Chúng ta thường nghĩ: “Mỗi ngày sống tốt, bình yên, đọc Kinh Thánh vài đoạn, cầu nguyện 15 phút hoặc 30 phút, hay lâu hơn với một vài tiếng trong ngày là đủ. Có lời Chúa áp dụng và thấy có sự thay đổi, có trưởng thành, tốt rồi!”
Nhưng chúng ta cần suy xét sâu xa hơn. Sự biến đổi, sự trưởng thành trong Chúa kéo dài cả đời người trên đất này hay chỉ trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời? Chúng ta thường hỏi nhau hay hỏi chính mình rằng: “Bạn đã thật sự gặp được Chúa chưa?” hay “Anh đã gặp được Chúa bao nhiêu lần? có thể kể cho tôi nghe những kinh nghiệm về Chúa của anh không?”,…chỉ là “đã gặp chưa”, hay “gặp được bao nhiêu lần?”.
Có một tôi tớ Chúa đã chia sẻ “Cần phải giữ sự hiện diện của Chúa.” Đây là điều rất tuyệt vời. Chúng ta thường nói “Chúa hiện diện tại nơi đây, chúng ta đang ở trong sự hiện diện của Chúa”. Nhưng chúng ta ít nói: “Mình ở trong sự hiện diện của Chúa bao lâu?”
“Cứ hết lòng đọc Kinh Thánh, cầu nguyện tha thiết, thờ phượng Chúa luôn luôn là ở trong sự hiện diện của Chúa”. Câu trả lời này rất đúng. Điều Chúa muốn mỗi chúng ta, “Hãy cứ ở trong Ta như chính Ta ở trong các con. Như nhánh nho, nếu không liền với cây nho, thì tự nó không ra quả được; khi các con không ở trong Ta thì cũng chẳng kết quả gì… Điều làm Cha được tôn vinh là các con kết được nhiều quả và như thế chứng tỏ là môn đệ Ta…Các con là bạn hữu của Ta nếu các con thi hành điều Ta truyền.. Ta đã gọi các con là bạn hữu, vì mọi điều nghe được nơi Cha, Ta đã cho các con biết” (Giăng 15:4,8,14,15 – BHĐ).
Nếu chúng ta chỉ ở trong sự hiện diện của Chúa khi nhóm lại thờ phượng Ngài ngày Chúa Nhật mà thôi, để rồi mỗi ngày trong tuần quá bận rộn với cuộc sống mưu sinh, mà quên bẵng đi cần phải phát triển mối thông công với Chúa mật thiết – thì làm sao chúng ta có thể hiểu và làm theo ý muốn của Chúa?
Thánh Kinh có nói: “Ngày Chúa đến rất gần và thình lình không ai biết trước.” Những điều gì giúp chúng ta giữ được sự hiện diện của Chúa trong đời sống ngay từ lúc này cho đến ngày Chúa trở lại? Xin chia sẻ với các bạn vài hiểu biết đơn sơ dưới đây, dựa theo Lời Chúa dạy về cách giữ gìn sự hiện diện của Ngài.
1. Giữ đời sống thánh khiết, nói không với việc dùng thời giờ Chúa ban cho để đăng nhập theo sinh hoạt mạng xã hội và giữ gìn đời sống trong sạch.
Lời Chúa truyền: “Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn nết ở của mình, vì có lời chép: ‘Các con phải thánh, vì Ta là thánh’”. (I Phi-e- rơ 1:15-16 -BHĐ). “Thật vậy, Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta cần đến: Thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt riêng khỏi kẻ có tội, được tôn cao hơn các tầng trời” (Hê-bơ-rơ 7:26 – BHĐ). Đức Chúa Trời là Đấng công bình, thánh khiết, Ngài không chấp nhận bất cứ sự ô uế bất khiết nào, nhưng Ngài cho chúng ta có quyền tự do trong mọi quyết định.
Tội lỗi làm chúng ta mất đi sự thánh khiết. Chống trả chúng và ăn năn tội lỗi làm chúng ta được phục hồi và trưởng thành trong sự gần gũi Chúa. Chúng ta đã biết về những dạng tội lỗi như là: *phạm 10 điều răn (Xuất Ai Cập Ký 20:1-7), *những gì nghịch lại với lòng tôn thờ Chúa và yêu thương người khác như chính mình (Mác 12:28-31), *không làm điều lành đáng phải làm (Gia-cơ 4:17); *làm việc gì không bởi đức tin” (Rô-ma 14:23) vv…
Tội lỗi cũng biến dạng theo sự phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa trong xã hội. Do đó chúng ta cần phải tĩnh thức, nhạy bén với một thể dạng mới cùa tội lỗi của thời đại mạng xã hội ngày nay. Đó là tội tiêu phí thời giờ Chúa ban cho.
Ẩn dụ mười người nhận mười nén bạc trong Lu-ca 19:11-28 (Bản TTHĐ 2010) cho thấy hình ảnh mỗi một người đầy tớ được nhà quý tộc ban cho một nén bạc. Ở đây nói đến mỗi một người đều được Chúa ban cho một số điều giống nhau và phải biết dùng những điều này để phục vụ Chúa trong môi trường sống của mình (gia đình, Hội Thánh, cộng đồng và xã hội). Những điều mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta có như nhau là gì? Mỗi người đều có như nhau một thời giờ 24 tiếng/ngày, mỗi người chỉ có một đời sống trên thế gian và mỗi người đều có như nhau một tâm hồn vv.
Chúa ban cho mỗi người chúng ta có như nhau 24 tiếng đồng hồ một ngày, để dùng phục vụ và tận hưởng ơn phước Chúa trong gia đình, Hội Thánh, cộng đồng và xã hội. Khi chúng ta dùng những thời giờ đó để thỏa mãn những ham thích của cái “tôi” của chúng ta trên các mạng xã hội, tức là chúng ta đang ăn cắp thời giờ của Chúa.
Chúng ta phải cẩn thận giữ mình. Thời đại công nghệ thông tin phát triển với những chiếc điện thoại thông minh, máy vi tính, Ipad, v v… có rất nhiều chức năng tiện lợi nhưng chúng cũng là những con dao hai lưỡi. Hoặc là chúng ta dùng chúng làm một phương tiện phục vụ, hoặc là để cho chúng làm chủ chúng ta và lấy đi rất nhiều thời gian của mình.
Con người dễ phạm tội và sự khôn ngoan xác thịt của chúng ta luôn tìm ra những biện hộ có vẻ hợp lý! Biện hộ rằng để ra hàng giờ cho những việc như lướt web, đọc bài viết này tin tức kia vì cần biết tin tức thế giới! Xem hết web Tin Lành, đến những thông tin “hot” nhất hiện nay trong giới Showbiz, đến thời trang, chưa kể đến những trang web không lành mạnh… để có kiến thức về thế giới chung quanh, v v.
Phao-lô đã nói thế này trong bức thư gửi Hội Thánh Cô-rinh-tô: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không làm nô lệ cho bất cứ điều gì” (I Cô-rinh-tô 6:12 – BHĐ), “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31- BHĐ).
“Người khôn ngoan thấy tai họa và tránh khỏi, Nhưng người ngu dại cứ đi lên và lâm nạn” (Châm Ngôn 22:3 BDM). Phải tiết độ, giữ thân thể trong sạch vì là đền thờ của Đức Chúa Trời, Cơ Đốc Nhân không tùy tiện làm gì trên thân thể này vì chúng ta đã thuộc về Chúa. “Anh em không biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh…anh em cũng không còn thuộc về chính mình nữa…vậy hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20 BDM).
2. Xây dựng đời sống có kỷ luật thuộc linh, đặc biệt cho sự cầu nguyện, lắng nghe tiếng phán của Chúa.
Rất nhiều điều chúng ta muốn học để phục vụ nhà Chúa nhưng dường như vẫn chưa thực hiện được. Phao-lô nói:“Tâm thần muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” Để thắng được xác thịt yếu đuối, Cơ Đốc Nhân cần có đời sống kỹ luật, nghiêm khắc với chính mình.
Lời Chúa truyền cho chúng ta: “Cầu nguyện không ngừng” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17), “Vậy hãy có một tâm trí sáng suốt và tự chủ để cầu nguyện” (I Phi-ê-rơ 4:7); “Hãy kiên tâm cầu nguyện” (Rô-ma 12:12), “Hãy kiên nhẫn cầu nguyện, tỉnh thức trong khi cầu nguyện và tạ ơn” (Cô-lô-se 4:2 BDM). Thường chúng ta chỉ cầu nguyện khi làm xong công việc trong ngày, hay chỉ cầu nguyện khi có nhu cầu, nan đề. Nhưng cầu nguyện là một điều rất quan trọng vì đó là mệnh lệnh của Chúa.
Mỗi ngày chúng ta có 24 tiếng đồng hồ. Sau khi trừ đi thời gian ngủ, nghỉ, sinh hoạt, làm việc, giao tiếp, giải trí, học tập, vv… Chúng ta vẫn còn không ít thời giờ để đến riêng tư với Chúa. Đặc biệt nếu chúng ta đừng ăn cắp thời giờ Chúa ban để tiêu phí vào những chuyện vô ích hay tối tăm trên các mạng truyền thông xã hội.
[bs-quote quote=”Các con không thể cầu nguyện với Ta một giờ sao?” style=”style-20″ align=”right”][/bs-quote]
Chẳng phải là Chúa Jêsus đã nói với các môn đồ tại vườn Ghết-sê-ma-nê là: “Các con không thể cầu nguyện với Ta một giờ sao?” Kinh Thánh dùng những hình ảnh cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh chị em, bạn hữu, thầy trò,vv.. để tượng hình ra mối quan hệ rất sâu xa và mật thiết giữa chúng ta với Chúa. Không ai đang ở trong những mối quan hệ tượng hình này, mà chỉ nói chuyện riêng tư với nhau một giờ trong một ngày.
Chúng ta có thể cầu nguyện trong tiếng mới hay tiếng mẹ đẻ không chỉ vào những giờ phút riêng tư, mà chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa trong khi làm việc nhà, hay đang khi đi đường, …
Ích lợi đầu tiên khi thực hiện kỷ luật thuộc linh bằng sự cầu nguyện là mối quan hệ mật thiết với Chúa sẽ gia tăng. Từ đó sự sáng và sự khôn ngoan cùng các mỹ đức của Chúa cũng gia tăng, vận hành trong suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Chắc chắn những điều lành này sẽ làm giảm thiểu tối đa những sai phạm mà thường ngày gặp, giảm những cơn tức giận, giảm đi những lời nói vô ích, những suy nghĩ tiêu cực,… mà lại thêm tình yêu thương, hiểu được lòng của Chúa muốn chúng ta làm trên anh em mình. Đó là một ích lợi thật tuyệt vời cho chúng ta.
Hôm nay con sẽ nghe thấy được điều gì khi ngợi khen tôn vinh Chúa bằng ngôn ngữ Thánh Linh? Chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa thật tuyệt vời và phước hạnh. Chúa không muốn nhường sự khen ngợi cho ai khác. Ngài thích chúng ta chỉ ngợi khen tôn vinh duy mình Ngài. Để thời gian lắng nghe Cha thiên thượng nói gì với chúng ta, không vội vã trong khi trò chuyện với Chúa. Nói với lòng “Con muốn biết, hiểu về Ngài nhiều hơn, xin dạy con, xin giúp con”. Vì “Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ như sư tử rống, đang rình rập chung quanh để tìm xem người nào nó có thể ăn nuốt được” (I Phierơ 5:8 BDM). “Ngủ một chút, chợp mắt một chút, khoanh tay nằm nghỉ một chút. Thì sự nghèo khổ sẽ đến với ngươi như kẻ trộm cắp, cảnh túng thiếu sẽ tấn công ngươi như kẻ cướp có vũ trang” (Châm ngôn 6:10-11 BHĐ). Nhưng “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi” (Phi-líp 4:3 BHĐ). Lời Chúa giúp chúng ta vượt qua những khó khăn nho nhỏ và chúng ta sẽ đắc thắng hơn trong những thử thách lớn.
Kết luận: Ngày Chúa đến gần không còn lý do gì để chúng ta chần chừ nữa, tiếp tục duy trì một đời sống thánh khiết, trò chuyện và chiêm ngưỡng sự vinh quang của Chúa để hoàn thành cuộc đua mà Chúa kêu gọi mỗi chúng ta.
Núp Bóng Chúa & Trần Ngọc