Chào đời vào ngày 21 tháng Tư năm 1897 tại vùng núi non của miền tây bang Pennsylvania, Aiden Wilson Tozer đã tạo ảnh hưởng trên thế hệ của ông hơn bất kỳ một cá nhân nào khác.
Trong suốt quãng đời của mình, Tozer đã nhận được danh tiếng là nhà tiên tri của thế kỷ hai mươi theo đề bạt. Các ân tứ thuộc linh đã đem lại cho ông một trình độ trực quan về chân lý Thánh kinh và tính chất cùng thực trạng của Hội thánh Tin lành trong thời của ông. Khả năng diễn đạt các khái niệm của mình cách mỹ miều, đơn giản và thuyết phục thường khiến cho Tozer trở thành tiếng nói của Đức Chúa Trời khi lời lẽ của những người khác chẳng qua chỉ là những tiếng vọng. Ông đã nhìn thấu qua màn sương mù của Cơ-đốc giáo đương đại, chỉ ra vầng đá mà hội thánh có thể lập nền nếu muốn cứ tiếp tục lộ trình của mình.
Ngay vào trước sinh nhật lần thứ 17 của mình, Tozer đã nghe một nhà truyền đạo đường phố trên một góc đường ở Arkon, Ohio, khi ông rảo bộ về nhà từ công việc ở một xưởng chế biến cao su. Ông không thể nào rũ bỏ được cái sứ điệp đơn giản ấy. “Nếu bạn không biết làm thế nào để được cứu rỗi,” nhà truyền đạo ấy đã nói, “bạn chỉ cần kêu cầu Đức Chúa Trời”, hãy nói, ‘Thưa Chúa, xin thương xót con là một người có tội.” Sau nhiều lần vật lộn với Chúa tại nhà, Tozer đã trỗi dậy khỏi căn gác riêng biệt của mình để trở thành một con người mới trong Chúa Cứu Thế.
Dưới sự giám hộ của nhạc mẫu tương lai, Tozer đã tiến bộ nhanh chóng trong Chúa. Bà đã khuyến khích ông đọc những sách bổ ích, nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện. Bà cũng giục giã ông giảng, thường xuyên nhóm họp người tại nhà của bà để nghe ông giảng.
Vào năm 1919, dù không được chính thức đào tạo, nhưng Tozer đã được mời chăn giữ (quản nhiệm) một hội thánh nhỏ nhóm tại mặt trước một cửa hàng trong thị trấn Nutter Ford, West Viginia. Từ những khởi điểm khiêm tốn này, Tozer cùng người vợ mới cưới, Ada Celicia Pfaust, đã khai phóng một sứ vụ kéo dài quãng thời gian khoảng 40 năm trong hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (Christian and Mission Aliance). Nhiều hội thánh trong vùng Idiana và Ohio đã theo phong trào này.
Năm 1928 Tozer đã nhận một sự kêu gọi từ Hội thánh Southside Alliance ở Chicago. Không quá bận tâm để phải rời Hội thánh của mình ở Indianapolis, ông đã gạt lời mời ấy sang một bên. Sau vài lần xác tín Tozer đã đồng ý đi và giảng, nhưng ông không cam kết bất kỳ điều gì.
Chúa nhật đầu tiên ấy tại Chicago thật đáng kể. Francis Chase, một nhà thiết họa doanh nghiệp (commercial illustrator), và bạn thân của gia đình Tozer, đã nhớ lại về buổi nhóm đầu tiên ấy. “Ông ta nói rất ít và tôi chẳng mong đợi gì nhiều. Trông hơi gầy với mái tóc đen rậm, và chẳng chút thời trang theo như chúng ta nói. Ông thắt chiếc cà-vạt đen rộng khoảng 3 phân (1 ¼ inches). Giày ông mang không hợp thời theo mốt; khuy cài trên mắt cá của đôi giày đã sứt ra. Tôi giới thiệu về ông xong thì rời bục. Ông chẳng nói những điều đại loại là lấy làm vui vì có mặt nơi đó hoặc bất kỳ cụm từ ve vuốt thường tình trong những cơ hội như thế, nhưng chỉ đơn giản giới thiệu chủ đề bài giảng của mình, chủ đề hôm ấy là,”Tu viện Wesminster của Đức Chúa Trời” (God’s Wesminster Abbey) dựa vào chương 11 của sách Hê-bơ-rơ.”
Viết cho một người bạn sau khi nhận lời mời đến Chicago, Tozer đã thổ lộ, “Vừa khi vượt qua ranh giới của thành phố Indianapolis tôi trải nghiệm được một niềm hồ hỡi đầy triển vọng về quyết định của mình. Một sự bình an ngọt ngào phủ kín hồn tôi và tôi biết mình đang ở trong ý chỉ của Đức Chúa Trời.”
Ngay từ lần đầu, phương pháp giảng luận của ông đã cuốn hút cả hội chúng bằng ngôn ngữ và câu cú vượt trội cùng giọng nói lẫn cách phát âm tuyệt vời của mình. Con số đếm được khi Tozer bắt đầu khoảng tám chục, đến năm 1941 Hội thánh ấy phải xây những cơ sở lớn hơn để chứa được chừng 800. Nhiều người đã cảm nhận chỉ có hai Hội thánh lớn tại Chicago vào thời ấy: Moody Memorial Church do Harry Ironside quản nhiệm và Southside Alliance Church là nơi Tozer chăn dắt. Hằng trăm người, đặc biệt các sinh viên học sinh ở các trường gần đó đã nhóm kín các buổi giảng của ông.
Từ 1951 đến 1959 Mục vụ của Tozer được khuếch trương khi WMBI, đài phát thanh của Moody, phát thanh một chương trình hằng tuần xuất xứ từ sự nghiên cứu của Hội thánh ông. Mục vụ của ông nhằm vào các Trường Kinh Thánh gần đó là niềm vui đặc biệt của mình. Tozer đã chăn dắt Hội thánh Southside Alliance từ năm 1928 cho đến 1959, khi ông chấp nhận tiếng gọi từ Hội thánh Avenue Road ở Toronto, Canada.
Tozer say mê câu nói này, “Tôi không để cho bất kỳ ai tròng đôi kính của người ấy vào mắt tôi và ép tôi phải nhìn mọi sự theo cách của anh ta.” Đúng là ông đã chong đèn vào nửa đêm để dò tìm lẽ thật. Đích thân nghiên cứu khuôn mẫu tuyệt vời trong tôn giáo, triết lý, văn chương, thơ ca, các giáo phụ và thần bí Cơ-đốc giáo (Christian mystics). Niềm yêu thích đặc biệt đối với thơ ca và thánh nhạc của giáo hội đã chắp cánh cho sự giảng dạy và viết lách của ông. Một người ‘ngốn sách’ (voracious) là người thường đọc một chút rồi suy tư nghiền ngẫm về điều mình vừa đọc. Ông thường nói, “bạn nên đọc một nghĩ mười.” Ông chẳng bao giờ đọc lấy có. Lúc nào một cuốn sách cũng phải dẫn ông đến chỗ khao khát thêm về Chúa. Trên một bài xã luận về chủ đề này Tozer đã nói rằng cuốn sách hay nhất là cuốn sách đưa người đọc lên chuyến tàu tư duy từ ban đầu và tiễn người ấy xuống sân ga khi kết thúc hành trình.
Vào năm 1950 Tozer được bầu làm chủ biên của tuần san Alliance Weekly, hiện nay là
Alliance Life, một tạp chí chính thức của hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CMA). Ủy ban đề bạt Tozer vào vị trí này đã nói về ông, “Bút pháp mạch lạc và thuyết phục của ông và các Cơ-đốc nhân yêu thích Thánh Kinh sẽ chấp nhận sự trình bày độc đáo về một Phúc âm hướng về Đấng Christ của ông khắp mọi nơi.” Lời tiên đoán trên đã được chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Tozer, số lưu hành của tạp chí này đã tăng gấp đôi. Hơn bất cứ điều gì khác, tuần san Alliance Weeky đã giúp đưa Tozer lên hàng diễn giả tầm cỡ trong giới Tin Lành. Có người nhận định rằng tờ Alliance Weekly là tạp chí duy nhất được đặt mua dài hạn chỉ nhờ vào các bài xã luận của nó. Nhiều người đã ủng hộ tờ Alliance Weekly chỉ vì sự biên tập sắc sảo và các chuyên mục sáng suốt của Tozer.
Đồng thời họ cũng cho đăng các bài xã luận của ông tại Anh Quốc. H.F Stevenson, chủ biên của tạp chí The Life of Faith ở London, Anh Quốc, nói, “Sự khảo sát của ông về tình hình đương đại thật tương thích với Anh quốc cũng như đối với đất nước của chính ông, vì vậy mà các bài chuyên mục cùng sách của ông cũng được nhiều người thèm đọc ở đây.”
Pháo đài của Tozer chính là đời sống cầu nguyện của ông. Ông thường nói, “Khi một người cầu nguyện thì người ấy là như vậy” (As a man prayed so is he). Đối với ông sự thờ phượng là điều tối thượng trong đời sống và chức vụ của mình. Ông tin rằng buổi nhóm thực sự sẽ tuôn tràn từ sự thờ phượng tinh ròng. Sự giảng dạy cùng sự viết lách của ông chẳng qua chỉ là là sự mở rộng của đời sống cầu nguyện. Những gì khám phá trong khi cầu nguyện sớm muộn cũng được bắt gặp trong các bài giảng, rồi đến các chuyên mục, xã luận và sau cùng trong nhiều sách của ông.
Tozer rất ngưỡng mộ tính ưu việt và vượt trỗi. Sự viết lách cho thấy ông đã đòi hỏi tối đa từ chính bản thân. Sự đọc rộng và óc kỷ luật đã đem đến cho ông nguồn của sự diễn đạt thích nghi tuôn ra trên lưỡi và ngòi bút của mình. Ông thường hay nói,
“Có một từ nào đúng, hãy dùng đi.” Lúc nào cũng thế, ông luôn có từ ngữ đúng trên các đầu ngón tay.
Sự quan tâm lớn mà ông dành cho việc xuất bản sách đã khiến ông thành một soạn giả bồi linh tiêu biểu mà nhiều người sẽ mong muốn đọc một khi quên nghe ông chia sẻ. Ông cần mẫn làm việc để phát huy một bút pháp và sức mạnh của sự diễn đạt nhằm liên tục thu hút sự chú ý.
Trí tưởng tượng sinh động cùng khả năng diễn tả của Tozer đã đem lại sức mạnh và sự sinh động cho sự trình bày của ông. Ông dùng thời gian cách tỉ mỉ cho ra những bài giảng mà chúng ta có thể mô tả là uy nghi và sâu nhiệm. Thay vì reo hò lớn tiếng, ông dung câu cú gãy gọn, chính xác, hợp thì. Giọng nói và cách nói của ông tương đối bình lặng, nhưng bài giảng thì thấu lòng.
Qua sự giảng dạy và viết lách Tozer đã gióng lên tiếng kêu lanh lảnh kêu gọi giới tin lành quay lại với chỗ đứng đích thực, theo đúng Thánh Kinh, cá nhân và nội tại vốn là nét đặc trưng của Giáo hội Cơ Đốc khi mà Giáo hội này trung thành tối đa với Chúa Cứu Thế và Lời của Ngài. Khi ông dẫn giải Kinh Thánh, phân tích, hay giải thích chân lý Thánh Kinh, thính giả phải đối mặt với một quyết định mà họ sẽ không bao giờ quên và hối tiếc.
Như một con thú săn mồi thông minh, Tozer có thể xé toạc những luận điểm sai lạc của một tác giả nào đó không còn một manh giáp. Dường như ông có một trực giác thuộc linh để đánh hơi cái sai lầm, gọi đích danh nó và bác bỏ chỉ trong một hành động dứt khoát.
Francis Chase, người bạn thân trong hơn ba mươi năm, chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc này vào thói quen làm việc của ông. “Có lần ông kể với tôi là ông thường đi đến căn gác xép lạnh lẽo trong nhà thờ để viết vài bài xã luận. Ông nói tâm trí và tấm lòng của mình sao khô cằn và ủ rũ như một tấm ván cháy xém vậy. Ông mở cuốn Kinh Thánh ra, có lẽ là cuốn Thánh ca, qùi bên cạnh chiếc đi-văng, nhặt cây bút chì, và rồi tự nhiên Đức Thánh Linh đến trên ông . . .Để lưu lại những điều phủ lút linh hồn ông phải viết liên hồi dữ dội. Khoảng bốn, năm bài được hoàn tất trong một lần.”
Sự tươi mới của các bài viết của ông khiến một số người kinh ngạc. Một đồng sự và cũng là bạn thân cận của ông, Tiến sĩ Nathan Bailey, sau này là hội trưởng của Hội Truyền Giáo CMA, giải thích, “Trong các bài viết của mình, ông nhường những vấn đề hiển hiện, vặt vãnh cho những người khác trình bày, còn chính mình thì dày công nghiên cứu và cầu nguyện để rồi lưu lại kết quả trong các bài chuyên mục và sách vở có thể lắng sâu vào lòng người.”
Phương pháp giảng luận của Tozer là công bố mạnh mẽ các nguyên tắc Kinh Thánh, không bao giờ chỉ là sự tra cứu từ ngữ, bố cục ăn ý hay thống kê dữ kiện. Lắng nghe các bài giảng được ghi âm hay đọc bất cứ quyển sách nào của ông, người quan sát sẽ nhận ra sự thiếu vắng các điệp ngữ. Ông cho rằng điệp ngữ là giả tạo. Phong cách của ông chỉ đơn giản là bày tỏ lẽ thật cách tự nhiên như một đóa hoa khoe mình trong nắng.
Gần giống với Will Rogers, có thể mô tả óc hài hước của Tozer khá là tốt, chân tình, dí dỏm mộc mạc. Ông không phải là người kể chuyện hay kẻ bông đùa, nhưng về phong cách diễn đạt, một nhận xét sắc bén qua cách châm biếm hoặc một minh họa giản dị, thì ông vượt qua về điểm này.
Dĩ nhiên là giỡn cợt quá trớn sẽ làm hỏng bất cứ bài giảng nào, và Tozer hết sức kềm chế sự khôi hài của mình. Raymond McAfee, một phụ tá thâm niên của Tozer ở Chicago đã nói, “Tôi có thể luôn nói về chuyện cười trong sự giảng thuyết của ông ấy dù khi ông mệt mỏi đến đâu. Lúc bài thuyết giảng của ông gây chấn động cử tọa, ông rất mệt, sự cảnh giác giảm dần, và sự hài hước đã lẻn vào.”
Bằng một từ thật đúng và nhạy cảm nhất, Tozer là một nhà Thần bí. Ông nhấn mạnh nhiều đến sự suy nghiệm về những việc siêu phàm mà rốt lại có trong sự sống ý thức về Đức Chúa Trời.
Một dự án văn học cuối cùng của Tozer, đã hoàn tất ngay trước khi ông qua đời và được xuất bản sau đó vài tháng, là THE CHRISTIAN BOOK OF MYSTICAL VERSE. Đây là một sưu tập phong phú về thi ca thần bí đã sưởi ấm tâm hồn của Tozer qua nhiều năm tháng.
Trong phần dẫn nhập của quyển sách ấy ông đã xác định ý của mình về cái từ thần bí. “Chữ ‘thần bí’ như đã xuất hiện trong đề tài của quyển sách ám chỉ đến trải nghiệm thuộc linh cá nhân, tương tự như các thánh đồ thời Kinh Thánh và phổ biến đối với vô số người thời hậu Kinh Thánh. Tôi muốn hàm ý nhà thần bí tin lành là người đã được Phúc âm đưa vào mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Cha. Thần học của người ấy không hơn và không kém đã được dạy trong Kinh Thánh Cơ-đốc. Người ấy đi con đường mà những người tử đạo, những nhà cải chánh, những người Thanh Giáo, những nhà truyền giảng Tin Lành, cùng các giáo sĩ của thập giá đã bước đi. Người ấy khác biệt với các Cơ-đốc nhân chánh thống bình thường chỉ vì người trải nghiệm đức tin mình trong chiều sâu của hữu cảm (sentient being) trong khi những người khác thì không. Người ấy hiện hữu trong thế giới của thực tại tâm linh. Người ấy trầm lặng, sâu lắng, và đôi khi hầu như ngây ngất nhận thức về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong chính bản thể của mình và trong thế giới quanh mình. Kinh nghiệm tôn giáo của người là cái gì đó rất cơ bản, cũ như thời gian, xưa như trái đất. Tôn giáo ấy là ngay tức thời thân quen với Đức Chúa Trời qua sự hiệp thông với Con Đời Đời. Ấy là để biết cái điều vượt quá sự hiểu biết.” (THE CHRISTIAN BOOK OF MYSTICAL VERSE, Christian Publications, Harrisburg, Pennsylvania).
Trong chức vụ và cuộc sống thường nhật Tozer có cảm giác là Đức Chúa Trời đã bao bọc ông trong sự kính sợ và tôn thờ. Bài thực tập hằng ngày của ông là tập tành sự hiện diện của Đức Chúa Trời, theo đuổi Ngài với tất cả sức lực của mình. đối với ông, Đấng Christ là một điều kỳ diệu mỗi ngày, một sự lạ lùng cứ tái diễn, một sự sửng sốt triền miên về tình yêu và ân sủng.
Gần đến cuối đời Tozer đã để lại lời bình, “Tôi đã bắt gặp Đức Chúa Trời thật là thân ái, rộng lượng và luôn dễ sống với Ngài trong mọi cách.” Trong gần năm mươi năm sống trong Chúa. Không phải là người toàn hảo; Ông có những lỗi lầm và “khiếm khuyết,” có một thiên hướng gây cho ông buồn khổ và đau lòng. Dù không bao giờ thô lỗ hay cay độc, nhiều lần ông đã phải xin lỗi những người mà mình đã vô tình làm thương tổn khi ông bộc phát chọc vào những quả bong bóng vờ vĩnh, phô trương và hợm hĩnh của họ.
Gần đến cuối chức vụ ông đã khẩn xin hội chúng: “Xin cầu nguyện cho tôi trong ánh sáng của áp lực của thời đại chúng ta. Cầu nguyện để tôi sẽ không đi đến một kết thúc sờn ngã – một người truyền đạo già nua, mòn mỏi và kiệt sức, chỉ thích tìm một nơi để ngủ gà ngủ gật. Xin cầu nguyện để tôi sẽ sẵn lòng trả giá cho trải nghiệm Cơ-đốc nhân và các tiêu chuẩn Cơ-đốc của tôi đến hơi thở cuối cùng!”
Vào ngày 12/5/1963, sự lao nhọc trên đất của A.W. Tozer đã kết thúc. Đức tin của ông nơi sự uy nghi của Đức Chúa Trời đã hóa thành cảnh tượng khi ông bước vào sự hiện diện của Ngài. Tại tang lễ, Becky, ái nữ của ông đã phát biểu mấy lời tiêu biểu về những gì Tozer từng nói. “Tôi không thể cảm thấy buồn; Tôi biết Bố đang hạnh phúc; bố đã sống vì điều này trong suốt cuộc đời của mình.” Và ông đã toại nguyện. Dù sự hiện diện thể lý đã được đưa đi xa khỏi chúng ta, nhưng Tozer sẽ phục vụ những ai khao khát những sự thuộc về Đức Chúa Trời.
Thiên Hựu
(Lược dịch theo: awtozerclassics.com)