Tại Sao Kiêng Ăn? 7 Mục Đích Kiêng Ăn Trong Kinh Thánh

Share

Mặc dù Kinh Thánh không đưa ra mạng lệnh trực tiếp về vấn đề này, những gương kiêng ăn xuất hiện trong cả Cựu và Tân Ước. Một trong những phân đoạn nhắc đến sự kiêng ăn ấn tượng nhất là trong Ma-thi-ơ 6:16 (BTTHĐ 2010), chỗ Chúa Giê-xu dạy các môn đồ những nguyên tắc căn bản của một đời sống kính sợ Chúa. Khi nói về kiêng ăn, Ngài bắt đầu với lời, “Khi các con kiêng ăn,” chứ không phải là “Nếu các con kiêng ăn.” Một cách đơn giản, lời của Chúa Giê-xu hàm ý rằng kiêng ăn phải là một điều được thường xuyên thực hành trong đời sống của những người theo Ngài.

Dietrich Bonhoeffer, trong cuốn sách của ông, The Cost of Discipleship (Giá Trả Của Đời Sống Môn Đồ), nói rằng: “Chúa Giê-xu, một cách đương nhiên, xem việc các môn đồ của Ngài vâng giữ thói quen sốt sắng kiêng ăn là một điều tiêu biểu trọng yếu của đời sống Cơ đốc. Thói quen đó chỉ có một mục đích duy nhất – làm cho đời sống môn đồ sẵn sàng thêm phần sẵn sàng và hân hoan để hoàn tất những điều mà Đức Chúa Trời phải làm.”

Sự kiêng ăn chuẩn bị quý vị cho những công việc mà Đức Chúa Trời ủy thác cho quý vị làm.

Wesley Duewel, một người viết của thế kỷ 20 nói rằng, “Bạn và tôi không có quyền bỏ đi sự kiêng ăn – vì chúng ta cảm thấy không có cảm xúc đặc biệt thúc đẩy – cao hơn quyền bỏ đi sự cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hay nhóm hiệp lại với con dân Chúa vì cớ thiếu cảm xúc đặc biệt thúc đẩy. Kiêng ăn là điều thuộc về kinh thánh và là một phần tự nhiên của một bước đi thuộc linh trong sự vâng phục Chúa giống như những điều này.

Người ta kiêng ăn vì một số lý do. Sau đây là 7 mục đích trong Kinh Thánh khiến những người tin kính tìm kiếm Đức Chúa Trời qua nền nếp này.

1. Để Chuẩn Bị Cho Mục Vụ. 

Chúa Giê-xu trải qua 40 ngày đêm trong đồng vắng kiêng ăn và cầu nguyện trước khi Ngài bắt đầu công việc của Đức Chúa Trời trên đất. Ngài cần thời giờ một mình để chuẩn bị cho điều Cha Ngài kêu gọi Ngài (Ma-thi-ơ 4:1-17; Mác 1:12-13; Lu-ca 4:1-14).

2. Để Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan Của Đức Chúa Trời. 

Phao-lô và Ba-na-ba cầu nguyện và kiêng ăn cho các trưởng lão của các hội thánh trước khi trao phó họ cho Chúa dùng họ phục vụ Ngài (Công Vụ 14:23).

3. Để Bày Tỏ Sự Than Khóc. 

Nê-hê-mi than khóc, kiêng ăn và cầu nguyện khi ông biết được tin các tường thành Giê-ru-sa-lem bị đổ nát, khiến cho dân Y-sơ-ra-ên bị nguy hiểm và tủi nhục (Nê-hê-mi 1:1-4).

4. Để Tìm Cầu Sự Giải Cứu Hay Bảo Vệ. 

Ê-xơ-ra công bố sự kiêng ăn và cầu nguyện của toàn dân sự cho hành trình trên 900 dặm từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem của người Y-sơ-ra-ên (Ê-xơ-ra 8:21-23). 

5. Để Ăn Năn.

Sau khi Giô-na công bố sự phán xét nghịch lại thành Ni-ni-ve, vị vua tự mình quấn vải sô và ngồi trong tro bụi. Sau đó ông ra lệnh cho dân chúng kiêng ăn và cầu nguyện. Giô-na 3:10 chép rằng, “Bấy giờ, Đức Chúa Trời thấy việc làm của họ và thấy họ đã từ bỏ đường lối xấu xa của mình thì Ngài đổi ý về tai họa định giáng trên họ như đã phán, và Ngài không làm điều đó.”

6. Để Chiến Thắng

Sau khi mất hơn 40 ngàn người trong hai ngày chiến trận, người Y-sơ-ra-ên kêu cầu Chúa giúp sức. Các Quan Xét 20:26 nói rằng mọi người đi lên Bê-tên và “ngồi xuống kêu khóc trước Chúa.” Họ cũng “kiêng ăn cho đến tối ngày đó.” Ngày hôm sau Chúa cho họ chiến thắng người Ben-gia-min.

7. Để Thờ Phượng Chúa. 

Lu-ca 2 kể lại câu chuyện nữ tiên tri An-ne đã 84 tuổi. Câu 37 nói rằng, “Bà chẳng hề rời khỏi đền thờ, cứ đêm ngày phục vụ Chúa, kiêng ăn và cầu nguyện.” An-ne đã tận hiến đời sống cho Chúa, và kiêng ăn là một sự bày tỏ tình yêu kính của bà dành cho Ngài.

Mặc dù có nhiều hình ảnh kiêng ăn trong suốt toàn bộ Kinh Thánh, nhiều Cơ đốc nhân chậm chạm trong sự kiêng ăn. Tôi tin rằng có ba nhân tố chính làm cho người tin kính do dự: sợ hãi, thờ ơ hay chống nghịch.

Sợ hãi.

Họ sợ hãi. Sợ những điều không biết trước. Sợ cảm giác đau nhói bao tử. Sợ là bắt đầu nhưng không kiêng ăn cho đến cùng được. Sợ kiêng ăn một mình. Kẻ Thù đã thuyết phục được họ là họ không bao giờ kiêng ăn được. Thay vì nhìn đến sức mạnh Chúa ban để giúp sức cho mình, họ bị chính sự yếu đuối của họ ăn nuốt họ và trở nên bị tê liệt bởi sự sợ hãi.

Thờ ơ.

Đơn giản là nhiều Cơ đốc nhân không được dạy dỗ về sự quan trọng của việc tìm kiếm Chúa trong cách này. Nhiều hội thánh thường không khích lệ sự kiêng ăn, và trong nhiều trường hợp lại không bao giờ nói về điều này trên bục giảng. Thí dụ, tôi lớn lên trong một hội thánh tin vào Kinh Thánh, nhưng tôi từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, tôi không nhớ được là có nghe sứ điệp về kiêng ăn.

Chống nghịch.

Một thành phần lớn trong số Cơ đốc nhân biết những ích lợi của sự kiêng ăn, nhưng họ không sẵn sàng thực hành. Lòng của họ bị chai cứng khi đến với ý tưởng kiêng ăn. Khi Chúa mời gọi họ đến gần, gót chân của họ dính chặt vào mặt đất và từ chối vâng phục.

Nhiều lần chúng ta không kiêng ăn bởi vì chúng ta đã mất đi sự ngon miệng thuộc linh. John Piper nói, “Sự vắng mặt của sự kiêng ăn là thước đo sự thỏa lòng của chúng ta với sự vắng mặt của Đấng Christ.” Piper thêm, “Nếu chúng ta không cảm nhận một sự khao khát mạnh mẽ cho sự biểu hiện của vinh quang của Đức Chúa Trời, đó không phải vì chúng ta đã say sưa Chúa một cách sâu nhiệm và thỏa lòng. Nó là vì chúng ta đã bị gặm nhắm quá lâu ở bàn tiệc của thế gian. Linh hồn của chúng ta chứa chất đầy những điều nhỏ mọn, và không còn chỗ chứa điều vĩ đại.” 

Kiêng ăn là một kỷ luật thuộc linh rất cần thiết trong đời sống của người tin kính.

Nó thật là một “con đường đau khổ sung sướng,” như John Piper gọi.

Khi quý vị làm trống rỗng chính mình trong thể lý và thể linh, quý vị mở của cho Đức Chúa Trời bước vào và làm điều lạ lùng. Quan hệ của quý vị với Chúa được đem đến một tầng mức hoàn toàn mới. Quý vị cũng trở nên nhạy bén hơn với công việc của Đức Thánh khiến làm cho quý vị có thể nghe được tiếng Chúa rõ ràng hơn.

Bất cứ ai đã kiêng ăn – dù là kiêng ăn hoàn toàn, chỉ uống hay kiêng ăn một phần – phải đồng ý là kiêng ăn là điều khó khăn. Về thể lý, quý vị phải chịu đựng những ảnh hưởng phụ khó chịu, như là nhức đầu, đuối sức và khó chịu trong bụng vì thân thể của quý vị phải ráng điều chỉnh theo mức năng lượng cần có bị giảm đi. Về linh vụ, những tấn công từ Kẻ Thù gia tăng cả về tầm vóc lẫn mức độ thường xuyên để đưa đến kết quả có một loạt những sự khó chịu có thể như là đang tràn ngập quý vị.

Nhưng cũng chính những người đã thành thật về những thách thức của sự kiêng ăn cũng nhất trí rằng sự hy sinh thật xứng đáng với những phần thưởng. Vậy đừng chống lại sự chịu khổ đi kèm với sự kiêng ăn. Hãy vui mừng trong nó! Kiêng ăn là một thực hành thuộc linh mà Đức Chúa Trời tôn trọng. Ngài hứa ban đầy phước hạnh trên những người đói khát Ngài (Ma-thi-ơ 5:6).

 

Nephtali

(Lược dịch theo: faithgateway.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan