Chúng ta thường gọi đó là “một hội thánh trì trệ” và chúng tôi định nghĩa nó là một hội thánh không tăng trưởng nhưng cũng chưa bị suy giảm. Số lượng người nhóm lại dường như bị “kẹt” ở mức một con số nhất định. Dưới đây là một số lý do khiến một hội thánh bị “mắc kẹt” trong sự trì trệ:
(Ở đây chúng ta giả định rằng hội thánh không có những vấn đề khác như: chống lại công việc của Đức Thánh Linh, dạy dỗ sai lạc với Lời Chúa trong Kinh Thánh, cho phép những sai phạm đạo đức và mục vụ, hay không giải quyết căn bệnh bè phái và chia rẻ vv…)
1. Không ai chú ý nhiều đến những con số.
Một số lãnh đạo hội thánh đặt câu hỏi liệu việc hỏi các con số có phải là việc thờ thần tượng “những con số” hay không. Những người khác chỉ đơn giản là không quan tâm về số lượng người nhóm lại. Trong cả hai trường hợp, hội thánh có thể chỉ phát triển đến mức giới hạn của mình rồi khựng lại ở đó.
2. Hội thánh đã phát triển vượt xa phong cách lãnh đạo của mục sư.
Những mục sư muốn tham gia vào đời sống của mỗi một thành viên trong hội thánh có xu hướng hạn chế sự phát triển của một hội thánh ở mức khoảng 200 người. Hội thánh ủng hộ vị mục sư yêu quý, nhưng sự tăng trưởng hiếm khi tiến đến mức cao hơn.
3. Nhà thờ hết chỗ.
Cho dù ở bãi đậu xe, không gian cho mục vụ Cơ đốc giáo dục hay khu vực thờ phượng, việc thiếu không gian để phát triển sẽ hạn chế chỗ đậu xe và sức chứa của cơ sở vật chất của hội thánh. Sự trì trệ liên tục ở một mức độ cố định thường là một lời nhắc nhở để kiểm tra tình trạng sức chứa của cơ sở hội thánh.
4. Các nhóm nhỏ của hội thánh đã đạt đến mức tối đa của chúng.
Trước đây các nhóm nhỏ có thể đã phát triển nhưng bây giờ thì không còn chỗ để phát triển nữa. Các thành viên trong nhóm yêu thích nhóm của mình và thấy ít cần phải vươn ra tiếp cận hơn nửa. Nhóm nhỏ không được xây dựng với mục đích là khi con số của nhóm đã lớn đủ thì sẽ tách ra thành những nhóm nhỏ khác để tiếp tục vươn ra và phát triển, và cứ như thế vv…
5. Những người lãnh đạo hội thánh không dấy lên những người lãnh đạo mới.
Nhìn chung các nhà lãnh đạo hiện đang làm tốt công việc của mình trong hiện tại; vì vậy, có thêm người tiếp tục đến và trở thành thành viên của hội thánh – nhưng không có ai nâng đỡ, khuyến khích và củng cố thế hệ lãnh đạo mới cho tương lai.
6. Mục sư có thể đang bị lôi kéo mạnh bởi một cơ hội hay một điều gì khác.
Một khi điều đó xảy ra, thật khó cho bất kỳ ai trong chúng ta có thể tập trung vào những nhu cầu hiện tại của hội thánh.
7. Hội thánh dừng lại ở chỗ cảm thấy thoải mái với tình trạng hiện tại.
Khi các thành viên của hội thánh yêu thích tầm vóc và hướng đi hiện tại của hội thánh, họ có thể làm việc chăm chỉ để giữ những người mà họ có – nhưng họ lại không mong muốn việc phát triển lớn hơn.
8. Cộng đồng đang thay đổi nhưng hội thánh không thay đổi.
Hội thánh vẫn duy trì tình trạng hiện tại nhưng không tiếp cận được cộng đồng đang chuyển đổi xung quanh họ. Hội thánh trở thành một nơi “an toàn” cho các thành viên của mình, nhưng không phải là một điểm tiếp cận cộng đồng.
9. Hội thánh hoạt động trong chế độ bảo trì.
Họ yêu thương nhau nhưng không ai có khải tượng phát triển cho tương lai. Gia đình của Chúa vui hưởng một dạng chỉ duy trì những gì đã có mà không muốn thay đổi để phát triển.
10. Hội thánh không còn hiệp nguyện nhiều nữa.
Hội thánh cần phải vượt qua khỏi giai đoạn chỉ được tái lập sức sống đủ để tiến đến sự phát triển đích thực. Sự phát triển trên cơ sở lấy Chúa làm trọng tâm cần có sự giúp đỡ của Chúa. Những hội thánhkhông hiệp nguyện nhiều sẽ không thể đạt được điều đó (và nhân tiện, đó là một lý do tôi viết bài Tiềm Năng Và Sức Mạnh Của Sự Cầu Nguyện).
Những lý do nào bạn sẽ thêm vào danh sách này?
Lược dịch: Nguyễn Trọng (BBT).
Nguồn: Chuck Lawless, 10 Reasons Churches Get Stuck In Growth,https://chucklawless.com