Chương 5
HÃY DÀNH CHO CON CÁI MỘT THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT TRONG ĐỜI
Thi Thiên 127:3, “Kìa, con cái là cơ nghiệp của Chúa ban; Bông trái từ lòng dạ là phần thưởng.” Theo những nghiên cứu về sự phát triển của ấu thời, trẻ sơ sinh là kẻ thiệt thòi và chịu nhiều nguy cơ rủi ro hơn ai cả qua những bà mẹ bị căng thẳng và âu lo cao độ trong suốt thời kỳ mang thai. Sự lo lắng gia tăng gắn liền với những vấn đề chẳng hạn như sanh non hoặc xẩy thai, kèm theo sanh thiếu ký và chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Cũng có mối liên hệ giữa stress cao độ ở người mẹ và dị tật cơ thể của con cái, chẳng hạn như hở hàm ếch và chứng thắt đường ruột nơi trẻ em (pyloric stenosis).
Việt Nam là một đất nước mà người dân phải nếm chịu stress nhiều hơn cả vì hậu quả của cuộc chiến dai dẳng. Thảo nào mà có đến trên hai mươi lăm ngàn trẻ em Việt Nam cần được giải phẫu sứt môi và hở hàm ếch.
Trong thời gian phục vụ Chúa ở Melbourne, vợ của một mục sư trẻ nọ nói với tôi rằng khi vừa mới năm tuần tuổi, người ta đã chẩn đoán bà bị chứng thắt đường ruột. Bà cho biết đó là hậu quả của vấn đề gia đình, mẹ bà đã chịu quá nhiều âu lo và stress trong suốt thai kỳ và sau khi sinh đã bị chứng hậu sản. Stress và âu lo sẽ tự động sản sinh những kích thích tố tương ứng đưa vào trong huyết quản. Những kích thích tố này nhằm trang bị cơ thể khả năng tự vệ bằng cách đưa một lượng lớn máu vào những bộ phận của cơ thể đang có phản ứng phòng thủ, chẳng hạn não, tim, cũng như các bắp thịt tay, chân và nội tạng.
Hậu quả tự nhiên là lượng máu bình thường dẫn đến các bộ phận khác gồm cả tử cung sẽ bị giảm cách đáng kể, cắt giảm lượng dưỡng khí và dưỡng chất cần cho sự phát triển bình thường bào thai.
Những hooc-môn làm tăng stress này cũng truyền từ người mẹ qua nhau đi vào bào thai, khiến cho nhịp tim của thai nhi tăng lên khủng khiếp và làm gia tăng hoạt động trong tử cung.
Có cơ sở để suy ra chứng bệnh bất lực ở nam giới cũng có thể gây nên bởi chính cái vấn đề stress và âu lo, vốn là phó sản của nếp sống hiện đại.
Hằng năm chính phủ đã phổ biến những con số thống kê báo động về thiếu niên bỏ nhà đi hoang trên toàn nước Úc. Nhưng phần đông những người lớn ngày nay đều công nhận rằng số ông bố phải đi bụi còn nhiều hơn trẻ em bụi đời. Thật vậy, ly thân và ly dị là nạn dịch trong xứ này, và dù con số thật kinh ngạc như thế, điều đáng quan tâm ấy là làm thế nào để phục hồi tình trạng này và đâu là nguyên nhân gây ra sự rạn nứt hôn nhân trong xã hội chúng ta?
Có tên trong danh sách hội thánh không giải quyết được vấn đề trừ phi quý vị thực tâm muốn sống với Chúa. Chúng tôi biết có vô số tín hữu thuộc loại ‘năng thuyết, bất năng hành’, nói chẳng ai bằng, nhưng làm thì chẳng bằng ai. Nói theo Kinh Thánh, Chúa bảo, ‘Hãy làm theo Lời, chớ lấy nghe làm đủ để tự dối mình’. Đã đến lúc Cơ đốc nhân hãy cùng nhau trỗi dậy thực hành theo những nguyên tắc và tiêu chuẩn của Lời Chúa.
Điều này có nghĩa là chúng ta hãy loại bỏ những thái độ cùng hành động gây ra căng thẳng và stress trong gia đình. Ê-phê-sô 4:31-32, “Hãy lột bỏ khỏi anh chị em tất cả những cay đắng, thịnh nộ, giận hờn, kêu rêu, xúc phạm cùng mọi tính hiểm độc. Anh chị em hãy nhân từ, thương cảm lẫn nhau, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Chúa Cứu Thế.” Trong hầu hết các trường hợp, việc sách nhiễu trẻ con bắt đầu ngay từ trong lòng mẹ, cả ông bố lẫn bà mẹ đều đóng góp vào cái nan đề mãi tăng lên. Tôi tin rằng chúng ta cần quay trở lại với những nền tảng của Chúa khi bàn về gia đình. Có nhiều bậc cha mẹ đi lệch hướng, tìm đọc đủ thứ tạp chí với những ‘quan niệm mới’ hiện đang bày bán, mong lượm lặt chút kiến thức và giáo dục về xây dựng gia đình cùng mối liên hệ tốt đẹp hơn.
Là Cơ-đốc nhân chúng ta nên nhìn nhận rằng phương cách thế gian chẳng tác dụng tí nào. Những ‘ý tưởng cũ xưa’ của Chúa, như chồng hãy yêu thương và tôn trọng vợ mình, đối xử trân trọng với vợ, xem ra ích lợi và kết quả hơn hẳn trong việc xây dựng mối liên hệ hôn nhân tốt đẹp so với mớ rác rưởi của thế gian mang đến. Chính Chúa đã thiết lập hôn nhân của A-đam và Ê-va, trở lại Ê-đen, và chính Chúa đã soạn bộ tư vấn hôn nhân gốc để cho con người biết cách giữ sự hiệp nhất quí báu này cho quân bình và đi đúng hướng. Đây là một số trong những thành phần mà Chúa liệt kê trong Cẩm Nang Hạnh Phúc Hôn Nhân của Ngài để giúp phát triển một cuộc hôn nhân bền vững và tuyệt vời: hãy dịu dàng, ban cho, tha thứ, quan tâm lẫn nhau bằng thái độ và hành vi, hãy chung thủy, chân thật và đáng tin cậy. Hãy khích lệ, tin tưởng, cảm thương nhau, hãy nhân ái, lưu tâm, tôn trọng nhau và điều chót, không phải nhỏ, hãy mãi mãi yêu nhau.
Có nhiều lý do, nguyên nhân mà stress cứ đeo bám vào từng cá nhân, nhưng cũng cần nhớ rằng Chúa luôn mở một lối thoát. Người ta đã hoàn tất những cuộc nghiên cứu dài hạn liên quan đến rối loạn cảm xúc của những đứa trẻ mà mẹ của chúng là những phụ nữ từng kinh nghiệm nỗi niềm u uất vì chồng chết lúc mang thai. Nghiên cứu cho thấy rằng những em được chăm nom nâng đỡ giữa vòng gia đình và bạn hữu có tỉ lệ rối loạn cảm xúc thấp hơn khi chúng đến tuổi trưởng thành. Mỗi cá thể buộc phải sống còn và tự bao bọc mình bằng một chỗ dựa của tình bạn và sự hỗ trợ.
Dù người ta có thể tìm thấy điều này đâu đó trong cuộc sống, nhưng trong gia đình của Chúa, Hội thánh, thì điều này thật kiến hiệu và bền vững hơn nhiều. Trong hội thánh, Chúa dạy chúng ta hãy mang gánh nặng cho nhau, tôi tin rằng đây là lý do Chúa truyền cho các tín hữu, ‘chớ bỏ qua sự hội họp cùng nhau.’ Trong sự hiệp nhất luôn có sức mạnh và an ninh. Chúng ta phải nắm lấy lợi thế mà Chúa đã cung ứng này. Trong gia đình của Chúa, chúng ta có một gia đình mở rộng với những cha mẹ và anh chị em nuôi. Có những lúc nhiều Cơ-đốc nhân cảm thấy dường như mình cô độc và bị bỏ quên, nhưng đây chỉ là lời dối gạt của ma-quỉ, vì trong Thi Thiên 46:1 nói, “Đức Chúa Trời là nơi trú ẩn và sức lực chúng ta. Ngài sẵn sàng giúp đỡ lúc gian truân.” Châm ngôn 22:6, “Hãy huấn luyện trẻ thơ con đường chúng nên theo, để khi trở về già chúng không đi lạc.”
Trong thời gian phục vụ Chúa ở New Zealand, tôi đã gặp một bác sĩ y khoa khuyên rằng trẻ con trong bụng mẹ có khả năng nghe ngóng được những gì đang xảy ra trong thế giới quanh chúng. Ông giải thích rằng những con người bé bỏng này thậm chí còn có thể đáp ứng với âm nhạc. Nhiều bậc cha mẹ trong Chúa cần học tập lại trong lãnh vực này. Quý ông bà, ba mẹ được góp ý nên nghe thánh ca thường xuyên trong thời kỳ mang thai hầu đem lại ích lợi tuyệt vời cho tương lai của con mình. Sau khi sanh, em bé ấy sẽ cảm nhận được ngay âm nhạc mà nó đã nghe khi còn trong bụng mẹ và tự động ngủ cách an giấc ngon lành trong phòng dưỡng nhi.
Vài tháng trước đây, tôi và Sue đi du lịch xuyên bang. Ngồi cạnh chúng tôi là một phụ nữ trong trang phục chiếc áo bầu, chị cứ xoa bụng và gọi tên nói chuyện với đứa trẻ chưa chào đời của mình. Thế rồi chị bắt đầu giải thích cho người bạn cùng đi với mình rằng vị bác sĩ của chị đã khuyên chị thường xuyên làm như thế, vì đứa trẻ trong bụng có khả năng truyền thông ngay từ giai đoạn rất sớm trước khi vào đời. Chị bảo rằng vừa xoa bụng, vừa gọi tên nói chuyện với trẻ đều đặn như thế sẽ giúp con trai chị phản ứng bằng những cú đạp nhẹ. Chị nói với người bạn cùng đi, “Con trai tôi và tôi hiện đang tìm hiểu nhau, và sau khi chào đời hẳn nó sẽ quen với giọng nói, tình yêu thương và âu yếm của tôi dành cho nó.” Cháu ngoại tôi và tôi đã xây dựng một mối liên hệ tuyệt vời ngay từ trước khi nó ra đời. Tôi cố tình đầu tư nhiều thời gian để truyền thông với cháu trong suốt chín tháng cuộn mình trong bụng mẹ. Tôi thường đặt tay trên bụng con gái mình và công bố những điều tốt lành về cuộc đời đứa cháu ngoại, bảo rằng nó quả là đứa bé tuyệt vời và là niềm vui cho cuộc đời của ông ngoại. Tôi liên tục nói chuyện với Dylan rằng cháu sẽ là người của Chúa và sẽ khôn ngoan thông sáng trong xã hội, một ngày kia cháu sẽ trở thành người kiến tạo hoà bình.
Có người cho rằng làm thế thì hơi quá lố, nhưng tôi biết đó là một nguyên tắc Chúa ban. Giê-rê-mi 1:4-5, Chúa phán với tôi: “Trước khi con lọt lòng mẹ, Ta đã biệt riêng con, Ta đã lập con làm tiên tri cho các dân tộc.” Là cha mẹ, những gì chúng ta nói và làm trong thời gian cưu mang thai nhi là điều tối quan trọng cho thể chất sự phát triển tương lai của con cái mình. Trước khi cháu ngoại tôi thở hơi thở đầu tiên, tôi đã công bố rằng nó sẽ là một người của Đức Chúa Trời. Là Cơ-đốc nhân trưởng thành, nếu muốn con cái mình cả thể xác lẫn tâm thần, chúng ta phải đi trước một bước để quyết định cho tương lai của đứa trẻ. Trong thời kỳ mang thai, những gì xảy ra trong gia đình sẽ hình thành những gì xảy ra cho đứa trẻ trước và sau khi sanh. Chỉ những lời nói gây dựng đức tin mà thôi cũng có thể dời núi và tạo nên sự bình an trong gia đình, còn những lời tiêu cực có khả năng tàn diệt và làm sụp đổ hình ảnh tự thân của một đứa bé.
Sứ đồ Phao-lô đã đối diện với Chúa khi mẹ ông cưu mang ông trong lòng, và rồi sau này ông đã viết cho các thánh đồ ở hội thánh Ga-la-ti để chia sẻ từng trải ấy. Ga-la-ti 1:15-16, “Nhưng khi Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn tôi từ trong lòng mẹ và bởi ân sủng kêu gọi tôi, vui lòng mặc khải Con Ngài trong tôi để tôi truyền giảng Phúc Âm về Con Ngài giữa vòng các dân tộc ngoại quốc.”
Một trưa nọ, con gái tôi về đến nhà với niềm hân hoan xúc động vì kỳ chuyển bụng đã bắt đầu, cuối cùng thì đứa bé trong bụng đang di chuyển. Cháu luôn mong muốn có mẹ bên cạnh trong lúc sanh, nhưng Dylan con trai của cháu lại dự định chào đời vào một dịp cuối tuần mà chúng tôi đã sắp đặt phải đi xa thành phố. Vậy nên không chút chần chừ, tôi quỳ xuống trên nền nhà quàng tay qua bụng Katrina và nói với cháu ngoại như sau. “Này Dylan, ngoại đang nói chuyện với con đây. Bà ngoại và ông phải đi mãi đến thứ hai cơ, thế nên ông muốn cháu phải từ từ nào, hãy cuộn lại, chờ thêm vài hôm nhé.” Khi Sue và nhà tôi vừa về đến nhà, Katrina lại đến thăm, nhưng lần này cháu đứng ở cửa ra vẻ lo lắng. “Bố ơi” Cháu nói trong đôi mắt ngấn lệ. “Con vừa gặp bác sĩ bảo rằng Dylan đang ở vào thế nằm ngược”. Rồi tiếp tục giải thích rằng vị bác sĩ ấy đã khuyên rằng cháu nên chịu giải phẫu để đưa em bé ra. Nhớ lại buổi trưa hôm ấy, nhìn gương mặt âu sầu của con gái, “Không sao đâu cưng ạ! Mọi sự sẽ ổn thôi, bố sẽ nói lại với Dylan xem nào”. Một lần nữa tôi quỳ xuống, đưa ra lời chỉ dẫn cho đứa cháu ngoại còn trong bụng mẹ. Bảo nó hãy nghỉ đến sức khỏe của mẹ, và hãy co đôi chân tí hon lại để xoay mình đúng vị trí. Đến chiều hôm ấy Katrina ngủ không được vì thằng bé đang hành động. Cả buổi tối nó cứ đạp, xoay và cuộn mình như tôi đã yêu cầu, và cho đến sáng nó đã quay trở lại đúng vị trí sanh bình thường để cất tiếng khóc chào đời. Tôi tin rằng, là Cơ-đốc nhân chính ta hãy bước đi bằng đức tin, và đức tin của chúng ta phải đặt trên Lời Chúa. Lời Chúa trong sách Phục Truyền 7:12-13 hứa rằng Ngài sẽ yêu thương, ban phước và gia tăng dân số và cũng sẽ ban phước cho con cháu anh chị em. Nếu Chúa ban phước cho con cháu chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không chúc phước cho con cái mà mình cưu mang trước khi chúng ra đời? Kinh Thánh sách thi thiên 127:3 nói, “Kìa con cái là cơ nghiệp từ Chúa ban; bông trái từ lòng dạ là phần thưởng.” ‘Ngày đầu’ không phải là ngày chào đời mà là ngày thai dựng của đứa trẻ. Mỗi ngày Katrina, con gái tôi thường công bố những lời sau đây trên cuộc đời đứa con trai bé bỏng trước khi nó chào đời.
“Dylan ơi! Con sẽ là đứa trẻ an bình và vui thỏa. Con sẽ sở hữu một số phần phước hạnh, sẽ thích nghi và thoã mãn với chính mình và với tha nhân. Con sẽ vui hưởng mọi điều tốt đẹp trong đời. Con sẽ có sức khỏe, khôn ngoan và thông sáng. Sẽ mau cười và chậm khóc, tài năng con sẽ vượt trội và con sẽ thành công trong mọi việc mình làm. Con sẽ là người biết yêu thương, tốt bụng và xinh đẹp, và trên hết, con sẽ yêu Chúa với cả tấm lòng.”
Tôi vốn yêu thích các quan niệm Thánh Kinh, đặc biệt là quan niệm ở sách Gióp 11:28 nói như vầy, “Việc gì anh quyết định làm cũng thành công, và ánh sáng mọi đường cho các nẻo của anh.” Khoa học cho chúng ta biết rằng khi hai mươi ba nhiễm sắc thể của tinh trùng nam kết hợp với hai mươi ba nhiễm sắc thể của noãn sào thì một tế bào gồm bốn mươi sáu nhiễm sắc thể được hình thành, và khi tiến trình này hoàn tất thì một con người mới hiện hữu. Bên trong sự kết hợp các nhiễm sắc thể này là các gene di truyền của cả cha lẫn mẹ quyết định đặc tính của mỗi cá nhân như màu da, màu tóc và màu mắt của một con người bé bỏng, mà không bao giờ có thể sao chép được.
Tuy nhiên, diện mạo thể hình không phải là điều duy nhất để tạo nên sản phẩm sau cùng. Sự phát triển cá thể mới này là một tiến trình tiếp diễn cần được xem trọng. Tôi muốn nói là người lớn chúng ta luôn luôn dán vào đứa trẻ một mã số tin kính của hành vi, cử chỉ nhất là khi có mặt con cái. Bổn phận và nhiệm vụ của chúng ta là phải rũ bỏ mọi hình thức giận dữ và nói năng bất cẩn bừa bãi và phải loại bỏ mọi thái độ cùng bầu không khí tiêu cực trong gia đình.
Nhiều người sau khi nhận được tin mình sắp được làm ông bố bà mẹ đầy tự hào của một kỳ quan bé nhỏ thì liền mua sắm trang bị bất kể tốn kém, nào sơn phòng, treo màn, mua vật dụng. Họ phát triển lối nghĩ ‘cái gì tốt nhất là của bé’. Vâng! Ý tưởng ‘cái gì tốt nhất là của bé’ thiên về sự thừa thải vật chất. Những năm qua, tôi và Sue từng giúp đỡ nhiều gia đình thượng lưu lâm cảnh rối ren. Nhiều khi con cái không nghe theo cha mẹ vì cha mẹ chẳng ai chịu nghe ai.
Theo cả khoa học lẫn Kinh Thánh thì trẻ em truyền thông với thế giới bên ngoài từ khi còn trong lòng mẹ. Lu-ca 1:39-42, “Trong những ngày đó, Ma-ri vội vã lên đường đến một thành phố miền đồi núi Giu-đê, vào nhà Xa-cha-ri và chào mừng Ê-li-sa-bét. Vừa khi Ê-li-sa-bét nghe tiếng Ma-ri chào, bào thai trong bụng bà liền nhảy mừng và Ê-li-sa-bét được đầy dẫy Đức Thánh Linh, reo lên: “Cô có phước nhất trong giới phụ nữ. Phước cho bào thai trong lòng cô!” Ma-ri đang cưu mang con Thượng Đế trong lòng, đến thăm người bà con là Ê-li-sa-bét đang mang thai mà sau này chúng ta biết là Giăng báp-tít. Ngay khi Ma-ri bước vào nhà Ê-li-sa-bét và cất tiếng chào thì bé Giăng nhảy nhót vui mừng trong lòng mẹ mình, đó là một phản ứng tích cực đối với một tình huống tích cực.
Nguyên tắc này cũng có tác dụng ngược. Khi một người cha cất giọng, mất tự chủ và mắng chửi người vợ đang mang thai, thì ông ta đang gây nên một phản ứng tiêu cực về thể lý trong cơ thể của nàng. Cảm xúc sợ hãi, âu lo, đau lòng và buồn bã sẽ tự động sinh ra một độc chất hoặc hoá chất tương ứng vận chuyển khắp thân thể người mẹ, gây tại hại cho nàng cùng đứa trẻ chưa chào đời.
Ngày nay các bác sĩ luôn khuyên các bà các cô sắp làm mẹ phải bỏ hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai, vì nó rất tác hại sức khỏe toàn diện và sự lành lặn toàn diện của đứa trẻ. Những trẻ em ra đời bởi các bà mẹ nghiện ngập ma tuý đều phải trải qua những khó khăn khắc nghiệt sau khi sanh. Điều quan trọng cần nhắc là những kỳ quan nhỏ bé này không phải là đối tượng quan tâm của các hoá chất, hóc-môn hay nội tiết tố trong khi chúng cuộn mình trong bụng mẹ. Khi bơm những thứ ấy, hoặc tốt hoặc xấu, vào trong cơ thể thì người ta chẳng hề nhớ tới, thậm chí nghĩ tới đứa bé trong bụng, và giống như hoá chất trong thuốc lá và cần sa sẽ đem lại hiệu quả tiêu cực cho một trẻ chưa chào đời thể nào, những chất độc sinh ra bởi cơn giận bộc phát, stress và sự bực bội cũng sẽ tác hại trên chúng thể ấy.
Thi Thiên 58:3, “Kẻ ác lầm lạc từ trong lòng mẹ, chúng sai quấy, nói dối từ lúc mới sanh.” Theo câu này, chúng ta có thể thấy rằng những điều tương tác khả dĩ xảy ra trong tử cung người mẹ trong khi hình thành nhân cách, tính khí và bản chất của đứa bé. Tôi thường tự hỏi bố của những đứa trẻ trong Thi Thiên này thuộc loại người nào. Tôi biết điều này, rằng nếu mình được tạo dựng theo hình ảnh của Cha Thiên Thượng, theo Sáng 1:26, thì những đứa con bé bỏng kia cũng sẽ thừa kế hình ảnh người cha trần gian của chúng. Thi Thiên 128:1-3, “Phước cho người nào kính sợ Chúa và sống theo đường lối Ngài. Người sẽ hưởng công lao của tay mình; Người sẽ được phước lành và thạnh vượng. Vợ ngươi sẽ như cây nho nhiều trái trong nhà ngươi; Con cái ngươi sẽ như các chồi cây ô-liu chung quanh bàn ngươi.”
Câu này ngụ ý rằng con cái là di sản và là vốn liếng đầu tư lớn nhất của chúng ta trong đời này, nếu quả là đúng thì chúng ta nên gieo những hạt giống bình an tốt lành và vui mừng trong cuộc sống chúng ngay từ cái ngày chúng được thai dựng.
Chuyển ngữ: THIÊN HỰU