Tại Sao… Khi Dường Như Chúa Không Trả Lời

Share

Phao-lô dạy chúng ta hãy cầu nguyện không thôi (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5.17, BTTHĐ 2010). Tại sao? Bởi vì chúng ta đang ở trong một mối quan hệ với Đức Chúa Trời, và quan hệ là có sự truyền thông với nhau. Chúng ta cầu nguyện để có một mối quan hệ sâu đậm hơn với Đấng Sáng Tạo nên mình. Chúng ta cầu nguyện để bày tỏ cảm xúc: buồn rầu và thất vọng, tạ ơn và vui mừng. Chúng ta cầu nguyện để sẻ chia với Ngài những điều chúng ta vật lộn với và những điều chúng ta nghi ngờ. Và chúng ta cầu nguyện để trở nên giống Chúa Giê-xu hơn.

Nhiều khi chúng ta cho rằng cầu nguyện chỉ là để xin những gì chúng ta mong ước – cứ như là cây đèn thần trong chuyện cổ tích. Đúng là cầu nguyện có thể làm Chúa can thiệp – cách lạ lùng – nhưng không phải tất cả sự cầu nguyện sẽ luôn được trả lời ngay như chúng ta muốn. Mặc dù chúng sẽ được trả lời.

Bàn đến sự khó khăn và sự cầu nguyện, sách Gia-cơ bày tỏ rằng câu trả lời tận cùng cho mỗi sự cầu nguyện đang đến: Chúa Giê-xu sẽ trở lại để sửa lại mọi điều sai trật (Gia-cơ 5.7-9, BTTHĐ 2010). Đó là lý do mà khi giở đến câu cuối cùng của Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa là Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!” (Khải Huyền 22:20). Với sự trở lại của Chúa Giê-su, mọi lời cầu nguyện hợp lẽ sẽ được trả lời. Không có gì sai khi nghĩ như sau: Những lời cầu nguyện được trả lời hiện nay, trước khi Chúa Giê-xu trở lại, là những lời cầu nguyện được trả lời “sớm” – trước khi nhận câu trả lời vĩ đại và sau cùng của Chúa.

Chúng ta có thể bị cám dỗ để hỏi, “Chúa có trả lời cho lời cầu nguyện chăng?” Câu hỏi thật sự phải là “Làm sao tôi có thể kết nối với những mục đích huyền nhiệm và lớn lạ của Chúa cho đến khi câu trả lời tận cùng đến?” Câu trả lời là: Hãy cầu nguyện và kiên trì cầu nguyện.

Tôi Có Thể Cầu Xin Chúa Điều Tôi Muốn?

Chúa muốn chúng ta thành thật và thẳng thắn về điều chúng ta muốn và nhu cầu của chúng ta khi nói chuyện với Ngài. Nhưng đó không có nghĩa là cầu nguyện là cây đèn thần để làm ra mọi thứ mà chúng ta muốn. Cầu nguyện là tương giao với Chúa, sẻ chia với và lắng nghe Ngài. Là đem lòng ao ước của chúng ta đến gần với lòng ao ước của Ngài. Cho nên chúng ta có thể cầu nguyện xin điều mình muốn? Vâng – bao lâu mà chúng ta nhớ rằng ước muốn của Chúa có thể khác với những gì chúng ta muốn hay mong đợi. Ý của Ngài phải luôn luôn là ưu tiên cao nhất của chúng ta. Tin tốt lành cho chúng ta là “Chúa làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:28). Chúng ta có thể phó mình cho những quyết định của Ngài.

Kinh Thánh dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn, chớ hề nản lòng (Lu-ca18:1). Đây chính là điều An-ne làm. Bà không thể sinh con. Tâm hồn An-ne sầu khổ, bà vừa cầu khẩn Đức Giê-hô-va, vừa tuôn tràn nước mắt (1 Sa-mu-ên 1.10). Sự cầu nguyện khẩn thiết của bà khiến thầy tế lễ Hê-li nghĩ rằng bà say rượu. Kinh Thánh không bao giờ nói chỉ có một cách tốt nhất để cầu nguyện (im lặng, lớn tiếng, quỳ gối, đứng), nhưng khi An-ne mấp máy môi cầu nguyện im lặng, đó có thể là một cách không bình thường với văn hóa thời đó.

Thêm vào với sự cầu nguyện khẩn thiết và kiên trì, An-ne cũng dâng mọi sự tốt lành cho Chúa. Bà nhận biết bà có con trai chỉ là do bởi quyền năng của Ngài, và bà hứa nguyện dâng con cho Ngài. Bà giữ lời hứa. Bà đặt tên con trai là Sa-mu-ên – có âm giống như nhóm chữ Hê-bơ-rơ “Tôi đã cầu xin Chúa cho nó.”

Nếu Tôi Yêu Kính Chúa, Sao Ngài Không Trả Lời Lời Cầu Nguyện Của Tôi?

Đôi khi dường như là lời cầu nguyện của chúng ta bị trần nhà làm dội lại. Nhưng điều chúng ta cảm xúc không luôn luôn là sự thật. Kinh Thánh dạy rằng Chúa đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta (Thi Thiên 91.15; Giăng 16:24). 

Nhưng có một ít điều chúng ta cần nhớ: có thể câu trả lời của Chúa không phải những gì chúng ta hy vọng. Có những lúc câu trả lời của Ngài chỉ đơn giản là “không” hay “hãy đợi.” Và câu trả lời của Ngài có thể là điều gì đó mà chúng ta không hoàn toàn hiểu được. Nhưng câu trả lời của Ngài luôn luôn là câu trả lời tốt nhất. Ngài yêu chúng ta rất nhiều, và câu trả lời của Ngài luôn luôn là những gì chúng ta cần – ngay cả khi chúng không phải là điều chúng ta muốn. 

Vâng, cầu nguyện là lúc thành thật với Chúa về điều chúng ta muốn. Nhưng đó cũng là lúc chúng ta nhận biết ai đang kiểm soát mọi sự. Và cũng là lúc cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu – và chấp nhận – những gì Ngài đem đến cho đời sống của chúng ta.

Kết luận là để có một đời sống cầu nguyện kết quả, chúng ta cần đặt Chúa lên trên hết. Nếu chúng ta làm như vậy, Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và trả lời với điều tốt lành nhất.

Những đề nghị khi bạn ở trong sự cầu nguyện dằm thắm:

1. Hãy ghi chép những lời cầu nguyện như là các tác giả Thi Thiên, viết ra những câu hỏi, những nổi đau và tranh chiến – không chỉ những điều cầu xin của bạn. Cũng đừng quên ghi chép những lời tạ ơn và ca ngợi Ngài.

2. Hãy cầu nguyện tuần hành. Đi bộ quanh khu phố và cầu nguyện cho mỗi gia đình trong mỗi căn nhà mà bạn đi ngang qua.

3. Hãy cầu nguyện về những tin tức. Khi đọc hay nghe về một sự kiện đau thương hay biến cố, hãy cầu nguyện cho những người có dính dáng trong đó. 

4. Hãy im lặng. Nếu cầu nguyện là một cuộc đối thoại và đúng là như vậy thì bạn cần lắng nghe trong im lặng. Khi lắng nghe, hãy trông đợi Chúa động chạm lòng của bạn, khuấy động lương tâm hay nhận biết những điều bạn cần làm hay thay đổi.

5. Tại sao không thường xuyên cầu nguyện bằng tiếng mới (hay tiếng lạ) nếu bạn có ân tứ này? Để biết rõ về vấn đề này, bạn có thể đọc trên trang mạng này cuốn “Ngôn Ngữ Thánh Linh: Vượt Qua Kinh Nghiệm Lễ Ngũ Tuần”

 

Nguyễn Bình

(Lược dịch theo: thenivbible.com)

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan