Mỗi một Cơ đốc nhân tôi biết đều từng trải nghiệm phải chiến đấu chống lại sự thèm khát tội lỗi – cùng một tội lỗi đó – hết lúc này đến lúc khác – và đang tự hỏi, “Cuộc chiến này sẽ kết thúc không? Tại sao Đức Chúa Trời không chỉ cất nó đi?” (Nếu quý vị chưa từng có trải nghiệm đó, hãy để thời gian suy nghĩ về nó.)
Điều này dường như là một sự bực dọc chung của mọi người tin, và không chỉ là với tội lỗi thôi. Khi chúng ta trải nghiệm bất cứ sự đau khổ hay khốn khó, chúng ta đặt câu hỏi tại sao?
Tại Sao Sự Thèm Khát Tội Lỗi Vẫn Dai Dẳng?
Đây không là câu hỏi của một người hoài nghi cố gắng chứng minh rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu – biện chứng nổi tiếng về “vấn đề sự tà ác.” Không, đây là câu hỏi cá nhân của một tín hữu cố gắng phân biện ra điều gì Đức Chúa Trời đang làm với sự thèm khát tội lỗi dai dẳng trong đời sống của mình. Nó là câu hỏi của một người hiểu rằng, “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời,” và đang cố hòa hợp lẽ thật thần học này với tình trạng hiện tại của mình.
Một trong những sự đào sâu kỳ lạ vào trong câu hỏi này đến từ Các Quan Xét 3. Ẩn trong khoảng giữa những câu chuyện của Ốt-ni-ên và Ê-hút là một tuyên ngôn mà hầu hết các Cơ đốc nhân bỏ qua. Nhưng nếu chúng ta đặt lẽ thật này vào lòng, chúng ta có một sự can đảm được làm mới lại để đối diện với những tranh chiến của chúng ta: “1 Đức Giê-hô-va còn để lại các dân tộc để thử nghiệm dân Y-sơ-ra-ên là những người chưa có kinh nghiệm chiến đấu ở Ca-na-an. 2 Ngài chỉ muốn dạy cho các thế hệ mới của dân Y-sơ-ra-ên biết cách chiến đấu, đặc biệt là cho những người trước đây chưa từng quen với trận mạc.” (Các Quan Xét 3:1-2_
Tại sao Đức Chúa Trời để lại những tranh chiến cho dân sự của Ngài, Y-sơ-ra-ên? Cuộc chiến của Y-sơ-ra-ên là rõ ràng và hiển nhiên: Nó đến trong thể dạng những nước thù nghịch và quân đội của chúng. Thế thì tại sao Chúa không đánh đuổi chúng đi?
Trong một cái nhìn, như sách Các Quan Xét đánh mạnh vào đầu chúng ta hết lúc này đến lúc khác, những nước thù nghịch hiện diện ở đó vì Y-sơ-ra-ên đã không tin Chúa đến mức đủ để đánh đuổi chúng đi. Nhưng đó không phải là điều Các Quan Xét 3 nói đến. Không, ở đây chúng ta thấy Đức Chúa Trời để lại chúng để thử Y-sơ-ra-ên hầu cho họ có thể học về trận mạc.
Chúa muốn ban đất Ca-na-an cho Y-sơ-ra-ên. Nhưng rõ ràng, Ngài muốn làm điều này qua sự chiến đấu. Cho nên Ngài tiếp tục thử họ, để xem họ có tin cậy Ngài, để dạy họ tin cậy rằng Ngài chiến đấu cho họ. Ngài cũng làm như vậy với chúng ta, dù (như Phao-lô nhắc chúng ta) cuộc chiến của chúng ta không phải là với thịt và huyết, nhưng chống lại với các chủ quyền thuộc linh. Tại sao Chúa không cất đi những tranh chiến của chúng ta khi chúng ta trở thành những Cơ đốc nhân? Bởi vì Ngài muốn chúng ta tiếp tục dựa vào ân sủng của Ngài, không phải xác thịt của chúng ta. Như Phao-lô nói, một số sự yếu đuối và thử thách của chúng ta hiện hữu là được Chúa đặt ra để khiến chúng ta hạ mình.
Điều này có nghĩa là đôi khi Chúa cho phép chúng ta phải tranh chiến với những khao khát tội lỗi để giữ chúng ta khỏi một tội lỗi lớn hơn – sự kiêu ngạo. Bởi vì nếu bạn và tôi được chữa dứt những tội lỗi nhất định nào đó, chúng ta trở nên tự hào không thể chịu nổi.
Tôi biết Chúa đã làm điều này với tôi, đặc biệt trong hôn nhân của tôi. Mấy năm đầu hôn nhân của tôi là một cuộc chiến cho cả vợ tôi và tôi. Chúng tôi có nhiều chuyện lộn xộn đến nổi phải bộc lộ ra. Nhưng khi nhìn lại, tôi tạ ơn về khoảng thời gian đó, vì nó giữ tôi tránh khỏi sự tự xưng công bình khi tôi nhìn vào những vấn đề mà những người khác có trong hôn nhân của họ. Tranh chiến là một cách luôn luôn để thúc đẩy câu châm ngôn “Nhưng ân sủng Chúa đã đủ cho tôi”.
John Newton, tác giả bài thánh ca “Ân Sủng Lạ Lùng” (Amazing Grace) hiểu điều này cũng từ trải nghiệm. Ông càng lúc càng thất vọng bởi sự tiếp diễn của tội lỗi trong đời sống của mình, cho đến khi nó được tỏ ra cho ông rằng những tội lỗi còn tồn tại khiến ông cần ân sủng một cách tuyệt vọng: “Sự giàu có của lòng thương xót của Ngài,” ông nói, “được diễn tả nhiều hơn bởi những sự tha thứ nhiều tầng lớp mà Ngài ban cho tôi hơn là khi tôi không cần có sự tha thứ.”
Sự dai dẳng của sự đau đớn trong đời sống của chúng ta – đặc biệt nỗi đau đớn chiến đấu chống tội lỗi sẽ không làm cho chúng ta lơ là. Chúa đã không để lại người Ca-na-an để cho dân Y-sơ-ra-ên sẽ thoải mái với chúng vây quanh. Nhưng ngược lại, Ngài để lại người Ca-na-an để cho Y-sơ-ra-ên phải học chiến đấu.
Thế nên khi bạn bị thử thách đến mức tuyệt vọng vì bạn phải cứ tiếp tục tranh chiến, hãy nhớ rằng Chúa đang làm việc xuyên qua tình trạng của bạn. Hãy nhìn đến Đấng Christ, sự phục sinh của Ngài bảo đảm sự chiến thắng. Hãy nhìn đến Đấng Christ, Đấng chiến đấu vì bạn khi bạn còn là kẻ thù của Ngài. Hãy nhìn đến Đấng Christ, Cứu Chúa duy nhất có thể ban cho bạn sức mạnh để đứng vững, và sẽ đón lấy bạn mỗi khi bạn ngã.
Hãy nhìn đến Đấng Christ, và chiến đấu.
Nguyễn Bình
(Lược dịch theo: churchleaders.com)