LỜI TỰA
Không khó viết lời tựa cho quyển sách cổ điển quí báu về chức vụ Mục sư, Truyền đạo nầy, do một nhà thần học của Hội Thánh Trưởng Lão Tô Cách Lan, sanh tại thành phố Endinburgh ngày 19-12-1808, và về Nước Chúa cũng tại đó, ngày 31-7-1889. Ông thuộc về thế hệ trước, song quyển sách nhỏ nầy của ông thuộc về mọi thời đại, vì nó phù hợp với nhu cầu ngày nay, đúng như đã phù hợp với nhu cầu của Hội Thánh tại Kelson năm 1866 cũng như của Hội Thánh tại Edinburgh sau nầy.
Horatius Bonar trước hết là “tay đánh lưới người”, mặc dầu còn là nhà truyền đạo đại tài và tác giả của vài bản thánh ca hay nhất. Ông đã được bầu làm Chủ tịch Đại Hội Đồng Hội Thánh mình.
Khi chúng ta đọc sách ông luận về cách dắt đem kẻ khác về với Đấng Christ thì từ trang này đến trang khác, ta được nhắc cho nhớ bản thánh ca hay nhất của ông, mặc dầu ông soạn nhiều bản. Ông có thể nói rằng: “Chính tôi đã nghe Đức Chúa Giêxu phán”; vậy nên ông có thể viết bản thánh ca mở đầu bằng mấy lời ấy.
Biết bao người đã được dẫn đưa đến Đấng Christ bởi lời mời tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa đó! Biết bao Cơ Đốc nhân đã nhờ ông mà lại dâng mình cho Chúa và Chủ mình, đã nhớ lại ngày họ bắt đầu kính mến Ngài và hát nơi bàn dự Tiệc Thánh: “Lạy Chúa, đây, tôi nhìn thấy Ngài mặt đối mặt!”
Lời ông khuyên các tay đánh lưới người chẳng những thiêng liêng, thần thượng, thấu suốt tâm hồn, song còn có một điểm trọng yếu, là cấp bách, như ông đã nêu rõ trong bản thánh ca trứ danh thứ ba: “Hãy đi tiếp tục làm việc, cho tới khi kiệt lực!” Câu thứ ba của bài nầy đáng phải viết làm khẩu hiệu trên bàn giấy mỗi vị Mục sư, Truyền đạo:
“Hãy đi làm việc đang khi còn ban ngày, Đêm tối mịt trên thế giới đang bủ giăng.
Hãy làm việc gấp rút, đừng biếng nhác nữa, Nếu biếng nhác, thì cứu linh hồn sao được?”
Đây là quyển sách dành cho các tay đánh lưới người, chớ không dành cho kẻ đi dạo chơi ngoài đường phố, hoặc cho đám tôi tớ biếng nhác của Chúa. Sách nầy dò thấu tấm lòng, song cũng truyền cho can đảm mới mẻ để tiếp tục nhiệm vụ hằng ngày. Sách nầy do Hội Truyền đơn Mỹ Quốc (American Tract Society) ấn hành nhiều lần, nay rút ngắn một chút, theo lời yêu cầu.
Có hai quyển sách thuật tả tỉ mỉ cuộc đời Horatius Bonar. Một là Horatius Bonar, một đài kỷ niệm, xuất bản năm 1899, còn một là Hồi ký của Tấn sĩ Horatius Bonar, do bà con viết (xuất bản tại Edinburgh năm 1909. Cả hai quyển có in hình ông ở ngoài bìa).
Tôi nhớ lại khi còn niên thiếu, thường thấy một quyển sách trên bàn giấy của cha tôi (cách đây 60 năm), trong văn phòng ông ở thành phố Michigan, Ông luôn luôn có quyển sách ấy bên mình, ghi chú trên hầu hết mỗi trang. Quyển sách nhỏ nầy bìa da, mạ vàng, nhan đề: NÓI NHỎ VỚI TAY ĐÁNH LƯỚI NGƯỜI.
Tiến sĩ Thần khoa Samuel M. Zwemer (1867-1952)
New York, ngày 3 tháng 3 năm 1950
CHƯƠNG I
QUAN TRỌNG THAY MỘT CHỨC VỤ SỐNG
“Một số ít Mục sư, Truyền đạo nhơn lành và sốt sắng sẽ công tác nhiều hơn muôn vàn Mục sư, truyền đạo hâm hẩm là dường nào!”
Trên đây là lời Oecolampachius, nhà cải chánh Thuỵ Sĩ, người đã được kinh nghiệm dạy dỗ, và chép lại kinh nghiệm ấy để giúp ích cho các Hội Thánh khác cùng các thời đại khác.
Chỉ thêm số người tự xưng là hầu việc Đấng Christ, thì không ích lợi bao nhiêu. Họ có thể chỉ là “những kẻ choán chỗ”. Họ có thể như A-can gây cho trại quân bị bối rối, hoặc như Giô-na khiến bão tố nổi lên. Dầu có tín điều lành mạnh, song vì cớ không tin, hâm hẩm biếng nhác và theo hình thức, nên có thể gây thương tổn cho chánh nghĩa Đấng Christ, không sao cứu vãn được, vì làm tê lạnh, tàn héo tất cả sự sống thiêng liêng ở chung quanh mình. Chức vụ hâm hẩm của người theo lý thuyết chánh thống thường lại tai hại cho các linh hồn nhiều hơn chức vụ của một người thô lỗ, không bền vững, hoặc quả đang theo tà giáo. Cecil nói: “Trên mặt đất, há có ai vô dụng và độc hại cho bằng Mục sư, Truyền đạo biếng nhác?” VÀ Fletcher nhận xét đúng rằng: “Mục sư, Truyền đạo hâm hẩm sẽ tạo nên những tín hữu bê bối”. Nếu gia tăng Mục sư, Truyền đạo thuộc hạng ấy tới bất cứ mức nào, thì có thể kể là một ơn phước cho dân tộc chăng?”
Khi mọi nhánh của Hội Thánh Đấng Christ trở lại gương xưa, theo bước chân của các sứ đồ, tìm cách cho hoá ra càng giống như bao nhiêu mẫu mực do Đức Thánh Linh soi dẫn, không để chút gì thuộc về trần gian phân cách với Đấng hằng sống, thì sẽ thận trọng chú ý lo sao những ai được giao phó trách nhiệm chăn giữ linh hồn, bất cứ có học hành, tài năng tới mức nào, cũng còn phải nổi bật lên vì thiêng liêng, sốt sắng, có đức tin và lòng yêu thương.
Khi so sánh Baxter với Orton, người chép tiểu sử của Baxter nhận xét rằng: “Baxter có thể làm cho thế giới bùng cháy, còn Orton chỉ đốt một que diêm”. Đúng biết bao! Nhưng không phải chỉ đúng cho Baxter và Orton mà thôi. Hai ông nầy đại diện cho hai hạng người trong Hội Thánh Đấng Christ thuộc mọi thời đại và mọi nhánh đạo. Hạng thứ hai đông hơn bội phần: bạn có thể có hàng trăm Orton, mà chỉ hàng chục Baxter thôi, nhưng ai lại chẳng ưa thích một Baxter đơn độc hơn cả ngàn Orton?
Lòng thành thật bùng cháy của Baxter
Một người đương thời với Baxter nói rằng: Khi ông nói đến những vấn đề quan trọng của linh hồn, thì bạn có thể thấy chính thần linh ông dầm thấm trong đó”. Ông được Đức Chúa Trời ban phước cho thành công lạ lùng như vậy, nào có lạ gì. Khi ông giảng, thính giả có cảm giác rằng mình tiếp xúc với một người đang giảng luận những thực tại quan trọng vô cùng.
Đó là một trong các bí quyết cho Mục sư, Truyền đạo được hùng mạnh và thành công. Ai có thể nói rằng bao nhiêu tình trạng bất trung tràn đầy ngày nay không những do thiếu huấn luyện viên thiêng liêng và bởi có huấn luyện viên bất trung, hay dời đổi, song còn do sự nguội lạnh của nhiều kẻ nổi tiếng là lành mạnh trung tín. Người ta không khỏi cảm thấy rằng nếu Đạo Đấng Christ đáng giá phần nào, thì cũng đáng giá tất cả, nếu đạo Ngài đòi hỏi sốt sắng, nhiệt thành phần nào, thì cũng đòi hỏi sốt sắng, nhiệt thành tối đa; và không có gì thích đáng ở giữa chủ nghĩa vô thần liều lĩnh và mực sốt sắng tuyệt đối vì đạo Chúa. Người ta có thể không thích, ghét bỏ, chế giễu, bắt bớ những ai sốt sắng như vậy, song lương tâm luôn luôn nhắc nhở họ rằng nếu có Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế, Thiên đàng và Hoả ngục, thì bất cứ tình trạng nào thua sút đời sống cùng niềm thương ấy, cũng chỉ là giả hình, bất lương, thề dối!
Như vậy, bài họ học được do các bài giảng “chết” của giới Mục sư, Truyền đạo mà ta nói đó chính là: Vì những vị ấy chẳng tin các giáo lý mà mình giảng dạy, nên kẻ nghe họ cũng chẳng cần tin. Nếu Mục sư, Truyền đạo chỉ tin các giáo lý ấy vì nhờ đó mà sinh sống, thì tại sao những ai chẳng dùng giáo lý ấy làm việc chi lại phải ngần ngại mà không chối bỏ phứt đi?
Roland Hill nói: “Giảng dạy khinh suất thì làm cho chán ngán; giảng dạy nhút nhát thì làm cho những linh hồn đáng thương mau ngủ gục; giảng dạy mạnh dạn là sự giảng dạy duy nhất mà Đức Chúa Trời công nhận.”
Chẳng phải chỉ có đức tin không lành mạnh hoặc trễ nải phận sự, hoặc đời sống công khai thích đáng, mới làm hư hỏng Mục sư, Truyền đạo và làm tàn diệt linh hồn. Trong tín điều hoặc hành vi, Mục sư, Truyền đạo có thể không có chút gì làm cho ai vấp phạm, song lại vẫn là trở lực rất trầm trọng trên đường hạnh phúc thiêng liêng của tín hữu. Ông có thể là một cái bể khô khan, trống rỗng, mặc dầu theo chánh giáo. Chính lúc nói đến con đường sự sống, ông có thể làm cho sự sống tê lạnh hoặc tàn héo. Dầu khi tuyên cáo Thập tự giá bằng lời nói, ông vẫn có thể xua đuổi người ta xa Thập tự giá. Dầu khi theo hình thức bề ngoài mà giơ tay chúc phước cho bầy chiên, ông vẫn có thể ngăn cản họ nhận được phước lành. Cùng những lời nói, nếu phát ra từ môi miệng nhiệt thành, thì như giọt mưa rơi xuống, hoặc như sương móc; song phát ra từ môi miệng ông, thì như tuyết hoặc mưa đá, làm tê lạnh lòng sốt sắng thiêng liêng và làm tàn héo tất cả sự sống thiêng liêng. Biết bao nhiêu linh hồn đã hư mất vì nhà Truyền đạo thiếu sốt sắng, thiếu long trọng và thiếu yêu thương, ngay cả khi ông thốt ra những lời quí báu, chân thực!
Mục đích duy nhất của chúng ta: Dẫn dắt nhiều linh hồn về với Chúa
Ta chắc rằng mục đích của Mục sư, Truyền đạo là làm cho tội nhân hối cải và gây dựng thân thể Đấng Christ. Không một Mục sư, Truyền đạo nào có thể yên nghỉ nếu chưa đạt tới mục đích ấy. Hoan hô, dnah tiếng, đắc nhân tâm, danh vọng, giàu có, – mọi sự đó chỉ hư không. Nếu không dẫn dắt được nhiều linh hồn về với Chúa, nếu các thánh đồ không đạt tới bậc thành nhân thì chính chức vụ của chúng ta chỉ là hư không.
Vậy câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải trả lời cho chính lương tâm mình là: Cứu kẻ bị hư mất và dắt dẫn người được cứu có phải là mục đích của chức vụ tôi và là nhiềm mong ước trong lòng tôi chăng? Đó có phải mục tiêu của tôi trong mỗi bài giảng và trong mỗi cuộc thăm viếng của tôi chăng? Có phải tôi luôn luôn sống, đi và nói theo ảnh hưởng quan cảm ấy chăng? Có phải vì đó mà tôi cầu nguyện, làm việc khó nhọc, kiêng ăn khóc lóc chăng? Có phải vì đó mà tôi dâng mình trọng vẹn và tiêu hao sức lực, bởi cớ cho rằng sau sự cứu rỗi linh hồn mình, niềm vui lớn nhất của tôi chính là được Chúa dùng cứu kẻ khác chăng? Có phải vì đó mà tôi ở đời nầy chăng? Tôi có vui lòng chết để làm trọn việc đó chăng? Tôi đã thấy nhờ tay mình mà thánh ý của Chúa được thành đạt chăng? Tôi có thấy nhiều linh hồn nhờ chức vụ của tôi mà trở lại cùng Chúa chăng? Con cái của Đức Chúa Trời có nhờ môi miệng của tôi mà được bổ sức, rồi cứ hoan hỉ đi đường chăng?
Hay là tôi thấy công khó của mình chẳng có kết quả chút nào và cứ thoả mãn mặc dầu vẫn không được Chúa ban phước? Phải chăng tôi hài lòng vì giảng dạy, mặc dầu không biết có gây được ấn tượng khả dĩ cứu người ta, hoặc có thức tỉnh được tội nhân nào?!
Nếu không tích cực thành công thì chẳng gì có thể làm thoả lòng tôi tớ chân chánh của Đấng Christ. Các kế hoạch của ông có lẽ tiến hành hoàn hảo, máy móc ngoại tại của ông có lẽ điều hành đều mực, song nếu chẳng thật có kết quả cứu được linh hồn, thì ông nên kể mọi sự đó là hư không. Quan cảm của ông phải là: “Hỡi các con, vì các con mà ta chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con” (Gal 4:19): Chính quan cảm đó sẽ làm cho ông thành công.
Owen nói: “Nếu mục sư, truyền đạo chẳng luôn luôn nhằm mục đích giúp cho tội nhân hối cải, thì họ ít khi được thành công”. Ông chắc chắn sẽ thành công nếu nhất quyết rằng nhờ sức mạnh và ơn phước của Đức Chúa Trời, mình sẽ chẳng bao giờ yên nghỉ trong trường hợp chưa thành công. Ai đắc thắng? – Chính là người nào đã quyết định đương đầu với mọi nỗi khó khăn, đã tính hết giá phải trả, và nhìn vào giải thưởng, đã quyết định chiến đấu cho đến khi chiếm được.
Sự hờ hững trì độn của thời trước đã qua rồi. Satan đã tích cực xông vào chiến trường, hãy giao tranh với nó mặt đối mặt là tốt nhất. Vả lại, lương tâm của người ta thật bực bội. Đức Chúa Trời dường như giao chiến với họ tới cường dộ y như trước nạn Nước Lụt. Hơi thở của Thánh Linh Đức Chúa Trời đã thổi qua đất, do đó, thời đại nầy có tính cách quan trọng, và cần phải cải thiện nó cho tới khi nó mãn.
Chính Đấng Christ là mục đích chân thực duy nhất, hoặc nơi yên nghỉ, tại đó nghi ngờ, mòn mỏi, nọc độc của lương tâm châm chích, niềm ước mong của linh hồn chưa thoả mãn, đều được lắng dịu hơn hết thảy. Không phải Hội Thánh, mà là Đấng Christ. Không phải giáo lý, mà là Đấng Christ. Không phải hình thức, mà là Đấng Christ. Không phải nghi lễ, mà là Đấng Christ. Đấng Christ là Thần nhân, phó mạng sống để cho chúng ta được sống, đóng ấn giao ước đời đời, và nhờ Huyết Ngài đổ ra trên thập tự giá, mà cho chúng ta được phục hoà với Đức Chúa Trời. Đấng Christ là Kho thần thượng chứa tất cả ánh sáng và chân lý “trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu và thông sáng” (Côl 2:3). Đấng Christ là Bình vô hạn lượng, đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đấng soi sáng, Giáo sư, Đấng làm sống động, Đấng yên ủi, hầu cho “Bởi sự đầy đủ của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn” (Giăng 1:16). Chỉ có Đấng Christ là nơi ẩn náu linh hồn bị khuấy rối, là Vầng Đá cho linh hồn ấy xây dựng lên trên, là Nhà cho linh hồn ấy cư ngụ tới chừng nào tên đại cám dỗ bị xiềng xích và mỗi cuộc giao tranh kết liễu trong toàn thắng.
Lấy chân lý đương đầu với “ý kiến”
Trong thời đại hiện tại, người ta khoe khoang về “ý kiến nhiệt thành”, nhưng chẳng bao lâu nó hoá ra thuốc độc. Vậy ta phải đối phó với nó bằng Tin Lành của ân điển Đức Chúa Trời, – duy Tin Lành nầy có thể hạ cơn nóng sốt của nó và làm cho nó lắng dịu, yên lành. Mọi sự khác chỉ là thuốc làm cho bớt đau, chất ma tuý, thuốc lang bâm; còn Tin Lành là thuốc Thần thượng, là phương cứu chữa duy nhất, mau lẹ, đời đời. Ta chẳng nên dùng “ý kiến” đương đầu với “ý kiến”, song phải vận dụng Chân lý của Đức Chúa Trời. Phải sử dụng lưỡi “gương của Đức Thánh Linh” (Êph 6:17) để đối địch với lý thuyết loài người (mà họ kiêu căng gọi là “ý kiến”), nhờ đó khiến họ cảm thấy mình đang ‘dệt’ những nguỵ biện và dại dột như váng nhện làm cho chính mình bị vướng mắc và tàn diệt.
Loài người không cần ý kiến, nhưng cần “Chân lý”, không cần thần học, nhưng cần Đức Chúa Trời, không cần tôn giáo nhưng cần Đấng Christ. Không cần văn chương, khoa học nhưng cần biết lòng yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời, khi Ngài ban Con độc sinh.
Richard Baxter nói: “Tôi chẳng biết kẻ khác nghĩ gì, song về phần mình, tôi xấu hổ vì ngu dại, và tự lấy làm lạ vì không đối xử với linh hồn kẻ khác như một người chờ đợi ngày trọng đại của Chúa; vì tôi có thể dành chỗ cho hầu hết mọi ý n ghĩ và lời nói khác; vì những vấn đề kỳ diệu dường ấy lại không chiếm hết tâm trí tôi. Tôi ngạc nhiên tại sao mình có thể giảng luận những vấn đề ấy một cách nhẹ yếu và lạnh lẽo; tại sao tôi có thể để mặc người ta trong tội lỗi; tại sao tôi không đến cùng họ, nài nỉ họ vì cớ Chúa, hãy ăn năn, bất cứ họ phản ứng thế nào và bất cứ làm như vậy, tôi phải chịu đau đớn hoạn nạn chừng nào.
“Ít khi tôi dời khỏi toà giảng mà không bị lương tâm cáo trách là chẳng nghiêm trang và nhiệt thành hơn. Lương tâm không buộc tội tôi nhiều vì thiếu văn hoa và thanh nhã, hoặc vì thốt ra một lời không đẹp; song lương tâm hỏi tôi: Tại sao anh có thể nói đến sự sống và sự chết với một tấm lòng như vậy? Tại sao anh có thể giảng về Thiên đàng và Hoả ngục một cách cẩu thả và buồn ngủ như vậy? Anh có tin lời mình nói chăng? Anh nói thật hay nói chơi? Tại sao anh có thể bảo người ta rằng tội lỗi là kinh khiếp lắm, rằng có khổ nạn biết bao ở trên họ và trước mặt họ, mà anh lại chẳng xúc cảm hơn? Anh há chẳng nên khóc vì những người đó, và tiếng khóc há chẳng nên ngắt lời giảng của anh sao? Anh há chẳng nên kêu to lên, tỏ cho họ thấy tội lỗi của họ, và khuyên giục, nài nỉ họ, dường như là một vấn đề sống chết sao?
“Quả thật đó là hồi chuông lương tâm khua vang dội bên tai tôi, song linh hồn ngủ mê của tôi vẫn chưa thức dậy. Ôi! Tai hại thay là tấm lòng vô cảm và cứng cỏi. – Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi khỏi sự bất trung và cứng cỏi, giống như dịch lệ, bằng không, chúng tôi làm sao trở thành dụng cụ thích ứng để cứu kẻ khác được? Ôi! Xin thi hành trên linh hồn chúng tôi những gì Ngài muốn dùng chúng tôi thi hành trên linh hồn kẻ khác!
Horatius Bonar