CHƯƠNG 14
NĂM QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ VIỆC NÓI TIẾNG LẠ
Ở phần đầu của sách, tôi nói rằng ngay cả các tín hữu được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ thường không biết giá trị cũng không biết phạm vi của việc nói tiếng lạ. Một số tín hữu không biết Lời Chúa nói gì về việc nói tiếng lạ. Kết quả là họ đánh mất các phước hạnh Chúa dự định cho họ hưởng qua ân tứ siêu nhiên này.
Trong các chương sau, tôi muốn giúp bạn hiểu được phạm vi đích thực của việc nói tiếng lạ, như được trình bày trong Lời Chúa và được thử nghiệm trong đời sống cầu nguyện của những người nam người nữ tin kính trải qua nhiều năm. Nhưng trước hết, tôi tin chúng ta cần làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm và những cực đoan không đúng Kinh Thánh về đề tài tiếng lạ mà nhiều tín hữu cho là chân lý trong nhiều năm. Trước hết chúng ta sẽ bàn đến những quan niệm sai lầm.
Quan niệm sai lầm #1:
“Bạn sẽ không được cứu trừ khi bạn được báp-tem trong Thánh Linh và nói tiếng lạ.”
Trong Hội Thánh khắp thế giới nói chung có những người cho rằng không ai thật sự được cứu trừ khi người đó được báp-tem trong Thánh Linh và nói tiếng lạ. Những người này thường nhấn mạnh niềm tin rằng một người phải được báp-tem theo một công thức báp-tem nào đó.
Nhưng theo lời dạy của Chúa Jêsus trong Giăng 14, nói thế thì không vững khi tra xét Kinh Thánh. Thật ra, nếu một người không được cứu cho đến khi người đó nhận Thánh Linh và nói tiếng lạ, thì Chúa Jêsus nói không thật trong đoạn Kinh Thánh này bởi vì Ngài tuyên bố xác quyết rằng người không được cứu không thể nhận Thánh Linh.
[bs-quote quote=”Ta sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Phù Hộ ở cùng các con đời đời. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể tiếp nhận được, vì không thấy Ngài và cũng chẳng biết Ngài. Nhưng chính các con biết Ngài, vì Ngài đang ở với các con và sẽ ở trong các con. ” style=”style-19″ align=”center” author_job=”GIĂNG 14:16-17″][/bs-quote]
Chúa Jêsus phán thế gian hay những người chưa được cứu không thể nhận Đấng Yên Ủi, Thần Lẽ Thật – sự đầy dẫy Thánh Linh. Tại sao thế gian không thể nhận Thánh Linh? “Bởi vì thế gian không thấy Ngài và cũng không biết Ngài..” Bạn thấy đó, một người chưa được cứu có thể được Thánh Linh tái tạo qua sự tái sanh khi người đó tiếp nhận Chúa Jêsus. Nhưng thế gian – những người chưa được cứu – không thể nhận Thánh Linh bởi vì họ không biết Chúa Jêsus. Và nếu một người không được cứu cầu nguyện để nhận sự đầy dẫy Thánh Linh mà trước tiên không tiếp nhận Chúa Jêsus, người đó có thể nhận bất kỳ linh nào, bởi vì trong thế giới thần linh có rất nhiều loại linh. Và cũng có các tà linh nữa.
Một trong những điều nguy hiểm nhất ở thế gian này là cố thuyết phục tội nhân tìm kiếm báp-tem trong Thánh Linh. Tội nhân không phân biệt được Thánh Linh hay tà linh. Và do vi phạm Lời Chúa và không tiếp nhận Chúa Jêsus trước hết, tội nhân có thể phục dưới tà linh.
Trong nhiều năm, tôi đã chứng kiến điều này xảy ra cho một số người. Bởi vì họ trước hết không tiếp nhận Chúa Jêsus và được tái sanh, họ quả đã nhận tà linh, và tôi phải đuổi tà linh đó ra khỏi họ. Sau đó, tôi dẫn họ đến với Chúa, họ được tái sanh rồi sau đó họ được đầy dẫy Thánh Linh.
Chẳng hạn, tôi nhớ một buổi nhóm nọ có một số người tiến lên để được đầy dẫy Thánh Linh. Tuy nhiên, tôi cảm nhận trong tâm linh rằng một phụ nữ trong số những người lên cầu nguyện có tà linh trong bà ta. Khi tôi đặt tay trên bà ta, tôi hỏi, “Bà có phải là Cơ Đốc Nhân không?”
Bà nói, “Phải, Tôi có Thánh Linh. Ông có muốn nghe tôi nói tiếng lạ không?” Tôi chưa kịp nói lời nào, bà ta bắt đầu tuôn ra những lời lắp bắp. Nhưng tôi biết đó không phải là tiếng lạ.
Bạn biết, một số người kinh hãi khi nghe nói về ma quỷ hay tà linh. Nhưng tín hữu không cần phải sợ hãi; họ chỉ cần đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh cho chúng ta biết cách nhận tà linh: “Còn thần linh nào không tuyên xưng Đức Jêsus như thế thì không đến từ Đức Chúa Trời, đó là thần của kẻ chống Chúa Cứu Thế mà các con đã nghe sẽ đến và hiện nay đang ở trong thế gian rồi.” (1 Giăng 4:3). Cảm tạ Chúa, Ngài không bỏ mặc chúng ta để rồi chúng ta không biết gì về các linh không thuộc Đức Chúa Trời.
Nếu tôi đã xử lý người phụ nữ này khi tà linh chưa lộ diện, bà ta chắc nghĩ trong đầu, “Chúa Cứu Thế đã đến trong xác thịt.” Đó là lý do tôi biết tôi phải xử lý ngay lúc đó, lúc tà linh đang lộ diện.
Tôi nói với bà ta, “Chị ơi, hãy nói lời cầu nguyện này theo tôi.” Tôi cầu nguyện, “Lạy Cha trên trời.” Bà lặp lại theo tôi và nói, “Lạy Cha trên trời.” Rồi tôi nói, “Con nhìn nhận Ngài là Đức Chúa Trời.” Bà ta lặp lại theo tôi, “Con nhìn nhận Ngài là Đức Chúa Trời. Rồi tôi nói, “Chúa Cứu Thế Jêsus là Con của Ngài và Ngài đã đến trong xác thịt.”
Người đàn bà này nói, “Đấng Cứu Thế Jêsus không phải là Con Ngài và Ngài không đến trong xác thịt.” Hãy để ý bà ta không nói, “Chúa Cứu Thế Jêsus. Bà ta không xưng nhận Chúa Cứu Thế Jêsus là Con Đức Chúa Trời, Ngài là Chúa và Ngài đã đến trong xác thịt.”
Rõ ràng là người phụ nữ này đã không nhận Thánh Linh. Bà ta đã giao du với những người cho rằng một người sẽ không được cứu trừ khi người đó được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ. Những tín đồ này đã dẫn dắt bà ta, vẫn còn là một tội nhân, tìm kiếm báp-tem trong Thánh Linh, và trái lại bà đã nhận tà linh.
Cuối cùng, người đàn bà này nói với tôi, “Có điều gì đó trong tôi không để tôi nói theo lời ông nói.”
Tôi nói, “Tôi biết. Bà có muốn được giải cứu không?”
Bà nói, “Tôi muốn.” Nên tôi đuổi tà linh ra khỏi bà, và trước khi buổi nhóm kết thúc, bà đã được tái sanh và nói tiếng lạ như Thánh Linh cho bà nói.
Hãy để tôi nói điều này lần nữa: Thật nguy hiểm cho một tội nhân tìm kiếm để được đầy dẫy Thánh Linh. Họ cần phải được trở nên con người mới trong Chúa Cứu Thế Jêsus trước tiên. Và chỉ khi đó họ mới được đầy dẫy Thánh Linh.
Ngược lại, như tôi nói trước đó, khi bạn biết Chúa Jêsus là Chúa của bạn và Đức Chúa Trời trở thành Cha của bạn qua sự tái sanh, bạn không cần phải bận tâm về việc xin Chúa đầy dẫy Thánh Linh. Bạn biết chắc rằng khi bạn cầu xin, bạn chắc chắn không thể nào nhận tà linh đâu.
Một Giấc Mơ Xác Nhận
Tôi đang tổ chức một buổi nhóm tại một Hội Thánh lớn và chuẩn bị giảng sứ điệp cho buổi nhóm Chủ Nhật. Nhưng trước khi tôi thức dậy vào sáng Chủ Nhật đó, tôi thấy một giấc chiêm bao làm thay đổi sứ điệp của tôi.
Tôi thấy tôi đứng trên bục giảng, và tôi nghe tôi nói, “Quí vị biết không, một số người nói là quí vị chưa được tái sanh trừ khi quý vị được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ. Nhưng điều đó không đúng.”
Tôi trích Giăng 14:16-17. Tôi nói, “Quí vị thấy đó, Kinh Thánh nói, “..Tức là Thần Lẽ Thật mà thế gian không thể nhận lãnh ..” Đức Chúa Trời dành một món quà cho thế gian. Theo Giăng 3:16, món quà đó là sự sống đời đời. Nhưng đối với con cái của Ngài, ân tứ của Đức Chúa Trời là phép báp-tem trong Thánh Linh (Công vụ 1:5).” Rồi trong giấc chiêm bao tôi trích Luca 11:13: “Vậy, nếu các con là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt, huống gì Cha trên trời lại không ban Thánh Linh cho những người cầu xin Ngài sao?” Đó là tất cả những gì tôi thấy trong giấc chiêm bao. Khi tôi thức dậy, tôi tự nhủ, Ủa, đó đâu phải là những gì mình dự tính giảng, nhưng mình kể lại những gì mình nói trong giấc chiêm bao thì cũng không hại gì ai.
Nên đến lúc tôi giảng sáng hôm đó, tôi nói với hội chúng, “Tôi đã soạn một bài giảng mà tôi sẽ giảng, nhưng tôi muốn nói với quý vị những gì tôi nghe tôi giảng khi đứng trên bục giảng trong giấc chiêm bao tôi thấy tối qua. Điều này sẽ giúp một số người.” Rồi tôi kể lại những gì tôi nói trong giấc chiêm bao.
Sau buổi nhóm, vợ tôi và tôi đi ăn với vị Mục Sư, và ông nói, “Anh Hagin ơi. Những gì anh kể với hội chúng về giấc chiêm bao là đến từ Chúa. Sáng nay một thanh niên trong Hội Thánh tôi đến nói chuyện với tôi trước buổi nhóm. Anh ta là một thanh niên tốt, có vợ và ba con, được cứu và được đầy dẫy Thánh Linh tại Hội Thánh này cách đây năm năm và là một thành viên của Hội Thánh chúng tôi kể từ đó.
“Sáng nay người này nói với tôi, ‘Mục Sư ơi, sáng nay có lẽ là Chủ Nhật cuối cùng ở đây. Tôi sẽ đi nhóm một Hội Thánh khác, nhưng tôi muốn mọi sự rõ ràng và tôi muốn cho ông biết, nên tôi đến nhóm sáng nay. Mẹ tôi là một tín hữu của Hội Thánh nọ, và bà đã thuyết phục tôi rằng không ai thật sự được cứu trừ khi người đó được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ.”
Vị Mục Sư này kể tiếp, “Nhưng sau buổi nhóm, cũng người thanh niên này đến với tôi và nói, ‘Mục Sư ơi, gia đình tôi và tôi sẽ không đi nữa! Giấc mơ anh Hagin kể quá rõ ràng cho tôi, và tôi hiểu những gì Đức Chúa Trời muốn nói với tôi.’
“Sau đó người thanh niên này cho tôi biết, ‘Sau khi anh Hagin kể những gì ông ấy thấy, tôi liền suy nghĩ, Tôi đã được cứu tại nhà thờ và nhiều tháng sau đó tôi được đầy dẫy Thánh Linh! Và khi tôi được báp-tem trong Thánh Linh, tôi biết tôi đã được cứu rồi. Từ đó tôi luôn có lời chứng của Thánh Linh. Mục Sư ơi, tôi biết mẹ tôi là một người tốt, và bà đã được cứu. Nhưng cho dù bà có tấm lòng ngay thẳng, đầu óc của bà lại không “thẳng ngay”.
Người thanh niên này nói rất đúng. Có sự khác biệt lớn giữa món quà của Đức Chúa Trời cho thế gian – món quà sự sống đời đời qua việc tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus – và sự đầy dẫy Thánh Linh, là món quà của Ngài cho con cái Ngài.
Quan niệm sai lầm #2:
‘Tiếng lạ không dành cho mọi kẻ tin’
Quan niệm sai lầm khác là quan niệm cho rằng tín hữu có thể nhận báp-tem trong Thánh Linh mà không cần bằng cớ nói tiếng lạ.
Nói tiếng lạ không phải là sự đầy dẫy Thánh Linh, và sự đầy dẫy Thánh Linh không phải là nói tiếng lạ – nhưng cả hai song hành với nhau. Bạn không nhận tiếng lạ khi bạn được đầy dẫy Thánh Linh. Bạn nhận sự đầy dẫy của Ngôi Ba, là Đức Thánh Linh.
Một số người nhận định sai lầm, “Bạn có thể đầy dẫy Thánh Linh có hoặc không có tiếng lạ. Nhưng điều này không đúng với Kinh Thánh. Chúng ta đã thấy trước đó khuôn mẫu của Kinh Thánh về việc nhận báp-tem trong Thánh Linh trong sách Công vụ. Các tín hữu đầu tiên được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ (Công vụ 2:1-4). Và nếu bạn nhận sự đầy dẫy Thánh Linh, bạn nên mong có bằng cớ của Kinh Thánh đi kèm theo phép báp-tem trong Thánh Linh.
Nhận Thánh Linh với bằng cớ nói tiếng lạ giống như cái dây giày trong đôi giày. Nếu tôi mua một đôi giày, tôi sẽ không mua đôi giày không có dây giày. Đồng thời, tôi cũng không mua dây giày mà thôi. Tôi sẽ mua đôi giày, nhưng chắc chắn tôi sẽ không chấp nhận đôi giày nào mà không có dây giày trong đó – dù đó là đôi giày đắt nhất ở tiệm.
Những người khác thì nói, “Tôi tin tiếng lạ, nhưng tiếng lạ không dành cho mọi kẻ tin.” Rồi họ viện dẫn I Cô-rinh-tô 12:29-30 làm bằng cớ của Kinh Thánh.
[bs-quote quote=”Có phải tất cả đều là sứ đồ sao? Có phải tất cả đều là tiên tri sao? Có phải tất cả đều là giáo sư sao? Có phải tất cả đều làm phép lạ sao? Có phải tất cả đều được ân tứ chữa bệnh sao? Có phải tất cả đều nói tiếng lạ sao? Có phải tất cả đều thông dịch tiếng lạ sao?” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 12:29-30″][/bs-quote]
Vì câu trả lời sẵn cho tất cả các câu hỏi trong câu 29 và câu 30 là không, nên những người này kết luận, “Bởi vì không phải ai cũng đều là sứ đồ, tiên tri, giáo sư hay kẻ làm phép lạ, nên không phải ai cũng nói tiếng lạ là phải rồi! Vì thế, tiếng lạ không dành cho mọi kẻ tin.”
Nhưng bạn có thể lấy một câu hay một phần của câu đó ra khỏi mạch văn và xếp chung với câu khác của Kinh Thánh để chứng minh bất cứ điều gì bạn muốn chứng minh.
