Không may thay, chúng ta chủ yếu trích những câu Kinh Thánh như, “Vì nếu miệng ngươi xưng nhận Ðức Giê-su là Chúa và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu.” (Rô-ma 10:9).
Chúng ta nói với thân hữu điều họ cần làm “nói như con vẹt” lời cầu nguyện tin Chúa và thế là họ được cứu. Nhưng tại sao chúng ta không chú ý và dạy dỗ chính những lời của Chúa Giê-su? Ngài phán, “Tại sao các con gọi Ta là: ‘Chúa, Chúa!’ mà không thực hành lời Ta dạy?” (Luca 6:46).
Như đã thấy, Chúa có nghĩa là người Người Chủ tối cao. Nó mang ý nghĩa về quyền sở hữu. Nên Chúa Giê-su cảnh báo, “Ðừng gọi ta là Chủ khi ngươi vẫn là chủ đời sống của ngươi. Tốt hơn hãy gọi Ta là “Tiên Tri vĩ đại” hay “Bậc Thầy” để ngươi không tự lừa dối mình.”
Giờ chúng ta hãy xem xét lại câu nói của Chúa Giê-su mà chúng ta đã dùng để bắt đầu toàn bộ sự bàn luận của chúng ta: “Không phải hễ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều sẽ vào Nước Thiên Ðàng đâu.” (Ma-thi-ơ 7:21a). Như đã nói, không phải ai gọi Giê-su Christ là Chúa sẽ được ở thiên đàng. Ðiều đó khẳng định cho chúng ta biết chỉ nói “lời cầu nguyện tin nhận Chúa” không đảm bảo một chỗ cho chúng ta ở thiên đàng.
Trong trường hợp như thế thì đây là câu hỏi của tôi: ai sẽ bước vào vương quốc thiên đàng? Chúa Giê-su trả lời bằng cách nói, “Nhưng chỉ những người làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21b) Thật hay ở đây. Ðây cũng chính là những lời của Polycarp. Vì thế chính là việc xưng nhận Chúa Giê-su và làm theo ý muốn của Chúa mới khiến chúng ta được lên thiên đàng. Và cách duy nhất chúng ta có thể làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời là bởi ân sủng Ngài ban cho chúng ta khi chúng ta hạ mình bằng cách từ bỏ đời sống riêng của mình và đón nhận Ngài làm Chúa. Việc này cũng đơn giản như việc xưng nhận, nhưng cái khó ở chỗ là đầu phục toàn bộ con người chúng ta để nhìn nhận Ngài làm Chúa trong thực tế.
Bây giờ hãy nghe tại sao tôi hăng hái nhấn mạnh điểm này: “Vào ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng con đã nhân danh Ngài nói tiên tri, nhân danh Ngài trừ quỷ, nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ.’ Nhưng Ta sẽ phán cùng họ rằng: ‘Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!’” (Mathi-ơ 7:22-23)
Vào cuối thập niên 1980, Chúa cho tôi một khải tượng. Tôi nhìn thấy một đám đông xếp một hàng dài bất tận. Ðúng là một biển người. Tôi biết trong nhóm này không có những người vô thần, không có những tội nhân, không có những tín đồ theo các tôn giáo khác, mà chỉ có toàn là những người tự xưng là Cơ Ðốc nhân. Ðám đông này đến Ngai Phán Xét và rất mong Chúa Giê-su phán, “Hãy bước vào sự vui mừng của Chúa ngươi, là Nước Ðức Chúa Trời.” Trái lại họ đã nghe những lời này, “Ta không biết các người, hỡi những kẻ gian ác, hãy lui ra khỏi Ta!” (Ma-thi-ơ 7:23). Tôi thấy nét mặt họ bị sốc dữ dội. Bạn có tưởng tượng được là việc bạn cảm thấy an ninh trong sự cứu rỗi nhưng bạn không có gì cả? Bạn có tưởng tượng được việc bị lưu đày trong lửa hỏa ngục đời đời trong khi bạn hoàn toàn tin rằng chắc chắn được lên thiên đàng? Phải chăng bạn và cả những người giảng dạy cho bạn nên phải xét lại việc xem nhẹ số phận đời đời của mình? Liệu có chỗ nào cho một sứ điệp “bưng bít,” tránh né những lời khuyên bảo của Chúa Giê-su không?
Bạn có hiểu được tại sao chúng ta phải công bố toàn bộ mưu luận của Chúa, chứ không chỉ những điều tích cực và ích lợi? Vâng, chúng ta thích các phúc lành và chúng ta phải giảng về các phúc lành này và tận hưởng nó. Nhưng không đánh đổi bằng cách bỏ qua các điều răn và lời cảnh báo của Kinh Thánh! Tôi nhớ có lần tôi chia sẻ tại một hội nghị rằng lí do tôi rao giảng những lẽ thật này vì tôi “không muốn ai quát mắng tôi lúc tại Ngai Phán Xét, ‘Tại sao mày không nói cho tao biết lẽ thật?’ trong khi máu họ chảy xuống trên tay tôi!” Sau khi tôi giảng xong, một mục sư lập tức tiến lại chỗ tôi, vẻ bực bội. Thật ra, ông ta tức giận. Ông nói, “Sao anh dám áp đặt thần học Cựu Ước đó lên chúng tôi là các mục sư. Không có giọt máu nào chảy trên tay tôi vì không công bố toàn bộ phúc âm đâu.” Rõ ràng là ông ta thích những khía cạnh tích cực của Lời Chúa nhưng tránh xa những phần nói đến sự quở trách. Tôi nói, “Thưa ông, hãy xem điều Phao-lô nói với các lãnh đạo hội thánh Ê-phê-sô.” Cầm Kinh Thánh trong tay, tôi mở sang Công Vụ và bảo ông ta đọc: “Vì thế, hôm nay tôi xin thưa rằng tôi trong sạch, không phải chịu trách nhiệm về máu của một ai. Vì tôi đã công bố cho anh em biết tất cả ý định của Ðức Chúa Trời, không giữ lại điều gì.” (Công Vụ 20:26-27) Ông bị sốc khi ngước lên nhìn tôi và ngỡ ngàng. Ông nói, “Tôi đã đọc Tân Ước luôn, nhưng chưa bao giờ để ý điều này.”
Sau đó chúng tôi có một cuộc nói chuyện thân thiện. Khi nói chuyện, tôi có đề cập rằng để trình diện mỗi người được trưởng thành trong Ðấng Christ, chúng ta phải cảnh báo họ chứ không chỉ dạy dỗ (xem Cô-lô-se 1:28). Lời cảnh báo đó là gì? Ðể không trôi lạc khỏi lẽ thật. Ðể không bị trôi dạt bởi sứ điệp mà những kẻ giả mạo rêu rao, là những kẻ quyến dụ không chỉ bản thân họ mà luôn vô số người khác ra xa khỏi sự tin kính.
Trong phần ký thuật của Công Vụ 20, Phao-lô đang ở với những người Ê-phê-sô trong một thời gian khá dài. Ông rất yêu mến họ và bởi Thánh Linh ông biết sẽ không gặp lại họ cho đến khi về thiên đàng. Hãy suy nghĩ bạn sẽ cẩn thận chọn từ ngữ của mình thế nào khi biết rằng đó sẽ là những lời cuối cùng dành cho những người như là con cái của mình vậy. Lời dạy dỗ từ biệt của Phao-lô là: Anh em hãy giữ mình và toàn thể bầy chiên mà Thánh Linh đã đặt anh em làm giám mục,để chăn dắt Hội Thánh của Ðức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào giữa anh em, chẳng dung tha bầy chiên đâu. Và giữa anh em sẽ có những người nổi lên dùng lời xuyên tạc để lôi cuốn các môn đồ heo họ. Vậy anh em phải tỉnh thức, hãy nhớ rằng suốt ba năm, cả ngày lẫn đêm tôi không ngừng đổ nước mắt khuyên bảo mỗi người luôn. (Công Vụ 20:28-31)
Những người này xuyên tạc lẽ thật bằng cách thế nào? Có thể là bằng lời nói, nhưng phần lớn là bằng hành động. Ðể ý là Phao-lô cảm nhận chuyện này rất xác quyết đến nỗi ông không ngừng cảnh báo những người Ê-phê-sô ngày cũng như đêm trong ba năm. Một lần nữa, chúng ta thấy sự nhấn mạnh. Chúng ta phải liên tục nhấn mạnh những lời dạy này.
John Bevere (Theo HƯỚNG VỀ CÕI ÐỜI ÐỜI )
(Nguồn: vietchristian.com)