Tập Lắng Nghe Chúa

Share

Vua Đa-vít đã khám phá quyền năng của sự tìm cầu và lắng nghe khi còn rất trẻ. Trong suốt 1 và 2 Sa-mu-ên, ông tìm cầu và chờ đợi câu trả lời từ Chúa. Nhiều câu hỏi của ông là về những trận chiến sắp xảy ra. Y-sơ-ra-ên sẽ chiến thắng? Họ phải tấn công cách nào? Đa-vít biết ông không thể nào không hết sức lắng nghe Chúa.

Một giây phút ngắn nhưng trọng đại trong đời sống của Đa-vít được tỏ ra trong 1 Sa-mu-ên 23, khi ông được tin quân Phi-lít-tin đang đánh phá và cướp bóc đất Kê-i-la. Không lúc nào mà tệ hại bằng lúc tin này đến. Đa-vít và nhóm dân quân 600 người đang chạy trốn khỏi vua Sau-lơ. Sau-lơ bị ám ảnh rằng vị tướng trẻ tuổi được mọi người mến phục đang tìm cách cướp ngôi của ông. Vởi kẻ thù nghịch rượt đuổi sau lưng, Đa-vít và toán quân của ông chạy từ chỗ này sang chỗ khác và chỉ giữ được một khoảng cách ngắn phía trước vua Sau-lơ đang điên cuồng đuổi theo. 

Tin về Kê-i-la chỉ là một tin tức nhỏ nhoi, và Đa-vít có thể bỏ qua lời kêu cứu, vì biết rằng ông đã có quá đủ những trận chiến rồi. Hay là ông có thể tung quân ngay vào chiến trường vì tin chắc rằng mình có thể bảo vệ mọi người ở đó đang bị quân Phi-lít-tin tấn công. 

Thay vì làm như vậy, Đa-vít cầu hỏi Chúa và chờ Chúa trả lời trước khi ông quyết định làm gì. Chúa dạy ông tấn công quân Phi-lít-tin và giải cứu Kê-i-la.

Cũng như Đa-vít, chúng ta đối diện với vô số nhu cầu và cơ hội trong đời sống. Chúa kêu gọi chúng ta hãy cầu hỏi và lắng nghe lời Ngài bày tỏ cho mỗi một điều như vậy.

Lắng nghe tiếng Chúa đòi hỏi một tấm lòng lắng nghe. Làm chủ nghệ thuật lắng nghe là một trong những thách thức lớn nhất của tôi. Là một người mau miệng, tôi khám phá ra tôi đang phát triển một thói quen hết sức tệ. Tôi thường ngắt ngang làm chấm dứt câu nói hay tư tưởng của người khác. Tôi đã hết sức kỷ luật chính mình để giữ im lặng. Khi tôi đang rèn sửa mình trong lãnh vực này, tôi tự hỏi tôi có luôn làm như vậy với Chúa. Tôi thường xuyên cắt ngang Chúa như thế nào – vì cho rằng mình biết điều Chúa sắp nói? Tôi có đặt lời mình vào miệng Chúa không?

Nghệ thuật lắng nghe Chúa kéo tôi vào một lãnh vực mà tôi thấy là không thoải mái: tĩnh lặng. Tôi phải làm lòng mình lắng xuống và giữ lấy sự tĩnh lặng để cho tôi thật sự biết đó là Ngài. Trông có vẻ là nghịch lại trực giác nhưng yên lặng là bí quyết làm thỏa mãn lòng đói khát Chúa. Khi bạn nghĩ đến có thức ăn ngon, bạn có thể hình dung ra những hình ảnh đi mau mau đến bàn ăn tối có nhiều gà nướng với rau thơm và những dĩa thức ăn ăn kèm theo khác nữa với mùi thơm phức như là bữa tiệc Ngày Lễ Tạ Ơn. Nhưng đôi khi tìm ăn vội vã là điều tệ nhất mà chúng ta làm. Chúa muốn đem thức ăn của Ngài đến nuôi chúng ta, và chúng ta phải học ngồi xuống cách yên lặng để cho Ngài phục vụ bàn tiệc cho linh hồn của chúng ta.

Sự im lặng đòi hỏi tôi phải khép miệng lại để có thể mở lòng ra. Những giây phút đầu tiên của sự im lặng có thể là khó nhất, khi mà tôi có thể tưởng tượng ra tiếng rì rì của cái tủ lạnh, tiếng rung của cái máy sấy quần áo. Trong sự tĩnh lặng, một làn sóng của những việc lặt vặt chưa làm xong phủ vùi lên tôi. Cần phải dọn sạch máy rửa chén. Tôi đếm có đến 17 chỗ trên thảm phải làm sạch. Ôi tôi hút bụi nhà lần chót là khi nào vậy? Tôi chiến đấu chống lại sự phân tâm với lời cầu nguyện: “Chúa Giê-xu ơi, giúp con tập chú trọn vẹn vào Ngài và nghe từ Ngài.” Tôi kêu danh Ngài vài lần. Tâm trí, thân thể và linh thần của tôi bám lấy sự im lặng như là một món quà. Và khả năng lắng nghe của tôi trở nên sắc bén. Tôi nhận ra là sự im lặng có tiếng tuyệt vời của nó. Ở nơi này, tôi sẽ hỏi Chúa, “Điều gì ở trong lòng của Ngài?” và chờ đợi.

Đôi khi, tôi không nghe có gì, nhưng trong những lúc khác tôi sẽ bắt đầu nghĩ đến một người đã bị quên từ lâu. Hay tôi sẽ nhớ đến nhu cầu của một người bạn đặc biệt. Cho dù tâm trí của tôi trôi đến những vấn đề chính trị hay xã hội, tôi dâng lên Chúa lời cầu nguyện và hỏi Ngài những câu hỏi. Tạo sao điều này là vấn đề với Ngài? Phối cảnh của Ngài là gì? Bằng cách nào con có thể phục vụ Ngài? Vào nhiều lúc khác, tôi cảm nhận được thúc giục cầu nguyện, phục vụ hay ban cho. Trong những lúc khác nữa, tôi chỉ đơn giản ngồi im lặng với một ý thức được làm mới lại về điều với Chúa là quan trọng.

Những giây phút này dạy tôi rằng Chúa thương xót người nghèo, Ngài đau đớn cho sự công chính và Ngài trông chờ mối quan hệ. Tôi học biết về sự đằm thắm của Chúa, khám phá những chiều sâu mới của tình yêu thiên thượng và trân quý những giây phút ngọt ngào của sự chỉ đơn giản ở với Ngài.

Lắng nghe làm tôi học sự kiên nhẫn. Không nơi nào trong Kinh Thánh mà Chúa cam kết hoạt động theo lịch trình hay bị đóng vào khung thời gian của chúng ta, cho dù tôi ước ao rằng sẽ dễ dàng được như vậy! Chúa trả lời một số lời cầu nguyện trong khoảnh khắc, nhưng với một số lời khác thì Ngài chờ đợi. Chờ đợi không dễ và không luôn luôn đem đến câu trả lời mà chúng ta mong muốn. Học nghe, nhận ra và nhận biết những cách mà Chúa phán không phải dễ. Nhưng trong khi chờ đợi, Chúa làm việc trong chúng ta bằng những cách mà lúc đầu chúng ta không nhận ra được, nhưng thời gian sẽ bày tỏ những giá trị vô cùng của chúng. 

Suy gẫm:  Trong những cách nào bạn có thể thực hành lắng nghe Chúa? 

Cầu nguyện rằng:

  • Bạn sẽ kiên nhẫn khi giao thông với Chúa. 
  • Chúa sẽ khải thị điều Ngài thấy là quan trọng với Ngài.

 

Ánh Dương

(Lược dịch theo: thenivbible.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan