Ngày nọ Chúa Giê-su hỏi các môn đồ, “Theo như người ta nói Con Người là ai ?” (Ma-thi-ơ 16:13). Các môn đồ, từng người một, kể ra tất cả những gì họ đã từng nghe từ người khác : Giăng Báp-tít thì được sống lại, tiên tri Ê-li, Giê-rê-mi hay một trong các tiên tri khác – đây là một số tin tức mà các môn đồ đã nghe được qua phiên bản Twitte, Facebook, Instagram và Blogs vào thời của họ.
Một khi Chúa Giê-su nghe qua những điều họ tìm hiểu được qua tri thức truyền thông, Ngài hỏi họ, “Còn chính các con thì cho rằng Ta là ai ?” (câu 15). Các môn đồ bối rối, không có câu trả lời. Nếu Chúa Giê-su không hỏi câu hỏi đầu tiên, thì họ chắc có lẽ bị ảnh hưởng bởi những lời bình của người khác, và câu trả lời của họ phản ánh tri thức truyền thông. Nhưng với hai câu hỏi của Ngài, thì chủ đích của Chúa Giê-su là gột bỏ tri thức thứ yếu này để tìm hiểu xem điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ. Phi-e-rơ là người duy nhất có câu trả lời. Ông thốt ra, “Thầy là Chúa Cứu Thế, Con Đức Chúa Trời hằng sống.” (câu 16).
Tôi tưởng tượng Chúa Giê-su mỉm cười, vỗ vai Phi-e-rơ để trấn an ông và Ngài tuyên bố, “Phước cho con, Si-môn con Giô-na ! Vì không phải xác thịt và huyết bày tỏ cho con, mà chính Cha Ta ở trên trời” (câu 17). Phi-e-rơ không bắt chước thông tin từ những gì đọc được trên mạng hay tình cờ thấy trong một bài tạp chí của một ai đó. Ông đang chia sẻ lẽ thật mà Chúa đã chuyển giao trực tiếp cho ông. Sau đó Chúa Giê-su công bố loại tri thức khải thị này là nền tảng để hội thánh được xây lên và các quyền lực hỏa ngục không thể ngăn cản những ai có được tri thức đó.
Ngược lại, các quyền lực hỏa ngục có thể dễ dàng lừa dối những người chỉ có tri thức thông tin mà thôi. Chúng ta có được tri thức khải thị theo nhiều cách. Nó có thể đến khi chúng ta đọc Kinh Thánh hay sách bồi linh được xức dầu, khi yên lặng cầu nguyện, khi nghe mục sư giảng, khi nhận một khải tượng như Phi-e-rơ đã nhận trên mái nhà (xem Công Vụ 10:9-16), hay đơn giản là khi đón nhận Lời Chúa được khải thị cho tấm lòng chúng ta bởi Thánh Linh.
Rất khó để khái quát cách khải thị này đến. Đôi khi bạn nghe được một tiếng nói nhỏ nhẹ trong lòng. Đôi lúc bạn biết vì khải thị được rót vào trong tâm linh bạn. Lúc khác tấm lòng bạn được cảm động và bạn cảm nhận sự hiện diện của Chúa khi đọc Kinh Thánh. Dù nó đến cách nào đi nữa, vấn đề mấu chốt là bạn biết bạn đã nghe nơi Chúa, và tri thức khải thị này không thể cất đi khỏi bạn.
Ngược lại, tri thức truyền thông đến khi nghe hay đọc câu nói của một ai đó về những điều họ lắng nghe từ Chúa. Tri thức đó có thể chính xác, nhưng nếu Thánh Linh không bày tỏ cho lòng bạn, thì nó rất dễ bị nhiễu. Chẳng hạn, tôi nghe một số người mạnh miệng khoe về tri thức Kinh Thánh của họ : “Anh biết không, tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.” Điều mà anh bạn này hiểu sai là do đọc hay nghe một diễn giả đã trích I Ti-mô-thê 6:10, nói, “Mê tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác.” Tiền bạc chỉ là công cụ. Thế thôi. Bạn có thể sử dụng sai hay đúng mục đích của một công cụ. Khẩu súng là một công cụ. Trong tay kẻ cướp khẩu súng đó sẽ dùng sai mục đích để đi cướp. Tuy nhiên, khẩu súng trong tay cảnh sát được dùng để ngăn chặn kẻ hiếp dâm và giết hại một phụ nữ. Cũng là khẩu súng đó, bản chất của nó không tốt cũng không xấu. Tương tự, tiền bạc là công cụ, và nó không phải là căn nguyên của mọi tội ác. Tham tiền mới là căn nguyên của mọi tội ác. Nhiều người đưa ra những lời nhận xét sai lầm như thế chỉ có tri thức truyền thông hơn là tri thức khải thị.
Trong kinh nghiệm của tôi có tri thức truyền thông này đôi khi nguy hiểm hơn là không có tri thức. Những lời mà Ê-va dùng để nói lại mạng lệnh của Chúa đó là không được đụng tới trái của cây tri thức cho thấy bà chỉ có tri thức mà thôi. Sự hiện diện của Chúa ở trong vườn Ê-đen. Ngài đi dạo với A-đam và Ê-va hầu như là mỗi ngày (xem Sáng Thế 3:8). Chuyện A-đam chia sẻ với vợ về mạng lệnh của Chúa là tốt rồi, nhưng điều mà bà đã không làm là tìm kiếm Đấng Tạo Hóa của mình một cách trực tiếp về những gì bà đã nghe.
Đặc điểm của những ai tìm kiếm Chúa là muốn khám phá sâu hơn trong việc hiểu biết Chúa. Hãy xem những gì người dân Bê-rê đã làm khi Phao-lô rao giảng sứ điệp từ trời cho họ. Những người này cởi mở hơn người Tê-sa-lô-ni-ca; họ nhiệt thành tiếp nhận đạo Chúa, hằng ngày tra cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không. (Công Vụ 17:11). Những người Bê-rê này không đứng ngoài cuộc. Họ chăm chú lắng nghe Phao-lô giảng, rồi tự tra xem Kinh Thánh. Tôi thích những từ cởi mở. Tâm trí họ mở ra với tiếng của Thánh Linh. Giữa kênh tâm trí và tâm linh họ được thông suốt, mở ra để nhận tri thức khải thị. Không giống như nhiều tín hữu thời nay, những người Bê-rê không thỏa mãn đón nhận từ Podcast (nghe kỹ thuật số được tải xuống từ trên mạng), các bài đăng trên blog hay tranh luận trên Twitter hay Facebook.
Tương tự, khi Chúa Giê-su nói về gốc gác của Ngài với các sứ đồ, Ngài không bận tâm tới điều người ta nói trên phương tiện truyền thông xã hội vào thời đó. Ngài muốn biết, “Đức Chúa Trời đã bày tỏ điều gì cho các con ?” Có lẽ trong một chuyến đi nọ, trong số môn đồ, Phi-e-rơ đã nghe ai đó nói, “Chúa Giê-su phải là Đấng Cứu Thế.” Ngay lúc đó, sự nhận biết được giải tỏ trong tâm trí và tấm lòng ông, được thôi thúc bởi sự hiện diện của Thánh Linh. Đúng rồi, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Cứu Thế. Thật tuyệt vời ! Mới cách đây ít phút mình còn chưa biết, nhưng giờ đã biết Ngài là Đấng Cứu Thế ! Đây thường là cách chúng ta kinh nghiệm Chúa bày tỏ lẽ thật của Ngài cho lòng chúng ta.
Hoặc khải thị có thể đến với Phi-e-rơ theo cách khác. Có thể khải thị đến với lòng ông vào một đêm nọ đang khi ông chìm sâu trong giấc ngủ hoặc vào ban ngày khi ông đi lại giữa các thành phố, hay trong khoảnh khắc ông chứng kiến Chúa Giê-su nói chuyện với một môn đồ khác tại chỗ dừng chân. Có lẽ trong những giây phút như thế, Đức Chúa Trời nhắc ông về một câu Kinh Thánh Cựu ước, như Ê-sai 9:6-7, nói tiên tri về sự hiện đến của Đấng Cứu Thế. Hoặc có lẽ nó đến với ông trong những giây phút ông phấn khởi khi Chúa Giê-su chữa lành cho ai đó. Thình lình vị sứ đồ đã nhớ lại lúc còn nhỏ một Ra-bi đọc lời tiên tri Cựu Ước nào đó về sự đến của Đấng Mê-si : “Ngài mang lấy sự đau ốm của chúng ta, và cất đi bệnh tật của chúng ta.” (Ma-thi-ơ 8:17, Ê-sai 53:4 xác nhận). Có rất nhiều cách khải thị về gốc gác của Chúa Giê-su đến với Phi-e-rơ; nhưng điều quan trọng là chính Chúa bày tỏ điều đó. Tôi nghĩ thật không sai khi nói rằng điều như thế đã không xảy ra với bà Ê-va. Bà đã không có tri thức khải thị; trái lại bà chỉ thỏa mãn với tri thức truyền thông.
Có lẽ A-đam đã nhắn cho bà một tin nhắn trực tiếp trên Twitter : “Em yêu, anh thấy em nhìn cây tri thức biết thiện ác. Đừng đụng tới nó nhé ! Đức Chúa Trời nói chúng ta sẽ chết nếu chúng ta ăn trái cây đó !”
JOHN BEVERE (Theo Đời Hay Đạo)
(Nguồn: vietchristian.com)