Trích từ Lời giới thiệu trong quyển “Đói khát Đức Chúa Trời” của John Piper.
Sự kiêng ăn của Cơ Đốc Giáo ra đời vì nỗi nhớ Đức Chúa Trời.
Vào mùa hè 1967, tôi đang yêu Noel suốt cả một năm. Nếu lúc đó ai đó nói với chúng tôi phải chờ thêm một năm rưỡi nữa mới kết hôn, thì tôi sẽ biểu tình ngay. Dường như chúng tôi thấy mọi chuyện càng sớm thì càng tốt. Vào mùa hè trước năm cuối cao đẳng. Tôi đang là người hướng dẫn xử lý nước cách an toàn tại một kỳ trại thể thao Cơ Đốc ở miền Nam Carolina. Còn nàng đang làm bồi bàn cách đó hàng trăm dặm.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác đau khổ như thế. Tôi đã từng có cảm giác nhớ nhà, nhưng chưa hề trải qua cảm giác này trước đây. Mỗi ngày, tôi đều viết một lá thư để kể cho nàng nghe nỗi nhớ nhung của mình. Vào một buổi sáng nọ, trước giờ cơm trưa, là tiếng bưu điện gọi tên. Khi nghe thấy tên mình và nhìn thấy lá thư có hình cây oải hương, tôi liền thấy hết đói. Hoặc nói chính xác hơn là cảm giác đói bụng đã bị chế ngự bởi khao khát của con tim. Thông thường, thay vì ăn trưa cùng với các trại viên, tôi lại đi ra ngoài rừng và ngồi xuống trên những phiến lá để được ăn một bữa trưa khác thường. Không phải là ăn thiệt. Nhưng màu sắc, mùi vị, chữ viết, thông điệp, chữ ký đều được mường tượng ra trong đầu. Cứ như vậy, hết tuần này đến tuần kia, tôi được thêm lên hy vọng, còn hiện thực kia nằm ở cuối đường chân trời thật là sống động trong lòng tôi.
Sự lãng mạn và sức chịu đựng của sự kiêng ăn
Nguồn gốc kiêng ăn của Cơ Đốc Giáo là nỗi nhớ Đức Chúa Trời. Nhưng câu chuyện trái tim của tôi muốn được ở cùng Noel có thể bị hiểu lầm. Nó chỉ kể thay một nửa câu chuyện về sự kiêng ăn của Cơ Đốc Giáo. Nửa phần kiêng ăn của Cơ Đốc Giáo đó là sự thèm muốn của thân thể không còn nữa bởi vì nỗi nhớ Đức Chúa Trời trở nên quá mãnh liệt. Một nửa còn lại đó là nỗi nhớ Đức Chúa Trời bị đe dọa bởi vì sự thèm muốn của thân thể trở nên quá mãnh liệt. Đối với nửa đầu tiên, sự thèm muốn bị mất đi. Đối với nửa còn lại, sự thèm muốn gặp phải sự kháng cự. Đối với nửa đầu tiên, chúng ta đầu phục sự đói khát cao trọng hơn. Đối với nửa còn lại, chúng ta đấu tranh vì sự đói khát cao trọng hơn. Sự kiêng ăn của Cơ Đốc Giáo không chỉ là kết quả tức thời của sự thỏa mãn tột cùng ở trong Đức Chúa Trời; mà cũng là vũ khí quyết định để chống lại mọi thế lực trong thế gian muốn cướp đi sự thỏa mãn ấy.
Những kẻ thù lớn nhất của Đức Chúa Trời là những món quà của Ngài
Kẻ thù lớn nhất của sự đói khát Đức Chúa Trời không phải là thuốc độc mà là bánh ngọt. Cũng không phải là bữa tiệc của kẻ ác làm lu mờ sự thèm khát thiên đàng của chúng ta, mà là sự nhấm nháp không ngừng tại bàn tiệc của thế gian. Cũng không phải là những đoạn phim khiêu dâm, nhưng là những chuyện tầm phào mất thời gian mà chúng ta dùng làm đồ uống mỗi đêm. Đối với hết thảy những thứ tồi tệ mà Sa-tan có thể làm, khi Đức Chúa Trời mô tả những điều khiến chúng ta từ chối bữa tiệc yêu thương của Ngài, thì đó lại là một mẫu đất, một cái ách của con bò và một người vợ (Lu-ca 14:18-20). Kẻ thù lớn nhất của tình yêu dành cho Đức Chúa Trời không phải là những kẻ thù của Ngài mà là những món quà của Ngài. Còn sự thèm muốn chết người nhất không phải là thuốc độc ở trong điều ác, mà là những điều khoái lạc đơn giản ở trên đất. Khi những điều này thay thế cho sự đói khát Đức Chúa Trời, thì sự thờ hình tượng sẽ không dễ bị phát hiện và cũng khó chữa khỏi.
Chúa Jêsus phán rằng có người nghe đạo của Đức Chúa Trời, thì lòng khao khát Đức Chúa Trời ở trong họ bị đánh thức. Nhưng “rồi đi, để cho sự lo lắng, giàu sang, sung sướng đời này làm cho đạo phải nghẹt ngòi” (Lu-ca 8:14). Chúa cũng phán ở một chỗ khác là: “các sự tham muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt ngòi đạo, và trở nên không trái” (Mác 4:19). Sự “sung sướng đời này” và “các sự tham muốn khác” – những điều này không hề xấu xa. Chúng không phải là thói trụy lạc. Đó là những món quà của Đức Chúa Trời. Nào là thịt, khoai, cà phê, làm vườn, đọc sách, trang trí, du lịch, đầu tư, xem ti-vi, lướt internet, mua sắm, tập thể dục, sưu tầm, trò chuyện. Tất cả những điều trên sẽ là đòn chí tử khi thay thế Đức Chúa Trời.
Hậu quả chết người của những thú vui ngây thơ
Vì thế, khi tôi nói nguồn gốc của sự kiêng ăn Cơ Đốc là nỗi nhớ Đức Chúa Trời, tôi muốn nói là chúng ta sẽ làm mọi cách và từ bỏ mọi thứ nếu, bằng mọi giá, chúng ta muốn bản thân tránh xa hậu quả chết người của những thú vui ngây thơ và duy trì nỗi nhớ ngọt ngào của chúng ta về Đức Chúa Trời. Không chỉ đồ ăn thôi đâu, mà là mọi thứ khác nữa. Vài năm trước, tôi đã kêu gọi mọi người kiêng ăn hai mươi bốn giờ mỗi tuần (bữa sáng và bữa trưa vào thứ Tư, nếu được) trong tháng Giêng. Chúng tôi đang đối diện với những vấn đề lớn về sự tự đánh giá bản thân và hướng đi, chúng tôi cần sự diện diện của Đức Chúa Trời cùng với sự khôn ngoan và quyền năng thanh tẩy của Ngài. Trong vài ngày, tôi nhận được lá thư này:
Tôi không theo kịp. Tôi nghĩ Chúa ở cùng việc này. Tôi không làm được vào thứ Tư. Tôi phải ăn trưa với người ta mỗi ngày. Cho nên, tôi có vài điều mà tôi tin là đến từ Đức Thánh Linh có thể không phải kiêng ăn mà kiêng cữ những điều khác. Tôi đã nghĩ đến việc không xem ti-vi trong một tuần, hoặc một tháng, hoặc một tối nào đó trong tuần mà tôi thường làm theo thói quen, có thể không phải là kiêng đồ ăn. Thay vì theo dõi chương trình mà tôi thích, tôi sẽ dành thì giờ đó để trò chuyện và lắng nghe Chúa. Tôi không biết có ai nghĩ đến việc kiêng cữ như thế này chưa, họ có thể tập trung những lúc ấy để cầu nguyện.
Tôi đã chia sẻ với hội chúng vào Chúa Nhật trong tuần rằng: “A-men. Nếu ai đó nói là ‘tôi không thể kiêng ăn vào thứ Tư’, thì không sao cả. Nếu lòng của chúng ta có sự ngay thẳng cầu xin Chúa rằng: ‘Lạy Chúa, xin đánh thức tâm linh con bằng sự kiêng ăn’, thì Ngài sẽ bày tỏ với chúng ta. Chúa sẽ cho chúng ta biết khi nào và làm thế nào. Nếu sức khoẻ của chúng ta không cho phép, nếu bác sĩ nói rằng: ‘Không được kiêng ăn’, cũng không sao cả. Vị Bác sĩ đại tài biết hết tất cả, chúng ta có thể kiêng ăn bằng cách khác”.
Vấn đề không phải là kiêng đồ ăn. Mà là bất kỳ điều gì đang, hoặc có thể, thay thế Đức Chúa Trời. Martyn Lloyd-Jones (1899 – 1981), là Mục Sư của Hội Thánh Westminster ở Luân Đôn, đã chia sẻ một bài giảng tuyệt vời về sự kiêng ăn khi ông đang dẫn Hội chúng đi qua loạt Bài giảng trên núi vào năm 1959 – 1960. Ông đã nói rằng:
Hãy kiêng ăn nếu chúng ta thực sự hiểu rõ điều này, đừng bị hạn chế vì đồ ăn và đồ uống; kiêng ăn là kiêng cữ bất kỳ điều gì vì mục đích thuộc linh đặc biệt nào đó. Thân thể của chúng ta có quyền làm điều này điều kia, nhưng vì một lý do nào đó cần phải có sự tiết độ. Đó là sự kiêng ăn.[1]
Cho tới bây giờ, tôi cho rằng những điều tốt đẹp có thể là những thứ gây ra thiệt hại lớn. Bò, ruộng và đám cưới có thể khiến chúng ta không vào được thiên quốc. Đó là vì sao Chúa Jêsus phán rằng: “Nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:33)[2]. Bất kỳ thứ gì đều có thể cản trở con đường trở thành môn đồ thật – không chỉ điều ác, không chỉ đồ ăn, mà là bất kỳ thứ gì. Cũng đừng ngạc nhiên khi biết rằng những đối thủ mạnh nhất sẽ lấn lướt tình yêu và lòng tận hiến của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời là những món quà quý báu nhất mà Ngài đã ban cho.
Khi Áp-ra-ham chọn Đức Chúa Trời hơn là mạng sống con trai của mình
Sự kiêng ăn giữ chúng ta khỏi việc thờ lạy những món quà như thế nào? Hãy nhớ lại câu chuyện Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của lễ. Khi ông giơ tay ra giết con trai của mình và cũng là đứa con mà Đức Chúa Trời đã hứa ban, thì “thiên sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham! Người thưa rằng: Có tôi đây. Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi” (Sáng thế ký 22:11-12). Đây mới là sự kiêng ăn quyết liệt: hy sinh con trai một. Đức Chúa Trời không yêu cầu phải “kiêng ăn” như vậy bởi vì Y-sác là điều ác. Mà ngược lại, vì Y-sác là món quà tốt nhất ở trong mắt của Áp-ra-ham. Kỳ thực, Y-sác là yếu tố không thể thiếu để hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời. Sự kiêng ăn không chỉ là trừ bỏ điều ác mà còn từ bỏ điều tốt nữa.
Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại muốn làm như vậy? Bởi vì đó là một phép thử. Áp-ra-ham có lấy sự kính sợ Đức Giê-hô-va làm vui (Ê-sai 11:3) hơn cả niềm vui mà ông dành cho con trai của mình chăng? Đức Chúa Trời phán qua thiên sứ rằng: “vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi”. Mấy từ “vì bây giờ ta biết” – chúng có nghĩa gì? Có phải Đức Chúa Trời không biết Áp-ra-ham là người kính sợ Chúa và tôn cao Chúa hơn cả con trai của mình chăng? Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời biết lòng loài người (1 Các-vua 8:39; Công-vụ 1:24); kỳ thực, chính Chúa “nắn lòng của mọi người” (Thi thiên 33:15). Vậy, tại sao lại có phép thử? Đây là cách C. S. Lewis trả lời câu hỏi này:
[Tôi đã suy nghĩ nhiều về câu hỏi] “Nếu Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri thì Ngài phải biết Áp-ra-ham sẽ làm gì, mà không cần đến phép thử; vậy, tại sao phải khổ sở làm việc không cần thiết như thế? Thánh Augustine chỉ ra rằng, cho dù Đức Chúa Trời đã biết hết mọi sự, thì Áp-ra-ham không hề biết rằng ông phải vâng phục mạng lệnh cho đến khi sự kiện ấy dạy ông một bài học; cho nên sự vâng lời mà ông không biết mình phải chọn, ông không thể nói là đã chọn được. Sự vâng lời của Áp-ra-ham chính là lựa chọn của ông, còn những gì Đức Chúa Trời vốn đã biết Áp-ra-ham “sẽ vâng lời” chính là sự vâng lời thực sự của ông ở trên đỉnh núi vào lúc ấy. Nếu nói rằng Đức Chúa Trời “không cần phép thử” tức là nói rằng bởi vì Đức Chúa Trời biết hết mọi sự, nên điều Chúa biết không cần phải tồn tại sao.[3]
Đức Chúa Trời muốn biết chúng ta sẽ chọn sống vì Ngài hơn mọi điều khác như thế nào. Ngài cũng muốn chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy thông qua những lần chọn Ngài hơn là những món quà của Ngài. Lewis rất đúng khi nói rằng Đức Chúa Trời không cần phải tạo ra thế giới làm gì, bởi vì Ngài chỉ cần tưởng tượng thôi thì “chuyện gì sẽ xảy ra” sẽ xảy ra đúng như vậy. Đức Chúa Trời muốn chính Ngài có được kinh nghiệm, được chứng kiến và được dõi theo sự kiện của loài người. Một người lựa chọn Đức Chúa Trời hơn là món quà Chúa ban trong đời thực là tôn vinh hiển Đấng đã tạo nên thế giới. Sự kiêng ăn không phải là cách duy nhất, hay là cách chủ yếu, để chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách chọn Ngài hơn là chọn món quà của Ngài. Nhưng đó là một cách để chúng ta có thể phục vụ tất cả mọi điều khác.
Ăn uống là thuốc mê cho nỗi sầu
Lewis đã trích dẫn về St. Augustine. Những gì Augustine đã nói là: “Phần lớn, tâm trí loài người không thể tự biết về bản thân mình nếu họ không bị cám dỗ bằng một trải nghiệm nào đó, chứ không chỉ tự vấn bằng lời lẽ”.[4] Nói cách khác, chúng ta dễ lừa dối bản thân rằng chúng ta yêu Chúa trừ khi tình yêu ấy được thử nghiệm thường xuyên, chúng ta phải cho thấy lựa chọn của mình bằng sự hy sinh nào đó chứ không chỉ bằng lời nói.
Thành thật mà nói thì sự hy sinh con trai độc nhất có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ nhường một mẫu bánh mì. Nhưng nguyên tắc vẫn không hề thay đổi. Những lựa chọn nhỏ thà thông công với Đức Chúa Trời, còn hơn nhấm nháp đồ ăn sẽ hình thành một thói quen về sự thông công và sự thỏa lòng, khiến một người sẵn sàng hy sinh tột cùng một điều gì đó. Đây là một cách mà sự kiêng ăn phục vụ cho tất cả hành động bày tỏ tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Sự kiêng ăn khiến mọi thứ ở trong trạng thái sẵn sàng và sắc bén. Sự kiêng ăn không làm nguội vấn đề. Sự kiêng ăn buộc chúng ta phải hỏi đi hỏi lại rằng: tôi có thực sự đói khát Đức Chúa Trời chăng? Tôi có nhớ Ngài không? Tôi có trông đợi Ngài chăng? Hay là tôi thích món quà của Ngài hơn rồi chăng?
Sự kiêng ăn Cơ Đốc là một thử nghiệm để cho thấy điều gì đang chi phối chúng ta. Khao khát mãnh liệt nhất ở trong chúng ta là gì? Trong quyển sách Kỷ Luật Là Vinh Quang, Richard Foster đã nói trong phần kiêng ăn là: “Ngoài những kỷ luật đã nói ra, thì sự kiêng ăn phơi bày những thứ đang chi phối chúng ta. Đây là ích lợi tuyệt vời cho người môn đồ thật muốn được biến đổi trở nên giống như ảnh tượng của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta bao che cho những thứ ở bên trong chúng ta bằng thức ăn và nhiều điều khác”.[5]
Về mặt tâm lý học, điều này đang được đề cập rất nhiều ngày hôm nay, đặc biệt là đối với người nào đang có nhiều đau khổ trong đời sống của họ. Chúng ta có thể thấy họ “tẩm thuốc” bằng thức ăn để làm dịu đau đớn của mình. Họ gây mê chính mình để quên nỗi đau bằng ăn uống. Nhưng đây không phải là hội chứng hiếm gặp về mặt chuyên môn. Tất cả chúng ta đều làm vậy. Mọi người, không ngoại trừ ai cả. Hết thảy chúng ta đều muốn làm dịu đi sự khó chịu bằng thức ăn và bao che cho tình trạng khốn khổ của mình bằng cách đợi cho đến bữa tối. Đó là vì sao sự kiêng ăn phơi bày tất cả về chúng ta – nỗi đau, sự kiêu ngạo, sự nóng giận. Foster nói tiếp là:
Nếu sự kiêu ngạo đang kiểm soát chúng ta, nó sẽ bị phơi bày ngay lập tức. Đa-vít đã nói rằng: “tôi bèn mặc lấy bao, kiêng ăn ép linh hồn tôi” [Thi thiên 35:13]. Sự nóng giận, sự cay đắng, sự ghen tị, sự xung đột, sự sợ hãi – nếu những điều này có trong chúng ta, thì chúng sẽ biểu lộ ra trong quá trình kiêng ăn. Đầu tiên, chúng ta sẽ cho rằng sự nóng giận là do mình đói bụng. Sau đó, chúng ta biết rằng mình nóng giận là vì chúng ta có thái độ giận dữ. Chúng ta không cần phải buồn khi nhận ra điều này vì biết rằng Đấng Christ có quyền phép để chữa lành.[6]
Một trong những lý do để kiêng ăn là vì muốn biết bên trong chúng ta có gì – giống như Áp-ra-ham đã phơi bày tấm lòng của ông. Mọi thứ sẽ bày ra khi kiêng ăn. Chúng ta sẽ thấy chúng. Chúng ta phải xử lý hoặc bao che cho chúng thêm lần nữa. Khi nửa ngày trôi qua, chúng ta đói bụng đến nỗi bữa trưa trở nên tuyệt vời như kỳ nghỉ hè, đột nhiên chúng ta nhận ra: “Mình đã có một cam kết. Mình không thể làm theo sự thèm thuồng này nữa. Mình sẽ kiêng ăn trưa luôn”. Rồi chúng ta sẽ làm gì với sự khó chịu ở trong mình đây? Trước đây, chúng ta bỏ qua với hy vọng sẽ có một bữa trưa thịnh soạn. Hy vọng vào đồ ăn cho chúng ta có những cảm nhận tốt để cân bằng lại những cảm nhận xấu. Nhưng bây giờ, sự cân bằng không còn nữa. Chúng ta phải có cách khác để xử lý nó.
Kẻ hầu cận của đức tin
Lúc này chúng ta bắt đầu tìm ra nguồn lực thuộc linh của mình là gì. Những gì tôi tìm thấy ở trong tâm hồn mình thật xứng đáng để chiến đấu bằng đức tin. Tôi gần như đặt tựa đề cho quyển sách này là: “Sự kiêng ăn – Kẻ hầu cận của đức tin. Đúng là một nàng hầu tuyệt vời! Khiêm nhường và lặng lẽ, chỉ với một chuyển động nhỏ, nàng liền kéo tôi ra khỏi chỗ tối tăm mà linh hồn tôi đang sầu khổ vì các mối quan hệ, những thất vọng trong chức vụ, nỗi sợ thất bại, sự vô nghĩa của việc lãng phí thời gian. Vừa khi tấm lòng của tôi muốn tìm đến bữa tối tràn trề hy vọng cùng những đứa bạn ở tiệm Pizza Hut, thì nàng liền nhắc nhẹ là: tối nay không được. Thoạt đầu có thể chẳng vui gì. Liệu tôi có tìm được sự thông công ngọt ngào với Chúa, trông cậy hết lòng vào lời hứa của Ngài, chứ không chỉ có thái độ đối phó, mà còn nức lòng mừng rỡ ở trong Ngài chăng? Hay là tôi sẽ lờ đi việc kiêng ăn và tìm đến đồ ăn để thỏa mãn chính mình? Sứ đồ Phao-lô đã nói rằng: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (1 Cô-rinh-tô 6:12). Sự kiêng ăn phơi bày mức độ làm chủ của đồ ăn ở trong chúng ta – hay là ti-vi, máy tính, hoặc là bất kỳ điều gì bắt phục chúng ta hết lần này đến lần khác để bao che sự đói khát Đức Chúa Trời ở trong chúng ta.
Tại sao Đức Chúa Trời tạo ra bánh và sự đói khát?
Một trong những lý do đồ ăn có sức mạnh kỳ diệu vì chúng là thứ cơ bản để nuôi sống chúng ta. Tại sao? Ý tôi là, tại sao Đức Chúa Trời tạo ra bánh và khiến loài người dựa dẫm vào chúng để sống? Chúa có thể tạo ra sự sống mà không cần đến đồ phải không? Ngài là Đức Chúa Trời. Chúa có thể làm mọi việc mà Ngài lấy làm vừa lòng. Tại sao lại tạo ra bánh làm gì? Tại sao lại tạo ra sự đói khát nữa? Câu trả lời của tôi rất đơn giản: Chúa đã tạo ra bánh hầu cho chúng ta có thể hình dung ra Con Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào khi Ngài phán rằng: “Ta là bánh của sự sống” (Giăng 6:35). Chúa đã tạo ra mối hài hòa giữa sự đói khát và sự thỏa mãn hầu cho chúng ta biết đặt lòng tin nơi Đấng Christ có nghĩa là gì khi Ngài phán rằng: “Ai tin ta chẳng hề khát” (Giăng 6:35). Đức Chúa Trời cần gì tạo ra loài người thèm đồ ăn và nước uống cùng khả năng nếm biết sự khoái lạc này làm gì!
Nhưng Đức Chúa Trời mới là trung tâm của vũ trụ, chứ không phải loài người. Sứ đồ Phao-lô nói rằng mọi thứ “đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài” (Rô-ma 11:36). “Hướng về Ngài” có nghĩa là mọi vật sống đều tập chú vào Ngài và yêu mến Ngài. Trong Cô-lô-se 1:16, sứ đồ Phao-lô nói rất cụ thể rằng “muôn vật . . . đều là bởi [Đấng Christ] và vì [Đấng Christ] mà được dựng nên cả”. Do đó, bánh được tạo ra vì sự vinh hiển của Đấng Christ. Sự đói khát được tạo ra vì sự vinh hiển của Đấng Christ. Sự kiêng ăn cũng được tạo ra vì sự vinh hiển của Đấng Christ.
Như vậy, bánh tôn cao Đấng Christ bằng hai cách: ăn bánh với thái độ biết ơn vì Chúa là tốt lành và không ăn bánh khi đói bụng cũng vì chính Ngài. Khi ăn, chúng ta đang nếm thử hình ảnh tượng trưng cho đồ ăn thiên thượng – tức là Bánh Hằng Sống. Khi kiêng ăn, chúng ta đang nói rằng: “Tôi yêu thích Đấng vượt xa hình ảnh tượng trưng này”. Trong tấm lòng của thánh đồ, ăn uống và kiêng ăn đều là sự thờ phượng. Cả hai đều tán dương Đấng Christ. Cả hai đều dâng lên tấm lòng – biết ơn và khao khát – cho Đấng ban ơn phước. Mỗi hành động có vị trí riêng của nó, mỗi hành động có nguy hiểm riêng của nó. Mối nguy hiểm của việc ăn uống đó là chúng ta dễ xiêu lòng trước ơn phước; mối nguy hiểm của sự kiêng ăn đó là chúng ta coi thường ơn phước và tôn vinh sức mạnh ý chí của mình.
Quyển sách Đói khát Đức Chúa Trời được sắp xếp như thế nào
Không hề có con đường dễ dàng và an toàn về thiên quốc. Đường hẹp và khó khăn rải rác những trở ngại và rất nhiều thứ béo bỡ mang lại những khoái cảm vô hại. Có một cuộc chiến xảy ra ở trong và ở ngoài chúng ta. Một trong những vũ khí cần trang bị trên đường đi là sự kiêng ăn. Vì thế, quyển sách này nhấn mạnh bề trong lẫn bề ngoài. Cuộc chiến bên trong xảy ra giữa sự thèm ăn và sự đói khát Đức Chúa Trời của chúng ta. Cuộc chiến bên ngoài xảy ra giữa sự phấn hưng, sự cải chánh, công tác truyền giáo thế giới, sự công bằng xã hội và giao lưu văn hóa. Mặc dù những điều này hòa quyện vào nhau, nhưng ba chương đầu sẽ nói về bề trong, còn ba chương sau sẽ nói về bề ngoài. Còn chương ở giữa là phần giao thoa, bởi vì sự kiêng ăn và tấm lòng khao khát Đấng Christ sẽ tái lâm liên quan đến từng cá nhân, mà cũng đòi hỏi chúng ta phải vươn ra toàn cầu cho đến lúc Ngài đến.
Tại sao tôi viết sách Đói khát Đức Chúa Trời
Mục tiêu và lời cầu nguyện của tôi khi viết sách này là tôi hy vọng sẽ đánh thức sự đói khát về uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời ở trong mọi sự vì sự vui mừng của muôn dân. Sự kiêng ăn chứng tỏ sự đói khát ấy đang tồn tại và thổi bùng lên ngọn lửa ấy. Sự kiêng ăn làm tăng khao khát thuộc linh. Sự kiêng ăn là kẻ thù muôn đời của những thứ vô hại rất béo bỡ. Sự kiêng ăn là dấu chấm than nằm cuối câu này: “Lạy Chúa, tôi khao khát Ngài và sự bày tỏ vinh hiển của Ngài trong thế giới này!”
Có người nghĩ rằng hễ ai thường xuyên thông công với Chúa thì ít đói khát Ngài. Họ thường từ bỏ những điều thú vị vô hại của thế gian để nấn ná nhiều hơn trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua sự mặc khải của Lời Ngài. Họ ăn Bánh từ trời và uống Nước hằng sống bằng cách tĩnh nguyện và sống bằng đức tin. Nhưng, nghịch lý thay, họ không phải là những thánh đồ ít đói khát Đức Chúa Trời. Trái lại, Cơ Đốc Nhân trưởng thành và mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp là những kẻ đói khát Đức Chúa Trời nhiều nhất. Có vẻ như người nào thường ăn uống thì không cảm thấy đói khát. Nhưng đó không phải là trường hợp xảy ra đối với nguồn nước vô tận, bữa tiệc vô hạn và Chúa vinh hiển.
Khi chúng ta đứng vững trong công tác mà Đức Chúa Trời đã hoàn thành qua Đấng Christ, rồi bắt đầu uống Nước Hằng Sống và ăn Bánh từ trời, cũng biết rằng mình đã tìm được sự khao khát tột cùng, thì chúng ta chỉ càng đói khát Đức Chúa Trời nhiều hơn mà thôi. Chúng ta càng được thỏa mãn ở trong Đức Chúa Trời khi còn ở trong thế gian này, thì chúng ta càng khao khát Ngài nhiều hơn nữa. Vì giống như C.S. Lewis đã nói là: “Điều tốt nhất chúng ta đang có là điều chúng ta khao khát nhất”.[7]
Chúng ta càng bước theo Đấng Christ chừng nào, chúng ta càng đói khát Đấng Christ chừng nấy . . . chúng ta càng nhớ về thiên quốc chừng nào . . . chúng ta càng muốn có “mọi sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời” chừng nấy . . . chúng ta càng muốn trừ bỏ tội lỗi chừng nào . . . chúng ta càng muốn Chàng rể sớm trở lại chừng nấy . . . chúng ta càng muốn Hội thánh được phấn hưng và được thanh tẩy bằng vẻ đẹp của Chúa Jêsus chừng nào . . . chúng ta càng muốn các thành phố thức tỉnh trước hiện thực về Đức Chúa Trời chừng nấy . . . chúng ta càng muốn thấy ánh sáng vinh hiển của Tin lành Đấng Christ xuyên thủng màn đêm đang bao phủ các dân tộc chưa được vươn đến trên thế giới chừng nào . . . chúng ta càng muốn thấy các thế giới quan sai trật phải khuất phục trước lực lượng của Chân lý chừng nấy . . . chúng ta càng muốn thấy sự đau khổ được cất đi và những giọt nước mắt được lau khô và sự chết bị hủy diệt chừng nào . . . chúng ta càng mong rằng mọi điều trái lẽ sẽ được làm ngay lại, công lý và ân điển của Đức Chúa Trời sẽ lan khắp đất như nước tràn biển hồ.
Nếu chúng ta không có khao khát mãnh liệt muốn bày tỏ sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, ấy không phải vì chúng ta đã uống cạn chén và đã được thỏa mãn rồi đâu. Mà là vì chúng ta đã nhấm nháp quá lâu tại bàn tiệc của thế gian. Tâm hồn của chúng ta chứa đầy những điều nhỏ nhặt đến nỗi không còn chỗ cho những điều vĩ đại.[8] Đức Chúa Trời không tạo nên chúng ta vì những điều nhỏ nhặt ấy đâu. Có một sự khao khát Đức Chúa Trời. Khao khát ấy có thể được đánh thức. Tôi mời bạn hãy trừ bỏ những ảnh hưởng u ám của thức ăn và mối nguy hiểm của sự thờ hình tượng, mà nói lên một lời kiêng ăn đơn giản rằng: “Chúa ơi, chúng con chỉ muốn ở trong sự hiện diện của Ngài!”
(Nguồn:https://tienphong.org)