“Mục sư ơi, chúng ta có vấn đề về sự đa dạng.”
Tôi biết chuyện này sẽ đi đến đâu. Cái nhìn nghiêm nghị và xuyên thấu của bà ấy cho tôi biết tất cả những gì tôi phải biết. Bà ấy không nói đến điều quý vị mong đợi bà ấy nói, nhưng trong 4 năm là mục sư của bà đã chuẩn bị tôi cho những gì tuôn ra sau đó. Bằng chữ “đa dạng” bà nói đến những người không đạt được những tiêu chuẩn của bà. Bà không có ý nói về một nhóm người. Bà nhắm đến một người mà bà cho là vấn đề, Shelley.
Tôi gật đầu và nghe bà chia sẻ. Shelley hôi hám, mặc quần áo dơ bẩn, nói cộc lốc, ngủ gục trong lúc tôi giảng. Shelley không có chỗ ở nơi đây.
“Cô ta đã xưng nhận Chúa Giê-su và điều này làm cho cô ta trở thành một người trong chúng Ta.” Tôi trả lời với một sự dịu dàng và rộng lượng mà một mục sư bị thách thức có thể làm hết sức.
“Chuyện đó không là gì. Cái cách của cô ấy, nó quá sức tệ…”
Cốt lõi thật sự của vấn đề là Shelley không đạt được những tiêu chuẩn bởi vì cô là một kẻ nghèo hèn.
Bị Cản Trở Bởi Một Chủ Nghĩa Âm Thầm Phân Biệt Giai Cấp.
Trong khi bà tín hữu này có can đảm nói ra, tôi không nghĩ là chỉ có một mình bà suy nghĩ như vậy. Lịch sử hội thánh luôn có những sự phân cách bởi giai cấp xã hội. Thử nhìn vào những phong trào phấn hưng mạnh mẽ, chúng ta có thể thấy sức tràn dâng lên của chúng đến từ những giai cấp thấp hèn nhất. Thí dụ, cuộc Đại Tĩnh Thức Thứ Nhất sẽ không là gì nếu không có những đám đông của tầng lớp nghèo khó lắng nghe lời giảng như sấm của George Whitefield. Họ là những người đầu tiên đáp ứng và từ sự đáp ứng mạnh mẽ của họ mà sau đó giới trung lưu và thượng lưu mới nhìn đến và tham gia vào.
Thế nhưng khi những phong trào này trở nên được biết đến và được công chúng đón nhận, những đám đông này bị quên lãng và thay thế bằng những thành phần trung lưu và thượng lưu. Và khi phải chọn lựa giữa đám đông không tiền và giới học thức đóng góp một phần mười, chỉ một số nhỏ lãnh đạo Cơ đốc chọn thành phần đám đông.
Hầu hết các hệ phái ở Hoa Kỳ ngày nay cho thấy những dấu hiệu của sự khô cạn không tránh được. Dĩ nhiên là có những hội thánh tăng trưởng vượt bực ở đâu đó, nhưng bức tranh toàn diện cho thấy thiếu vắng những kết quả bông trái. Nhìn vào mọi con số thống kê, hội thánh đang khô héo dần đi. Tôi cho rằng đây là lúc suy xét kỹ về ẩn dụ của Chúa Giê-su về đất tốt và những hạt giống:
“Những hạt rơi giữa bụi gai là những người đã nghe đạo nhưng để cho sự lo lắng, giàu sang, vui thú đời nầy làm nghẹt ngòi nên không trưởng thành được.” — Lu-ca 8:14, BTTHĐ 2010.
Một hội thánh quan tâm với những điều vui thích khiến làm che khuất đi kẻ nghèo khó không thể thật sự phát triển. Nó sẽ đi đến một thời điểm suy tàn, bị nghẹt ngòi, chỉ biết nghĩ cho nó, chạy theo sự thoải mái của nó. Có bao nhiêu hội thánh quan tâm về mức tăng trưởng? Hay ngân sách hàng năm? Hay về những gì làm họ thỏa lòng – âm nhạc, cà phê, mỹ thuật? Những thứ mà khi cố gắng xây dựng phải bỏ qua những người nghèo cũng là khi làm nghẹt ngòi sự sống của hội thánh.
Vẻ Đẹp Của Vương Quốc Được Bày Tỏ Trong Shelley
Ở đâu cũng vậy, đất tốt là đất của nơi có sự nghèo khó. Về phần Chúa Giê-su, ngài gặp rất nhiều mảnh đất tốt như chúng ta thấy trong những kinh văn của những ẩn dụ của ngài về sự gieo giống: người đàn bà tội lỗi (và tình yêu vĩ đại), người phụ nữ bị bảy quỷ ám, người điên sống nơi mồ mã, người đàn bà mất huyết (và vì vậy bị khai trừ) và đứa bé gái bị chết vì bệnh. Đây không phải là một danh sách lý tưởng để chọn ra làm thành viên ban quản trị hội thánh, thế nhưng trong những con người không ra chi này mà vương quốc Đức Chúa Trời như dòng suối phung lên sự sống.
Shelley, cũng không hơn gì chính tôi, đã tìm được “nhà” nơi hội thánh của chúng tôi, mặc dù chúng tôi phải đối phó với những người nói không và những kẻ thiêng liêng quá mấu. Cho đến cuối đời của cô, cô phải tranh chiến với một cuộc đời có dư những nan đề, nhưng phúc âm luôn đi vào xương tủy của cô. Nó làm cô khóc lóc và vui mừng vì cô biết mình ở trong Đấng Christ. Và với mỗi một Shelley đã tìm được “nhà” trong cộng đồng được Đấng Christ yêu quý là cả ngàn sự tranh đấu với những khó khăn xã hội và hoạn nạn tài chính không được nói đến.
Chúng ta cứ tưởng là chúng ta đã phát triển bỏ qua chủ nghĩa phân biệt giai cấp, nhưng tôi thấy nó hiện hữu trong mỗi ngày. Chúng ta không còn áp đặt sự phân cách xã hội bằng luật lệ, nhưng chúng ta cho nó có sức di động khi chúng ta bỏ ra những thành phần thấp hèn nhất trong xã hội. Hãy suy nghĩ về hội thánh của bạn. Khi nào là lần cuối cùng mà hội thánh của bạn nghe được tiếng nói của một người như Shelley? Tôi không có ý nói rằng có ai như Shelley đến với hội thánh của bạn không? Tôi muốn hỏi rằng những người nghèo khổ có được tính vào trong đời sống của hội thánh của bạn không? Họ có góp phần vào quyết định của hội thánh không? Họ có tiếp đãi và tham gia nhóm nhỏ không? Họ có dự phần vào mọi mặt của đời sống của hội thánh không? Hay họ bị đưa xuống chỗ ngồi cho đầy phòng hay sảnh thờ phượng?
Có lẽ bạn sẽ nói “Nhưng như vậy không thực tế. Những người có những nan đề với sự nghèo khó có những vấn đề về sự an toàn, không ổn định và không giáo dục. Cho phép họ dự phần sẽ là một thảm họa!” Tôi không nói là sẽ dễ dàng. Một người nghiện ma túy không thể ở trong chỗ chăm sóc người lớn tuổi. Ban lãnh đạo hội thánh cần phải có những phán đoán tốt. Nhưng cũng không dễ để đem những người có nan đề không phải là nghèo khó – vào trong mọi lãnh vực của hội thánh. Chúng ta phải đi ra khỏi cách cũ kiêu hãnh và tham lam của đám đông. Chắc chắn, chúng ta phải hợp lý trong việc sắp xếp người vào những vị trí trong hội thánh. Nhưng không thể nào mà chúng ta loại bỏ một thành phần chỉ vì chúng ta nhìn thấy là khó làm việc với họ.
Hay là cơ chế của hội thánh, cố ý hay vô tình, loại họ ra? Có những tiêu chuẩn sạch sẽ trong đội thờ phượng mà không được viết ra? Có bao nhiêu quan hệ thông công xảy ra trong buổi ăn trưa sau giờ thờ phượng? Với một số hội thánh, buổi ăn trưa sau giờ nhóm là nơi mà các lãnh đạo tương lai được khám phá. Nhưng đó không phải là chỗ lý tưởng cho những người không có tiền đi ăn trưa sau mỗi buổi thờ phượng!
Vài năm sau khi biết Shelly, cô đến với tôi, trình bày một ý tưởng, “Mục sư, chúng ta nên có một lễ hội nghệ thuật.” Tôi thích điều này. Các nghệ nhân và người không phải là nghệ nhân trong cộng đồng nhỏ bé của Chúa Giê-su đem đến những tranh và hình bày tỏ về vương quốc của Chúa Giê-su. Shelley đem đến hai khối hình nón bằng gỗ thông mà cô sơn và nhúng vào những mảnh vụn bạc phản chiếu. Một mảnh giấy mà cô viết tay rung rẩy, “Vương Quốc Đức Chúa Trời đẹp vô cùng,” và tôi thêm vào, “và luôn luôn như vậy khi chúng ta bao gồm Shelley trong thế giới của chúng ta.”
Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo: missioalliance.org)