Nào chúng ta hãy đọc cả mạch văn của câu này và xem thử Phao lô thật sự muốn nói gì.
[bs-quote quote=”Vậy anh chị em là thân thể của Chúa Cứu Thế và mỗi người là một phần của thân thể ấy. Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh trước nhất là sứ đồ, thứ hai là tiên tri, thứ ba là giáo sư, thứ đến là người làm phép lạ, rồi đến người chữa bệnh, người giúp đỡ, người quản trị, người nói tiếng lạ. Có phải tất cả đều là sứ đồ sao? Có phải tất cả đều là tiên tri sao? Có phải tất cả đều là giáo sư sao? Có phải tất cả đều làm phép lạ sao? Có phải tất cả đều được ân tứ chữa bệnh sao? Có phải tất cả đều nói tiếng lạ sao? Có phải tất cả đều thông dịch tiếng lạ sao?” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 12:27-30″][/bs-quote]
Một số người nói, “Thấy chưa? Phao lô nói không phải ai cũng nói tiếng lạ!” Nhưng Phao lô không nói về các ân tứ thuộc linh ở đây. Ông đã nói về các ân tứ thuộc linh trong 1 Cô 12:1-11. Còn ở đây ông đang nói về các ân tứ chức vụ, chứ không phải các ân tứ Thánh Linh. Các ân tứ chức vụ là những người được kêu gọi vào năm chức vụ và được trang bị bằng các ân tứ thuộc linh (Êph 4:11-12). Chẳng hạn, một sứ đồ là một ân tứ chức vụ. Một tiên tri là một ân tứ chức vụ. Nhà truyền giảng, Mục Sư và giáo sư là các ân tứ chức vụ. Những người được kêu gọi và được trang bị đứng vào ân tứ chức vụ mang lấy một sự kêu gọi đặc biệt trên đời sống họ qua đó họ có thể giúp đỡ và chúc phước người khác.
Phao lô nói tiếp, “..Kế đến là kẻ làm phép lạ và ân tứ chữa bệnh..” (1Cô 12:28). Phao lô không đổi ý và bắt đầu nói điều gì khác giữa chừng trong câu này. Vậy thì ông mâu thuẫn sao? Nhóm từ “phép lạ, rồi đến ân tứ chữa bệnh” là ám chỉ đến chức vụ nhà truyền giảng.
Chúng ta thấy chức vụ nhà truyền giảng trong chức vụ của Phi líp tại thành Sa-ma-ri.
[bs-quote quote=”Phi líp xuống một thành phố miền Sa-ma-ri, truyền giảng Chúa Cứu Thế cho dân chúng. Đoàn dân đông rất chú ý đến lời Phi líp giảng vì mọi người đều nghe ông giảng và thấy các dấu lạ ông làm. Nhiều tà linh hét lên mà xuất khỏi những người bị ám. Nhiều người bại liệt và què quặt được chữa lành.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”CÔNG VỤ 8:5-7″][/bs-quote]
Chức vụ nhà truyền giảng có cả việc rao giảng Chúa Cứu Thế để người ta tin Chúa; làm phép lạ; và ân tứ chữa lành vận hành.
Kế đến là chức vụ giúp đỡ. Chức vụ giúp đỡ là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi để giúp đỡ những ai được kêu gọi vào một trong năm chức vụ. Chức vụ quản lý đề cập đến chức vụ Mục Sư, bởi vì chức vụ Mục Sư là điều hành Hội Thánh địa phương. Cuối cùng, Phao lô đề cập đến chức vụ khác – nói các thứ tiếng.
Nên trong đoạn Kinh Thánh 1 Cô 12:27-30, Phao lô không nói về việc đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ như Thánh Linh ban cho nói. Ông cũng không nói về việc một người ngợi khen Chúa trong tiếng lạ và nói những điều mầu nhiệm với Ngài. Ông cũng không đề cập đến một người nói ra sứ điệp trong tiếng lạ tại Hội Thánh để gây dựng Hội Thánh.
Cảm tạ Chúa về mỗi cách ứng dụng này và công dụng của ân tứ nói tiếng lạ, nhưng Phao lô không nói về cách áp dụng và công dụng của tiếng lạ trong phân đoạn này. Hãy lưu ý “nói các thứ tiếng” được liệt kê song hành với các ân tứ chức vụ khác, bởi vì nó cũng là một ân tứ chức vụ. Phao lô nói Đức Chúa Trời đặt một số người – tức một số người nào đó – trong Hội Thánh có chức vụ nói các thứ tiếng.
Ân tứ chức vụ nói các thứ tiếng có lẽ là chức vụ tiên tri. Nó nói đến một người được kêu gọi vận hành ân tứ nói tiếng lạ và thông giải tiếng lạ ngay tại Hội Thánh.
Phao lô hỏi tiếp, “Có phải hết thảy là sứ đồ sao? Không. “Có phải hết thảy là tiên tri sao? Không. “Có phải hết thảy là giáo sư sao? Không. “Có phải hết thảy đều làm phép lạ sao? Có phải hết thảy đều là nhà truyền giảng sao? Không. “Có phải hết thảy đều nói tiếng lạ sao? Có phải hết thảy đều thông giải tiếng lạ sao? Nói cách khác, “Có phải hết thảy đều đứng trong chức vụ tiên tri với chức vụ nói các thứ tiếng sao” Dĩ nhiên, câu trả lời là không!
Nên đừng lấy câu hỏi đó ra khỏi mạch văn của Kinh Thánh và kết luận, “Rõ ràng là câu này nói không phải ai cũng nói tiếng lạ.” Đoạn Kinh Thánh này không nói về các ân tứ thuộc linh như nói tiếng lạ mà Chúa ban cho mỗi cá nhân. Không, đoạn này nói về các ân tứ chức vụ mà Chúa ban cho Hội Thánh. Và trong 1 Cô-rinh-tô 12:30, Kinh Thánh nói về những người được kêu gọi vào chức vụ tiên tri, là chức vụ nói các thứ tiếng và thông giải các thứ tiếng, mà cũng là một ân tứ chức vụ.
Người đầu tiên tôi thấy vận hành trong chức vụ nói các thứ tiếng và thông giải là anh chị Goodwin. Anh chị Goodwin là hai người bạn thân và là hai đầy tớ Chúa mà tôi và vợ tôi có vinh dự được biết đến. Họ có một chức vụ đặc biệt trong lĩnh vực tiếng lạ và thông giải tiếng lạ.
Chẳng hạn, tôi nhớ có lần vợ tôi và tôi tổ chức buổi nhóm tại phía Nam của Texas. Trước đây, chúng tôi đã quen biết một gia đình sống tại thành phố đó, nhưng tôi để ý là người chồng không hề đi nhóm Hội Thánh.
Vợ của người này được mời đi ăn trưa với chúng tôi một ngày nọ. Trong lúc thông công, bà kể chúng tôi nghe, “Tôi không có ý nói xấu chồng tôi vì anh ta là một người tốt. Nhưng có điều gì đó xảy ra tại Hội Thánh đã làm anh vấp phạm nên anh không đi nhóm nữa.”
Đúng, khi một người ra khỏi Hội Thành, người đó ra khỏi sự thông công với Chúa bởi vì một tín hữu không có sự thông công với các tín hữu khác tức là không bước đi trong ánh sáng của Lời Chúa (1 Giăng 1:7). Dĩ nhiên, người này cần sự cầu nguyện, và chúng tôi cùng với vợ anh ta cầu nguyện cho anh ta ngày hôm đó.
Chúng tôi kết thúc buổi nhóm và đi khoảng một trăm dặm để giảng tại một thành phố khác. Anh chị Goodwin cũng có mặt ở buổi nhóm này.
Lần này người chồng xuất hiện cùng với vợ và đi cùng với chiếc xe hơi chất đầy người. Ông không đi nhóm ở Hội Thánh địa phương nhưng ông lại lái xe một trăm dặm để đến dự các buổi nhóm này.
Tại các buổi nhóm này, Chúa nói với tôi, “Hãy giúp người này và vợ của anh.” Nên tôi gọi họ tiến lên. Thình lình tôi thấy một khải tượng mà tôi gọi là khải tượng mini chớp trước mắt tôi. Tôi thấy cặp vợ chồng này cùng đi và người vợ nhìn xuống.
Trong khải tượng, người chồng hỏi, “Có chuyện gì vậy?”
Người vợ trả lời. “Tôi biết anh Hagin nói tiên tri tất cả những chuyện này cho tôi rồi, nhưng anh ta biết một phần chuyện này thôi bởi vì tôi đã nói với anh ta.”
Rồi Chúa nói với tôi,”Con có thể giúp cặp vợ chồng này. Nhưng anh chị Goodwin đến giúp họ thì tốt hơn. Lúc đó ma quỷ không thể lợi dụng họ bởi vì họ biết anh chị Goodwin không biết gì về họ.”
Trong khi người hướng dẫn thờ phượng hướng dẫn hội chúng ca hát, tôi nhờ anh chị Goodwin tiến lên và giúp đỡ họ. Chị Goodwin nói các thứ tiếng cho cặp vợ chồng này còn anh Goodwin thì thông giải. Bạn có lẽ nghĩ tôi đã nói với anh chị Goodwin hết mọi chuyện của cặp vợ chồng này. Nhưng anh chị Goodwin đã nói với cặp vợ chồng này từng lời mà người vợ đã nói với vợ tôi lúc ăn trưa hôm đó. Vợ chồng Goodwin đã nói với cặp vợ chồng này nan đề của họ là gì và họ đã sai trật ở chỗ nào. Rồi anh chị Goodwin cũng nói tiên tri về câu trả lời của Chúa cho cặp vợ chồng này trong hoàn cảnh của họ.
Tôi thấy anh chị Goodwin giúp đỡ như thế nhiều lần trong suốt nhiều năm. Bạn thấy đó, khi một tín đồ nói sứ điệp trong tiếng lạ nơi hội chúng thì chỉ giới hạn ít nhất là hai ba người (1 Cô 14:27). Nhưng trong chức vụ nói các thứ tiếng lạ được đề cập trong 1 Cô-rinh-tô 12:30, thì sự vận hành của nó không giới hạn khi người đó được Thánh Linh dẫn dắt và xức dầu.
Nhiều lần trong các buổi nhóm của tôi, người ta tiến lên để được giúp đỡ, và Chúa thường phán, “Hãy để anh chị Goodwin giúp họ.” Và thế là anh chị Goodwin giúp họ qua ân tứ nói các thứ tiếng lạ và thông giải. Họ không biết gì về những người này, nhưng họ thường nói chính xác sai lầm là gì và đưa ra câu trả lời chính xác từ nơi Chúa.
Có những người được kêu gọi vận hành trong ân tứ nói các thứ tiếng và thông giải các thứ tiếng trong hội chúng. Nhưng không phải ai cũng được kêu gọi vào chức vụ đó; Đức Chúa Trời Đấng chọn lựa và thiết lập những người này trong ân tứ chức vụ.
Tuy nhiên, mỗi tín hữu nên và có thể được đầy dẫy Thánh Linh và nói tiếng lạ trong Thánh Linh ban cho người đó nói. Tiếng lạ này không nhằm để thông giải giữa Hội Thánh; trái lại, nó được dùng trong đời sống tĩnh nguyện cá nhân của người đó trước mặt Đức Chúa Trời.
Quan niệm sai lầm #3:
‘Bạn không thể cầu nguyện tiếng lạ tùy ý’
Lúc còn là một Mục Sư trẻ tuổi theo truyền thống, tôi nhận được báp-tem Thánh Linh vào ngày thứ 8 của tháng Tư (tức thứ Năm) vào lúc 6:08 phút tối tại tư thất Mục Sư của nhà thờ Ngũ Tuần số 309 đường North Chestnut ở Mc. Kinney, bang Texas. Từ ngày đó trở đi, tôi lập thói quen ở riêng một mình chờ đợi Chúa, cầu nguyện và ca hát trong tiếng lạ khi tôi thờ phượng và thông công với Chúa.
Như tôi đã nói trước đó, những người Ngũ Tuần lúc đó không dạy tôi làm điều này. Thật ra, nhiều tín hữu Ngũ Tuần rất ít được dạy dỗ hoặc thậm chí không được dạy dỗ về những gì họ nên làm với ngôn ngữ cầu nguyện khi họ nhận báp-tem trong Thánh Linh. Nên lúc đó tôi thật sự không biết cầu nguyện tiếng lạ đều đặn có đúng hay không.
Tôi nghe những người Ngũ Tuần nói, “Anh không thể nói tiếng lạ tùy ý. Anh phải chờ khi anh cảm thấy “xuất thần”. Anh phải dồn hết nỗ lực mới cầu nguyện được. Nhưng đó không phải là kinh nghiệm của tôi. Khi tôi ở riêng một mình với Chúa cầu nguyện và ca hát trong tiếng lạ, tôi không cần phải dồn hết nỗ lực. Không ai ở đó ngoại trừ tôi. Ngoài ra, tôi không thấy trong Kinh Thánh chỗ nào nói vậy.
Nên tôi luôn có sự ngờ vực này trong đầu: Cầu nguyện tiếng lạ mỗi khi mình muốn không biết có đúng hay không? Tôi tiếp tục dằn vặt với vấn đề này trong nhiều năm.
Tôi tin rằng đó là một lý do Chúa dẫn dắt tôi mở Trường Trung Tâm Huấn Luyện Kinh Thánh Rhema vào giữa thập niên 70. Đức Chúa Trời muốn những lẽ thật này được dạy dỗ cho những thanh niên nam nữ được kêu gọi vào chức vụ để họ không phải tranh chiến với cùng những vấn đề như nhiều người trong chúng tôi đã trải qua trong nhiều năm. (Giờ thì các sinh viên của chúng tôi có thể nghiên cứu và bắt đầu ở mức độ xức dầu mà những người hầu việc Chúa lớn tuổi đạt tới sau nhiều năm trong chức vụ!)
Bởi vì không ai dạy công dụng của Kinh Thánh về tiếng lạ, và tôi không biết Kinh Thánh nói về đề tài này, nên ma quỷ quấy rối tâm trí tôi bằng những ý tưởng buộc tội. Nó thì thầm vào tâm trí tôi, “Mày khác biệt với người ta. Họ không thể cầu nguyện tiếng lạ trừ khi họ ở trong tâm trạng “xuất thần”, còn mày thì cầu nguyện tùy ý. Mày sai rồi! Thật ra, mày đã nhận tà linh. Mày không có cùng một Linh như các người Ngũ Tuần có.”
Tôi vẫn không ngừng cầu nguyện riêng trong tiếng lạ, nhưng tôi vẫn hơi bối rối khi những người Ngũ Tuần nói với tôi, “Chúng tôi không thể cầu nguyện tiếng lạ tùy ý. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện tiếng lạ vào những dịp đặc biệt khi tâm trạng “xuất thần” nâng chúng tôi lên một lĩnh vực cao hơn trong Thánh Linh.” Nên tôi cứ hỏi mình không biết tôi có đúng không. Và nhiều năm sau, tôi hơi dao động trong đời sống cầu nguyện mỗi khi tôi chờ đợi trước mặt Chúa, cầu nguyện và ca hát trong tiếng lạ.
Tôi không biết tại sao chúng ta lại như thế, có tấm lòng yêu mến Chúa nhưng có “cái đầu” thiếu hiểu biết, mà đôi khi chúng ta lại như thế. Chúng ta tìm kiếm quan điểm con người để cố tìm hiểu xem người này hay người nọ nói về vấn đề nào đó, và mỗi người đều đưa ra quan điểm khác nhau. Sau lúc đầu chúng ta không đến với Lời Chúa để tìm ra câu trả lời.
Sau đó vào tháng 2 năm 1943, tôi tìm được câu trả lời. Tôi đã được đầy dẫy Thánh Linh sáu năm rồi và lúc đó làm Mục Sư của một Hội Thánh nhỏ thuộc Ngũ Tuần tại Greggton, phía đông bang Texas. Ngày nọ tôi đang nghiên cứu tại bàn làm việc, và tôi quyết định, Mình sẽ giải quyết vấn đề này bằng Lời Chúa. Mình sẽ quên hết những gì người khác nói về việc cầu nguyện tiếng lạ tùy ý và tìm hiểu xem Đức Chúa Trời phán gì.
Tôi mở Kinh Thánh ra trong 1 Cô-rinh-tô 14. Tôi đọc có chỗ Phao lô nói, “Vì người nào nói tiếng lạ..” Điều đầu tiên tôi để ý là Phao lô không nói, “Vì người nào mà Thánh Linh nói tiếng lạ qua người đó…!”
[bs-quote quote=”Vì người nói tiếng lạ không phải nói với người nhưng nói với Đức Chúa Trời, vì không ai hiểu người ấy nói gì và người do Đức Thánh Linh nói những sự huyền nhiệm.” style=”style-20″ align=”left” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 14:2″][/bs-quote]
Tôi tra cứu câu này trong bản dịch Moffat và thấy bản dịch này dịch “sự mầu nhiệm” là “bí mật thiên thượng”. Rồi tôi đọc câu 4, bắt đầu, “Người nào nói..” Một lần nữa, tôi để ý rằng chính người đó nói, chứ không phải Thánh Linh nói. Câu này nói tiếp, “Người nào nói tiếng lạ tự gây dựng chính mình..” Lập tức tôi để ý. Người nào nói tiếng lạ gây dựng chính mình.
Kế đến, tôi đọc 1 Cô-rinh-tô 14:14-15. Đoạn Kinh Thánh này đã “mở gút” cho tôi.
[bs-quote quote=”Nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ thì tâm linh tôi cầu nguyện nhưng tâm trí lại bất động. Thế thì tôi phải làm gì? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh nhưng cũng bằng tâm trí nữa. Tôi sẽ ca ngợi bằng tâm linh nhưng cũng ca ngợi bằng tâm trí nữa.” style=”style-19″ align=”center” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 14:14-15″][/bs-quote]
Ai cầu nguyện? Có phải Thánh Linh cầu nguyện không? Không! Có phải Thánh Linh cầu nguyện qua tôi? Không! Ngài giúp tôi cầu nguyện.
Câu 15 giúp ích tôi rất nhiều. Phao lô nói, “…Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh nhưng cũng bằng tâm trí nữa…” Nên tôi tự nhủ, Khoan đã! Phao lô nói, ‘Tôi cầu nguyện bằng trí hiểu.’ Tôi có thể cầu nguyện bằng trí hiểu – bằng hiểu biết – bất cứ lúc nào tôi muốn cầu nguyện không? Có thể! Tôi kết luận, “Mỗi khi tôi muốn tôi có thể nói, ‘Bây giờ mình sẽ cầu nguyện 10 phút và rồi tôi cầu nguyện theo trí hiểu: “Lạy Cha, con cúi đầu trước mặt Cha trong Danh Chúa Jêsus. Con cất tiếng ngợi khen Cha, là Cha của Chúa Cứu Thế Jêsus, là Cha vinh hiển. Con cảm ơn Cha về kế hoạch cứu chuộc lớn lao của Ngài…’ Tôi có thể tiếp tục cầu nguyện với Chúa suốt thời gian đó – chỉ vì tôi muốn cầu nguyện.”
Sau đó tôi đọc phần đầu của câu 15 lần nữa. Phao lô nói, “Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh. Nói cách khác, ông nói, “Tôi có thể cầu nguyện bằng tâm linh như tôi có thể cầu nguyện bằng trí hiểu!” Trước ngày đó tôi chưa hề thấy điều này trong Kinh Thánh, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng trước giờ tôi đã đúng khi cầu nguyện tiếng lạ bất cứ khi nào tôi muốn.
Nên tôi nói, “Tôi biết tôi sẽ làm gì. Tôi sẽ quỳ gối ngay tại đây và cầu nguyện tiếng lạ một giờ. Tôi muốn cầu nguyện. Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm linh.
Đây là điều bạn phải hiểu về việc cầu nguyện tiếng lạ: Ma quỷ sẽ chống lại bạn. Nó không muốn bạn bước vào lĩnh vực cầu nguyện tiếng lạ trong Thánh Linh mỗi khi bạn muốn. Hãy để tôi nói điều này – nó sẽ chống lại bạn. Nó làm điều đó như thế nào? Nó làm trong nhiều cách. Nhưng vì loại cầu nguyện này không lệ thuộc lý trí nên một trong những chiến lược quen thuộc của ma quỷ là gieo rắc những ý tưởng nản lòng vào tâm trí bạn để khiến bạn bận tâm.
Đó là điều đã xảy ra cho tôi lúc tôi bắt đầu quỳ gối cầu nguyện tiếng lạ một giờ. Một ý tưởng đến với tâm trí tôi (và tôi biết đó là ma quỷ), “Điều gì xảy ra nếu ai đó bước vào và hỏi mày đang làm gì? Mày phải nói, ‘Tao không biết’”
Tôi nói, “Hỡi ma quỷ, chờ một lát, ta sẽ lấy cuốn Kinh Thánh của ta và mở đến 1 Cô-rinh-tô 14. “Nếu có ai bước vào và nghe ta cầu nguyện tiếng lạ và hỏi, ‘Mày đang làm gì?’ Ta sẽ nói, ‘Ta đang thưa chuyện với Cha và gây dựng chính ta’”
Lập tức một ý tưởng khác của kẻ thù đến, “Mày có biết những gì mày nói không?”
“Không, tao đang nói những bí mật thiên thượng!”
“Nhưng mày đâu có cảm thấy gì khác hơn lúc trước khi mày cầu nguyện?”
“Hỡi ma quỷ, tao không bước đi bởi cảm xúc. Tao bước đi bởi những gì Kinh Thánh nói. Và ngoài ra, đây là sự gây dựng tâm linh, chứ không phải sự gây dựng thể xác. Nên nếu mày không thể đọc được, tao sẽ đọc những câu này cho mày nghe.” Rồi tôi đọc cho ma quỷ nghe các câu Kinh Thánh đáp trả lại mọi lời kiện cáo của ma quỷ. Khi tôi đọc xong, tôi nói, “ Bây giờ hỡi ma quỷ, mày có thể đi, bởi vì tao sẽ cầu nguyện tiếng lạ một giờ nữa!”
Rồi tôi nhắm mắt và bắt đầu cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện tiếng lạ. Không có sự xức dầu nào khi tôi cầu nguyện; tôi chỉ cầu nguyện bằng tâm linh.
Sau một đỗi, tôi nhớ là tôi cầu nguyện trên một giờ rồi. Dường như là thời gian rất lâu. Tôi mở mắt ra và nhìn đồng hồ và tôi cầu nguyện chỉ mới 10 phút. Nên tôi tiếp tục cầu nguyện và cầu nguyện tiếng lạ. Thời gian trôi qua, và sau một đỗi, tôi nhớ là tôi đã cầu nguyện tiếng lạ một giờ rồi – có lẽ là một giờ rưỡi cơ! Tôi nhìn đồng hồ! Mới chỉ có 20 phút thôi!
Tôi tiếp tục. Dường như tôi không tài nào cầu nguyện tiếng lạ hết một giờ được. Tôi không ngờ một giờ lại lâu như thế!
Không biết sao tôi tranh chiến suốt một giờ đó. Khi tôi đứng dậy và ngồi trên ghế, một tiếng nói từ bên ngoài nói với tâm trí tôi, “Mày phí một giờ thôi! Mày có thể soạn bài giảng cho ngày Chủ Nhật! Mày có thể đi thăm viếng tín đồ. Nhưng đằng này mày đã phí cả một giờ đồng hồ. Mày đã phí thì giờ rồi đấy!”
Tôi nói, “Hỡi ma quỷ, tao không phí một giờ nào cả. Hãy để tao đọc lời này cho mày lần nữa.” Cuốn Kinh Thánh của tôi vẫn còn mở đến 1 Cô-rinh-tô 14. Tôi nói, “Tao nói những bí mật với Cha của tao. Mày bực bội bởi vì mày không hiểu những bí mật này.”
“Nhưng mày cũng không biết những gì mày nói!”
Tôi trả lời, “Đúng. Nhưng tao không cầu nguyện với chính tao. Tao đang thưa chuyện với Đức Chúa Trời. Ngài hiểu tất cả những gì tao nói và đó mới là điều cần thiết. Ngoài ra, tao đang gây dựng tâm linh tao.”
“Hỡi ma quỷ, tao sẽ quỳ gối lại và cầu nguyện tiếng lạ thêm hai giờ nữa. Và nếu mày nói điều gì khác với tao khi tao cầu nguyện thêm hai giờ nữa, tao sẽ gia tăng gấp đôi thì giờ. Lần tới tao sẽ cầu nguyện thêm bốn giờ nữa!”
Nên tôi quỳ gối lần nữa và bắt đầu cầu nguyện tiếng lạ. Lần này thì dễ hơn một tí, và tôi cầu nguyện tiếng lạ suốt hai giờ nữa. Tôi không hề cảm thấy một sự xức dầu nào cả, nhưng tôi vẫn dồn hết nỗ lực cầu nguyện tiếng lạ thêm hai giờ nữa. Khi tôi đứng dậy và ngồi xuống ghế, tôi đã cầu nguyện tiếng lạ ba giờ rồi. Trước đây tôi chưa hề cầu nguyện trong Thánh Linh lâu như thế.
Một lần nữa, một tiếng nói bên ngoài nói với tâm trí tôi, “Mày đã phí thêm hai giờ nữa – tổng cộng là ba giờ rồi. Có ích lợi gì cho mày đâu? Mày có cảm thấy tốt hơn gì trước đây đâu?
Tôi nói, “Tao không bước đi bởi cảm xúc hay mắt thấy. Tao bước đi bởi đức tin.”
“Đồng ý, nhưng mà mày đâu có biết điều mày nói?”
Tôi trả lời, “Đúng, tao không cầu nguyện với chính tao; tao đang nói những điều mầu nhiệm với Đức Chúa Trời.”
“Cầu nguyện tiếng lạ có ích gì cho mày nếu mày không biết điều mày nói.”
“Tao đang gây dựng chính tao – gây dựng chính tao trên đức tin chí thánh.”
“Đồng ý, nhưng lẽ ra mày dùng thì giờ đó để soạn bài giảng. Giờ thì thời gian đã trôi qua mà mày không làm được việc gì cả.”
Tôi nói, “Hỡi ma quỷ, tao cảnh cáo mày. Tao nói cho mày biết nếu mày nói điều gì nữa, tao sẽ gia tăng gấp đôi thì giờ cầu nguyện trong tiếng lạ. Tao sẽ quỳ gối và cầu nguyện tiếng lạ thêm bốn giờ nữa!”
Tôi quỳ gối và cầu nguyện tiếng lạ tiếp. Tôi đã cầu nguyện đến một giờ và 45 phút thì thình lình tôi bắt “trúng mạch” Đó là cách nói hay nhất mà tôi có thể mô tả kinh nghiệm này. Nói cách khác, tôi bắt đầu cầu nguyện bằng tâm linh lẫn cầu nguyện bằng trí hiểu trong sự xức dầu. Khải thị tuôn ra từ tôi khi Thánh Linh bày tỏ cho tôi những việc sẽ xảy đến (Gi 16:13). (Sau này chúng tôi sẽ nói thêm những gì Chúa bày tỏ cho tôi trong suốt thời gian cầu nguyện này.)
Trước lúc đó, tôi nói tiếng lạ mà không thấy được xức dầu gì cả, chỉ gây dựng chính mình trên đức tin chí thánh. Nhưng khi tôi bắt “trúng mạch”, khải thị bắt đầu tuôn ra từ tôi. Dường như là Chúa làm hết mọi chuyện vậy. Nhưng nếu tôi không tự ý bắt đầu cầu nguyện tiếng lạ thì khải thị không bao giờ đến!
Cầu nguyện tiếng lạ giống như khoan giếng dầu. Nếu người khoan dầu không dồn hết nỗ lực để khoan giếng dầu thì dầu vẫn nằm sâu dưới lòng đất. Có khả năng khoan trúng mạch, nhưng trừ khi người khoan không khoan đụng đến mạch dầu thì không ai thấy dầu phun lên.
Bạn có thể hỏi, “Ông cầu nguyện tiếng lạ một giờ 45 phút mà không thấy được xức dầu gì cả thì có đúng không?” Dĩ nhiên là đúng rồi. Trong nhiều năm có vô số lần tôi đã cầu nguyện tiếng lạ chỉ vì tôi muốn cầu nguyện. Nhưng điều quan trọng phải hiểu cho là có sự khác biệt giữa cầu nguyện tiếng lạ tùy ý và cầu nguyện tiếng lạ bằng sự xức dầu.
Khi chúng ta bước vào lĩnh vực cầu nguyện sâu nhiệm, cầu nguyện bởi sự xức dầu của Thánh Linh, thì phép lạ xảy ra và khải thị hiện đến. Cảm ơn Chúa về sự cầu nguyện trong Thánh Linh.
Hôm đó tôi phải mất ít nhất năm giờ để đi vào lĩnh vực cầu nguyện sâu nhiệm. Nhưng khi tôi tiếp tục cầu nguyện tiếng lạ mỗi ngày, tôi đạt đến một chỗ mà tôi có thể bước vào trong Thánh Linh trong vòng 10 phút.
Nếu bạn bắt đầu làm tương tự – cầu nguyện tiếng lạ mỗi ngày trong một thời gian dài – bạn cũng sẽ học cách bước vào lĩnh vực cầu nguyện sâu nhiệm cách nhanh chóng.
Tôi nhớ có lần khi tôi đang tổ chức một buổi nhóm tại Houston, bang Texas, và linh cầu nguyện thình lình đổ trên mọi người trong phòng nhóm. Lúc này đầu gối của tôi chạm nền nhà, tôi đang cầu nguyện tiếng lạ như “bắp rang”. Tôi cầu nguyện một mạch suốt một giờ 45 phút. Rồi Thánh Linh ban cho tôi sự thông giải về những gì tôi đang cầu nguyện (dĩ nhiên là không phải tất cả những gì tôi cầu nguyện, bởi vì tôi không cần biết hết mọi lời tôi cầu nguyện).
Trong sự thông giải đó, Đức Chúa Trời bảo tôi về các hướng đi mà chức vụ tương lai của tôi sẽ hướng đến. Sau thời gian cầu nguyện đó, tôi thay đổi hoàn toàn chức vụ của tôi và liền chuyển sang một hướng khác. Từng bước, tôi đã làm những gì Chúa chỉ bảo tôi làm ngày hôm đó. Và mỗi khi tôi bước sang một lĩnh vực khác của chức vụ, mọi sự đều tốt đẹp, như thể là ai đó đứng đằng sau hậu trường hướng dẫn toàn bộ tiến trình – và Ngài đã làm thật.
Nên cứ tiếp tục cầu nguyện tiếng lạ mỗi ngày trong thì giờ cầu nguyện riêng của bạn. Nhưng đừng dừng tại đó. Cứ cầu nguyện cho đến khi bạn bắt đầu cầu nguyện trong sự xức dầu của Thánh Linh – cho đến khi ngôn ngữ siêu nhiên tuôn ra từ bạn như dòng sông chảy xiết.
Quan niệm sai lầm #4:
‘Tất cả tiếng lạ đều là lời cầu nguyện.’
Đôi khi bạn nghe ai đó trong cộng đồng Ngũ Tuần nói rằng tất cả tiếng lạ chỉ là một hình thức cầu nguyện mà thôi. Họ nói, “Khi một người nói tiếng lạ, người đó đang cầu nguyện. Rồi khi người đó thông giải tiếng lạ, người đó đang nói tiên tri.”
Nhưng không phải tất cả tiếng lạ đều là lời cầu nguyện, và không phải loại tiếng lạ nào cũng được ban cho để cầu nguyện. Tôi biết rõ điều này vì tôi đã nói tiếng lạ nơi hội chúng nhiều lần, và nhiều lần nhiều người biết ngôn ngữ tôi đang nói và hiểu chính xác điều tôi đã nói, đến nói với tôi sau đó.
Lần nọ tôi nói tiếng Đức, và tôi không biết tiếng Đức. Và tôi cũng đã nói tiếng Tây ban nha và tiếng Ả rập. Nhiều lần những người trong hội chúng đã hiểu được ngôn ngữ tôi nói đến với tôi. Và đôi khi tôi hỏi họ có phải tôi cầu nguyện không, thì họ nói, “Không, anh đang giảng cho hội chúng.”
Chẳng hạn, lần nọ một người đến với tôi sau buổi nhóm và nói, “Tôi thắc mắc anh làm gì khi dịch những lời anh vừa nói.”
Tôi nói, “Vậy sao?
Ông đáp lời, “Ông đã tuyên bố một câu nói trong tiếng Ả-rập.”
Tôi đâu biết là tôi nói tiếng Ả-rập!
Người này nói, “Ả-rập là tiếng mẹ đẻ của tôi. Anh đã nói một câu nói trong tiếng Ả-rập mà người bình thường không bao giờ nghe được và tôi thắc mắc làm sao mà dịch được lời này.” (Người này không phải là Cơ Đốc Nhân và cũng không hiểu gì về ân tứ Thánh Linh. Anh ta nghĩ tôi biết tiếng Ả-rập và dịch được những lời tôi nói sang tiếng Anh!)
Tôi hỏi, “Tôi đã nói ra làm sao?
Ông nói, “Thật tuyệt vời!”
Tôi nói, “Ngợi khen Chúa, tôi rất vui là tôi dịch được, bởi vì tôi đâu có biết tiếng Ả-rập.”
Người này nhìn tôi bối rối và nói, “Ủa ông có ý nói với tôi rằng ông chưa hề nói tiếng Ả-rập trước đây sao?
Tôi trả lời, “Đúng vậy!”
Người này nhìn tôi, nín lặng một hồi rồi nói, “Cái gì! Ý ông nói là ông không hề nói tiếng Ả-rập trước đây à?”
Tôi nói, “Đúng rồi!”
Người này nhìn tôi với vẻ không tin. Ông nói, “Ông không thể nói tiếng Ả-rập hả?” Rồi ông nói với tôi điều gì đó bằng tiếng Ả-rập. Tôi nhận ra tôi cũng đã nói những lời như vậy, nhưng người này nhận thấy qua nét mặt của tôi là tôi không biết những gì ông nói.
Rồi người này hỏi, “Làm sao mà ông nói tiếng Ả-rập trôi chảy mà lại không biết những gì anh nói? Tôi mở Kinh Thánh đến 1 Cô-rinh-tô 12 và 14 và giải thích cho ông ta ân tứ nói tiếng lạ và thông giải.
Lúc nãy khi người này bước vào Hội Thánh tối đó, anh không tin Chúa Cứu Thế Jêsus là Đấng Messiah. Nhưng sau buổi nhóm lúc chúng tôi nói chuyện xong, ông ta đã thay đổi. Ông nói với tôi, “Ông biết không, Chúa Cứu Thế là Đấng Messiah.”
Tôi trả lời, “Cảm ơn Chúa, Ngài là Đấng Messiah.”
Khi tôi nói bằng tiếng Ả-rập, Thánh Linh nói với người này về Chúa Jêsus là Đấng Messiah! Tôi không cầu nguyện. Tôi đang nói một sứ điệp từ Chúa cho người này cần nghe. Tôi đã thấy điều này xảy ra một số lần trong chức vụ của tôi.
Không phải tất cả tiếng lạ đều là lời cầu nguyện. Một số là lời cầu nguyện; một số thì không phải. Hãy nhớ, tất cả tiếng lạ tính chất thì giống nhau, nhưng mục đích và công dụng thì có thể khác nhau. Đó là lý do Đức Chúa Trời gọi ân tứ này là “các thứ tiếng lạ khác nhau.”
Quan niệm sai lầm #5:
‘Tiếng lạ chính là khả năng nói ngoại ngữ.’
Như tôi đã nói, đôi lúc bạn nói tiếng lạ tại Hội Thánh, có ai đó có thể hiểu điều bạn nói. Nhưng khi bạn nói những điều mầu nhiệm với Đức Chúa Trời trong tiếng lạ, thì không ai hiểu được (1Cô 14:2). Và tôi muốn nói thêm một điều khác: sa-tan không thể hiểu bạn nói. Đó là lý do ma quỷ rất ghét tiếng lạ và chống lại tiếng lạ dữ dội – bởi vì nó không biết những gì bạn cầu nguyện. Bạn đang nói những bí mật thiên thượng với Cha, và sa-tan hoàn toàn “mu-tê” về những gì giữa bạn và Chúa đang nói đến.
Cách đây nhiều năm tại một hội nghị của hội thương gia Full Gospel Business Men’s Fellowship, chúng tôi mời các sinh viên thần học đến ăn tiệc. Các sinh viên này đến từ 14 trường đại học khác nhau dự tiệc, cùng nhiều Mục Sư thuộc truyền thống.
Trong suốt bữa tiệc, chúng tôi tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn. Nhiều Mục Sư trong chúng tôi là người chủ tọa cùng với các bác sĩ tâm lý học và bác sĩ y khoa. Tôi trả lời các câu hỏi về tiếng lạ mà thính giả nêu lên. Anh Oral Robert trả lời các câu hỏi về sự chữa lành. Và một số Mục Sư khác trả lời câu hỏi về các chủ để khác. Những câu hỏi về tiếng lạ ước tính gần 70 phần trăm trong tất cả các câu hỏi đưa ra.
Một số sinh viên chủng viện đang chuẩn bị ra cánh đồng truyền giáo, nên họ hỏi câu hỏi này, “Sao chúng tôi phải đến trường học tiếng địa phương của đất nước mà Chúa kêu gọi chúng tôi đến? Tại sao Ngài không ban cho chúng tôi nói tiếng của họ qua ân tứ nói tiếng lạ?”
Các sinh viên này hiểu lầm công dụng của Kinh Thánh về tiếng lạ. Họ nhận định cách sai lầm rằng nói tiếng lạ là nói tiếng mẹ đẻ của dân tộc nào đó.
Nhưng đó không phải là mục đích của Kinh Thánh về tiếng lạ. Tiếng lạ không thay thế cho việc giáo sĩ học tiếng nước ngoài. Tiếng lạ là ngôn ngữ siêu nhiên được Thánh Linh ban cho chúng ta để chúng ta có thể trò chuyện với Chúa.
Sự thật thì đôi khi Thánh Linh ban cho bạn ngôn ngữ nước ngoài khi nói tiếng lạ. Nghĩa là, ngôn ngữ mà bạn không biết.
[bs-quote quote=”Nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ thì tâm linh tôi cầu nguyện nhưng tâm trí lại bất động.” style=”style-20″ align=”right” author_job=”1 CÔ-RINH-TÔ 14:14″][/bs-quote]
Từ “lạ” được in nghiêng trong bảng Kinh Thánh tiếng Anh King James. Điều này có nghĩa là nó không có trong Kinh Thánh nguyên gốc. Các dịch giả thêm vào cho rõ nghĩa, Bản nguyên gốc nói, “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng ngôn ngữ, tâm linh tôi cầu nguyện..” Các dịch giả thêm vào từ “lạ” (tiếng lạ) để giải thích rằng một số tiếng bạn nói có thể người khác thì biết mà bạn thì xa lạ (không biết).
Phao lô đặc biệt có nói đến tiếng của con người, cũng có nghĩa là tiếng nước ngoài. Ông nói, “Dù tôi nói được tiếng của con người và của thiên sứ ..” (1Cô 13:1). Rất thường thì chúng ta nói ngôn ngữ thiên đàng khi chúng ta nói những bí mật của thiên thượng với Chúa. Nhưng cũng có thể là nói tiếng của con người.
Tôi nhớ có lần một Mục Sư của Foursquare kể cho tôi nghe về một kinh nghiệm đáng nhớ mà ông có được liên quan đến vấn đề này. Nhiều năm trước đó, ông phải xuống tận trụ sở truyền giáo của Foursquare ở Mêxicô để đem đồ tiếp tế. Trong lúc ở lại suốt cả tuần, vị Mục Sư này giảng mỗi ngày. Sau khi ông giảng, người ta tiến lên và cầu nguyện.
Vị Mục Sư này kể cho tôi nghe, “Trong suốt thời gian cầu nguyện tại nhà thờ, tôi đã chứng kiến những cảnh tượng vinh hiển nhất mà tôi chưa hề thấy. Một cụ bà người Mêxicô đã được đầy dẫy Thánh Linh. Khuôn mặt bà chiếu sáng như đèn nê-ông, và bà bắt đầu ngợi khen Chúa trong tiếng Anh cách trôi chảy.
“Lúc đầu khi tôi nghe một cụ bà nói tiếng Anh trôi chảy, tôi nghĩ bà biết ngoại ngữ. Nhưng sau đó tôi biết rằng bà chưa bao giờ đi học một ngày nào trong đời bà. Thật là phấn khởi khi nghe bà ngợi khen, thờ phượng Chúa bằng thứ tiếng mà tôi biết nhưng hoàn toàn xa lạ đối với bà (tức tiếng lạ – DG).”
Một số giáo sĩ Mỹ đã kể cho tôi nghe những lời chứng tương tự. Chẳng hạn, đôi khi giúp người ta nhận báp-tem Thánh Linh ở cánh đồng truyền giáo, các vị này nghe người địa phương nói tiếng Anh khi họ nói tiếng lạ.
Như tôi đã nói, cá nhân tôi đã nói một số thứ tiếng khác nhau của con người khi tôi cầu nguyện hay nói sứ điệp trong tiếng lạ. Tôi không biết tôi nói gì lúc đó, nhưng có người đã hiểu những gì tôi nói và kể cho tôi sau đó.
Chẳng hạn, vào năm 1954 tôi đang tổ chức một buổi nhóm tại New Jersey cho anh A. A. Swift, một Mục Sư Ngũ Tuần trước đây. Anh Swift lúc đó 72 tuổi. Anh và vợ anh đã đến Trung Hoa làm giáo sĩ vào năm 1911. Tôi thường hầu việc Chúa tại Hội Thánh của anh Swift, và mỗi khi tôi nói sứ điệp trong tiếng lạ, anh thông giải.
Anh Swift đã phát triển ân tứ thông giải tiếng lạ trổi vượt hơn bất cứ người nào mà tôi biết. Trong suốt những năm tháng hầu việc Chúa của tôi, sự thông giải tiếng lạ của anh là một sư bày tỏ tuyệt vời về ân tứ đó mà tôi từng chứng kiến. Bạn thấy đó, ân tứ Thánh Linh có thể phát triển qua việc sử dụng. Hẳn nhiên một người có thể phát triển chức vụ của mình khi người đó học chờ đợi trước mặt Chúa và đầu phục Thánh Linh. Và đối với ân tứ của Thánh Linh cũng vậy.
Bạn có thể học đầu phục Thánh Linh hơn nữa khi vận hành các ân tứ Thánh Linh.
Tại một buổi nhóm ở Hội Thánh của anh Swift, tôi nói sứ điệp trong tiếng lạ, và tôi biết là tôi đang nói thứ tiếng đông phương nào đó. Sau buổi nhóm, chúng tôi đến quán ăn gần tư thất để ăn. Khi chúng tôi ngồi đó, anh Swift nói với vợ anh, “Em ơi, em có hiểu những gì anh Hagin nói lúc anh ta nói tiếng Hoa tối nay không?”
Chị Swift trả lời, “Vâng, em hiểu.”
Cặp vợ chồng này ngồi đó và nói qua lại với nhau trong tiếng Hoa vài phút. Khi tôi lắng nghe, tôi để ý một số từ tôi đã nói khi tôi nói tiếng lạ. Anh Swift nói, “Lâu lắm rồi chúng tôi không đến Trung Hoa nữa, nhưng anh nói thổ ngữ của một vùng phụ cận, chứ không phải ngôn ngữ nơi chúng tôi đã sống. Tôi hiểu khoảng 50 phần trăm những gì anh nói.”
Tôi không biết là tôi đang nói thổ ngữ Trung Hoa. Tôi chỉ biết là tôi đầu phục Thánh Linh khi Ngài ban cho tôi lời nói siêu nhiên bằng tiếng lạ.
Dù bạn nói tiếng lạ là ngôn ngữ của con người hay ngôn ngữ của thiên sứ thì cũng không khác gì. Khi bạn nói tiếng lạ, vấn đề là bạn đang nói những lời của Chúa.
Tiếng Lạ Dùng Như Dấu Lạ
Đôi khi người ta nói tiếng lạ mà ai đó trong hội chúng hiểu được bởi vì người đó nói tiếng địa phương. Hoặc đôi khi sứ điệp trong tiếng lạ nhắm đến ai đó trong tiếng mẹ đẻ của họ, nhưng người nói sứ điệp thì không biết tiếng đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sứ điệp tiếng lạ được ban dùng làm dấu lạ.
Hãy xem những gì xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần khi Thánh Linh được đổ xuống trên 120 môn đồ tại phòng cao. Tôi chắc chắn một số người trong số này không nói ngôn ngữ mà con người hiểu được. Tuy nhiên, các dân tộc có mặt ở trong đám đông đó đã nghe các môn đồ nói chính ngôn ngữ của họ.
Nhưng hãy lưu ý ngay cả khi những người này nhóm lại để xem điều đã xảy ra, không người nào được cứu cho đến khi Phierơ đứng lên giảng. Không một người nào được cứu do kết quả là họ nghe các môn đồ nói tiếng lạ.
Các ân tứ Thánh Linh, kể cả ân tứ nói tiếng lạ, không cứu người ta. Đó không phải là mục đích của tiếng lạ. Không, mục đích của ân tứ siêu nhiên này là dấu lạ để thu hút sự chú ý. Một khi Đức Chúa Trời khiến ai đó chú ý, người đó sẽ dễ dàng mở lòng với Phúc Âm.
Chúng ta vừa mới xem xét năm quan niệm sai lầm thông thường về việc nói tiếng lạ. Bây giờ chúng ta hãy xem những cực đoan đi quá giới hạn của Lời Chúa.