Biết Lắng Nghe

Share

Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận

Gia-cơ 1:19

Từ trước đến giờ, mỗi khi đọc hay nghe ai đọc câu Kinh Thánh này, tôi đều nghĩ về một thái độ sống, một cách cư xử phải lẽ để đối đáp với nhau, giữ gìn một sự tôn trọng và hòa hoản với một người nào đó đang đối diện. Hôm nay, diễn giả chỉ ra cho tôi một điều quan trọng hơn, thái độ của tôi, một Cơ Đốc Nhân đối với Lời của Đức Chúa Trời . Tôi có thật sự biết nghe, nghe một cách cẩn trọng, để rồi biết thuận phục mà sống thánh khiết, tốn khiêm theo lời dạy của Chúa? Đúng như điều Đức Chúa Jesus ngày trước đã từng tuyên bố: người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:4)

Đây không phải là những lời đoán định khiêm cưởng, nhưng trước khi đưa ra những lời khuyên cần thiết, Gia-cơ đã nói rõ đó là những điều được dạy từ Thánh Kinh dành cho tôi: trong cụm từ “anh em biết điều đó”, điều đó chính là “lời chân thật” trong câu 18, là “luật pháp trọn vẹn” của câu 25 và đó là “lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em” của câu 21. Do đó, tôi phải biết cách nghe và tôn trọng Lời Chúa đúng mức.

Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận. Đó là đáp ứng nội tâm của tôi đối với Lời Chúa. Có khi tôi quả quyết rằng tôi đang nghe, và cẩn thận hơn nữa, tôi ghi chép lại mọi điều tôi nghe; tôi dành nhiều thời giờ để đọc tới đọc lui năm lần bảy lượt; hằng tuần, tôi có mặt trong mọi sinh hoạt tâm linh của Hội Thánh, tôi nghe không thiếu một bài giảng luận nào của tất cả các buổi nhóm; nghe trực tiếp hay nghe trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Đời sống mỗi ngày của tôi hầu như ngập lụt trong Lời Chúa, nhưng tất cả những điều đó chỉ là vô ích, nếu lòng tôi không cảm nhận được điều gì mà Chúa muốn tôi phải hết sức tập trung lằng nghe tiếng của Ngài muốn nói với riêng cá nhận tôi, chứ không phải chỉ là những lời chung chung, dành cho người nọ người kia chứ chẳng liên quan gị đến mình. 

Mau nghe chính thực là mau cảm nhận được, chứ không phải đơn thuần chỉ là mau nghe. Còn về phần chậm nói và chậm giận? Hai phản ứng tiêu cực đó luôn dẫn tôi đi lạc mất mục tiêu mà tôi cần chú tâm để tiếp nhận lời dạy của Chúa. Tánh phản kháng luôn chực sẵn trong lòng tôi, khi nghe thấy những điều không hợp ý mình hay đọng chạm đến quyền lợi của cá nhân riêng tư, vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời (câu 20). 

Sự công bình của Chúa không hề kém thua bản ngã của tôi, nhưng chính cái gọi là xác thịt của con người tôi làm ngăn trở phước hạnh mà sự công bình của Chúa mang lại cho đời sống tôi. Có đáng tiếc không? Chính vì thế, tôi phải thật thận trọng khi nghe lới Chúa phán ra,để tôi được bổ ích trong Chúa, chứ không phải chỉ là gió thoảng mây trôi.

Có lẽ xin tạm kết thúc bài viết này ở đây với lời hát quen thuộc:

Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài dạy con trong đêm tối
Xin cho con biết lắng nghe
Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi
Xin cho con cất tiếng lên
Trả lời và vâng theo ý Chúa
Xin cho con biết thân thương
Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi

Lắng Nghe Lời Ngài (Tác giả: Nguyễn Duy)

 

Nguồn: vietchristian.com. 

M. Jeudi (từ bài giảng luận “Lắng Nghe Lời Chúa” CN Aug 06, 2019 – Hội Thánh North Hollywood), 

 

 

Bài trước
Bài tiếp theo

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan