7 Điều Xây Dựng Một Chương Trình Phục Vụ Cộng Đồng
Phục vụ cộng đồng là một phần của sứ mạng Chúa trao phó cho hội thánh và Cơ đốc nhân.
Vì vậy một chương trình phục vụ cộng đồng của hội thánh hay của một tập thể Cơ đốc nhân không giống như một chương trình phục vụ cộng đồng của các tổ chức chính quyền, tư nhân hay của các tôn giáo khác.
Có 7 điều để tạo nên một chương trình phục vụ cộng đồng mang đặc tính khác biệt “Cơ đốc” mà chúng ta cần xây dựng:
1. Có Sự Kêu Gọi Và Khải Tượng Rõ Ràng Đến Từ Chúa.
Kinh Thánh khẳng định, “Ở đâu không có khải tượng, dân chúng phóng túng” (Châm ngôn 29:18 BTTHĐ 2010). Không có khải tượng chúng ta sẽ “chạy vu vơ” và “đánh gió” (1 Cô-rinh-tô 9:22). Đồng thời, chúng ta sẽ không nhận được trọn vẹn sự giúp đỡ và sự chu cấp của Đức Chúa Trời.
Do đó, phục vụ cộng đồng không thể chỉ đơn giản phát sinh từ những phản ứng cảm xúc tâm lý trước một tình trạng đau thương. Nó không phải là một hoạt động “đánh bóng” cho hội thánh. Nó không bao giờ là một chương trình “nghiệp dư” của một tổ chức hay một nhóm Cơ đốc. Đặc biệt phục vụ cộng đồng không bao giờ là một cách trao đổi với những chính quyền áp bức để có một khoảng không gian cho hội thánh hay Cơ đốc nhân hoạt động.
Là một phần của sứ mạng do Chúa sai phái nên trước tiên và trên hết, phục vụ cộng đồng là một sự kêu gọi và khải tượng Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta cần phải trả lời 5 câu hỏi xác định sự kêu gọi và khải tượng như sau:
a/ Có phải chương trình phục vụ cộng đồng này là do Lời Chúa trong Kinh Thánh (Lời logos) và tiếng Chúa phán dạy hay khải thị rõ ràng cho chúng ta (Lời rhê-ma)? Khải thị đó có đánh động sâu xa vào tâm hồn của chúng ta khi chúng ta trung tín thờ phượng, học Lời Chúa và cầu nguyện?
Cầu nguyện và kiêng ăn là bước đầu tiên mà Đức Thánh Linh đặt cho Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 3:13-4.1-2). Đó cũng là điều đầu tiên mà Chúa Giê-su, trước khi thăng thiên, dạy các môn đồ (Công Vụ 1:1-14, 2:1). Hãy kiêng ăn cầu nguyện để Chúa ban và xác nhận khải thị của Ngài.
b/ Chúa có cho thấy rõ ai, giới tính nào, thành phần nào trong xã hội là đối tượng cho chúng ta phục vụ?
c/ Sau khi những cảm xúc xót thương trong tâm lý về một hoàn cảnh (đau thương hay một tình trạng khó khăn của người khác và cộng đồng) đã lắng xuống, thì vẫn có một sự cảm động và nóng cháy liên tục lạ lùng, không ngừng và không phai tàn trong tấm lòng của chúng ta?
d/ Chúa kêu gọi và ban khải tượng về chương trình phục vụ cộng đồng này cho những ai? Gia đình, nhóm nhỏ, hội thánh, hệ phái hay cơ quan phục vụ Cơ đốc mà chúng ta là thành viên?
e/ Chúa có đem đến cho chúng ta sự xác chứng như: lời tiên tri, tri thức, khôn ngoan, tư vấn vv về ý tưởng về chương trình phục vụ cộng đồng này?
Chúa kêu gọi thì Ngài sẽ sắm sẵn mọi phương tiện từ nhân sự, kế hoạch, tài chánh và sự mở đường cho tiến trình xây dựng cũng như ban cho kết quả lâu dài. Vì vậy, cho dù đã có sẵn và có dư nhân lực, sức lực, tài chánh hay tài nguyên vv chúng ta cần tránh hấp tấp hay đốt giai đoạn trong những bước thành lập chương trình này.
2. Có tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đủ về nhu cầu mà chương trình cần đáp ứng?
Dù đã được Chúa hứa ban xứ Ca-na-an, Môi-se vẫn sai 12 thám tử từ 12 chi phái đi do thám và điều nguyên về tình hình phòng thủ cũng như thổ sản của xứ (Dân Số 13:1-24). Là những chi thể trong thân thể Chúa (1 Cô-rinh-tô 12:27), chúng ta có trách nhiệm cùng nhau tìm hiểu và khảo sát những thông tin quan trọng để xây dựng chương trình thực hiện lời Chúa kêu gọi phục vụ cộng đồng. Hãy thu thập những thông tin như:
a/ Khải thị hay khải tượng Chúa ban, khi kết hợp với tình hình của cộng đồng cho thấy nhu cầu mà Chúa muốn chúng ta phục vụ là gì?
b/ Đã có những tổ chức chính quyền hay thiện nguyện phục vụ nhu cầu này chưa? Họ có đáp ứng được cho nhu cầu này không? Nếu họ không thể đáp ứng thì khi chúng ta lập một chương trình phục vụ, chúng ta có trở nên một tổ chức cạnh tranh với họ không hay có một cách nối kết với họ? Chúa có muốn điều này không?
c/ Những người mà chúng ta sẽ phục vụ có những đặc điểm gì: lứa tuổi, thành phần xã hội (nghèo, sinh viên, người già, thanh niên bụi đời vv…), những đặc tính chung của họ vv.
d/ Chúng ta có đủ nhân sự, tài chánh, kế hoạch lâu dài, kế hoạch dự phòng khi có tình huống không thuận lợi xảy ra vv đặc biệt là chương trình dưỡng linh giúp cho cho nhân sự tiếp tục tăng trưởng thuộc linh trong khi họ phục vụ cộng đồng.
3. Có hội thánh địa phương và hệ phái sẵn sàng hỗ trợ dù chỉ ở mức cầu nguyện?
Phục vụ cộng đồng, vì là một sứ mạng Chúa ban, nên cũng là một chiến trường thuộc linh để biến đổi cộng đồng vì thế sự hỗ trợ cầu thay là điều không thể thiếu được. Sự bao phủ thuộc linh của Hội thánh địa phương và hệ phái rất quan trọng.
4. Có tổ chức hành chánh và điều hành “chuyên nghiệp”?
Phục vụ Chúa trong bất cứ lãnh vực nào cũng phải được tổ chức theo cách quản trị và điều hành “chuyên nghiệp” để phẩm chất phục vụ được tốt nhất. Phục vụ cộng đồng là một sự thực hành là “muối và ánh sáng” cho thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-16). Đừng dùng hai chữ “thiện nguyện” hay “tình nguyện” để hạ thấp phẩm chất phục vụ bởi thái độ lỏng lẻo về tổ chức và trách nhiệm.
Chương trình phục vụ của chúng ta có được ghi xuống rõ ràng về mục đích lâu dài, mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, phương cách điều hành và quản lý, những nguyên tắc giải quyết khi có tình huống tiêu cực xảy ra vv?
5. Có lòng trung tín trong những phục vụ nhỏ trước (Lu-ca 16:10)?
Những bước đầu phục vụ chậm và chắc sẽ tạo nền móng, bài học kinh nghiệm và kết quả cho những phát triển mở rộng lớn sau này. Vội vàng làm những chương trình phục vụ “lớn” dễ làm chúng ta bị choáng ngộp bởi những đòi hỏi về thời gian, nhân sự, tổ chức và tài chánh mà thường thì chúng ta không đoán trước được.
6. Có những cơ hội để tiếp xúc và sẻ chia Tin Lành thích hợp không (Mác 10:45)?
[bs-quote quote=”Vì Con Người đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” style=”style-19″ align=”center” author_job=”Mác 10:45 (BTTHĐ 2010)”][/bs-quote]
Chúa Giê-xu phục vụ bằng cách chữa bệnh, đuổi quỷ, làm phép lạ và dùng đời sống yêu thương của Ngài – để những người Ngài phục vụ nhận biết được tình yêu và quyền năng cứu chuộc của Ngài. Cao điểm của sự phục vụ của Chúa Giê-xu là hy sinh sự sống của Ngài trên thập giá để cứu chuộc mọi người. Sẻ chia Tin Lành vừa là động lực vừa là một mục đích của sự phục vụ.
Vì vậy, nếu Chúa không kêu gọi một cách rõ ràng, chúng ta không nên thực hiện một chương trình phục vụ không thể tạo ra những cơ hội để sẻ chia Tin Lành một cách thích hợp. Điều này không có nghĩa là dùng sự phục vụ để ép buộc người ta tin Chúa. Cũng không có nghĩa là đặt ra chỉ tiêu phải có bao nhiêu người tin Chúa bởi chương trình phục vụ này để tiếp tục phục vụ!
Vào thời điểm trước khi Chúa Giê-xu về trời, chỉ còn khoảng 120 môn đồ và các người nữ hiệp nhau cầu nguyện tại phòng cao (Công Vụ 1:15). Dù biết trước như vậy, Chúa Giê-xu vẫn làm phép lạ hóa bánh lần thứ 1 nuôi ăn 5000 người và lần thứ hai 4000 người. Ngài yêu thương họ và đáp ứng nhu cầu cần có của họ hơn là xem có bao nhiêu người sẽ đến với Ngài khi Ngài còn trên thế gian. Nhưng sau này, lịch sử cho thấy chính tình yêu thương và quyền năng trong hai lần phục vụ này (cũng như những lần phục vụ khác) đã đem biết bao nhiêu người trở lại với Ngài và tiếp nối với Ngài trên con đường phục vụ những người nghèo khó thiếu ăn. Họ là tổ chức Chữ Thập Đỏ, Cứu Thế Quân vv… với hàng trăm ngàn thành viên phục vụ hàng trăm triệu người ở khắp nơi trên thế giới.
Phục vụ cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải có một đức tin vững chắc vào tình yêu thương có quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời mà chính tình yêu thương này sẽ sinh sản ra muôn vàn cơ hội sẻ chia tin lành.
7. Có trải nghiệm những ơn sức, phước hạnh và nguồn vui phục vụ?
Quan niệm thông thường của con người cho rằng phục vụ là “mất mát” nhưng vẫn phải làm vì lý do đạo đức hay tôn giáo, đặc biệt là để “đức” lại cho dòng dõi. Quan niệm này chỉ giúp người ta phục vụ đến một mức “hy sinh” nào đó. Người ta không thể có tinh thần và tâm trí phục vụ cao hơn mức đó. Và đây là lý do khiến nhiều nhóm, tổ chức hay cơ quan từ thiện không thể phục vụ sâu rộng hơn nữa.
Nhưng lời Chúa dạy chúng ta là “ban cho có phước hơn là nhận lãnh” (Công Vụ 20:35c). Chúa không để cho chúng ta phục vụ những gì chúng ta không có. Điều tiên yếu là chúng ta cần Đức Thánh Linh tuôn đổ vào lòng của chúng ta tình yêu thương của Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:5). Đó là tình yêu thương có quyền năng biến đổi đời sống (2 Cô-rinh-tô 5:17). Chúng ta không phục vụ đang khi mệt mỏi, buồn phiền, thất vọng, tổn thương và cay đắng. Nhưng phục vụ từ Đức Thánh Linh đổ đầy sức sống vào trong chúng ta để từ chúng ta tuôn tràn qua người khác, người mà chúng ta phục vụ. Vì chúng ta ý thức rằng, “Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta (Cô-lô-se 3:23 BTTHĐ 2010). Trong cách này, Chúa làm cho người phục vụ trải nghiệm Chúa trước với ý thức mình làm cho Chúa và từ đó chuyển tải sự sống mà mình trải nghiệm này cho người được phục vụ.
Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Đức Chúa Trời có vô số những danh hiệu để nói lên những đặc tính lớn lạ của Ngài như là Giê-hô-va Ji-rê (Đấng Cung Ứng), Shalom (Đấng Ban Bình An & Thỏa Lòng), El-Rachum (Thương Xót), Ma’Ozi (Năng Lực) vv… Những đặc tính lớn lạ này đi cùng với khải tượng và sự kêu gọi. Vậy Chúa sẽ cung ứng, ban bình an và thỏa lòng, thương xót, ban năng lực vv cho chúng ta khi chúng ta theo Lời Ngài sống phục vụ. Chúa Giê-xu dạy rằng ai hầu việc Ngài thì Đức Chúa Cha tôn quý họ (Giăng 12:26).
Khi chúng ta nhận và sống với khải tượng hay sự kêu gọi phục vụ mà Chúa ban, chúng ta sẽ sống với đầy dẫy ơn sức, quyền năng và nguồn vui không ngừng đến từ Chúa. Những điều này sẽ sinh ra kết quả biến đổi người hay đối tượng mà chúng ta phục vụ. Những kết quả đó cũng tác dụng ngược trở lại trên chúng ta là người phục vụ để gia tăng ơn sức, quyền năng và nguồn vui trong Chúa cho chúng ta. Tất cả những diễn tiến này phát triển và xảy ra theo một phản ứng dây chuyền không ngừng trong đời sống của người phục vụ.
Nguyện xin Chúa ban ơn và thêm đức tin cho chúng ta để mỗi người chúng ta sẽ là một người phục vụ cho gia đình, hội thánh và cộng đồng.
Phạm Phi Phi