Tôi Cho Rằng Khoa Học Có Mọi Lời Giải Đáp. Thế Rồi Tôi Bắt Đầu Đặt Những Vấn Đề Bất Cập

Share

Cuộc hành trình từ giáo thuyết vô thần đến đức tin Cơ-đốc giáo của tôi đã dọn đường bằng những sự ngạc nhiên về tri thức và tâm linh. 

Tôi đã có một tuổi thơ khác thường đối với một người Mỹ. Các thành viên trong đại gia đình tôi đều là những nhà tổ chức công đoàn và những người cực đoan thiên tả, còn cha mẹ tôi đều là đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ. Việc nhồi sọ giáo điều vô thần trong tôi vốn ăn sâu tự bao đời. Đồng thời cha tôi đã để lại cho tôi một niềm yêu thích khoa học và lý luận, dạy tôi về tầm quan trọng của việc đặt vấn đề. Các khả năng thiên phú này cộng thêm sự nghiên cứu và tư duy khoa học của tôi cuối cùng đã bẻ gẫy cái ngục tù vốn giam giữ linh hồn đày đọa của tôi trong những tháng năm đầu đời ấy.

Phá ngục tìm tự do là một tiến trình chậm chạp, giống như việc phá cửa ngục bằng một cái muỗng cùn.

Ngay từ thuở nhỏ, sự tò mò đã khiến tôi nêu ra những câu hỏi. Tôi thấy sự mâu thuẫn trong một số điều mình đã được dạy. Nếu con người chỉ là một sản phẩm mù quáng của tiến hóa vô tình, không có mục đích hay ý nghĩa đặc biệt nào, thì làm thế nào để các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội lại có thể nâng cao tư cách và giá trị của con người được xem là hữu lý? Và nếu tôn giáo, đặc biệt là Cơ-đốc giáo, một sự xấu xa tệ hại của lịch sử, thì làm sao mà lại có quá nhiều thành viên tăng lữ Cơ-đốc đã tham gia vào các phong trào đấu tranh dân sự vì chính nghĩa?

Khi còn học khoa học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu môn hóa sinh (biochemistry) và sinh học phân tử (molecular biology), tôi đã hình hành một niềm đam mê gắn bó với sự tồn sinh của tri thức bắt rễ từ vũ trụ quan khoa học. Tôi tìm thấy sự thoải mái và niềm vui trong vẻ đẹp, sự phức tạp và khôn ngoan của sự miêu tả khoa học về thực tại. Nhưng tôi cũng bắt đầu thắc mắc là liệu có thể có thêm điều gì đó đối với con người hiện hữu hơn là chỉ là thuần túy khoa học và lý luận.

Những khám phá gây kinh ngạc

Ở điểm này, vấn nạn đức tin là chuyện lỗi thời. Tôi vốn dĩ tin rằng tiến hóa thuyết là đúng còn Kinh Thánh (cuốn sách mà tôi chưa thực sự đọc) là sai. Tôi tin rằng một vị thần siêu nhiên nào đó đang sống trên trời chỉ là chuyện hoang đường. Tôi biết rằng khoa học giữ chìa khóa để giải mã mọi bí mật. Hoặc đã thế, phải không nào?

Theo khoa học, tôi bị lúng túng khi học biết rằng có nhiều điều chúng ta không thể hiểu thấu. bất khả tri, chẳng hạn như tính đồng bộ về định vị và tốc độ của một âm điện tử (electron). Đây là nét đặc trưng quan yếu trong cơ học lượng tử (quantum mechanics), dầu nó có đưa ra một chút tính hợp lý. Nếu nguyên tắc bất định là đúng (Và bắt buộc phải thế, vì quá nhiều thuật lý hiện đại đều dựa vào đó), thế thì cái ý tuởng về một thế giới thuần túy tiền định và khả đoán làm thế nào có một chỗ dựa vững chắc?

Tôi cũng đã bắt đầu nghiền ngẫm nhiều vấn nạn khác. Vũ trụ đến từ đâu? Sự sống bắt đầu như thế nào? Đời người có ý nghĩa gì? Nguồn sáng tạo của chúng ta là gì – nghệ thuật, văn thơ, âm nhạc, và sự hài hước? Có lẽ, thiết nghĩ, khoa học không thể nói cho chúng ta mọi điều.

Bấy giờ tôi bắt đầu nghiêm túc thắc mắc về vấn đề tôn giáo. Tôi đã gặp nhiều Cơ-dốc nhân rất giỏi và có đầu óc khoa học, và lần đầu tiên tham dự một buổi thờ phượng ở một nhà thờ. Tôi đã ngạc nhiên về điều mình bắt gặp. Không một ai nhìn tôi với cặp mắt ngờ vực, và tôi không nghe thấy sự lên án sấm sét dành cho tội nhân. Vị Mục sư hôm ấy đã nói về sức mạnh của tình yêu. Người ngồi cạnh tôi đã bắt tay và chúc tôi bình an. Mọi sự hoàn toàn tối đẹp, và tôi quyết định quay trở lại.

Rồi tôi đã đọc các sách Phúc âm và lại thêm một sự kinh ngạc nữa: Tôi đã khám phá vẻ đẹp và sự truyền cảm trong đó. Tôi có thể nói theo khả năng diễn đạt, các sách Phúc âm mang một cái vòng chân lý. Và sách Công vụ Sứ đồ đã đánh mạnh vào tôi như một lịch sử đích thực, không giống như các ký thuật hư cấu giả tưởng để nô lệ hóa quần chúng chút nào – cái kiểu nhồi sọ Mác-xít luận vốn buộc tôi phải xác nhận.

Cánh cửa ngục tù của tôi đang lung lay hé mở, và tôi đứng đó nhìn ra một thế giới mới, thế giới của đức tin. Nhưng vẫn còn e ngại để hoàn toàn rời bỏ. Liệu mình có đang bị lừa, bị dẫn dụ vào một cái bẫy nào chăng? Trong vài năm tôi vẫn cứ bị mắc kẹt trong cái tình thế bất định ấy cho đến khi chính Đức Thánh Linh đã kéo tôi ra khỏi thềm ngục.

Việc xảy ra vào một ngày kia khi một mình đang lái xe trên con đường Pennsylvania Turnpike trong vùng trung bộ của tiểu bang này, với một chặng đường dài phải đi. Mở radio lên, tôi nghe một giọng không thể lầm lẫn được của một nhà truyền giảng Tin Lành, một loại mà tôi từng chế giễu và né tránh. Nhưng nhà truyền giảng này thì thực sự tốt. Tôi chẳng mấy quan tâm đến những gì ông ta đang nói, nhưng giọng nói và sự truyền cảm của ông ta đang thu hút và tôi lắng nghe thêm vài phút trước khi tắt đài. Lái xe trong yên lặng chừng một lúc, tôi bắt đầu tự hỏi giả như là tôi từng ra sức thuyết giảng thì giảng như thế nào nhỉ – xét cho cùng thì tôi là một người hay nói. Tôi chợt cười, suy nghĩ những điều mình có thể nói. Điều đầu tiên đến trong trí tôi là cái gì đó liên quan đến khoa học – Nếu có một Thượng Đế thì cái cách mà Ngài có thể dùng để sáng tạo thế giới là khoa học.

Và rồi có điều gì đó đã xảy ra. Tôi cảm thấy có cái gì đó rần rần lên xuống trong xương sống của mình và có thể nghe chính mình đang nói trong trí – đúng ra là đang giảng. Tôi có thể thấy một cử tọa trước mặt, những người trong một sân vận động ngoài trời, mặc y phục mùa hè. Tôi tắp xe vào lề phải và cho xe chậm dần. Chích xác đó không phải là một khải tượng, nhưng là một sự thôi thúc mãnh liệt. Tôi biết là mình không dựng chuyện đâu – Tôi đang lắng nghe như một trong số cử tọa ấy.

Tôi đã nói rằng Chúa Giê-su yêu tôi. Với một giọng tràn đầy cảm kích, tôi đoan chắc với đám đông ấy rằng dù tội lỗi của họ như thế nào thì cũng không xấu xa như tội lỗi của chính tôi, và nhờ sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên thập giá mà tất cả chúng ta đều có thể được cứu rỗi. Tôi đã giải thích rằng tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn mạnh hơn bất kỳ điều gì khác và bất cứ ai cũng có thể có được mà không cần phải xứng đáng mới được nhận.

Ở một thời điểm nào đó trong trải nghiệm này, tôi đã tắp xe vào lề, tại đó tôi đã khóc một lúc sau tay lái. Tôi chưa từng để tâm đến những điều mà “tôi” vừa mới nói bao giờ. Một số ý tưởng hoàn toàn xa lạ. Sự giải thích duy nhất mà tôi có thể dò lường ấy là chính Thánh Linh đã bước vào trong đời sống tôi theo một cách đầy kịch tính. Tôi đã nức nở thốt lên: “Cảm ơn Chúa, con tin, và con đã được cứu. Cảm ơn Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-su.”

Niềm vui và Giải thoát

Khi đã bình tâm trở lại, tôi nhận biết một cảm xúc tuyệt vời của niềm vui và giải thoát. Không còn nghi ngờ, không dấu vết của ngập ngừng lưỡng lự – Tôi đã vượt qua, bước qua đống hoang tàn đổ nát của tù ngục để bước vào đời sống mới của đức tin. Kể từ ngày ấy, cuộc đời tôi đã tận hiến cho sự phục vụ đầy niềm vui của Chúa chúng ta.

Ngày nay tôi đang là một thành viên tích cực của Hội thánh và phục vụ với tư cách một chấp sự trong nhiều năm. Tôi là một hội viên của Hiệp hội Khoa học Mỹ quốc (American Scientific Affiliation, ASA), một tổ cức Cơ-đốc lớn nhất ttrong giới khoa học, và là phó chủ tịch của phân viện Washington, DC thuộc tổ chức này. Tôi cũng là tổng biên tập tạp chí trực tuyến God and Nature của ASA. Tôi hỗ trợ vợ mình, hiện là đồng giám đốc của một hội thiện nguyện địa phương phân phát thực phẩm cho người có nhu cầu. Tôi là một người tích cực truyền giảng Phúc âm trên mạng.

Trên đường theo Chúa, tôi đã khám phá nhiều điều, học biết về quyền năng của Kinh Thánh như là chỉ nam dẫn đến những câu hỏi trọng yếu của sự hiện hữu, học biết rằng mục đích thật sự của khoa học là mô tả thế nào về sự vật, chớ không can dự tới việc võ đoán sai lầm vễ cái lý do hiện hữu của thế giới như cách nó hiện hữu. Tôi đã học biết rằng người vô thần hiện đại chế giễu về sự vô mục đích và vô nghĩa của vũ trụ và sự hiện hữu của chính chúng ta không những chỉ là sai lầm mà còn hủy hoại nữa. Quan trọng hơn cả, tôi đã học biết rằng chẳng có một điều nào tôi đã học biết được là qua khả năng của chính mình, nhưng chỉ nhờ ân điển Chúa chúng ta, mà tình yêu và lòng thương xót của Ngài vốn vượt xa mọi sự thông hiểu.

Sy Garte là một nhà sinh hóa (biochemist) đang dạy tại Đại học Newyork, Đại học Pittsburgh và Đại học Rutgers. Ông là tác giả cuốn The Works of His Hands: A Scientist’s Journey from Atheism to Faith – Công Việc bởi Tay Ngài: Hành trình của một Khoa học gia từ Vô thần đến Đức tin (Nhà xuất bản Kregel)

 

Thiên Hựu

(Lược dịch theo: christianitytoday.com)

(Christianity Today cho phép dịch phổ biến những bài làm chứng)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan