Uy Quyền Thuận Phục (P.19): Một Uy Quyền Đại Diện Cần Tự Biệt Mình Ra Thánh

Share

CHƯƠNG 19

MỘT UY QUYỀN ĐẠI DIỆN CẦN TỰ BIỆT MÌNH RA THÁNH

Kinh Thánh: Giăng 17:19

Chúng ta đã thấy uy quyền thuộc linh tùy thuộc vào sự thành đạt thuộc linh. Không uy quyền nào được con người chỉ định. Thậm chí uy quyền chỉ riêng được Đức Chúa Trời chỉ định vẫn chưa đủ. Xin nhớ rằng một mặt uy quyền căn cứ vào sự thành đạt [thuộc linh] và mặt khác căn cứ vào tính khiêm nhường và sự vâng phục trước mặt Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng tôi sẽ bàn thêm về việc một uy quyền đại diện cần phải tự biệt mình khỏi những người khác. Tuy Chúa chúng ta được Đức Chúa Trời sai đến và có một mối tương giao liên tục với Đức Chúa Trời, nhưng Ngài nói: “Con vì họ tự biệt ra thánh” (Giăng 17:19). Vì vậy, một uy quyền đại diện phải tự biệt mình ra thánh vì những người khác.

CHÚA TỰ BIỆT MÌNH RA THÁNH

Chúa tự biệt mình ra thánh có nghĩa là gì? Điều ấy có nghĩa là vì cớ các môn đồ nên Chúa kiềm chế không làm nhiều điều mà Ngài được phép làm. Ngài có thể làm và nói nhiều điều. Ngài có thể có nhiều thái độ. Ngài có thể mặc nhiều loại áo quần và có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Tuy nhiên, vì cớ các môn đồ, Ngài tự kiềm chế khỏi những điều đó. Chúa Jêsus là con Đức Chúa Trời; Ngài không biết gì về tội lỗi cả. Trong khi ở trên đất, Ngài có nhiều quyền tự do hơn chúng ta xa và Ngài có thể làm nhiều điều hơn chúng ta có thể làm. Có nhiều điều chúng ta không thể làm vì chúng ta là người sai trật. Có nhiều lời chúng ta không thể nói vì chúng ta là những người ô uế. Nhưng đối với Chúa thì không có nan đề như vậy. Ngài thật thánh khiết. Chúng ta không kiên nhẫn, vì vậy, Ngài không cần chờ đợi. Vì Ngài không có tội nên nhiều giới hạn không phải áp dụng cho Ngài. Nếu không có những người ô uế chung quanh Ngài, thì Chúa Jêsus với tư cách là con người có thể có nhiều quyền tự do hơn nữa. Thậm chí khi Ngài nổi giận, cơn giận của Ngài cũng thánh khiết và không có tội lỗi. Nhưng Ngài nói Ngài tự biệt mình ra thánh vì cớ các môn đồ. Ngài sẵn lòng chấp nhận nhiều giới hạn.

Chúa không những thánh khiết trước mặt Đức Chúa Trời, mà còn thánh khiết trong chính mình. Nói về bản tính của chính Ngài thì Ngài không có tội. Nhưng trong khi đi giữa vòng các môn đồ, thì Ngài cần tự biệt mình ra thánh. Để trở nên thánh khiết, chúng ta cần kiềm chế khỏi nhiều điều, nhưng Chúa thì thánh khiết tự trong chính bản chất của Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài có thể làm nhiều điều hơn chúng ta. Người nào nói mình tốt là điều rất sai trật. Nhưng Chúa nói mình tốt là điều hoàn toàn đúng. Ngài có thể nói nhiều điều chúng ta không thể nói, vì hoàn toàn không có dấu vết tội lỗi nào ở trong Ngài. Ngài có nhiều tự do hơn chúng ta. Nhưng Ngài sẵn lòng thuận phục những giới hạn. Chúa không những thánh khiết trong chính Ngài, mà còn hạ mình xuống theo sự thánh khiết của chúng ta. Sự thánh khiết của chúng ta làm cho việc chúng ta tự biệt riêng khỏi người khác và kiềm chế không làm nhiều điều là cần thiết.

Ngoài sự thánh khiết riêng của Ngài, Chúa còn mang lấy sự thánh khiết của chúng ta trên chính Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài tự biệt mình ra thánh. Chúa tự nguyện chấp nhận giới hạn vì cớ chúng ta. Loài người phát biểu và đoán xét theo tiêu chuẩn tội lỗi của chính mình. Nếu Chúa hành động và nói theo tiêu chuẩn thánh khiết của Ngài thì người ta đã chỉ trích Ngài theo những tư tưởng tội lỗi của riêng họ. Đó là lý do tại sao Ngài sẵn lòng tự đặt mình dưới những giới hạn. Chúng ta kiềm chế không làm nhiều điều vì tội lỗi của mình, nhưng Chúa kiềm chế không làm nhiều điều và tự đặt chính mình dưới những giới hạn vì sự thánh khiết. Chúng ta không làm nhiều điều vì chúng ta không nên làm những điều ấy. Chúa có thể làm những điều ấy, nhưng Ngài không làm. Ngài tự kiềm chế không làm nhiều điều mà lẽ ra Ngài đã có thể làm để duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời. Ngài muốn tự biệt riêng chính mình khỏi thế gian. Đây là ý nghĩa việc Chúa tự biệt mình ra thánh.

SỰ CÔ ĐƠN CỦA MỘT UY QUYỀN

Để học tập làm một uy quyền, chúng ta cũng phải học tập tự biệt riêng chính mình khỏi các anh chị em. Chúng ta cần kiềm chế không dính dấp đến nhiều điều mà lẽ ra chúng ta có thể nói hay làm. Chúng ta cần phải được biệt riêng trong lời nói và tình cảm của mình. Khi ở một mình, chúng ta có thể có một thái độ nào đó. Nhưng khi ở cùng những người khác, chúng ta phải tự biệt riêng mình ra. Chúng ta chỉ có thể tương giao với các anh chị em đến một mức độ nào đó mà thôi. Chúng ta không thể thiếu nghiêm trang hay phù phiếm. Chúng ta cần từ bỏ quyền tự do của mình và chịu cô đơn. Cô đơn là dấu hiệu của người đang làm uy quyền. Tất cả những người phù phiếm giữa vòng các anh chị em đều không thể làm uy quyền. Đây không phải là kiêu ngạo. Điều ấy chỉ có nghĩa là vì đại diện cho uy quyền của Đức Chúa Trời nên chúng ta phải có những giới hạn nào đó trong mối tương giao của mình với các anh chị em. Chúng ta không thể quá phóng túng và dễ dãi. Những con chim sẻ bay từng đàn, nhưng những con chim đại bàng thì bay một mình. Nếu chúng ta chỉ có thể bay thấp mà không chịu nổi sự cô đơn vì bay cao thì chúng ta không đủ tư cách làm một uy quyền. Để làm uy quyền, chúng ta phải giới hạn và tự biệt riêng mình ra. Chúng ta không thể làm những gì người khác có thể tự do làm. Chúng ta không thể nói những gì người khác có thể hấp tấp nói ra. Chúng ta phải thuận phục Linh của Chúa. Thánh Linh ở bên trong chúng ta sẽ dạy chúng ta. Điều này sẽ làm cho chúng ta cô đơn và sẽ tước mất sự hào hứng trong chúng ta. Chúng ta sẽ không còn dám dạo quanh nói đùa với các anh chị em. Đó là giá mà một uy quyền phải trả. Phải tự biệt mình ra thánh như Chúa Jêsus từng làm rồi chúng ta mới có thể làm một uy quyền.

Nói đến việc làm một chi thể trong Thân Thể thì một uy quyền phải tuyệt đối không lộ diện rõ ràng, phải giống như các anh chị em khác, để duy trì mối tương giao của Thân Thể. Tuy nhiên, trong việc đại diện cho Đức Chúa Trời thì một uy quyền phải được Đức Chúa Trời giới hạn và biệt ra thánh. Người ấy cần phải làm gương cho các thánh đồ. Nhưng trong hoạt động với tư cách là một chi thể, người ấy nên phối hợp và phục vụ chung với những người khác chứ không tự tách mình ra thành một giai cấp đặc biệt.

MỘT UY QUYỀN PHẢI ĐƯỢC GIỚI HẠN TRONG TÌNH CẢM CỦA MÌNH

Lê-vi Ký 10:1-7 ghi chép sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với Na-đáp và A-bi-hu. Họ bị phán xét vì không đến dưới uy quyền của cha mình là A-rôn. A-rôn có bốn người con trai phục vụ với tư cách là các thầy tế lễ bên trong đền tạm; họ được xức dầu cùng một ngày với A-rôn. Lẽ ra họ không được phục vụ một cách độc lập, mà ngược lại phải giúp cha mình hầu việc Đức Chúa Trời. Họ không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Nhưng một ngày kia, Na-đáp và A-bi-hu tự tiện dâng lên lửa lạ mà không được lệnh của cha mình. Điều này mang đến sự phán xét của Đức Chúa Trời và họ bị thiêu chết. Môi-se nói: “Ấy là điều Đức Giê-hô-va đã tỏ ra khi Ngài phán rằng: Ta sẽ nhờ những kẻ lại gần Ta mà được tôn thánh” (c. 3). Đức Chúa Trời muốn bày tỏ rằng những người đến gần Ngài không thể phóng túng. Hình phạt này khốc liệt và nghiêm khắc hơn so với việc Ngài sửa phạt những người khác trong dân Ngài.

Na-đáp và A-bi-hu chết trong cùng một ngày. Đúng ra A-rôn nên làm gì? Trước mặt Đức Chúa Trời, ông là thầy tế lễ thượng phẩm; trong nhà, ông là gia trưởng. Ông đóng hai vai trò cùng một lúc. Một người quá tận tâm hầu việc Đức Chúa Trời đến nỗi người ấy không màng đến các con trai của mình sao? Theo truyền thống Do-thái, khi một người chết đi, thì gia đình người ấy phải làm cho đầu tóc rối bù và xé áo mình. Nhưng Môi-se chỉ ra lệnh khiêng các thi hài ra ngoài. A-rôn các con trai không được phép làm cho đầu tóc rối bù và xé áo mình.

Nỗi đau buồn và sầu khổ vì sự chết là những cảm xúc con người; những cảm xúc ấy là bình thường. Nhưng ở đây, một đầy tớ của Chúa không thể bày tỏ nỗi đau buồn của mình bằng không thì người ấy sẽ chết. Đây là một vấn đề rất nghiêm túc. Sự phán xét mà một đầy tớ của Đức Chúa Trời có thể chịu khác với sự phán xét mà một người dân Y-sơ-ra-ên bình thường có thể chịu. Đầy tớ của Đức Chúa Trời không thể làm những gì mà một người dân Y-sơ-ra-ên bình thường có thể làm. Một người cha than khóc con mình hay một người than khóc anh em ruột mình là hợp lẽ và có thể thông cảm được. Nhưng những người có dầu xức của Đức Chúa Trời trên mình phải tự biệt mình ra thánh. Đây không phải là vấn đề tội lỗi mà là vấn đề biệt ra thánh. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta được làm nhiều điều chỉ vì chúng ta hợp pháp và không tội lỗi. Vấn đề không phải là những điều ấy có tội lỗi hay không, mà là chúng ta có được biệt ra thánh hay không. Những người khác làm các việc ấy thì không sao, nhưng một đầy tớ của Đức Chúa Trời không thể làm như vậy vì họ phải tự biệt mình ra thánh. 

Trái với biệt ra thánh là tầm thường. Được biệt ra thánh có nghĩa là chúng ta không thể làm những gì mọi người khác có thể làm. Chúa không thể làm những gì các môn đồ có thể làm. Một uy quyền không thể làm những gì các anh em của mình có thể làm. Thậm chí một thầy tế lễ thượng phẩm không thể bày tỏ tình cảm riêng tư của mình mà lẽ ra người ấy có quyền bày tỏ. Nếu không kiềm chế trong vấn đề này thì người ấy sẽ chết. Dân Y-sơ-ra-ên chết vì tội lỗi, trong khi các thầy tế lễ chết vì không chịu biệt riêng ra. Giữa vòng con dân Y-sơ-ra-ên, những kẻ giết người phải chết, nhưng A-rôn sẽ chết nếu ông than khóc con mình. Điều ấy khác biệt biết bao! Một uy quyền phải trả giá như vậy.

Thậm chí A-rôn không thể rời khỏi đền tạm. Ông chỉ có thể để những người khác chôn kẻ chết. Dân Y-sơ-ra-ên hoàn toàn không phải sống trong đền tạm, nhưng A-rôn và các con trai ông thậm chí không thể ra khỏi đền tạm. Họ phải cẩn thận bảo vệ những gì Đức Chúa Trời đã giao phó cho mình. Dầu xức thánh đã thánh hóa chúng ta và biệt riêng chúng ta khỏi mọi hoạt động của mình. Chúng ta phải tôn trọng dầu xức mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Tất cả chúng ta phải đến với Đức Chúa Trời để tiếp xúc với Ngài và xin Ngài biệt riêng chúng ta khỏi những người khác. Thế gian và các anh chị em khác có thể duy trì tình cảm gia đình của mình, nhưng một uy quyền đại diện được biệt riêng ra để duy trì vinh quang của Đức Chúa Trời. Người ấy không thể tìm kiếm sự thoải mái. Người ấy không thể bám lấy những cảm xúc riêng của mình. Người ấy không thể nổi loạn hay phóng túng. Thay vào đó, người ấy phải tôn cao Đức Chúa Trời vì vinh quang của Ngài.

Đầy tớ của Đức Chúa Trời là một người có dầu xức thánh của Đức Chúa Trời trên mình. Người ấy phải hy sinh tình cảm riêng tư và từ bỏ cảm xúc chính đáng của mình. Đó là cách duy nhất để trở nên một uy quyền đại diện. Bất cứ người nào duy trì uy quyền của Đức Chúa Trời đều phải từ chối cảm xúc riêng của mình. Một người phải sẵn lòng trả bất cứ giá nào, thậm chí đến mức độ từ bỏ tình cảm sâu xa nhất, tình cảm đối với con cái, tình bạn bè và ngay cả tình yêu của mình. Nếu bị những điều đó vương vấn thì người ấy không thể hầu việc Chúa. Những đòi hỏi của Đức Chúa Trời thật nghiêm khắc. Nếu không thể từ bỏ tình cảm riêng tư thì một người không thể hầu việc Chúa. Đầy tớ của Đức Chúa Trời là những người khác biệt, trong khi những người tầm thường không có sự khác biệt ấy. Các đầy tớ của Đức Chúa Trời phải tự biệt mình ra thánh vì dân của Ngài.

MỘT UY QUYỀN PHẢI TỰ BIỆT MÌNH RA THÁNH TRONG CUỘC SỐNG VÀ NIỀM VUI CỦA MÌNH

Tại sao Na-đáp và A-bi-hu dâng lên lửa lạ? Theo Lê-vi Ký 10:9 thì Đức Chúa Trời bảo A-rôn rằng: “Khi vào lều nhóm họp, ngươi và các con trai ngươi không được uống rượu hay thức uống làm cho say”. Nhiều người quen thuộc với Kinh Thánh nghĩ rằng hai người ấy dâng lên lửa lạ sau khi say rượu. Theo lời ký thuật trong câu 5 thì có thể họ trần truồng bên trong nơi thánh. Đó là lý do tại sao sau khi họ chết những người khác vào khiêng họ ra trong tình trạng họ mặc áo lót. Một người say rượu rất dễ phơi trần thân thể mình. Dân Y-sơ-ra-ên có thể uống rượu hay những thức uống làm cho say, nhưng một thầy tế lễ không thể làm như vậy. Đó là vấn đề hưởng thụ. Chúng ta không thể hưởng thụ những gì người khác hưởng thụ và chúng ta không thể vui mừng trong những gì người khác vui mừng. (Rượu chỉ về sự vui mừng). Đầy tớ của Đức Chúa Trời phải bị giới hạn. Người ấy phải tách biệt sự thánh khiết khỏi sự tầm thường, sự tinh sạch khỏi sự ô uế. Duy trì mối tương giao của mình trong Thân Thể với các anh chị em là đúng đắn, nhưng chúng ta không thể phóng túng, vì đang mang một nhiệm vụ đặc biệt. Chúng ta không thể tham dự vào bất cứ điều gì làm cho mình mất đi mọi sự kiềm chế.

Lê-vi Ký chương 21 ghi chép đòi hỏi cụ thể của Đức Chúa Trời về sự biệt riêng ra thánh đối với thầy tế lễ hầu việc Ngài:

(1) Họ không thể làm ô uế chính mình bởi sự chết, ngoại trừ vì những người bà con gần gũi. Họ phải tự biệt mình ra thánh (c. 1-4). Đó là sự đòi hỏi tổng quát.

(2) Người ấy phải được biệt ra thánh trong cách ăn mặc của mình và đối với thân thể (c. 5-6). Người ấy không thể làm cho hói đầu mình và không thể cắt tỉa các mép râu của mình. (Người Ai-cập làm như vậy khi họ thờ thần mặt trời). Họ cũng không thể cắt thịt của mình. (Người Châu Phi làm điều đó).

(3) Người ấy phải được biệt ra thánh trong hôn nhân (c. 7-9)

(4) Thầy tế lễ thượng phẩm bị một đòi hỏi cao hơn bó buộc: Người ấy không thể chạm đến một xác chết, cho dầu xác chết đó là cha hay mẹ mình (c. 10-15). Vì vậy, một đầy tớ của Đức Chúa Trời đứng [vị trí] càng cao thì Đức Chúa Trời đòi hỏi càng nhiều. Đức Chúa Trời lưu ý đến việc các đầy tớ của Ngài có được biệt riêng hay không. Một người càng gần gũi Đức Chúa Trời thì những đòi hỏi của Ngài đối với người ấy càng cao. Mức độ chúng ta gần gũi Đức Chúa Trời trở nên mức độ Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta. Đức Chúa Trời càng phó thác chính mình cho một người thì Ngài càng đòi hỏi người ấy. Đức Chúa Trời rất lưu ý đến sự biệt ra thánh của những người hầu việc Ngài.

NỀN TẢNG CỦA UY QUYỀN VÀ SỰ BIỆT RIÊNG

Uy quyền đặt nền tảng trên sự biệt riêng. Nếu không có sự biệt riêng thì không có uy quyền. Nếu khao khát quây quần với những người khác thì anh em không thể làm một uy quyền. Nếu sự giao thông của anh em với những người khác không được kiềm chế thì anh em không thể làm một uy quyền đại diện. Một uy quyền càng cao thì sự biệt riêng càng lớn. Đức Chúa Trời là uy quyền tối cao. Vì vậy, Ngài tự biệt riêng cách tuyệt đối. Tất cả chúng ta phải học tập tự biệt riêng mình khỏi những người khác trong những điều không thánh khiết. Chúa Jêsus có thể tùy ý hoạt động, nhưng Ngài tự biệt mình ra thánh vì cớ các môn đồ. Ngài tự biệt mình ra thánh và đứng về phía sự thánh khiết. Chúng ta cần phải sẵn sàng và vui lòng theo đuổi sự phân rẽ sâu xa hơn – phân rẽ khỏi sự không thánh khiết. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên tách mình ra khỏi con cái của Đức Chúa Trời bởi tự xưng mình là thánh khiết. Càng được biệt ra thánh và càng được Đức Chúa Trời giới hạn và kiểm chế dưới uy quyền của Ngài, thì chúng ta càng có thể làm uy quyền. Nếu những người có uy quyền không cư xử một cách chính đáng thì sự vâng phục không thể duy trì trong Hội Thánh. Nếu vấn đề uy quyền chưa được giải quyết thì trong Hội Thánh sẽ luôn luôn có sự hỗn loạn.

Những người ở trong uy quyền không tiếm đoạt uy quyền. Uy quyền [đại diện] là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Người ấy phải trả bất cứ giá nào để xa lánh sự hào hứng. Người ấy phải vương lên cao, không được sự cô đơn và phải là một người được biệt ra thánh. Nguyện chúng ta sẵn lòng trả giá để khôi phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Đó là con đường Chúa đang theo đuổi trong Hội Thánh ngày nay.

Bài Viết Chọn Lọc

Bài Viết Được Quan Tâm

Bài Viết Liên Quan