Các bài viết và tài liệu được đưa lên trong chương trình iBIBLE (Kinh Thánh trên mạng) được tạo ra chỉ bằng cách sử dụng Kinh Thánh làm nguồn của chúng, vì vậy điều vô cùng quan trọng là chúng tôi chỉ sử dụng những tài liệu tốt nhất có thể. Quá trình chọn từ ngữ tốt nhất là bắt đầu bằng cách thu thập một số phiên bản Kinh thánh để so sánh. Một công cụ chính mà chúng tôi sử dụng thường xuyên là bản Septuagint (Bản Bảy Mươi), bản dịch Cựu Ước tiếng Hy-lạp Koine. Hôm nay, chúng ta hãy xem đến bản Septuagint và tại sao nó lại là một nguồn tài nguyên mạnh mẽ đối với chúng tôi khi chúng tôi tạo ra các bài viết và tài liệu iBIBLE, đặc biệt là khi chúng tôi hướng đến việc làm iBIBLE Tân Ước.
Bản Septuagint là gì?
Bản Septuagint là bản dịch Kinh thánh tiếng Hy-bá (tiếng Do Thái cổ) sang tiếng Hy-lạp. Người Do Thái tin rằng nó được dịch bởi khoảng 70 học giả ở Alexandria vào năm 282 trước Công nguyên. Từ thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, ngôn ngữ của hội thánh là tiếng La-tin. Các giáo phụ và giáo sư của hội thánh thời đó dùng từ La-tin Septuagint (viết tắt là LXX) để đặt tên cho bản dịch này và tên Septuagint được dùng cho đến ngày nay.
Tại sao bản Septuagint lại quan trọng?
Có hai lý do chính khiến chúng tôi tin rằng Bản Septuagint quan trọng đối với việc làm ra các chương trình và tài liệu của iBIBLE:
1. Bản Septuagint là bản dịch Kinh Thánh phổ biến vào thời Chúa Giê-su. Mọi người đều có thể đọc nó, vì “ngôn ngữ chung” của thế giới của Cơ đốc nhân thời đó là tiếng Hy-lạp. Mặc dù người Do Thái sống ở Judea, Samaria, Galilê và Decapolis (Mười Thành) nói tiếng A-ram theo phương ngữ Syriac nhưng ngôn ngữ dùng trong kinh doanh, chính quyền và thờ phượng là tiếng Hy-lạp.
2. Trong nhiều đoạn của Tân Ước nơi Chúa Giê-xu trích dẫn Cựu Ước, Ngài đã trích dẫn theo bản Septuagint.
Làm thế nào mà bản Septuagint trở thành bản dịch Cựu Ước phổ biến vào thời Chúa Giê-xu?
Sau khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, dân Y-sơ-ra-ên bị các đế quốc A-si-ri và Ba-by-lôn đem đi lưu đày và hầu hết họ đã định cư ở đế quốc Ba-by-lôn. Sau 70 năm lưu đày, tiếng Hy-bá không được sử dụng và nhiều người đã thích nghi với ngôn ngữ của những kẻ cai trị họ: tiếng A-ram.
Khi Alexander Đại đế chinh phục “thế giới” mà người ta biết đến vào thời đó, tiếng Hy-lạp đã trở thành ngôn ngữ phổ thông của mọi dân tộc trong thế giới này. Điều này có nghĩa là càng ngày càng có ít người Do Thái có thể hiểu Ngũ Kinh và các sách tiên tri bằng tiếng Hy-bá. Người Do Thái trở nên đói khát Lời Chúa.
Sau khi bản Septuagint được dịch, nó đã lan truyền khắp đế quốc. Và, vì nhiều người Do Thái đã định cư trên khắp đế quốc Hy Lạp, sự lan truyền của bản Bảy Mươi này đã khiến các nhà hội mọc lên ở nhiều nơi. Đây là một sự dọn đường cho sau này Phao-lô đến các nhà hội để thảo luận về Kinh thánh với họ và cho họ biết tin mừng về sự cứu rỗi!
Chú thích:
Bản Cựu Ước Masoretic, được đề cập bên dưới, là bản tiếng Hy-bá và tiếng A-ram trong 24 cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh. Có sự khác biệt nhỏ giữa bản văn này và bản Septuagint. Bản thảo hoàn chỉnh lâu đời nhất được biết đến của Kinh thánh tiếng Hy-bá là Leningrad Codex, có niên đại từ đầu thế kỷ 11, được sử dụng làm cơ sở cho nhiều bản dịch tiếng Anh hiện đại như ESV và các bản dịch khác.
Một số ví dụ về việc Chúa Giê-su trích dẫn bản Septuagint:
Dưới đây là một số so sánh giữa lời trích dẫn của Chúa Giê-xu từ bản Septuagint và bản Masoretic.(LND: Do dùng bản dịch tiếng Việt [bản TTHĐ] nên sự so sánh ở dưới không được sắc bén)
Ma-thi-ơ 4: 4
Khi Chúa Giê-xu đối đầu với Sa-tan trong đồng vắng, Ngài quở trách Sa-tan đang cám dỗ Ngài bằng lời, mà các bản tiếng Anh và Việt (BTTHĐ) ngày nay có điều kiện để dịch đầy đủ như sau:
Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời.
Ngài trích dẫn Phục Truyền 8:3b.
Trong Bản Masoretic được dịch từ tiếng Hy-bá là như sau:
Người ta sẽ không sống chỉ bởi bánh, nhưng bởi mọi lời nói ra từ miệng của Đức Chúa Trời, con người sẽ sống.
Trong bản Septuagint mà Chúa Giê-xu trích dẫn, dịch bởi Brenton là như sau: Người ta sẽ không sống chỉ bởi bánh, nhưng con người sống bởi mọi lời phát ra từ miệng CHÚA.
Ma-thi-ơ 9:13
Sau khi Chúa Giê-su gọi Ma-thi-ơ đi theo Ngài, những người Pha-ri-si chất vấn Đức Giê-su tại sao Ngài “ăn chung với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?” Chúa Giê-su đáp lại trong Ma-thi-ơ 9:13:
Hãy đi, và học cho hiểu ý nghĩa câu nầy: “Ta muốn thương xót hơn sinh tế.” Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.
Ngài trích dẫn Cựu ước Ô-sê 6:7.
Trong bản Masoretic là Ô-sê 6:6 và được dịch từ tiếng Hy-bá là như sau: Vì ta muốn tình yêu bền vững chứ không phải sinh tế, sự hiểu biết về Đức Chúa Trời hơn là sinh tế thiêu.
Trong bản Septuagint mà Chúa Giê-xu trích dẫn, Brenton dịch (trong bản này là Ô-sê 6:7): Vì ta muốn sự thương xót hơn là sinh tế, và sự hiểu biết Đức Chúa Trời hơn là trọn sinh tế toàn thiêu.
Nguyễn Trọng
(Lược dịch theo: www.i.bible)
Tham khảo: https://www.britannica.com/topic/Septuagint