Bạn có bao giờ nghe ai đó nói, “Tôi đến với Chúa Giê-su, nhưng không đến với hội thánh”?
Lần đầu tiên nghe được cái tư duy thần học “Chúa Giê-su yes; hội thánh, no” là khi tôi vừa bước vào chức vụ mục sư. Vợ tôi và tôi đang tiếp đón buổi nhóm tại nhà. Có khoảng 5 hay 6 gia đình tín hữu trẻ đến dự. Mọi sự diễn ra tốt đẹp như dự tính cho đến khi tôi bắt đầu nói về ý nghĩa hội viên hội thánh. Có một người phản ứng, cứ mãi lý luận rằng điều này không có nền tảng Kinh Thánh. Tôi tìm nhiều cách để trả lời mềm mại và hợp lẽ. Vẫn ngoan cường, anh ta cứ tiếp tục bài bác.
Cuộc đối thoại đặt tôi vào chỗ bất ngờ, phải biện chứng về ý nghĩa hội thánh địa phương. Trong một giây lát, tôi cảm thấy mình không vững và lúng túng vì thiếu một câu trả lời thật rõ ràng.
Thế nhưng tôi biết rõ, và sau đó hiểu trọn vẹn hơn, rằng Cơ đốc giáo không thể tách ra với hội thánh địa phương. Thực vậy, hội thánh địa phương là sự bày tỏ của Tân Ước về Cơ đốc giáo. Tân Ước vẽ lên một quan hệ chặt chẽ giữa Cơ đốc nhân và hội thánh địa phương như là bàn tay trong cái găng tay.
TRÁNH CỰC ĐOAN
Khi tôi phục vụ hội thánh hiện nay trong một tầm vóc rộng hơn, là chủ tịch trường thần học, tôi thường gặp hai cực đoan không lành mạnh. Cả hai đều đánh giá sai vai trò của hội thánh.
Thứ nhất, và thường xảy ra nhất, là Chủ nghĩa thuộc linh cá nhân.
Cái nhìn cực đoan này đặt ưu tiên vào quan hệ giữa cá nhân với Đấng Christ đến nỗi bỏ quên vai trò của hội thánh trong quan hệ đó. Với Cơ đốc nhân “tin Lành.” sự cải đạo là một sự gặp gỡ riêng với Đấng Christ với sau đó tăng trưởng trong Đấng Christ. Một người được nuôi dưỡng thuộc linh qua sách vở, hội nghị, các chương trình phát thanh podcasts, học Kinh Thánh, và các mục vụ không nằm trong hội thánh.
Cái cực đoan kia là cái nhìn quá chú trọng vào cơ chế tổ chức.
Trong dạng không lành mạnh nhất, nó được thấy trong Cơ Chế Công Giáo La Mã Truyền Thống với “không có sự cứu rỗi ngoài hội thánh,” và điều kiện phải nhận lãnh các bí tích để được cứu rỗi. Nhưng oái ăm thay, lại có một số người Tin Lành hoạt động chỉ cách xa dạng này một khoảng cách hết sức ngắn. Sự sai lầm này tương đương với triết lý nói rằng sự cứu rỗi là bởi địa vị hội viên hội thánh và sự tăng trưởng là do bởi hoạt động của hội thánh.
Cả hai cực đoan này đều hiểu sai về đời sống Cơ đốc. Cải đạo là một kinh nghiệm cá nhân để tiến đến mục đích trở nên thuộc về một hội chúng, một cộng đồng dân Chúa. Chúng ta không thể đơn giản khái quát hóa Cơ đốc giáo của Tân Ước với tư duy tách rời ra khỏi hội thánh địa phương.
HỘI THÁNH TOÀN CẦU, HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG.
Một quan niệm phổ thông khác nhưng sai lầm là đặt “hội thánh toàn cầu” làm đối trọng với hội thánh địa phương. Hội thánh toàn cầu là để nói đến tất cả mọi người được cứu trong lịch sử thế giới. Hội thánh toàn cầu thường được gọi là “hội thánh vô hình” vì chúng ta không thể biết ai hay bao nhiêu người ở trong đó.
Dù vậy, hầu hết mỗi ý tưởng về “hội thánh” trong Tân Ước là về hội thánh địa phương. Hội thánh địa phương là một nhóm Cơ đốc nhân hiệp lòng với nhau họp lại thường xuyên để thờ phượng và thực hiện mục vụ.
Một lần nữa, ngày nay có nhiều người lập luận rằng tư cách hội viên không có trong Kinh Thánh. Nhưng rõ ràng là hội thánh đầu tiên GIỮ danh sách các tín hữu trong hội thánh, ít nhất là trong một dạng nào đó. Chúng ta thấy hội thánh đầu tiên nói đến sự thêm vào người được cứu và báp tem. Chúng ta thấy họ bàn thảo với nhau về vấn đề bao gồm vào hay loại ra một số người nào đó ra khỏi hội thánh. Làm sao mà các tác giả Tân Ước tường trình những vấn đề này nếu không có một loại danh sách các thành viên hội thánh?
KINH THÁNH TÂN ƯỚC VÀ HỘI THÁNH.
Nói rộng hơn, khi khảo cứu Tân Ước, bạn thấy tất cả là về hội thánh. Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa Giê-su tuyên bố, “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên vầng đá này và các cửa Âm Phủ sẽ không thắng nổi hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18, BDM 2002). Chúa Giê-su làm trọn lời hứa này qua sự chết của chính Ngài, tuôn đổ huyết Ngài cho hội thánh (xem Công Vụ 20:28).
Sách Công Vụ bắt đầu với sự chính thức sinh ra hội thánh qua bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sách tiếp tục đi theo sự loan rộng ra của hội thánh trong suốt vùng Địa Trung Hải và sau đó là những vùng khác qua sự giảng dạy của các sứ đồ và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
Xa hơn nữa, các thư tín trong Tân Ước đều được viết ra cho hay về các hội thánh. Trong đó, các tác giả giải thích những gì các hội thánh phải tin và dạy, và cách họ phải phục vụ và tổ chức. Cuối Tân Ước – sách Khải Huyền – sứ đồ Giăng ghi lại bảy lá thư Chúa Giê-su gửi đến bảy hội thánh và đánh dấu phần kết luận của Kinh Thánh bằng sự trở lại của Chúa Giê-su cho nàng dâu là hội thánh.
Trên đường đi Đa-mách, Chúa Giê-su đồng hóa hội thánh với chính Ngài. Bạn có nhớ điều Ngài phán với Sau-lơ? “Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ Ta?” (Công Vụ 9:4).
Nói một cách giản đơn, cách một người nhìn biết, dự phần và đối xử với hội thánh của Chúa Giê-su phản ảnh cách người đó nhìn biết, dự phần và đối xử với chính Ngài.
TỔNG THỂ LỚN HƠN LÀ NHỮNG PHẦN TỬ RIÊNG LẺ
Khi hội thánh địa phương nhóm lại, tổng thể hội thánh lớn hơn là những phần tử riêng lẻ – đặc biệt khi hiệp lại thờ phượng, cùng phụng vụ và làm chứng.
Thờ Phượng Hiệp Một Tập Thể
Trong Tân Ước, chúng ta thấy các hội thánh địa phương nhóm lại tại tư gia để ngồi nghe giảng dạy Lời và cùng nhau bẽ bánh. Khi hội thánh phát triển, chúng ta thấy phần chính yếu của sự hiệp lại là thờ phượng trong ngày đầu tiên của tuần lễ – ngày Đấng Christ phục sinh.
Thực vậy, những người bỏ qua sự nhóm lại với hội thánh của Chúa sẽ nhận một lời cảnh cáo nghiêm khắc. Tác giả thư Hê-bơ-rơ kêu gọi các tín hữu, “Đừng bỏ sự nhóm họp với nhau như thói quen của vài người, nhưng hãy khuyến khích nhau; anh chị em nên làm như thế nhiều hơn khi thấy Ngày Chúa càng gần” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Ngày nay, những người tin Chúa cần khôn ngoan lắng nghe lời dạy này và gia nhập một hội thánh để nhận được những ích lợi của sự thờ phượng hiệp chung, cũng như để khích lệ những người khác cũng làm như vậy.
Mục vụ Hiệp Một Chung
Khi trở nên một người tin kính, Chúa ban cho bạn những ân tứ thánh linh nhằm mục đích xây dựng hội thánh địa phương. Hãy suy nghiệm phân đoạn sau đây:
11Chính Ngài cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm truyền giáo, một số làm mục sư và giáo sư, 12nhằm mục đích trang bị các thánh đồ cho công tác phục vụ, gây dựng Thân Thể Chúa Cứu Thế, 13cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hợp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con của Đức Chúa Trời, đến mức trưởng thành, đến tầm thước vóc dáng đầy trọn của Chúa Cứu Thế. (Ê-phê-sô 4:11–13)
Tôi muốn khích lệ các bạn hãy giũ bỏ hết bụi đã lâu nay bao phủ trên các ân tứ thuộc linh của các bạn, xử dụng chúng với sự vui mừng lớn để xây dựng các người tin kính trong hội thánh, và đến với những người đang trong tình trạng sẽ bị hư mất.
Hiệp Một Làm Chứng
C.H. Spurgeon có lần nói, “Nếu tôi không bao giờ tham gia một hội thánh để chờ cho đến khi tôi tìm được một hội thánh toàn vẹn, tôi đừng nên tham gia vào bất cứ một hội thánh nào cả, vì hội thánh đó sẽ không còn toàn vẹn sau khi tôi trở nên một thành viên của nó. Cho nên, dù bất toàn, hội thánh là nơi quý báu nhất cho tôi trên đất này.”1
Cần phải hiểu là không có một hội thánh toàn vẹn. Vì mỗi một hội thánh địa phương là nơi của những tội nhân – tội nhân được cứu chuộc. Vậy nên đừng làm một người đi mua sắm hội thánh. Như giáo sư chủng viện của tôi, Chip Stam, thường nhắc các sinh viên, “Người tín hữu trưởng thành rất dễ được xây dựng.”
Đức Chúa Trời dùng các ân tứ của mỗi một con cái của Ngài trong một cách riêng biệt đểlàm trọn sứ mạng mà Ngài ban cho toàn thể hội thánh. Hãy chắc chắn là bạn giữ gìn phần của bạn. Sau cùng một Cơ đốc nhân đơn độc không thể là một chứng nhân tốt cho Đấng Christ. Chúa Giê-su đã chuộc mua bạn để bạn trở thành một tạo vật trong một cộng đồng – một Cơ đốc nhân sống bày tỏ tin lành trong giao ước với những Cơ đốc nhân khác trong một hội thánh địa phương.
Ghi Chú:
1 C.H. Spurgeon and Tom Carter, Spurgeon at His Best: Over 2200 Striking Quotations from the World’s Most Exhaustive and Widely-Read Sermon Series (Grand Rapids, MI: Baker, 1988).
Ánh Dương
(Lược dịch theo: churchleaders.com)