Chuyển Tải Sinh Tế Ăn Năn

Share

Hầu hết các tôn giáo đều nhấn mạnh đến sự ăn năn, dĩ nhiên là trong khuôn khổ “thần học” của họ. Các tôn giáo và Cơ đốc giáo đều nói đến kết quả tha thứ, thanh tẩy và phục hồi của sự ăn năn.

Nhưng chỉ có niềm tin Cơ đốc công bố hai đặc điểm khác biệt trong tầm vóc của kết quả này trong 1 Giăng 1:7-9:

7 Nhưng nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, cũng như chính Ngài ở trong ánh sáng, thì chúng ta được tương giao với nhau, và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, tẩy sạch mọi tội của chúng ta. 8 Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta. 9 Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.

— 1 Giăng 1:7-9

Đặc điểm khác biệt thứ nhất là về nguồn vận hành và tầm vóc của sự thanh tẩy tội lỗi. Trong các tôn giáo con người, nguồn này đến từ quyền năng của các giáo chủ tôn giáo cộng hợp với công đức tu hành của người ăn năn. Như vậy quyền năng và việc làm lành là hai điều mấu chốt. Đây là chỗ mà “thần học” hay sự lý giải của các tôn giáo về sự ăn năn và thanh tẩy bị bế tắc vì các giáo chủ tôn giáo đều là những con người bất toàn; họ đều chết và không sống lại từ kẻ chết; và bản chất tội lỗi trong con người luôn khử đi công đức của họ nếu không nói là mạnh hơn khả năng làm lành của họ. 

Trong khi đó với niềm tin Cơ đốc, nguồn này đến từ sự tương giao giữa người ăn năn với Chúa Giê-xu và sự làm việc của huyết của Ngài (c.7). Huyết nói đến sự sống quyền năng của Ngài. Như vậy nguồn này đến từ sự sống của Chúa Giê-xu – Đấng đã đắc thắng tội lỗi và sự chết – mà sự sống đó luôn luôn vận hành trong mối quan hệ giữa người ăn năn với Ngài. Nguồn và tầm vóc thanh tẩy như vậy có sự đảm bảo toàn vẹn ở mức “tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.” (c.9). 

Sâu xa hơn nửa, sự thanh tẩy, tha thứ và phục hồi khiến người ăn năn, khi tiếp tục sống trong mối tương giao với Chúa sẽ luôn được biến đổi nên mới:

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới

— 2 Cô-rinh-tô 5:17

Đặc điểm khác biệt thứ hai là chỉ có niềm tin Cơ đốc nói đến địa vị cao trọng của sự ăn năn. 

Không thiếu gì những truyện tích trong các kinh sách của các tôn giáo kể lại những người đã mất đi sự dày công tu hành của họ vì đã phạm tội, dù đã có ăn năn.

Nhưng với Đức Chúa Trời của Cơ đốc giáo, sự ăn năn là một sinh tế đẹp lòng Ngài:

Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm linh đau thương; Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu

— Thi Thiên 51:17

Chúa đựng nước mắt của người ăn năn trong “ve” của Ngài và ghi vào sổ của Ngài (Thi Thiên 56:8). Các thiên sứ của Đức Chúa Trời sẽ vui mừng về một tội nhân ăn năn (Lu-ca 15:10). Chúa Giê-xu dùng câu chuyện kinh điển “người con trai hoang đàng” để nói đến sự phục hồi toàn vẹn cho người ăn năn quay lại với Ngài (Lu-ca 15:11-24). Chúng ta không thấy sự đối xử yêu thương, trân quý và giải hòa này trong các tôn giáo con người. Và cũng phải thành thật mà nói rằng trong nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều hội thánh của Chúa vẫn chưa thực hiện điều này!

Năm cũ đã qua, năm mới đang bắt đầu. Chúng ta hãy làm mới lại sự hiểu biết về ý nghĩa và địa vị cao trọng của sự ăn năn, và sống với những điều đó – để luôn ở trong sự tha thứ, thanh tẩy, phục hồi và đổi mới của Chúa. Hãy xin Chúa dùng chúng ta làm những ống dẫn để chuyển tải tình yêu tha thứ, thanh tẩy và phục hồi của Chúa đến cho gia đình, hội thánh và cộng đồng của chúng ta.

 

Nguyễn Trọng

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan