Vững Lòng Trung Tín – 4 Bước Của Đức Tin

Share

Trong cuộc sống bạn và tôi sẽ thấy có những lúc gặp hoàn cảnh tối tăm, dường như không lối thoát, và Chúa dường như Ngài im lặng. Thật ra điều này không có gì lạ, vì những anh hùng trong Kinh Thánh đều đã trải qua. Như Giô-sép đang ở địa vị cao, bị vu khống là hãm hiếp bà chủ mình, ông bị bỏ vào tù không biết ngày nào được thả tự do, dù trước đó có hai lần Chúa cho ông giấc mơ là các anh ông quỳ trước mặt ông và các ngôi sao cũng quỳ trước ông.

Tương tự như thế, Đa-vít dù đã được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu và nói tiên tri sẽ trở thành vua Y-sơ-ra-ên. Đa-vít sau khi giết chết Gô-li-át được “Sau-lơ phong cho ông làm chỉ huy trưởng quân đội. Ông được lòng toàn dân và cả triều thần của Sau-lơ nữa” (1 Sa-mu-ên 18:5). Chiến thắng càng thêm chiến thắng nên được các phụ nữ vui đùa ca hát đối đáp nhau: “Sau-lơ giết hàng ngàn, Đa-vít giết hạng vạn!” (Sa-mu-ên 18:7), nhưng phút chốc Đa-vít bị vua Sau-lơ săn đuổi tìm cách giết và chạy trốn từ chổ này đến chổ khác, thậm chí có lúc phải giả cư xử như người khùng để giữ cho mình được bình yên (1 Sa-mu-ên 21:13).

Cơ-đốc nhân chúng ta không ngoại lệ. Kinh Thánh đã ghi nhận tại Lít tra, Y-cô-ni và An-ti-ốt, Các sứ đồ củng cố tinh thần các môn đệ, khích lệ họ bền lòng tin Chúa mà rằng: Chúng ta phải trải qua nhiều hoạn nạn mới vào được Nước Đức Chúa Trời (Công vụ 14:22).

Mục đích bài viết này là để khích lệ, nhắc nhở và giúp đỡ chúng ta có thể đương đầu với mọi nghịch cảnh, vững lòng trung tín cho đến cuối cùng và hoàn tất mọi khải tượng và công việc đã được Chúa tin cậy và giáo phó. 

Bước 1: Đức tin xác quyết trong lòng

Người Tin Lành phải tin và sống với tin lành của Chúa Giê-su. 

Vì trong Tin Lành nầy, sự công chính của Đức Chúa Trời được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có lời chép: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:17 BTTHĐ)

Khi được tái sanh, mắt tâm linh chúng ta được mở ra (Giăng 3:5). Nhờ sự soi sáng của Đức Thánh Linh, chúng ta đọc, học lời Chúa và vâng theo, Đức Thánh Linh soi sáng con mắt của lòng, để chúng ta biết niềm hi vọng mà Chúa đã gọi mình là gì, và cơ nghiệp giàu có vinh quang của Ngài dành cho chúng ta (Ê-phê-sô 1:18). Do đó chúng ta không chú tâm và bị rúng động bởi những gì mắt trần thấy, nhưng chú tâm những gì mắt tâm linh nhìn thấy. Phao-lô đã nói trong 2 Cô-rinh-tô 4:18 như sau

Bởi chúng ta không chú tâm đến những điều thấy được, nhưng chú tâm đến những điều không thấy được. Vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu. 

Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy (Hê-bơ-rơ 11:1).

Vì tin trong lòng thì được sự công chính (Rô-ma 10:10). Chính đức tin xác quyết ở trong lòng sẽ khiến lời cầu nguyện chúng ta được Chúa nhậm và những điều Chúa hứa sẽ thành tựu. Chúa Giê-su dạy về sự cầu nguyện như sau.

Vì vậy Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy (Mác 11:24).

Hãy chú ý là khi chúng ta “tin rằng mình đã nhận được rồi, thì… sẽ được điều ấy“. Dù có đức tin “đã nhận được rồi”, nhưng chúng ta cần thời gian “sẽ được”. “Sẽ” nói đến thời gian tương lai sẽ “nhận được”. Có khi thời gian dài hơn chúng ta dự đoán thí dụ, “sẽ được” đối với Áp-ra-ham là 25 năm mới có đứa con của lời hứa. Còn với Đa-vít “sẽ được” là khoảng 20 năm mới được lên ngôi vua. Do đó trong khoảng thời gian chờ đợi lời hứa của Chúa chúng ta hãy vững lòng trung tín với Chúa. Giô-suê đã xác chứng điều này nên ông nói trong Giô-suê 21:45: 

Trong tất cả các lời hứa tốt lành mà CHÚA đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào không thành tựu; tất cả đều ứng nghiệm.

Do đó, khải tượng, lời tiên tri và những gì chúng ta nghe và nhận từ Chúa sẽ “chẳng có lợi ích gì vì đã không kết hợp với đức tin khi nghe” (Hê-bơ-rơ 4:2). Đừng để sự nghi ngờ len vào đời sống khiến chúng ta nghi ngờ lời Chúa hứa. Gia-cơ dạy chúng ta như sau: 

6 người ấy hãy lấy đức tin mà cầu xin, không chút nghi ngờ vì người nghi ngờ giống như sóng biển bị gió đưa đẩy, dập dồi. 7 Người như thế đừng mong nhận lãnh điều gì từ nơi Chúa; 8 đó là người hai lòng, không kiên định trong mọi đường lối của mình.

— Gia-cơ 1:6-8

Bước 2: Đức tin công xưng (công bố và tuyên xưng)

Tuy nhiên, đức tin xác quyết trong lòng vẫn chưa đủ, bước thứ hai chúng ta cần công bố và tuyên xưng điều chúng ta tin ra là những lời Chúa hứa, lời tiên tri hay khải tượng. Chúng ta cần công xưng với đức tin xác quyết, vì đây là lời đức tin. Sứ đồ Phao-lô đã dạy như sau:

6 Sự công chính đến từ đức tin nói thế nầy…. 8 lời (lời Rhema theo tiếng Hy lạp là lời sự sống) ấy nói gì? “Đạo (lời Rhema) ở gần anh em, trên môi miệng và trong lòng anh em,” Đó là đạo (lời Rhema) đức tin mà chúng tôi giảng dạy. 9 Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jêsus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. 10 Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi

— Rô-ma 10:6-10 (BDTTHĐ)

Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ ngày xưa và chúng ta ngày nay về quyền năng của sự cầu nguyện với thẩm quyền là công bố xưng nhận những gì mình nói sẽ xảy ra qua sự kiện Ngài quở cây vả.

20 Sáng hôm sau, khi đi ngang qua đó, họ thấy cây vả đã khô đến tận rễ; 21 Phi-e-rơ nhớ lại chuyện hôm qua nên thưa với Ngài: “Thầy ơi, xem kìa! Cây vả mà Thầy quở đã chết khô rồi.”

— Mác 11:20-21

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cần phải “tin rằng mình đã nhận được rồi”, và kế tiếp là dùng thẩm quyền bảo với hòn núi và tin những điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều đó sẽ được thực hiện.

22 Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời. 23 Thật, Ta bảo các con, ai bảo hòn núi nầy: ‘Hãy nhấc lên, và lao xuống biển,’ nếu trong lòng người ấy không có chút nghi ngờ, nhưng tin điều mình nói sẽ xảy ra, thì điều đó sẽ được thực hiện. 24 Vì vậy Ta bảo các con, bất cứ điều gì các con xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin rằng mình đã nhận được rồi, thì các con sẽ được điều ấy

— Mác 11:22-24

Sách Hê-bơ-rơ 13:5,6 dạy chúng ta hãy nói lời đức tin dựa theo lời hứa của Chúa, chứ không nói theo hoàn cảnh. Vì Chúa đã hứa nên chúng ta mạnh dạn nói lời đức tin.

5 vì chính Đức Chúa Trời có phán (đã phán): “Ta sẽ chẳng lìa con, chẳng bỏ con đâu.” 6 Như vậy, chúng ta có thể nói cách mạnh dạn: “Chúa giúp đỡ tôi, tôi sẽ không sợ. Người đời làm gì tôi được?”

Do đó chúng ta hãy nói lời đức tin là lời sẽ xảy ra là lời chân lý, chứ không nói lời đang xảy ra lời họp lý. Vì thế khi có nan đề như sau bạn hãy nói:

  • Hỡi kẻ bệnh tật hãy nói tôi khỏe mạnh vì lằn roi Chúa Giê-su chịu tôi đã lành bệnh.
  • Hỡi kẻ nghèo nàn hãy nói tôi đã giàu có vì Chúa Giê-su Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó để tôi được giàu có.
  • Hỡi kẻ thiếu thốn hãy nói tôi no đủ vì Đức Giê-hô-va Đấng Chăn Giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
  • Hỡi kẻ lo lắng sợ hãi hãy nói tôi nương náo mình nơi Đấng Chí Cao sẽ hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng, Chúa giúp đỡ tôi, tôi sẽ không sợ.
  • Hỡi kẻ đau khổ và than khóc hãy nói tôi được Chúa an ủi và Ngài xức dầu vui mừng và mặc áo choàng ngợi khen cho tôi.

Bước 3: Đức tin có hành động

Kế tiếp là đức tin phải có hành động. Nếu không có hành động thì đức tin ấy vô ích không có kết quả và là đức tin chết. Sứ đồ Gia-cơ đã dạy chúng ta như sau:

14 Thưa anh chị em, nếu có ai bảo mình có đức tin nhưng không hành động thì có ích gì không? Đức tin ấy cứu người đó được không? (nghĩa là không) 17 Đức tin cũng thế, nếu đức tin không có hành động thì tự nó chết đi. 20 Hỡi kẻ dại khờ! Anh muốn biết đức tin không có hành động là vô ích không?

— Gia-cơ 2:14-21

Sau đó sứ đồ Gia-cơ đã chứng minh tổ phụ đức tin là Áp-ra-ham “nhờ các hành động mà đức tin được kiện toàn“. Ông nói:

21 Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, chẳng từng được kể là công chính do hành động hiến dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ sao? 22 Anh thấy đức tin đồng công với các hành động của ông và nhờ các hành động mà đức tin được kiện toàn, 23 Và lời Kinh Thánh này được ứng nghiệm: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời nên được kể là công chính và được gọi là bạn hữu của Đức Chúa Trời.”

— Gia-cơ 2:22-23

Cuối cùng sứ đồ Gia-cơ đã kết luận là “Anh chị em thấy con người được công chính bởi hành động, chứ không phải chỉ bởi đức tin mà thôi” (Gia-cơ 2:24). Tương tự, có rất nhiều phép lạ Chúa Giê-su đã làm mà trước đó Ngài đòi hỏi những người muốn được chữa lành phải nói và có hành động đức tin kèm theo. 

Trong Mác 10:46-52 Người mù Ba-ti-mê khi biết Chúa Giê-su đi ngang qua ông đã kêu lớn “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót con!” dù bị nhiều kẻ quở mắng anh ấy, bảo phải im lặng, nhưng anh càng kêu lớn hơn nữa. Khi Chúa Giê-su dừng lại và bảo: 

48 “Hãy gọi người ấy đến đây.” 50 Người mù vứt bỏ áo choàng, đứng phắt dậy và đến với Đức Chúa Jêsus. 51 Đức Chúa Jêsus hỏi: “Con muốn Ta làm gì cho con?” Anh thưa: “Lạy Thầy, xin cho con được sáng mắt.” 52 Ngài phán: “Hãy đi, đức tin con đã chữa lành con.” Lập tức người mù được sáng mắt lại và đi theo Ngài (BDKTHĐ).

Tại đây chúng ta thấy người mù đã bày tỏ hành động của đức tin bằng cách nói và sau đó “vứt bỏ áo choàng, đứng phắt dậy và đến với Đức Chúa Giê-su”. 

Chúa Giê-su đã có hành động đức tin sự chữa lành người mù từ thuở sinh ra bằng cách nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù. Rồi, Chúa Giê-su phán cùng người rằng: Hãy đi, rửa nơi ao Si-lô-ê. Vậy, người mù hành động vâng lời bởi đức tin đi đến ao đó, rửa, và trở lại, thì được thấy rõ (Giăng 9:1-7).

Bước 4: Đức tin không bỏ cuộc

Bước thứ tư là đức tin không bỏ cuộc, đây bước có rất nhiều người đã bỏ cuộc, nhưng đây là bước mang đến sự bức phá và phép lạ. Những anh hùng đức tin trong Hê-bơ-rơ 11 là những người không bỏ cuộc.

Bất cứ ai tin đều có giai đoạn được thử nghiệm đức tin bằng thời gian và hoạn nạn. Đức tin không chỉ là thời gian chờ đợi, nhưng trong thời gian đó bao gồm cả hoạn nạn. Mỗi người phải chịu thử thách thời gian và hoạn nạn khác nhau. Đa-vít tốn 20 năm để được làm vua hầu hết là khoảng thời gian bị thử thách là vua Sau-lơ săn lùng để giết. Môi-se 40 năm trong đồng vắng chăn chiên cho cha vợ trước khi chăn dắt dân Chúa. Chúa Giê-su tốn 30 năm phục vụ gia đình dưới đất (chú ý là khi phân tích KT, các học giả đồng ý là Giô-sép mất sớm nên nói Chúa Giê-su phục vụ cha dưới đất 30 năm là không đúng về lịch sử và thần học) sau đó mới bắt đầu thi hành chức vụ phục vụ Cha trên trời. 

Chúa Giê-su đã báo trước là dù có hoạn nạn hay có điều gì xảy ra hãy có sự bình an trong Ngài và vững tâm tin Ngài. 

“Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi.” (Giăng 14:33).

Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian qua sự chết và sự sống lại. Sứ đồ Gia-cơ dạy chúng ta là Hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, 3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra kiên nhẫn. 4 Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gia-cơ 2:2-4).

Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nói là,

Hãy vui mừng về điều ấy, dù bây giờ anh em còn chịu đau buồn trong ít lâu bởi muôn vàn thử thách; để đức tin của anh em sau khi được thử nghiệm sẽ quý hơn vàng — dù vàng đã được thử lửa, vẫn có thể hư hoại — đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện đến (1 Phi-e-rơ 1:6,7)

Đức Thánh Linh đang ở trong chúng ta, Ngài không bao giờ lìa xa chúng ta. Vì thế, sẽ chẳng để cơn cám dỗ hay thử thách nào có thể chinh phục hay vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài sẽ mở lối thoát để chúng ta có thể chịu đựng được (1 Cô-rinh-tô 10:13). 

Tóm lại, thử thách chỉ trong ít lâu, Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua. Mục đích của thử thách là giúp chúng ta có sự kiên nhẫn để chúng ta được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì. Đức tin sau khi thử nghiệm sẽ quý giá hơn cả vàng đã thử lửa. Điều này sẽ đem lại sự ca ngợi, vinh quang và tôn trọng khi Đức Chúa Giê-su Christ hiện đến.

Tổ phụ đức tin là Áp-ra-ham đã chứng tỏ đức tin này khi Chúa hứa là ông sẽ có con. Ông đã vượt qua thời gian thử thách, hoạn nạn và ông đã vâng lời Chúa đến cuối cùng.

18 Người vẫn tin trong hy vọng dù không còn gì để hy vọng, nên người trở thành cha của nhiều dân tộc như lời đã phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế;” 19 người không giảm sút đức tin khi thấy thân thể mình cũng như dạ bà Sa-ra như đã chết, vì người đã gần một trăm tuổi; 20 Người không vì lòng vô tín mà nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng được mạnh mẽ trong đức tin tôn vinh Đức Chúa Trời 21 và hoàn toàn tin chắc rằng điều gì Đức Chúa Trời đã hứa thì Ngài cũng có đủ quyền năng làm được. 22 Vì thế người được kể là công chính (Rô-ma 4:18-22).

Kết

Sứ đồ Phao-lô đã nói tiên tri trước về thời kỳ chúng ta sống là: 

1 Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn. 2 Vì người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, 3 không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, 4 bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, 5 giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó (2 Ti-mô-thê 2:1-5).

Do đó, bạn cần nắm vững 4 bước đức tin: 

  1. Đức tin xác quyết trong lòng. 
  2. Đức tin công xưng (công bố và tuyên xưng). 
  3. Đức tin có hành động. 
  4. Đức tin không bỏ cuộc.

Đừng đánh mất tình yêu ban đầu, đừng hâm hẫm nhưng “hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình (Phi-líp 2:10). “Phải cầu nguyện luôn và đừng mỏi mệt” (Lu-ca 18:1). Chúng ta “phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ”. Đồng thời hãy cầu nguyện thay cho hết thảy các thánh đồ (Ê-phê-sô 6:10-18 BDTTHĐ) để họ “hiểu thấu ý chỉ Ngài bằng tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng,… sống xứng đáng với Chúa, làm hài lòng Ngài mọi điều, kết quả trong mọi việc lành” (Cô-lô-se 1:9-10).

Chúng ta hãy vững lòng, Chúa Giê-su hứa, “hãy trung tín cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho con mão sự sống” (Khải huyền 2:10). Đừng chú tâm đến những hoạn nạn là những điều chúng ta đang thấy mà chú tâm đến những điều vĩnh cửu không thấy được. Chúa hứa tất cả thử thách “hoạn nạn nhẹ và tạm” sẽ đem lại cho chúng ta “vinh quang vô hạn đời đời không gì sánh được” (2 Cô-rinh-tô 4:17,18).

Dù trong cơn hoạn nạn hay thử thách đừng quên khải tượng, sứ mạng và những công việc được Chúa giao phó. Hãy rao giảng Tin Lành về vương quốc Đức Chúa Trời khắp đất để làm chứng cho muôn dân; thì bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến (Ma-thi-ơ 24:14).

 

Người Dọn Đường 

(Ngoại trừ ghi chú về bản dịch, các câu Kinh Thánh trong bài viết được trích từ Bản Dịch Mới 2002)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan