi
Bài viết này được biên soạn dựa trên:
1. Một số phần được dịch ra từ bài luận thuyết ngắn của Perry Trotter, Replacement Theology: Merely A Comedy?, www.c4Israel.com.au
2. Các nguồn tham khảo:
— Bài Giảng Thuyết Bài Do Thái của John Chrysostom (Against the Jews. Homily 1)
— http://www.tertullian.org/fathers/chrysostom_adversus_judaeos_01_homily1.htm
— Eric W Gritsch, Was Luther Anti-Semitic? christianitytoday.com (29th June 2017).
— http://www.holocaust.com.au/Resources/Supplementary-Material/Children.
— Martin Luther, “On the Jews and Their Lies” in LW 47: 138-39 and WA 53.418.
— Michael J Vlash, “Various Forms of Replacement Theology,” TMSJ 20/1 (Spring 2009) 57-69.
— Phyllis Goldstein and Harold Evans, ”A Convenient Hatred: The History of AntiSemitism,” Facing History & Ourselves: Brookline, USA (2011).
Ghi chú (1): Xem thêm Eric W Gritsch, Was Luther Anti-Semitic? christianitytoday.com (29 June 2017): http://www.christianitytoday.com/history/issues/issue-39/was-luther-anti-semitic.html. Tiến sĩ Gritsch là Giáo Sư Lịch Sử Hội Thánh của Trường Thần Học Lutheran Theological Seminary ở Gettysburd, Pennsylvania, và Giám Đốc Học Viện Nghiên Cứu Luther.
Ghi chú (2): Một số sách chuyên đề về chủ đề này: Robert S. Wistrich, Antisemitism, The Longest Hatred, New York, 1991. David A. Rausch, A Legacy Of Hatred: Why Christians Must Nor Forget the Holocaust, Grand Rapids,1990. James Carroll, Constantine’s Sword, Boston, 2001. Michael L. Brown, Our Hands are Stained with Blood: The Tragic Story of the “Church” and the Jewish People, Shippensburg, 1992.