Lời nói của con người hết sức quan trọng. Một em bé ra đời, bật lên tiếng khóc là một dấu hiệu cho biết em bé đó có thể nói được.
Ca dao, tục ngữ dạy con người phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Thánh Kinh cũng dạy con người phải mau nghe chậm nói:
“Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia cơ 1:19).
“Ai là người ưa thích sự sống, và muốn sống lâu để hưởng phước lành? Khá giữ lưỡi mình khỏi lời ác, và môi mình khỏi lời dối trá.” (Thi Thiên 30:12)
Lời nói rất quan trọng. Lời nói có tác dụng rất mạnh. Lời nói có thể cứu người, nâng đỡ người nhưng lời nói cũng có thể giết hại người nữa:
“Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mìn, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển đều trị phục được và đã bị loài người trị phục rồi; nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được; đầy dẫy những chất độc giết chết. Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Thiên Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời” (Gia cơ 3:6-9).
Có sự liên hệ gì giữa nghe và nói? Có người nghĩ sao nói vậy”. Lời nói có tác dụng mạnh mẽ như vậy cho nên trước khi nói, người nói phải chịu tốn thì giờ lắng nghe. Nói vội vã, nói bừa bãi là không tốt. Ngoài việc uốn lưỡi, ngoài việc mau nghe chậm nói, còn có phương pháp nào khác để giúp cho lời nói con người chúng ta có ích lợi cho nhau? Trong Thánh Kinh có nhiều lời dạy giúp cho chúng ta biết lời nói nào có giá trị. Như các nhà lãnh đạo Môi-se, Sa-mu-ên, Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên thời xưa trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa phán dạy họ phải nói những lời gì cho dân sự họ. Do đó, lời nói có giá trị là lời nói được Thiên Chúa bảo nói. Nói cách khác, các vị lãnh đạo thời xưa và con dân Thiên Chúa thời nay, hễ ai nói lên sứ điệp của Thiên Chúa thì lời nói của họ có giá trị.
Khi con dân Thiên Chúa suy gẫm lời Thiên Chúa, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện là họ nghe Thiên Chúa, họ nhận lệnh của Thiên Chúa, họ tương giao với Thiên Chúa. Tác giả Hankhanegraaff viết như sau trong quyển “Bài cầu nguyện của Chúa Jêsus”.
“Bài cầu nguyện của Chúa Jêsus không phải là công thức bảo đảm lúc nào Đức Chúa Trời cũng ban phước cho người cầu xin nhưng là cách người cầu xin thể hiện mối tương giao với Đức Chúa Trời, nói lên đời sống đức tin của mình” (Tuần báo Time tháng 9 năm 2001).
Học Thánh Kinh hằng ngày, cầu nguyện hằng ngày cũng là lúc con dân Thiên Chúa vừa nói với Thiên Chúa, vừa nghe Thiên Chúa nói. Ông James Mulholland viết như sau trong quyển “Cầu Nguyện Giống Như Chúa Jêsus:”
“Mục đích của sự cầu nguyện không phải là để cho người cầu xin trình lên Thiên Chúa điều mình muốn xin mà là để cho người cầu xin nghe điều mình cần nghe” (Tuần báo Time tháng 9 năm 2001)
Trên đài truyền hình NBC số 4 ngày 11 tháng 12 năm 2001 có chiếu hình một nhân viên cảnh sát thoát chết tại Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới ở Nữu Ước sụp đổ ngày 11 tháng 9 nắm 2001 phát biểu như sau: “Sau khi thoát chết, bây giờ tôi cầu nguyện nhiều hơn và khi cầu nguyện, tôi không còn xin nữa. Tôi chỉ cám ơn Chúa mà thôi.”
Ai lắng nghe Thiên Chúa thì người đó có những lời đáng nói, lời phải nói xuất phát từ Thiên Chúa. Dĩ nhiên, thính giả cũng có khi thích nghe lời nói đơn phương của con người hơn là lời nói được Thiên Chúa dạy con người nói. Đó là những lời nói do tư dục, lời nói hứa hẹn, lời nói dỗ ngọt, chìu lòng thính giả do các tiên tri giả, do những người có hai lòng, lời nói và việc làm của họ tương phản nhau.
Kính mới quý độc giả cùng chúng tôi học nói những lời xây dựng, bổ ích, những lời nói được Thiên Chúa dạy soi sáng, hướng dẫn. Có như vậy lời nói của chúng ta mới quý báu, có giá trị. Con người chúng ta cần phải học nghe Thiên Chúa dạy nói trước.
Quý độc giả tiếp tục đọc, học Thánh Kinh và cầu nguyện thưởng xuyên để quý vị dù sống ở đất cũng có thể sinh hoạt, tiếp chuyện được với Đức Chúa Trời ở trên trời, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ con người chúng ta. Có như vậy, con người chúng ta mới nói được những lời hữu ích, xây dựng, những lời thuận ý Thiên Chúa như có chép trong Thánh Kinh, sách Ê sai 50:4-5:
“Thiên Chúa đã ban cho ta cái lưỡi của người được dạy dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi. Ngài đánh thức ta dậy mỗi buổi sớm mai, đánh thức tai ta để nghe lời Ngài dạy, như học trò vậy. Thật, Thiên Chúa đã mở tai ta, ta không trái nghịch, cũng không giựt lùi” (Ê-sai 50:4-5).
Có hai thanh niên, một Mỹ, một Việt, cãi nhau dữ dội, xoay quanh vấn đề phong tục văn hóa. “Người Mỹ của anh tệ quá, bất hiếu, bỏ cha, bỏ mẹ trong nhà già! “Còn người Việt của anh sao tệ quá, tàn nhẫn quá, hết thịt ăn rồi sao, phải ăn thịt chó?” Có khi con dân Chúa cũng rơi vào lỗi này. Vợ chồng cãi nhau tại nhà riêng, con dân Thiên Chúa cãi nhau tại Hội Thánh rồi cuối cùng mọi người đều đi nhà thờ cách tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, có dịp lại cãi nhau, tiếp tục hạ nhau mà vẫn không ăn năn.
Sinh hoạt gia đình và Hội Thánh là những sinh hoạt gần gũi, thường xuyên nhất của con dân Chúa. Nhưng cũng vì quá quen thuộc mà lắm lúc con dân Chúa mượn diễn đàn tại nhà riêng và nhà thờ phát biểu bừa bãi, thiếu yêu thương thậm chí còn chê bai họ hàng hai bên của chồng, của vợ gây tổn thương cho cả gia đình và Hội Thánh! Làm sao Thiên Chúa vui lòng được khi con dân Chúa sống trong gia đình cha mẹ, vợ chồng, anh em hì hục, bất hòa nhau; tại nhà thờ tín hữu cãi cọ nhau, không yêu thương nhau.
Đừng quên rằng mỗi con dân Chúa chỉ là người quản gia của Thiên Chúa. (Luca 16:1-13). Tất cả những gì ta có là do Thiên Chúa giao cho ta để ta làm lợi cho nước Thiên Chúa. Trước khi được giao chức vụ quản gia, con dân Chúa cũng chỉ là những tội nhân xấu xa mà thôi. Tội nhân thì thuộc quỷ ma mà nay được Thiên Chúa mua chuộc chúng ta bằng chính huyết của Ngài với giá rất cao để chúng ta làm đầy tớ lo phục vụ Thiên Chúa và nước của Thiên Chúa. Đầy tớ cũng là người nô lệ không có quyền đòi hỏi mà chỉ biết vui mừng cúi đầu vâng phục Chúa mình. Chúng ta, con dân Thiên Chúa chính là những quản gia, đầy tớ, nô lệ của Thiên Chúa. Ai trong chúng ta, dù làm được việc hay có chức vụ cao hoặc học cao hiểu rộng cũng không được phép kiêu ngạo, lên mình, phách lối, hoặc coi thường anh em mình trong Hội Thánh, coi thường vợ, coi thường chồng con trong gia đình.
Gia đình, vợ chồng con cái sống chung để làm gì? Hội Thánh con dân Chúa họp lại trong ngày Chúa Nhật với mục đích gì? Hầu như trong mỗi gia đình, người chồng hay người vợ cũng chỉ biết một số lãnh vực, còn những lãnh vực khác chưa biết; chứ đâu có vợ hay chồng nào biết tất cả mọi sự. Vợ chồng sống chung nhau, hỗ trợ nhau để cùng nhau sống theo lời Thiên Chúa dạy. Ngược lại, nếu chồng hay vợ ỷ tài, ỷ tiền, ỷ kiến thức mà coi thường nhau, nói nặng nhau, so đo với nhau làm cho gia đình lục đục thì có ích gì? Việc gia đình không ổn, làm sao vợ chồng lo việc Thiên Chúa được? Còn đối với những cặp vợ chồng vì hoàn cảnh phải sống chung với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ lại càng có thêm nhiều lý do khác khiến cho gia đình dễ bị phong ba bão tố hơn. Bản chất con người là cha mẹ nào cũng thương con mình hơn con dâu, con rể. Nhà nước Mỹ tại tiểu bang Virginia có chương trình cho thuê nhà rẻ tiền cho những công dân lớn tuổi. Có nhiều ông bà lãnh tiền già đang sống vui vì được thuê nhà giá rẻ mà lại được tự do và có nhiều bạn mới. Còn nếu tình trạng kinh tế cho phép; vợ chồng kêu gọi anh chị em hiệp sức để tạo cho cha mẹ một ngôi nhà ở gần con cái. Cha mẹ nào cũng muốn sống riêng để tiếp bạn bè đến viếng thăm. Nhờ ơn Chúa, vợ chồng nên lo trước để tránh cảnh lục đục trong nhà bằng không có thể gây tai hại cho người lớn như cha mẹ đôi bên và cả anh em đôi bên nữa. Lối sống không hiệp một, không hỗ trợ nhau giữa vợ chồng đi ngược lại với Thánh Kinh.
Sách Ê-sai 58 đưa ra phương thức giúp cho đời sống con dân Chúa được phước cả về thể xác và linh hồn tại gia đình và trong Hội Thánh. Đó là sự kiêng ăn, cầu nguyện và giữ ngày Sa-bát, ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa. Con dân Chúa chắc chắn được phước hạnh và Hội Thánh được phục hưng, nếu con dân Chúa dành thì giờ kiêng ăn cầu nguyện không làm điều ác mà còn làm điều thiện giữa người với nhau. Con người làm việc mỗi tuần đều có ngày nghỉ để cho cơ thể được nghỉ ngơi hầu có sức làm việc trong tuần kế tiếp đạt được năng suất cao. Kiêng ăn cũng là cách cho cơ quan tiêu hóa và các bộ phận liên hệ được nghỉ, hầu cho chúng ta sống khỏe hơn và thân thể ta bớt sinh bịnh tật. Đa số người Việt sống ở hải ngoại thường nhắc nhở lẫn nhau, coi chừng ta chết vì ăn, chứ không phải chết vì đói. Còn đối với Thiên Chúa con dân Thiên Chúa phải thật sự tôn kính Thiên Chúa và quý mến ngày Sa-bát. Mỗi khi đến nhà thờ, thờ phượng, con dân Chúa dứt khoát không còn giận hờn, cay đắng, phiền hà với bất cứ một ai. Cũng nhờ ơn Chúa loại bỏ tất cả lo lắng, sầu tư về trần thế mà dốc lòng, dốc linh hồn thờ phượng Chúa qua mọi tiết mục như cầu nguyện, hát thánh ca, nghe giảng, dâng hiến. Có như vậy, con dân Chúa mới được Đức Chúa Trời bồi bổ cả về thể xác và linh hồn. Dĩ nhiên con dân Thiên Chúa không chỉ sửa soạn ngày Sa-bát trong một vài tiếng đồng hồ rồi sau đó tự do sống, muốn nói gì thì nói, muốn quậy vợ, quậy chồng, quậy con thì cứ quậy; hoặc thoải mái nói hành, nói tỏi, nói thày lay các tín hữu khác, mà không hề e ngại. Không lẽ kiêng ăn, cầu nguyện mà con dân Thiên Chúa cứ làm điều ác, buôn gian bán lận, bóc lột người khác. Không lẽ miệng vừa mời ban cầu nguyện đến nhà cầu nguyện rồi sau đó lại mắng rủa “lũ cầu nguyện”. Lẽ nào giữ ngày Sa-bát vào buổi sáng; đến buổi chiều con dân Thiên Chúa lại ăn tiệc “nướng” Mục Sư, “nướng” ban chấp sự, nói hành, nói tỏi họ. Lẽ nào, các thành viên trong gia đình, sau khi rời nhà thờ trở về cùng một ngôi nhà mà giữa cha mẹ hoặc vợ chồng con cái vẫn tiếp tục còn giận hờn cay đắng. chưa tha thứ nhau được.
Vấn đề nói và nghe hết sức quan trọng cho cả gia đình và Hội Thánh vì gia đình và Hội Thánh liên hệ mật thiết với nhau. Còn Thiên Chúa là Chúa, là chủ của Hội Thánh và gia đình. Gia đình và Hội Thánh có phước nếu con dân Thiên Chúa ý thức và nhờ ơn Thiên Chúa để gây dựng một gia đình biết yêu thương, tha thứ. Vợ chồng, con cái, cha mẹ nhờ sức Thiên Chúa triệt tiêu bớt những khoe khoang, kiêu ngạo, những so đo bất công dễ gây cớ vấp phạm làm cho gia đình mất êm ấm. Chuyện gì sẽ xảy ra khi mỗi gia đình con dân Thiên Chúa trong Hội Thánh học sống nghe Chúa, học sống yêu thương, tha thứ, nhịn nhục suốt cả tuần rồi cùng nhau đi thờ phượng Thiên Chúa ngày Chúa Nhật và cũng tham dự cầu nguyện kiêng ăn khi có cần tại tư gia hoặc Hội Thánh. Chắc chắn gia đình cũng như Hội Thánh được phước và chứng kiến nhiều quyền năng phép lạ, bịnh tật được chữa lành, nhiều đời sống được đổi mới, số người tin được thêm lên. Ông bà, anh chị em và tôi chắc chắn nói được những lời nói hữu ích khi chúng ta vui lòng chịu nghe Chúa.
Câu hỏi thảo luận
- Từ “nói” theo người đời có nghĩa gì? Từ “nói” của người được Chúa dạy nói có nghĩa gì khác hơn?
- Bạn đang thường sử dụng lời nói nào? Lời của người phàm hay lời được Chúa dạy?
- Bạn có thấy cần nói những lời Chúa dạy bạn nói không? Nếu có, bạn tìm đâu ra những lời nói đó?
Nguồn: Mục sư Lê Ngọc Cẩn, Trở Về (2002)