7 Cách Cư Xử Với Những Người Khó Tính Trong Hội Thánh

Share

Một trong những rắc rối lâu dài trong hội thánh, nhóm nhỏ vv và cũng là rắc rối lâu dài cho những người lãnh đạo là những người có tính gây khó khăn. Họ là những người tiêu cực về mọi chuyện. Những người lãnh đạo thường phải vất vả khi phải giải quyết những điều có dính dáng đến họ. 

Khi tôi đang phục vụ mở mang hội thánh thì những chuyện than phiền luôn luôn đến từ bên ngoài hội thánh. Những hội thánh khác không thích cách thức của chúng tôi hay đúng ra là không thích những gì mà họ nghĩ là chúng tôi đang làm (thật ra là họ đã có những tưởng tượng không đúng về chúng tôi). 

Trong một hội thánh đã hình thành, những khó khăn phải giải quyết thường đến từ một số ít người bên trong hội thánh. Cảm tạ Chúa vì thường thì họ chỉ là một số ít. Nói cho cùng thì giải quyết với những người có tính gây khó khăn là một mảng khá lớn và quan trọng trong công vụ của người lãnh đạo, dù là lãnh đạo hội thánh hay nhóm nhỏ.

Tôi có dịp nói chuyện với các Mục sư và lãnh đạo nhóm nhỏ và mỗi tuần đều nghe nói về vấn đề có những nhóm người luôn luôn có thái độ tiêu cực hay gây khó khăn ngăn trở công vụ hội thánh. Có một lãnh đạo kia cho biết là chức vụ của ông bị đe dọa hàng tuần trong 8 tháng đã qua.

Tôi học biết được rằng mỗi khi có sự thay đổi thì số người phiền trách sẽ gia tăng. Họ thường là những người có bản tính “tôn giáo.” Và khi những người này nói chuyện thì năng lực tiêu cực của họ cũng loan rộng ra khá nhanh. Dĩ nhiên, có những người luôn khó khăn dù không có chuyện gì thay đổi.

Vậy thì chúng ta, những Mục sư hay nhân sự lãnh đạo cần làm gì?

Như Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ về xây dựng hội thánh, người lãnh đạo phải yêu thương dân sự hơn mọi người khác yêu thương họ. Lời dạy yêu thương kẻ thù nghịch bao gồm yêu thương những người không đáng yêu lắm, trong đó có những người có tính gây khó khăn (Đó là một mạng lệnh rất khó phải không?).

Tôi đã cố gắng để hướng dẫn hội thánh với triết lý này. Khi áp dụng tôi khám phá ra điều Chúa Giê-su kinh nghiệm khi làm việc với những nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời của Ngài.

Với tâm tình này, điều gì mà quý vị luôn luôn làm với những người có tính gây khó khăn – trong đó có cả những người có thái độ tiêu cực với sứ mạng mà Chúa kêu gọi quý vị?

Tôi tin rằng đây là bảy điều để đáp ứng với những người có tính khó khăn: 

Gạn lọc những lời nói tiêu cực

Hỏi chính mình nếu những điều người ta nói là ở trong lẽ thật. Nếu không, hãy mau chóng gạt bỏ chúng ra. Đừng để những lời đó bám lấy và kiểm soát quý vị. Khi quý vị hiểu biết sai về chính mình hay hội thánh, quý vị sẽ hợp pháp hóa người nói những lời như vậy. Nguy hơn nữa là quý vị sẽ làm thêm nhiên liệu cho những điều tiêu cực sâu xa thêm vào chính mình hay hội thánh. Sau cùng, quý vị đang tìm kiếm lẽ thật, không phải tìm kiếm một quan điểm về lẽ thật của một con người.

Sẵn sàng học hỏi

Chúng ta không nên từ chối lắng nghe lời bình phẩm. Luôn luôn có một dấu vết lẽ thật trong hầu hết các lời phê bình, ngay cả trong những lời mà sau cùng quý vị cần gạt bỏ ra ngoài. Đừng kiêu ngạo. Chúng ta phải luôn luôn là những người hạ mình và chịu học hỏi.

Hãy có những người tích cực chung quanh mình

Đúng là có những người luôn luôn gây khó khăn về mọi sự. Họ chẳng bao giờ khích lệ một ai. Nhưng cũng luôn luôn có những người tích cực trong mọi sự. Họ có những thái độ rất tốt. Họ là những người khích lệ và ủng hộ. Tôi nhận ra họ là những người thật lòng yêu kính Chúa Giê-su. Mỗi một lãnh đạo Cơ đốc cần có một nhóm nòng cốt là những người có thể khích lệ lẫn nhau trong bước đường đồng hành với Đấng Christ, tin vào khả năng lãnh đạo của họ, và thật lòng chăm sóc cho quyền lợi quan trọng nhất của chính họ (và gia đình của họ).

Cần nhớ là những người khó khăn cũng khó khăn với mọi người khác 

Đây là điều luôn luôn giúp tôi thoải mái chấp nhận được khi có một người có tính gây khó khăn nói về tôi – khi tôi nhận ra họ luôn luôn loan rộng ra tính tiêu cực của họ. Tôi không có ác ý, nhưng đó thường là về vấn đề họ là ai hơn là tôi là ai. Nếu họ không phê phán tôi, thì họ sẽ phê phán một ai khác. Biết như thế thì (chúng ta) đừng quá nặng lòng về những lời tấn công của một người luôn tiêu cực. Đôi khi chúng ta có khuynh hướng để hết tâm trí vào đó và nó làm tiêu hao năng lực 

Cách duy nhất để “đóng lại” người có tính gây khó khăn là đừng để cho họ có diễn đàn để họ có thể “chuyển tải” những chuyện tiêu cực. Càng có được diễn đàn thì họ càng lôi kéo nhiều người khác vào vòng tiêu cực của họ. Cũng như vậy, càng có diễn đàn thì người có khả năng gây ảnh hưởng tích cực càng đem những người khác vào vòng tích cực của họ.

Đối diện với những điều sai lẽ thật

Chúng ta không theo cách săn lùng hay vạch lá tìm sâu để xem có chỗ nào sai lẽ thật, nhưng chúng ta phải chận đứng sự loan truyền những điều giả dối nếu chúng cứ được lập đi lập lại cho công chúng hay cho chúng ta nghe. Đặc biệt là khi chúng xen lấn vào những điều mà Chúa kêu gọi chúng ta thực hiện. Đừng e ngại phải làm điều này. Dĩ nhiên là chúng ta không làm cho họ hỗ thẹn hay đối xử hằn học với họ. Hãy đối xử với mọi người bằng tình yêu thương. Hãy là một gương sáng về giải quyết sự bất đồng theo cách của Kinh Thánh. Nhưng cũng đừng bỏ qua, để cho chúng tràn lan.

Hãy đầy lẽ thật và tích cực với mọi người

Hãy quyết định rằng chúng ta sẽ là người luôn luôn gây ảnh hưởng tích cực. Đừng lập đi lập lại những điều sai sự thật và tránh thái độ khe khắc hay bắt bẽ. Hãy tìm kiếm điều tốt trong mọi hoàn cảnh. Một thái độ tích cực có đặc tính “lây lan” ra đến mọi người.

Yêu thương mọi người

Đáng lẽ điều này là điều đầu tiên trong bảy điều tôi chia sẻ vì nó là điều quan trọng nhất. Nhưng tôi muốn giữ lại điều khó nhất cho đến lúc cuối. Kể ra thì dài, nhưng trong hành trình đức tin của cá nhân tôi, Chúa đã bắt phục tôi luôn giữ lòng mình rằng sự kêu gọi trước hết mà Chúa kêu gọi tôi là yêu Ngài, để cho tôi có thể yêu thương người khác. Chính là ân sủng của Ngài đã vận hành trong suốt Kinh Thánh để dạy tôi. 

Quý vị không phải yêu tất cả mọi điều về hội thánh của quý vị, cơ cấu tổ chức hay những hành động của mỗi người trong hội thánh. Nhưng quý vị phải yêu mỗi một người. Thực vậy, nếu quý vị không thể yêu thương những người khó yêu thương nhất, tôi cho rằng quý vị sẽ khó mà lãnh đạo hội thánh hay nhóm nhỏ một cách kết quả.

Thử tìm một người khó khăn nhất mà quý vị biết và lấy người đó làm chuẩn mực cho mình. Quý vị có yêu thương họ? Có thể cầu nguyện cho họ?

Một điều cần hiểu là họ trở nên người gây khó khăn vì có một lý do nào đó. Họ bị tổn thương, tan vỡ, rối loạn hay chỉ giản đơn là có tội lỗi trong thái độ của họ. Dù là lý do gì đi nữa, chúng ta phải (xin Chúa giúp chúng ta) yêu thương họ. Đó là sự kêu gọi của người tin. Chúng ta sẽ có lúc phải đối diện với họ và đó là một phần của tiến trình môn đồ hóa, nhưng trước hết chúng ta phải yêu thương họ. Rất nhiều lần, tôi khám phá ra là nếu chúng ta yêu thương họ chúng ta có thể thực sự bắt đầu làm giảm đi cường độ tiêu cực của họ.

Luôn luôn có những người có tính gây khó khăn. Đó là một phần của mục vụ, nhưng đó cũng là một phần của đời sống Cơ đốc. Học cách đối xử với họ một cách hữu hiệu sẽ giúp quý vị trở nên một người lãnh đạo tốt hơn và kết quả hơn. Và nhóm nhỏ hay hội thánh của quý vị sẽ trở nên lành mạnh hơn.

 

Ánh Dương & Văn Bình

(Lược dịch theo: ronedmondson.com)

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan