Trả Lời Những Câu Hỏi Hóc Búa Về Kỷ Luật Hội Thánh

Share

Có yêu thương khi thực hành kỷ luật hội thánh không?

Kỷ Luật Hội Thánh Là Gì?

Quý vị có thể nhận ra là hai chữ “môn đồ” và “kỷ luật” là những chữ có liên hệ với nhau. Trong cái nhìn rộng, kỷ luật hội thánh là một phần của môn đồ hóa. Nó có sự dạy dỗ chỉnh sửa. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi trong nhiều thế kỷ đã có những thực hành về “kỷ luật hình thành” và “kỷ luật chỉnh sửa.” Chúng ta hình thành bằng cách dạy dỗ. Chúng ta sửa sai bằng cách chỉ ra lỗi lầm.

Trong một ý nghĩa hẹp hơn, kỷ luật hội thánh có nghĩa là sửa sai tội lỗi. Tiến trình bắt đầu với những cảnh cáo riêng. Nó kết thúc, khi cần thiết, với sự loại bỏ vai trò hội viên hội thánh và sự dự phần tiệc thánh của một người không ăn năn – người đó từ chối từ bỏ tội. Thường thì người ta dùng chữ “kỷ luật hội thánh” để đặc biệt nói đến bước cuối cùng này. Thí dụ khi họ nói, “Chúng ta kỷ luật ông Châu ra khỏi hội thánh,” có nghĩa là họ bãi bỏ tư cách hội viên hội thánh và sự dự phần tiệc thánh của ông Châu. Họ cũng dùng chữ “dứt phép thông công” với ý nghĩa như vậy.

Kỷ luật hội thánh không phải là về trừng phạt hay thực hiện công lý. Nó là về sự chuộc lại. Ý nghĩa của nó là giúp cho một Cơ đốc nhân và hội chúng tăng trưởng để trở nên giống như Chúa. Như Phao-lô nói, “chúng ta phó kẻ như thế cho Sa-tan hủy hoại phần thân xác để phần tâm linh được cứu trong ngày của Chúa.” (1 Cô-rinh-tô 5:5, BTTHĐ 2010)

Kỷ luật hội thánh là một điều đau đớn nhưng cần thiết, và phải luôn luôn trong tình yêu thương. Trong phần thêm vào loạt bài học “9 Dấu Ấn Hội Thánh”, Jonathan Leeman trình bày những câu trả lời cô đọng trên nền tảng Kinh Thánh cho những câu hỏi khác nhau về bản chất và áp dụng kỷ luật hội thánh. 

Kỷ Luật Hội Thánh Có Trong Kinh Thánh Không?

Câu trả lời là có. Nó được cho thấy trong một số đoạn Kinh Thánh Tân Ước (thí dụ, 2 Cô-rinh-tô 2:6; Ga-la-ti 6:1; Ê-phê-sô 5:11; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6–15; 1 Ti-mô-thê. 5:19–20; 2 Ti-mô-thê 3:2–5; Tít 3:10). Có lẽ hai đoạn được biết đến nhiều nhất về kỷ luật hội thánh là Ma-thi-ơ 18:15–17 and 1 Cô-rinh-tô 5.

Chúa Giê-xu lên đề tài này trong Ma-thi-ơ 18 trong khi dạy về cách một người chăn nhân lành sẽ rời 99 con chiên để tìm được một con đi lạc (10-14). Làm thế nào chúng ta có thể tìm con đi lạc? Chúa Giê-xu trả lời như thế này:

15 Nếu anh em con có lỗi với con, hãy gặp riêng và nói cho người ấy biết điều đó. Nếu người ấy chịu nghe thì con được lại anh em. 16 Nhưng nếu người ấy không chịu nghe thì hãy đem một hay hai người đi với con, để dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận. 17 Nếu người ấy vẫn không chịu nghe những người nầy thì hãy báo cho Hội Thánh; và nếu người ấy không chịu nghe Hội Thánh thì hãy xem người ấy như người ngoại và kẻ thu thuế.

— Ma-thi-ơ 18:15–17

Có một người phạm tội. Người đó được bảo một cách riêng tư. Người đó không chấm dứt. Được nói chuyện lần thứ hai. Vẫn không chấm dứt. Người đó phải đối diện với hội thánh. Vẫn không chấm dứt. Ở điểm đó, Chúa Giê-xu bảo, người đó phải được đối xử như là với một người ở ngoài cộng đồng giao ước – một người bên ngoài. Người ấy phải bị loại ra hay dứt phép thông công khỏi cộng đồng dân Chúa.

Chú ý là Chúa Giê-xu muốn giữ cho vấn đề càng nhỏ càng tốt, nhưng Ngài cũng sẵn sàng đem vấn đề đến với toàn hội thánh. Sau cùng, chính là toàn hội thánh đã xác định sự tuyên xưng đức tin của người đó khi họ đem người vào thành hội viên. Trong một hội thánh, tất cả chúng ta cùng chia sẻ sự xác định tập thể vì chúng ta có cùng một họ. Chúng ta chịu trách nhiệm về lẫn nhau, như là những chi thể khác nhau trong một thân thể.

Cũng chú ý là Chúa Giê-xu tin vào một tiến trình thích hợp. Một vấn đề phải được xác lập bởi hai hay ba nhân chứng, giống như luật tòa án của dân Y-sơ-ra-ên (Phục Truyền 19:15). Ngài không muốn có những tố cáo giả dối hay công lý của đám đông là luật hội thánh. Ngài không muốn các mục sư đứng lên và diễn dịch về tư cách của con người. Ngài chỉ muốn hội thánh hành động khi các sự kiện đã được đồng ý chung.

Dù vậy, những lời của Chúa Giê-xu có thể gây kinh ngạc. Không phải là trong vài đoạn trước đó Ngài bảo chúng ta rằng, “Đừng xét đoán ai để các con khỏi bị xét đoán.” (Ma-thi-ơ 7:1). Điều đáng chú ý là Chúa Giê-xu bảo các môn đồ đừng xét đoán trong cùng một cách Ngài bảo họ đừng quăng ngọc trai cho heo và hãy nhận biết cây bằng cách biết trái của nó, mà cả hai đều là về sự đoán xét (Ma-thi-ơ 7:6,20). Chúng ta làm cách nào để kết nối những điều này lại với nhau?

Rõ ràng là Chúa Giê-xu không muốn chúng ta tự ý hành động như là một quan tòa sau cùng để xử một ai đó, nhưng Ngài muốn chúng ta thực hành sự phân biệt với người mà chúng ta có mối thông công, đặc biệt là khi đến với vấn đề hội viên hội thánh.

Phao-lô dạy y như vậy trong 1 Cô-rinh-tô 5. Ông đối diện với hội thánh Cô-rinh-tô về một thành viên ngủ với vợ của cha của mình (5:1). Hội thánh đã biết về tình trạng này, nhưng vì một lý do nào đó họ “còn vênh vang.” Có lẽ họ nghĩ rằng họ đang yêu thương và dung thứ. Dù là trường hợp nào đi nửa, Phao-lô trả lời rằng họ đừng vênh vang nhưng thay vì vậy phải “than khóc và loại trừ kẻ làm điều đó ra khỏi anh em” (5:2).

Chú ý là tiến trình của Phao-lô khác một chút với của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đưa ra một tiến trình 4 bước hành động: đầu tiên là một người đến trao đổi với người phạm tội, sau đó là hai hay ba người, rồi đến hội thánh, và sau cùng là loại ra khỏi hội thánh. Tại sao có sự khác biệt giữa Chúa Giê-xu và Phao-lô? Có 2 lý do rõ ràng. Thứ nhất, tiến trình của Chúa Giê-xu là làm từng bước để thử nghiệm sự ăn năn của người phạm tội trong khi Phao-lô đã biết chắc là người này không ăn năn (5:3,11). Thứ hai, Chúa Giê-xu đưa ra một tình trạng tội lỗi có tính chất riêng tư và chưa được biết đến trong khi Phao-lô cho biết là cả hội thánh Cô-rinh-tô đều đã biết. Nói một cách khác tình hình thực tế của Phao-lô bắt đầu khi tình hình trong thí dụ của Chúa Giê-xu đã kết thúc.

Hội Thánh Thực Hiện Kỷ Luật Như Thế Nào?

Trách nhiệm với công chúng phải là một sự phát sinh của điều đã diễn tiến trong đời sống riêng tư của hội viên hội thánh. Kỷ luật chính thức của hội thánh làm việc tốt nhất khi các hội viên đã biết cách đưa ra và nhận lấy sự chỉnh sửa trong tình yêu thương. Họ làm vậy trong nhà của họ. Họ làm trong buổi ăn trưa. Họ làm cách mềm mại, cẩn thận và luôn luôn với sự hiểu biết của một người khác. Họ không đưa ra lời chỉnh sửa một cách ích kỷ – “chỉ để trút xả cơn giận.”

Có một số nguyên tắc trọng yếu để tiến hành kỷ luật hội thánh

 

Tiến trình phải dính dáng càng ít người càng tốt. Nguyên tắc này rõ ràng được đưa lên trong Ma-thi-ơ18:15–17. Nếu một cuộc nói chuyện giữa một người với một người đem đến kết quả ăn năn, thật tốt. Nếu phải có đến hai hay ba người nửa, hãy làm như vậy. Một vấn đề phải đem đến toàn hội thánh chỉ sau khi đã hết sức thực hiện tất cả những cách khác.

Người đó phải có được quyền nghi vấn. Như chúng ta đã thấy rõ, Chúa Giê-xu đã định một điều giống như tiến trình tra xét cẩn thận trong Ma-thi-ơ 18:16: “dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng mà mọi lời được xác nhận.” Lời cáo buộc phải được thiết lập. Chứng cớ phải được trình ra. Những nhân chứng phải được dự phần. Cơ đốc nhân cần tiến hành chậm, cẩn thận, và hội thánh phải xử lý những trường hợp kỷ luật với những điều như là nguyên tắc tòa án là “được kể là vô tội cho tới khi chứng minh được là có tội.”

Các lãnh đạo Hội thánh phải dẫn đầu tiến trình. Tội lỗi có tính gian trá và phức tạp. Dễ cho chúng ta bị lừa dối. Thế nên Giu-đe viết, “22 Hãy thương xót một số người hay nghi ngờ; 23 hãy giải cứu một số người khác, kéo họ ra khỏi lửa; còn với những người khác nữa, hãy có lòng thương xót lẫn sợ hãi, ghét cả đến chiếc áo bị xác thịt làm ô uế.” (Giu-đe 22–23). Nói chung, một khi vấn đề kỷ luật đã đi ra khỏi bước một hay hai, các lãnh đạo hội thánh phải lãnh đạo tiến trình. Đức Thánh Linh đã ban cho họ sự hướng dẫn toàn thể hội chúng 

(Công vụ 20:28). Cho nên họ, theo lẽ tự nhiên, họ phải là những người quyết định có nên hay không nên đem một vấn đề đến toàn thể hội chúng.

Kỷ Luật Hội Thánh Phải Liên Hệ Toàn Hội Thánh. Các truyền thống hệ phái khác nhau có những cách khác nhau để liên hệ toàn hội thánh vào tiến trình của kỷ luật chính thức. Nhưng dù là hệ phái nào thì các lãnh đạo phải tìm những cách để “trình với hội thánh” (Ma-thi-ơ 18:17). Kỷ luật, đặc biệt trong những giai đoạn sau cùng, là một sự kiện quan trọng sâu xa trong đời sống của hội thánh. Hội thánh là thân thể do sự hiệp lại của chúng ta với Đấng Christ. Cho nên mỗi chi thể trong thân thể phải có phần của nó. Một cách mục vụ, nó là một sự kiện quan trọng mà mỗi chi thể phải sở hữu, nhận lấy là của mình.

Tất cả đều phải học hỏi. Tất cả sẽ bị cảnh cáo và thách thức. Tất cả đều có một điều gì đó để đóng góp.

Kỷ Luật Hội Thánh Có Luôn Luôn Là Yêu Thương?

Chúng ta cần nhận biết những sự khác nhau giữa kỷ luật yêu thương và kỷ luật không yêu thương. Hội thánh lạm dụng kỷ luật cũng giống như cha mẹ hay viên chức cảnh sát lạm dụng, làm ra những hư hoại rất lớn. Nó có tính thù ghét, và Đức Chúa Trời ghét nó. Kỷ luật yêu thương của hội thánh đem lại sự sống, sức khỏe, sự nên thánh, và sự tăng trưởng. Nó giúp các hội thánh của chúng ta giữ được sự lành mạnh và hơn nửa là làm chứng cho tin lành.

Kinh Thánh dạy rằng kỷ luật và yêu thương trong thực tế kết nối chặt chẽ với nhau: “Chúa sửa phạt người Ngài yêu thương,” (Hê-bơ-rơ 12:6). Đức Chúa Trời không xem tình yêu thương và kỷ luật là chỏi nhau nhưng dạy rằng tình yêu thương là phát động kỷ luật.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ nói tiếp, “ 10 Vì cha về phần xác theo ý mình sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích lợi cho chúng ta mà sửa phạt, để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài. 11 Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:10–11). Nhóm chữ “sinh ra bông trái công chính và bình an” làm tôi nghĩ đến những cánh đồng lúa mì chín vàng, khi chỉ nghĩ đến những cánh đồng đó là sự công chính và bình an trong một hội thánh. Đó không phải là một bức hình thật đẹp sao?

Kỷ luật của hội thánh vun trồng hội thánh trong sự công chính, bình an và yêu thương. Điều này là lẽ thật cho dù không một tội nhân nào ăn năn tội của họ và được phục hồi trở lại vào hội thánh. Trong cùng lúc đó, bởi ân sủng của Chúa, tôi từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân được phục hồi, nhiều lời nói dối được xưng nhận, những sự nghiện ngập được bỏ đi, tin lành được tái xác nhận và tình yêu thương giải cứu nhiều người qua kỷ luật hội thánh. Những câu chuyện phục hồi sau khi ăn năn thật làm vinh hiển Chúa.

Việc Cất Đi Tư Cách Hội Viên Của Một Người Chính Xác Là Có Ý Nghĩa Gì?

Bãi bỏ tư cách hội viên và sự dự phần tiệc thánh của một người là một cách công bố rằng hội thánh không còn sẵn sàng để xác nhận công khai rằng người đó là một Cơ đốc nhân.

Hãy suy nghĩ một chút về một hội thánh nói rằng khi hội thánh đem một người vào thành viên hội thánh. Hội thánh đang công khai xác nhận sự tuyên xưng đức tin của người đó. Hội thánh đang công bố trước các nước, “Ông Châu tuyên xưng mình là một người sống theo Đấng Christ, và vì thế chúng tôi công khai xác nhận rằng chúng tôi đồng ý với ông. Chúng tôi tin rằng ông Châu là một công dân của vương quốc của Đấng Christ.” Hội thánh làm sự công bố này qua lễ báp-têm và tiệc thánh.

Cho nên nếu một thành viên dự phần với sự xác định công khai của hội thánh về sự tuyên xưng, kỷ luật hội thánh liên hệ đến việc bãi bỏ sự xác định đó. Người đó có thể tiếp tục xưng nhận mình là một Cơ đốc nhân. Nhưng bây giờ hội thánh nói rằng, “Chúng tôi không còn có thể xác nhận điều này.”

Hay để cho tôi giải thích theo cách này. Nếu “ông Châu” đến với quý vị và nói rằng ông không phải là một Cơ đốc nhân, và sau đó tôi hỏi quý vị ông ta có phải là một Cơ đốc nhân, quý vị sẽ nói, “Không phải.” Như vậy là đúng phải không?

Nhưng giả sử ông Châu nói rằng ông là một Cơ đốc nhân, nhưng sau đó quý vị thấy ông ta làm những chuyện mà chúng ta không thể nghĩ là Cơ đốc nhân làm, và ông ta không nhận lỗi về điều đó, giống như là bỏ vợ để sống với một người đàn bà khác. Quý vị sẽ nói gì nếu sau đó tôi hỏi quý vị ông ta có phài là một Cơ đốc nhân không? Tôi nghĩ là quý vị sẽ cảm thấy không thoải mái để nói một cách quả quyết “phải” hay “không phải.”

Cũng giống như vậy, cất bỏ tư cách hội viên của một người không phải là một điều tuyệt đối “yes” hay “no” về sự tuyên xưng đức tin của một người. Nó là sự cất đi chữ “yes.” Nó là nói rằng “chúng tôi sẽ không còn xác nhận sự tuyên xưng này.” Một hội thánh khi đến chỗ đã cố gắng nhiều mặt để kêu gọi một người ăn năn sẽ thấy là hội thánh sẽ không thành thật khi xác nhận sự tuyên xưng đức tin của người đó.  

 

Nguyễn Trọng

(Lược dịch theo: outreachmagazine.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan