Nói Nhỏ Với Tay Đánh Lưới Người (Chương 2)

Share

CHƯƠNG II

ĐỜI SỐNG VÀ HÀNH VI CHÂN CHÁNH CỦA MỤC SƯ TRUYỀN ĐẠO

 

Mục sư, truyền đạo chân chính phải là Cơ Đốc nhân chân chính. Trước khi có thể kêu gọi kẻ khác đến cùng Đức Chúa Trời, chính ông phải được Ngài kêu gọi. Sứ đồ Phao-lô minh xác vấn đề ấy như thế nầy: “Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hoà thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hoà cho chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:18). Trước hết, họ được phục hoà, rồi họ được giao cho chức vụ phục hoà. Chúng ta có phải là những Mục sư, Truyền đạo đã được phục hoà với Đức Chúa Trời chăng? Ai muốn dắt dẫn kẻ khác về phần thiêng liêng, thì chính mình phải biết con đường cứu rỗi trước đã; đó chỉ là điều hợp lý. Người ta thường nói: “Con đường lên thiên đàng bị lấp bởi bọn giáo sư chết”. Nhưng há chẳng quả thật rằng không phải chỉ có thuộc viên Hội Thánh dự phần lấp đường sầu não ấy? Chúng ta hãy coi chừng chính mình!

Vì theo nhiều phương diện, cuộc đời Mục sư, Truyền đạo là cuộc đời của một chức vụ, nên chúng ta hãy nói một vài lời về đời sống thánh khiết của Mục Sư, Truyền đạo.

[bs-quote quote=”Mục sư, truyền đạo chân chính phải là Cơ Đốc nhân chân chính” style=”style-20″ align=”left” color=”#15468c”][/bs-quote]

Chúng ta hãy tìm kiếm Chúa sớm. Có người nói: “Nếu lòng tôi sớm được gia vị bằng Hiện diện Ngài, thì suốt ngày nó sẽ toả ra hương vị của Ngài”. Hằng ngày chúng ta hãy gặp Đức Chúa Trời trước khi gặp loài người. Ông McCheyne nói: “Tôi phải cầu nguyện trước khi gặp bất cứ ai. Thường khi tôi dậy trễ hoặc gặp kẻ khác rất sớm, rồi nhóm gia đình cầu nguyện, ăn điểm tâm, tiếp khách buổi sáng, và đến 11 hoặc 12 giờ trưa mới cầu nguyện riêng. Đó là phương thức đáng thương hại. Nó chẳng đúng theo Kinh Thánh. Đấng Christ thức dậy trước khi trời sáng, đi vào nơi vắng vẻ… Vì dậy trễ, gia đình cầu nguyện mất nhiều sức mạnh, hương thơm, và tôi không thể giúp ích chút nào cho những người dến tìm kiếm tôi. Lương tâm cảm thấy mắc tội, linh hồn không được nuôi nấng, ngọn đèn không được cắt tim. Đoạn, khi tới giờ cầu nguyện riêng buổi trưa thì linh hồn thường không đúng điệu. Tôi cảm thấy tốt hơn bội phần là bắt đầu với Đức Chúa Trời, là thấy mặt Ngài trước nhất, là đem linh hồn tôi đến gần Ngài trước khi đi đến gần người nào khác…

Tốt hơn hết là có ít nhất một giờ ở riêng với Đức Chúa Trời trước khi làm bất cứ việc gì. Đồng thời, tôi phải thận trọng, không tính mối tương giao với Đức Chúa Trời bằng phút, hoặc bằng giờ, hoặc bằng sự cô tịch.

Hãy nghe lời tôi tớ trung thành Đấng Christ đã khuyên giục một anh em yêu dấu: “Anh hãy tự coi chừng mình. Anh phải chăm lo linh hồn trước nhất và nhiều nhất. Anh biết đó, chỉ thân thể lành mạnh mới có thể làm việc hăng hái; còn linh hồn muốn làm việc hăng hái, thì lại càng phải lành mạnh. Hãy nhờ Huyết Chiên Con giữ cho lương tâm trong sạch. Hãy duy trì mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời. Hãy học tập giống như Ngài trong mọi sự. Hãy đọc Kinh Thánh cho chính mình lớn lên trước nhất, rồi sau mới cho tín hữu trong chi hội mình.”

Người chép tiểu sử của McCheyne viết: “Với ông, khởi điểm của mọi công tác bao giờ cũng là chuẩn bị chính linh hồn mình. Trước khi đi thăm viếng hằng ngày, ông một mình bình tĩnh tu dưỡng đạo đức suốt mấy giờ buổi sáng. Bốn bức tường phòng ông làm chứng ông siêng năng cầu nguyện; tôi tin rằng nó cũng chứng kiến ông đổ nước mắt và khóc lóc. Tiếng đọc Thi thiên thích thú thường phát ra từ phòng ông lúc sáng sớm; sau đó ông đọc Kinh Thánh cho chính mình được nên thánh. Ít người nhận thức đầy đủ ơn phước trong Thi thiên 1 như ông”.

Nguyện hết thảy chúng ta được như vậy; Giám mục (Tin – lành ) Hall nói: “Tu dưỡng đạo đức là sự sống Cơ Đốc giáo, là linh hồn của sự tin kính, là sự sử dụng ân điển đến mức tối cao”. Rất đáng sợ rằng “chúng ta yếu đuối trên toà giảng vì đã yếu đuối trong phòng riêng”.

Đồng đi với Đức Chúa Trời”

Ông Coleridge viết: “Để khôi phục vẻ rực rỡ phi thường cố hữu của một chân lý đã hoá ra tầm thường, vô vị, bạn chỉ cần biến nó thành hành động”. Đồng đi với Đức Chúa Trời là một chân lý rất tầm thường, vô vị. Hãy biến chân lý ấy thành hành động, ắt nó sẽ rực rỡ biết bao! Thành ngữ nầy tầm thường biết bao! Nhưng hành động nầy lại hiếm hoi biết bao! Chúng tôi mời độc giả ngắm xem bước đồng đi ấy, – không phải một lý tưởng trừu tượng, mà là một cá tánh, một cuộc đời. Ôi! Nguyện chúng ta sốt sắng, đứng đắn bắt tay làm công việc biến hoá hiếm hoi nầy!

John Berridge là người cương nghị, tin kính và thành công; có lời nói về ông rằng: “Trong giai đoạn cuối cùng của chức vụ, ông đã thể hiện mối tương giao với Đức Chúa Trời. Quả thật, mối tương giao ấy là món ăn, nước uống của ông, là bữa tiệc mà ông không bao giờ có vẻ đứng dậy khỏi đó”. Lời nầy tỏ cho ta thấy nguồn sức mạnh lớn lao của ông. Nếu chúng ta ngồi dự tiệc ấy luôn, thì chẳng bao lâu, có thể chép về chúng ta cũng như về ông rằng: “Năm thứ nhất, đã có chừng một ngàn người đến thăm ông vì chịu cảm động sâu xa”.

Hãy nghiên cứu người giảng; Chớ nghiên cứu bài giảng.

Nếu có ai hỏi: “Nhờ đâu mà các ông ấy thành công”, thì chúng ta phải khiến ai đó nhìn vào con người các ông ấy, chứ không nhìn vào giáo lý của họ. Tại sao chúng ta không thể thành công y như vậy? Ta có thể lấy các bài giảng của Whitefield, hoặc Berridge, hoặc Edward, để nghiên cứu hoặc làm mẫu, song ta cốt phải đặt chính con người của họ trước mặt mình. Nếu khao khát một chức vụ hùng mạnh và đắc thắng như chức vụ họ, chúng ta phải dầm thấm tinh thần họ hơn là dầm thấm tinh thần của công việc họ. Họ là những người thiêng liêng, và đồng đi với Đức Chúa Trời. Chính là mối tương giao sống động với Cứu Chúa hằng sống biến cải chúng ta  ra giống hình ảnh Ngài, và cho ta đủ tư cách làm Mục sư, Truyền đạo Tin Lành thành công.

Không có mối tương giao ấy, thì chẳng điều chi khác hữu ích. Không có nó, thì dầu chánh giáo, học thức, hùng biện, sức mạnh lý luận, sốt sắng, nhiệt tâm, cũng chẳng làm nên việc gì. Chính nó làm cho lời ta nói có quyền năng và lý luận của ta có sức thuyết phục; nó khiến lời nói và lý luận ấy thành ra như thuốc thơm của xứ Ga-la-át cho thần linh bị thương, hoặc như mũi tên nhọn của dũng sĩ bắn vào lương tâm kẻ loạn nghịch có tấm lòng cứng cỏi. Dường như có hiệu lực phát ra từ những ai đồng đi với Đức Chúa Trời trong sự giao thiệp thánh khiết, hạnh phước. Dường như hương thơm ơn phước bao quanh họ bất cứ họ đi đến đâu. Gần gũi Đức Chúa Trời, thân mật với Ngài và đồng hoá tâm tánh Ngài, – đó là những yếu tố của một chức vụ Mục sư, Truyền đạo có quyền năng.

Khi chúng ta có thể nói với tín hữu rằng: “Chúng tôi đã ngắm xem vinh hiển của Ngài, nên mới nói đến vinh hiển ấy. Chúng tôi không nói theo điều nghe được, song đã thấy Vua trong vẻ tốt đẹp của Ngài”. Chúng ta đứng ở địa vị cao quí biết bao! Sức mạnh của chúng ta để kéo kẻ khác đến cùng Đấng Christ phần lớn phát xuất từ niềm vui mừng đầy đủ mà mình có trong Ngài và từ mối tương giao gần gũi của riêng mình với Ngài. Vẻ mặt nào phản chiếu Đấng Christ nhiều nhất, sáng chói lòng yêu thương và ân điển Ngài nhiều nhất, thì có xư cách nhiều nhất để làm cho mắt người thế gian, vốn khinh tuất, nhẹ dạ, phải chú ý đến; để cứu được những linh hồn xao xuyến khỏi sức ếm chú của lòng yêu mến vật thọ tạo và vẻ đẹp vật thọ tạo. Chức vụ Mục sư, Truyền đạo có quyền năng phả là kết quả do thân mật với Chúa một cách thánh khiết bình tĩnh, kính mến.

Trung tín cần thiết cho thành công.

“Luật pháp của sự chân thật đã ở  trong miệng nó, trong môi miệng nó chẳng có một sự không công bình nào; nó đã bước đi với Ta trong sự bình an và ngay thẳng, làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác” (Ma-la-chi 2:6). Chúng ta hãy xem xét mối liên quan mà đây tuyên bố là có giữa lòng trung tín và mức thành công trong chức vụ Mục sư, Truyền đạo; giữa cuộc đời thánh khiết và sự “làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác”. Như chúng ta đã tuyên bố lúc thụ phong, mục đích đầu tiên của chúng ta khi bước vào chức vụ chính là cứu vớt nhiều linh hồn; mục đích vì đó chúng ta còn sống và làm việc cũng là như vậy; Phương pháp đạt tới mục đích ấy là đời sống thánh khiết và trung tín làm trọn chức vụ của mình.

Mối liên quan giữa hai sự kiện nầy vừa chặt chẽ, vừa vững chắc. Chúng ta có quyền dựa vào đó mà toan tính. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta cầu nguyện và làm việc, với niềm tin cậy, trông đợi rằng mối liên quan ấy sẽ thực hiện. Nếu không có, chúng ta phải tự xét, e rằng nguyên nhân thất bại lại thấy ở chính mình chăng, tức là vì ta thiếu đức tin, yêu thương, cầu nguyện, hăng hái, sốt sắng, thiêng liêng và đời sống thánh khiết; bởi chưng những cái đó thiếu, nên Đức Thánh Linh buồn rầu mà bỏ đi. Có thể đạt tới thành công; có thể mong ước thành công; Đức Chúa Trời hứa cho thành công. Đối với linh hồn một Mục sư,  Truyền đạo trung tín, không có gì ở thế gian cay đắng cho bằng chẳng thành công. Kinh Thánh tuyên bố rằng đồng đi với Đức Chúa Trời và trung tín với chức vụ chính là con đường chắc chắn thành công. Ôi! Biết bao nhiêu điều tuỳ thuộc đời sống thánh khiết, tâm tánh bền vững, hành vi và đàm thoại hướng về Thiên đàng!

Vì cớ địa vị của mình, chúng ta không thể nào cứ “trung lập”. đời sống ta không thể nào lờ mờ, vô hại. chúng ta phải hoặc xô linh hồn đi, hoặc kéo linh hồn đến, – hoặc cứu vớt họ, hoặc huỷ diệt họ! Vậy nên lớn lao thay là tiếng kêu gọi, mạnh mẽ thay là cớ tích phải thiêng liêng trong linh hồn và thận trọng trong đời sống! Long trọng thay là lời cảnh cáo chớ có tinh thần ham mến thế gian, chớ tự mãn, nhẹ dạ, phù phiếm, biếng nhác, trễ nải và chớ theo nghi thức lạt lẽo!

Trong cả mọi người, ông Mục sư, Truyền đạo được đặc biệt kêu gọi đồng đi với Đức Chúa Trời. Mọi sự tuỳ thuộc điều ấy: nào niềm vui mừng và bình an của ông, nào phần thưởng tương lai của ông khi Chúa ngự đến. Nhưng đặc biệt là Đức Chúa Trời chỉ vào điều ấy như là phương pháp đích thực và chắc chắn để được phước. Đó là bí quyết cao đại cho Mục sư, Truyền đạo được thành công.

 

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan