Môn đồ là người đi theo Chúa Giê-su, khao khát học Lời Chúa để làm theo, sốt sắng làm chứng, và tích cực góp phần xây dựng Hội thánh. Đây là một định nghĩa phổ thông rất tốt và giúp cho tín hữu dễ nhớ và dễ thực hành những “hành động sống” của một người môn đồ. Nhưng định nghĩa này không truyền đạt sâu xa đủ ý nghĩa của chữ môn đồ. Càng hiểu sâu xa hơn ý nghĩa này thì chúng ta càng bước lên cao hơn trong mối quan hệ mật thiết với Chúa thì càng bén nhạy với sự vận hành của Đức Thánh Linh để càng kết quả trong sự phục vụ và sống đúng với sự kêu gọi của Chúa. Và càng hiểu sâu xa thì chúng ta càng phải “cải thiện” cách mà chúng ta và Hội thánh của Chúa học và sống theo Lời Chúa.
1. Mục Đích Trở Nên Giống Chúa Giê-Su
“Môn đồ” (disciple) là danh xưng được dùng thường xuyên nhất cho những người sống theo Chúa Giê-su. Chữ môn đồ được dùng tất cả 262 lần trong các sách Phúc Âm và Công Vụ. Chữ này, trong tiếng Hy-lạp của Tân Ước là μαθητής, có nghĩa là người trung tín học hỏi, sống theo và công bố những điều mà người thầy dạy cho mình cho người khác.
Mặc dù các sách Cựu Ước không dùng chữ “môn đồ” nhưng những đức tính nói trên là những tiêu chuẩn mà dân Y-sơ-ra-ên có trách nhiệm xây dựng trong “Giao Uớc” giữa họ với Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy là Cựu Ước đã đặt trước những nền tảng về ý nghĩa và phẩm chất cho hình ảnh người môn đồ trong Tân Ước. Sau sách Công Vụ, chữ “môn đồ” không được tiếp tục dùng trong các thư tín và sách Khải Huyền nhưng tất cả các sách này đều nhấn mạnh đến khía cạnh xây dựng đời sống trở nên người môn đồ trưởng thành, chạy đua để giành lấy giải thưởng về sự kêu gọi cho đến ngày gặp Chúa Giê-su.
Rõ ràng là xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, một trong những điều Chúa muốn và kêu gọi người tin kính là trung tín học hỏi, sống theo và công bố những điều mà Chúa bày tỏ cho họ trong thời kỳ của họ. Theo ý nghĩa này, khi chưa biết Chúa Giê-su, một người Y-sơ-ra-ên sống theo giao ước thời Cựu Ước là người đang sống với địa vị của một người môn đồ của thời Tân Ước; và một người sống là môn đồ của Chúa Giê-su trong thời Tân Ước là người đang sống với địa vị là tuyển dân của thời Cựu Ước.
Dĩ nhiên, vì Chúa Giê-su đến để làm trọn luật pháp và mọi điều trong giao ước thời Cựu Ước nên người môn đồ thời Tân Ước được Ngài ban đầy đủ và trọn vẹn hơn người tuyển dân Y-sơ-ra-ên về sự hiểu biết Chúa, mối thông công với Ngài, chương trình cứu chuộc và sứ mạng Ngài trao phó vv… Chúng ta cũng không quên rằng tuyển dân Do Thái vẫn là tuyển dân của Đức Chúa Trời trong suốt mọi thời kỳ của Cựu và Tân Ước (Rô-ma 11).
Mục đích của tất cả những đức tính và phẩm chất kể trên, trong thời Cựu Ước là để giúp cho tuyển dân của Chúa “nên thánh.” Chủ đề chính của Lê-vi Ký và các sách Cựu Ước khác đặc biệt nhấn mạnh về bản chất của tuyển dân của Chúa là “nên thánh vì Đức Chúa Trời là thánh” (11.44,45; 19.2; 20.7; 20.26; 21.8; Phục Truyền Luật Lệ Ký 23.14 vv). Chủ đề này được đặc biệt nhắc lại trong Tân Ước (Phi-e-rơ 1.15,16). Đức Chúa Trời là thánh nên khi một người sống nên thánh tức là người đó đang sống trở nên giống thần tính của Chúa. Do đó, xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh, đời sống nên thánh luôn luôn là một tiêu chuẩn quan trọng mà người tuyển dân hay môn đồ phải đạt được. Thánh Kinh có rất nhiều ý hay câu chuyện dạy dỗ về sự nên thánh, đồng thời chúng ta có 81 câu Kinh Thánh trực tiếp dạy về đời sống phải nên thánh.1
Bản chất trở nên giống Chúa của người môn đồ được Chúa Giê-su nhấn mạnh trong loạt bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5-7). Sau những bài giảng về những đức tính, phẩm chất và lối sống của người môn đồ (Ma-thi-ơ 5.1-47), Chúa Giê-su kết luận: “Thế thì các con phải nên toàn thiện như Cha các con ở trên trời là toàn thiện.” (Ma-thi-ơ 5.48). Đối với Chúa Giê-su, người môn đồ là người phải sống trở nên giống như Đức Chúa Trời (dĩ nhiên không bằng sức người nhưng bằng sức Chúa, Phi-líp 4.13). Sau đó, trong chương 6 và 7, Chúa Giê-su giảng dạy về những biến đổi khác biệt giữa người chưa biết Chúa và người môn đồ để trở nên “toàn thiện” tức là trở nên giống “Cha các con ở trên trời.”
Với ý thức của Hội thánh đầu tiên rằng biết Chúa Giê-su, tức là biết Đức Chúa Trời (Giăng 14.7), Phao-lô giúp chúng ta hiểu một cách rõ ràng và cụ thể rằng trở nên giống Đức Chúa Trời là học và sống giống Chúa Giê-su và có đồng một tâm trí của Ngài, sống đóng đinh con người cũ để Đấng Christ sống trong con người của mình vv… :
Hãy noi gương tôi, như chính tôi noi gương Đấng Christ vậy (1 Cô-rinh-tô 11.1)
Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Jêsus đã có… (Phi-líp 2.5)
Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi (Ga-la-ti 2.20).
Chúa Giê-su dùng thí dụ Ngài là cây nho và các môn đồ là những cành nho (Giăng 14.1-6), để diễn tả hình ảnh như cành nho có bản chất của cây nho bên trong, thì người môn đồ phải có bản chất của Chúa trong mình. Như gốc nho sinh ra cành nho và nuôi dưỡng làm cho lớn lên và kết quả, thì chính Chúa vận hành sinh ra và biến đổi bên trong làm bản chất của người môn đồ càng trở nên giống Ngài (14.7). Kết quả là người môn đồ càng ngày càng được biến đổi, họ đầy dẫy bông trái Thánh Linh có sự “nên thánh” và “toàn vẹn” của Chúa trong đời sống.
Nói tóm lại, toàn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước dạy về người môn đồ là người xây dựng một đời sống trở nên giống Chúa Giê-su. Nói một cách đơn giản và thực tế, người môn đồ là người xây dựng một đời sống trong đó những suy nghĩ, lời nói, việc làm và sự tiếp thu vào càng ngày càng trở nên giống của Chúa Giê-su.
2. Học Và Sống Theo Lời Chúa Thì Trở Nên Giống Chúa
Khi ăn năn và tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm chủ đời sống của mình, chúng ta tự nhiên trở thành người môn đồ của Chúa Giê-su. Điều đầu tiên của một người môn đồ là học và làm theo lời người thầy dạy. Điều đầu tiên và cũng là điều thực hành trong suốt quãng đời theo Chúa của chúng ta là học và sống theo Lời Chúa. Càng gần Chúa và Lời Ngài thì chúng ta càng thánh sạch và chiếu sáng như Chúa, ngược lại tội lỗi và bóng tối càng lìa xa chúng ta. Chúa Giê-su phán:
“Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8.12)
Đức Thánh Linh cảm ứng (2 Ti-mô-thê 3.16) dùng nhiều người khác nhau để họ viết các sách trong Kinh Thánh. Chúa Giê-su là Ngôi Lời (Giăng 1.1-4), có nghĩa là Chúa Giê-su hiện diện, ngự trong Lời Chúa mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta. Đức Thánh Linh giải bày lẽ thật và soi sáng cho người theo Chúa không bị giới hạn bởi “chữ” nhưng học biết được “Lời” (2 Cô-rinh-tô 3.6). Bởi lời Chúa mà mọi sự sống từ của vũ trụ đến sự sống của con người được sáng tạo nên (Sáng Thế Ký 1-2; Thi Thiên 119.25; Giăng 1.1-4) vv… và cũng chính Lời Chúa có quyền năng biến đổi chúng ta. Cho nên, khi chúng ta sống không chỉ nhờ bánh hay thức ăn, “nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4), thì Lời Chúa làm cho chúng ta “được tinh sạch” (Giăng 15:3) giống Ngài hơn.
Lời Chúa Luôn Hòa Hợp Cựu Ước Và Cựu Ước
Nói đến học lời Chúa, dù là học ở tổ học Kinh Thánh, học theo phương pháp giải kinh ở trường Kinh Thánh, hay học để biên soạn bài giảng hay tài liệu thần học, chúng ta cần suy xét sự kết hợp chặt chẽ của ba điều như sau:
(1) Ý nghĩa chữ môn đồ là do sự kết hợp của Cựu và Tân Ước
(2) Chúa Giê-su dạy rằng Ngài đến không phải để phá hủy nhưng để làm trọn những điều Đức Chúa Trời dạy trong Cựu Ước:
“17Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến, không phải để bãi bỏ nhưng để hoàn tất. 18 Vì thật, Ta bảo các con, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một nét trong luật pháp cũng không thể qua đi được, cho đến lúc mọi sự được hoàn tất. 19 Do đó, ai bãi bỏ một điều nhỏ nhất trong các điều răn nầy và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị coi là nhỏ nhất trong vương quốc thiên đàng; còn ai vâng giữ những điều răn ấy và dạy người ta nữa, thì sẽ được coi là lớn trong vương quốc thiên đàng.” (Ma-thi-ơ 5.17-19)
(3) Chữ thần học trong tiếng Anh “theology” có nguồn gốc là do sự ghép lại hai chữ Hy lạp là “theos” và “logos” để chuyển tải ý nghĩa là “học Lời Chúa”.
Ba điều trên cho thấy chúng ta cần sửa sai cách học lời Chúa, giải kinh và lập thuyết thần học chỉ dựa vào Tân Ước mà thiếu sự tham khảo Cựu Ước. Cựu Ước nói về hình bóng và ý nghĩa nền tảng khởi đầu và Tân Ước nói về hình ảnh và ý nghĩa kết cuộc. Cho nên có nhiều lẽ đạo (nói chung) và nhiều khía cạnh nói về môn đồ trong Cựu Ước (nói riêng) mà Tân Ước không nói đến. Lý do đơn giản là vì tất cả những người được Chúa cảm ứng viết Tân Ước và hầu hết người đọc đầu tiên các sách Tân Ước (là tín hữu của Hội thánh đầu tiên) đều là người Do Thái tương đối thông thạo Cựu Ước. Họ không cần phải luôn luôn giải thích lại Cựu Ước trong khi viết hay đọc Tân Ước. Nhưng Cơ đốc nhân của những thế kỷ sau và chúng ta ngày nay không phải là những người Do Thái có sự hiểu biết Cựu Ước như họ cho nên chúng ta phải cẩn thận kết hợp Cựu và Tân Ước trong sự học biết và áp dụng lời Chúa trong đời sống của mình và Hội thánh.
Đặc biệt trong việc giải kinh và lập thuyết thần học. Không có nền tảng dựa trên sự hòa hiệp Cựu Ước và Tân Ước sẽ dễ mở đường cho những kết luận và áp dụng sai trật nguy hiểm.
Một thí dụ điển hình là do không có nền tảng Lời Chúa trong Cựu Ước xác định lẽ đạo Đức Chúa Trời lập giao ước đời đời với dân Y-sơ-ra-ên nên nhiều giáo phụ và sau đó nhiều nhà thần học trong đó có cả nhà cải chánh Martin Luther đã kết luận rằng vì dân Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Chúa Giê-su là Cứu Chúa được hứa ban cho họ (và nhân loại) nên họ bị mất đi địa vị là tuyển dân của Đức Chúa Trời; họ đáng ghê tởm; họ đáng bị mọi sự trừng phạt từ Chúa cũng như các giáo quyền và vương quyền vv… Luận thuyết này được các nhà thần học của những thế hệ sau tiếp tục vun đắp sâu rộng thêm. Kết quả là đã có biết bao nhiêu cuộc bách hại người Do Thái trong thế giới Cơ Đốc thời Trung Cổ trong thời gian thế kỷ thứ 5 đến 15. Kinh hoàng nhất là đến thế kỷ 20, luận thuyết này được lợi dụng để làm thành một phần lý luận cho chương trình diệt chủng của Hitler giết sáu triệu người Do Thái trong các trại tập trung và lò hơi ngạt. Luận thuyết này vẫn được tiếp tục ngày nay với quan điểm của “Thần Học Thay Thế” bác bỏ quyền sống và quyền đất đai của người Do Thái trong cuộc tranh chấp giữa Do Thái và Pa-lét-tin. (Xem “Những Hủy Phá Y-sơ-ra-ên Của Thần Học Thay Thế” cũng trong trang mạng này).
Một thí dụ khác, là sự kiện mới đây, vào Chúa Nhật 9-7-2017, Giáo Hội Anh Quốc (Church of England) ở nước Anh, với một đa số áp đảo đã thông qua nghị quyết công nhận việc đổi phái tính từ nam ra nữ hay ngược lại. Trong nghị quyết này có chỉ thị sẽ thay đổi các giáo nghi và giáo quy về thờ phượng và nội dung cơ đốc giáo dục cho thích hợp với nghị quyết này. Các Giáo Hội Anh Quốc đang phát triển và phục hưng trên thế giới, đặc biệt ở Phi Châu, đã chỉ trích đây là một nghị quyết dựa trên quan điểm thần học phóng túng (liberal) không theo sự trong sáng của Lời Chúa bày tỏ trong Cựu Ước và Tân Ước.
Là tín hữu, chúng ta không nên bỏ đi trách nhiệm tự nuôi chính mình bằng Lời Chúa. Bên cạnh những buổi thờ phượng, nhóm học Kinh Thánh và cầu nguyện, những hoạt động phục vụ vv, chúng ta cần phải tập đọc toàn bộ Kinh Thánh trong một khoảnh thời gian nào đó (một năm, sáu tháng vv) và tiếp tục đọc như vậy để dần dần chúng ta sẽ quen thuộc với những dạy dỗ quan trọng trong Kinh Thánh.
Nếu đọc theo cách ghi chú thêm những điều mình cảm thấy có “gì đó lạ hay đặc biệt hay dường như đã nghe biết sơ sơ từ hồi nào rồi” chúng ta có thể khám phá ra có rất nhiều điều trong Tân Ước, dù có khi nói rất vắn tắt, đã được dạy trước hay nhắc đến trước rất rõ và sâu trong Cựu Ước và ngược lại có nhiều điều trong Cựu Ước nay được ứng nghiệm hay giải bày toàn vẹn trong Tân Ước. Các Mục sư và những người dạy lớp học Kinh Thánh sẽ rất vui mừng khi chúng ta hỏi hoặc đề nghị họ hướng dẫn thêm về các đoạn hay sách trong Cựu Ước.
Ưu Tiên Trên Hết Cho Sự Tìm Kiếm Ý, Khải Tượng Và Thời Điểm Của Chúa
Người môn đồ học, làm và sống theo Lời Chúa để trở nên giống Chúa hầu có thể sống làm theo ý muốn Ngài. Giống Chúa là có tâm tình và hành động của Chúa. Tâm tình sinh ra hành động. Như vậy sự lắng nghe, khao khát và tìm kiếm ý Chúa hay khải tượng Chúa ban và thời điểm thi hành mục vụ mà Chúa kêu gọi là điều đi trước mọi hành động phục vụ. Nếu không chúng ta có thể làm nhiều điều tốt nhì, là những điều tốt theo ý của mình mà không làm điều tốt nhất là ý Chúa. Chưa kể là nhiều khi chúng ta không làm điều tốt nhì mà lại làm những điều sai phạm trầm trọng.
Chúa Giê-su bỏ ra khoảng 3 năm rưởi để dạy dỗ 12 sứ đồ và 70 môn đồ. Sau khi phục sinh, Ngài ở cùng các sứ đồ trong 40 ngày để dạy dỗ họ mọi điều về vương quốc Đức Chúa Trời. Sau đó Ngài dặn họ ở lại Giê-ru-sa-lem để chờ đợi cho đến khi Đức Thánh Linh giáng trên họ rồi thì họ mới “hành động” làm chứng về Ngài từ Giê-ru-sa-lem, Giu-đê, Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất (Công Vụ 1.1-14). Ngài muốn họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và quyền năng Đức Thánh Linh (2.1-4) giống như Ngài (Lu-ca 3.21-22, 4.1-14) rồi sau đó họ mới ra đi làm chứng và rao giảng Tin Lành.
Chúng ta cần tránh việc làm ngược lại cách của Chúa, thường là vội vã huấn luyện và bồi linh rồi tung con dân Chúa vào những chức vụ hướng dẫn nhóm nhỏ, ban hát dẫn, ban chấp hành hay những chiến dịch làm chứng, truyền giảng, truyền giáo vv… trước khi giúp họ thấy rõ ân tứ và ý Chúa muốn dùng họ. Đây là cách đào tạo “cán bộ” hội thánh chứ không phải là nuôi dưỡng và xây dựng người “môn đồ.”
Nhiều Hội thánh đã vội vã đưa các sinh viên thần học mới tốt nghiệp về thần học hay các tín hữu có bằng cấp thần học cao nhưng chưa được hướng dẫn về mục vụ – đặc biệt là hướng dẫn về tìm kiếm ý Chúa trên hướng đi của đời sống theo Chúa của họ – vào những chức vụ hay mục vụ có tính chất “chăn bầy” để mở mang mục sư đoàn và hội thánh. Kết quả là nhiều tổn thương và tan vỡ xảy ra cho tất cả mọi người và mọi gia đình liên hệ. Nhiều chức vụ quan trọng trong hệ phái được bầu lên chỉ vì thâm niên (hay trẻ và đầy năng lực), bằng cấp, kinh nghiệm, có ảnh hưởng lớn vv… nhưng không vì người được bầu có khải tượng Chúa ban. Để rồi sau này có những hậu quả lâu dài về sự trì trệ, sa sút hay chia rẻ nội bộ vv…
Chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta đủ kiên nhẫn để tìm kiếm ý Chúa, khải tượng lâu dài của Ngài cho đời sống theo Chúa của mình, gia đình và Hội thánh.
Có một nguyên tắc chung trong Kinh Thánh là khi Chúa bày tỏ thì Ngài sẽ ban ơn sức có cần, dạy dỗ huấn luyện (bằng nhiều cách khác nhau), bày tỏ thời điểm và đặc biệt là ban đầy dẫy Thánh Linh và năng quyền Thánh Linh để chúng ta sống vui mừng, kết quả đắc thắng và tận hưởng đời sống của một người môn đồ. Vì vậy người có trách nhiệm trong gia đình, người lãnh đạo Hội thánh hay Hệ phái phải xin Chúa ban cho mình ơn nâng đỡ người có sự kêu gọi và giúp họ nhận biết ra sự kêu gọi đó một cách rõ ràng.
Có thể tạm sẻ chia vắn tắt nơi đây một số điều kết hợp với nhau để giúp xác nhận đó là lời Chúa kêu gọi:
- Khi Chúa phán trực tiếp về ý chỉ của Ngài. Có khi nghe được bằng tiếng nói như trường hợp Môi-se (Phục Truyền 34.10) hay Phao-lô (Công Vụ 9.1-9); thường khi là nhận và nghe được trong tâm linh như Chúa phán với Phi-e-rơ trong trạng thái xuất thần hoặc “như giấc mơ” (Công Vụ 10.1-20; 12.1-18); và nhiều khi qua các thiên sứ công bố như với cha mẹ của Sam-sôn (Các Quan Xét 13.1-24) hay với dân sự (Các Quan Xét 2.1-5).
- Chúa dùng lời Chúa trong Kinh Thánh “thiêu đốt” không ngừng trong tấm lòng về điều Ngài kêu gọi (Giê-rê-mi 20.9). Rất nhiều danh nhân Hội thánh như Martin Luther, John Calvin, William Carey, Billy Graham, Reinhardt Bonkee vv… ở trong trường hợp này.
- Chúa dùng những giấc mơ hay khải tượng bày tỏ như với các tổ phụ dân Do Thái trong sách Sáng Thế Ký hay Phao-lô ở Trô-ách (Công Vụ 16.6-10).
- Chúa dùng các tiên tri “thật” tuyên phán và xác chứng như thấy rất nhiều qua công vụ của các tiên tri thời Cựu Ước cũng như Tân Ước và trong suốt lịch sử Hội Thánh.
- Chúa cho trải qua một hành trình đầy những thăng trầm trong cuộc sống để sau cùng nhận ra ý Chúa. Tiên tri Giô-na ngày xưa và rất nhiều người hầu việc Chúa trong các mục vụ khác nhau ngày nay nhận được ý Chúa qua cách này.
Nhìn từ khía cạnh trở nên người môn đồ, bất cứ sự kêu gọi nào không chứa đựng mục đích làm cho Cơ đốc nhân trở nên giống Chúa Giê-su thì đó không phải là sự kêu gọi của Chúa. Chúng có thể đến từ sự tưởng tượng, nhân linh hay tà linh. Hãy xin Chúa ban ơn phân biệt để thấy được sự kêu gọi là thật hay giả.
Kết
Người môn đồ là người “sống trở nên giống Chúa Giê-su.” Người đó cậy nhờ ơn Chúa và khao khát có suy nghĩ, lời nói, việc làm và sự tiếp thu vào như là Chúa Giê-su.
Điều thứ nhứt để đứng vững và sống trong một hành trình sống là người môn đồ, chúng ta cần phải học Lời Chúa, giải kinh và hiểu biết thần học một cách trung thực và toàn vẹn hơn bằng cách dựa trên những điều mà Cựu Ước và Tân Ước kết hợp để dạy chính mình và con dân Chúa.
Điều thứ hai, hành trình sống là người môn đồ là hành trình tìm kiếm, nhận lãnh và sống theo những gì Chúa kêu gọi để luôn tăng trưởng, nâng sự “trở nên giống như Chúa Giê-su” lên cao sâu hơn trong mỗi ngày.
Khi chính mình, hay một người trở nên “giống Chúa Giê-su” hơn thì những điều sau đây sẽ tự nhiên xảy ra:
1. Người mới tin sẽ trưởng thành hơn trong mỗi ngày. Họ không còn là gánh nặng chăm sóc hay “giải cứu” cho nhóm tế bào hay Hội thánh. Họ bắt đầu được Chúa dùng để nâng đỡ người khác. Họ bắt đầu thắng những cám dỗ và vững lòng tin Chúa trong lúc khó khăn.
2. Người đang tin kính sẽ tăng trưởng với suy nghĩ, lời nói, việc làm và sự nhận vào của họ càng lúc càng trở nên giống Chúa Giê-su. Từng hồi từng lúc, Đức Thánh Linh sẽ đến trên họ hoặc họ sẽ nhận biết Ngài đầy trọn hơn. Đời sống của họ sẽ sinh nhiều kết quả đắc thắng cho chính họ, gia đình họ, Hội thánh và mọi người chung quanh.
3. Người lãnh đạo Hội thánh sẽ càng thấy rõ ý muốn, khải tượng, thời điểm, phương cách phục vụ và ơn sức Chúa ban. Họ sẽ đưa dẩn những người và hội thánh mà Chúa xức dầu cho họ lãnh đạo đi vào những bước đường phục hưng hội thánh, cộng đồng chung quanh và xã hội.
Tất cả những cơn “phục hưng”, dù là trong thời Cựu Ước, Tân Ước hay trong lịch sử Hội thánh đều xuất phát từ những người có đời sống đơn sơ và họ chẳng có gì đặc biệt như Môi-se, Sa-mu-ên, Ê-li, Đa-ni-ên, các sứ đồ và các môn đồ của Chúa Giê-su, Matin Luther, John Wesley, Billy Graham, Reinhardt Bonkee vv…. Tất cả những người của Đức Chúa Trời kể trên được Ngài dùng cho sự phục hưng đều bắt đầu từ khởi điểm “làm môn đồ” Chúa. Họ sẳn sàng học hỏi và làm theo Lời Chúa và sự kêu gọi của Ngài. Họ đến gần Chúa và Lời Ngài “cho đến khi phẩm chất của “”Đấng Christ hình thành trong” họ (Ga-la-ti 4:19). Từ đó, những con người này phản chiếu vinh quang Chúa, trở thành ánh sáng cho thế gian.
Tất cả những cơn phục hưng đó đều được tiếp nối và kéo dài bởi những thế hệ sau, là những người và hội thánh sống “làm môn đồ”
Xin Chúa giúp chúng ta trở thành môn đồ thật, giống Chúa Giê-su để làm những công việc như Ngài từng làm đem những con người hư mất về nhà Cha.
Phạm Phi Phi.
Kinh Thánh dùng trong bài viết là từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010.
[1] https://bible.knowing-jesus.com/topics/Holiness,-As-Set-Apart-For-God