Nhà tâm lý học Stephen Goldbart, giám đốc Viện nghiên cứu Money, Meaning & Choices (Tiền bạc, Ý nghĩa, Lựa chọn) – nơi chuyên tư vấn sử dụng tiền một cách hợp lý – cho biết: “Khi đụng đến tiền, người ta gặp đủ thách thức và thường không thể trả lời câu hỏi rằng họ điều khiển cuộc đời mình hay đồng tiền dẫn dắt cuộc sống họ”. Thử nhìn danh sách tỉ phú do chuyên san Forbes bình chọn. Tất cả dường như hạnh phúc và làm chủ được đồng tiền mà họ tạo ra. Bill Gates tung ra hàng triệu đôla làm từ thiện. Warren Buffett hưởng thụ phương tiện vật chất tốt nhất ở tuổi xế chiều.
Tuy nhiên, theo USA Today, nghiên cứu mới nhất về tương quan giữa tiền và hạnh phúc đã cho thấy tiền không mua được hạnh phúc. Nó có thể làm cho cuộc sống thoải mái hơn, nhưng chắc chắn nó không mua được hạnh phúc. Khảo sát từ Tổ chức Alfred P. Sloan đã chứng minh điều đó, đặc biệt trong quan hệ giữa tiền và hạnh phúc tuổi thơ. Tỷ lệ trẻ em thuộc các gia đình trung lưu nghĩ rằng mình hạnh phúc luôn luôn cao hơn trẻ em thuộc những gia đình thượng lưu.
“Mỗi ngày bạn chỉ có thể ăn một bữa điểm tâm thôi, cũng như chỉ một bữa trưa và một bữa tối. Và bạn cũng chỉ có thể ăn trong một nhà bếp chứ không phải hai hoặc nhiều nhà bếp. Thế thì bạn cần ngôi nhà khổng lồ để làm gì? Nếu bạn thật sự xem kỹ nhu cầu sống trong một năm, bạn đâu cần là tỷ phú mới thỏa mãn được? Một tỷ phú so với một người kiếm được 150,000/năm có thể khác nhau nhưng sự khác nhau về mức độ thỏa mãn bản thân sẽ không chênh lệch nhiều đâu.” Ðó không phải là câu nói của một anh tài xế taxi tự an ủi thân phận, mà là nhận xét của tỉ phú người Anh, Richard Branson.
Craig Newmark – người sáng lập Craigslist.org – cũng đồng ý: “Một khi bạn kiếm được đủ sống, bạn cần thêm bao nhiêu thứ khác nữa để làm gì?” Diễn viên điện ảnh Jamie Lee Curtis thì nói: “Bạn có thể có tất cả tiền trên thế giới. Bạn có thể có mọi thứ dưới bóng cây mà bạn cần. Nhưng nếu bạn ngồi dưới gốc cây một mình, bạn sẽ là người buồn bã và cô đơn nhất hành tinh. Và chắc chắn chẳng có gì mà tiền có thể mua được để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn bạn.”
Ðạo diễn Chris Columbus (“Home Alone”, “Harry Potter”…) cho biết cảm nhận riêng về ảnh hưởng của tiền lên hạnh phúc gia đình: “Ðiều vĩ đại về tiền là bạn có thể cho con đi học. Bạn chắc chắn có bữa ăn tối ngon lành và bạn không phải sống chung với chuột và gián,” Chris Columbus nói, như gián tiếp nhắc lại cuộc sống một thời hàn vi của bản thân, khi từng vùi mình trong khu ổ chuột New York City. “Tuy nhiên, tiền có thể tước đi nhiều thứ trong cuộc sống gia đình. Chúng tôi không bao giờ thuê người giữ trẻ hoặc đầu bếp. Tôi thề không bao giờ làm như vậy. Tôi đã học được điều này khi quan sát các gia đình khác trong giới công nghiệp điện ảnh. Nhiều người đã hủy hoại cuộc sống gia đình khi họ thuê mướn tất cả công việc trong nhà. Bọn trẻ thậm chí không biết cha mẹ chúng làm gì và ở đâu trong nhà!” Ðối với diễn viên Tom Hanks, gia đình luôn là nền tảng của hạnh phúc. Clint Eastwood cũng nhận xét tương tự: “Tiền không thể mua hạnh phúc, dù nó giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống,” Clint Eastwood nói. “Với tôi, hạnh phúc là người vợ.”
Richard Ball – giáo sư kinh tế thuộc Ðại học Haverford, tác giả báo cáo Absolute Income, Relative Income and Happiness – trình bày tại hội thảo “Hiệp hội nghiên cứu phẩm lượng cuộc sống quốc tế” tổ chức tại Philadelphia – cho biết, hạnh phúc bị ảnh hưởng bởi thu nhập luôn thấp hơn quan hệ hôn nhân, sức khỏe và sự bảo vệ quyền tự do cá nhân. Dù thừa nhận tâm lý con người thường có cảm giác thỏa mãn khi mình giàu có hơn hàng xóm, nhưng Richard Ball nhấn mạnh rằng việc “chọn đúng hồ cá” là yếu tố quan trọng cho hạnh phúc.
Vài người có cảm giác hạnh phúc khi là con cá nhỏ trong cái hồ to, và một số người có cảm giác hạnh phúc khi là con cá to trong hồ nhỏ. Với siêu mẫu Gisele Bundchen, tất cả đều có cái giá phải trả. “Tôi thấy hạnh phúc khi túi không có một xu, lúc tôi mới đến New York năm 15 tuổi và phải nhảy qua cổng soát vé tàu điện ngầm bởi không có tiền. Tôi ăn bánh mì McDonald’s mỗi ngày bởi đó là thứ duy nhất tôi đủ khả năng mua. Tôi thấy hạnh phúc hơn bây giờ,” Gisele Bundchen kể. “Hiện tại, tôi được an toàn về tài chính nhưng tôi bị stress nhiều hơn. Có nhiều tiền hơn, trách nhiệm cũng nhiều hơn. Ngày trước, tôi từng quen những người họ thích tôi bởi họ thích tôi như một người bình thường chứ không phải bởi tôi giúp họ hoặc do họ cần tiền”. Trong khi đó, diễn viên Beau Bridges tin rằng: “Suy cho cùng, vật chất mà chúng ta sở hữu đều không quan trọng. Ðiều quan trọng là tâm hồn”.
Dù thế nào, cũng có vô số người tiếp tục nghĩ rằng tiền có thể mua được tất cả, trong đó có cảm giác hạnh phúc. Ngôi sao truyền hình Mỹ Star Jones từng gây chú ý thế giới giải trí khi tổ chức tiệc cưới xa hoa với màn nhõng nhẽo tính bằng đô-la. Một trong những thứ Star Jones đòi mua cho bằng được là cái khay bạc thiết kế thời vua George IV với giá 11,000 USD.
Daniel Gilbert (giáo sư tâm lý Ðại học Harvard) cùng nhà tâm lý Tim Wilson (Ðại học Virginia), kinh tế gia George Loewenstein (từng đoạt Nobel) và giáo sư Daniel Kahneman (Ðại học Princeton) đã phối hợp thực hiện một trong những nghiên cứu quy mô nhất về hạnh phúc. Theo New York Times, vài năm gần đây, bộ tứ khoa học gia này đã đi tìm câu hỏi về tiến trình quyết định (sẽ) ảnh hưởng cảm giác hạnh phúc như thế nào. Làm thế nào chúng ta dự báo những gì sẽ đem lại hạnh phúc hoặc bất hạnh, và chúng ta cảm giác như thế nào sau khi trực nghiệm thực tế? Cụ thể, chúng ta có thể biết trước mình có cảm giác như thế nào nếu đội bóng mình ưa thích thắng hoặc thua; chúng ta dự báo được cảm giác như thế nào khi mua nữ trang hoặc trở thành giàu có…?
Cho đến gần đây, lĩnh vực nghiên cứu này chưa từng in dấu chân khoa học. Cần mở ngoặc về Daniel Gilbert. Hiện 61 tuổi, Gilbert từng nghỉ ngang trung học năm 15 tuổi, sống lang thang hết thành phố này đến thành phố khác với cây guitar thùng. Gặp một cô gái cũng lang bạt kỳ hồ, Gilbert kết hôn năm 17 tuổi, có con năm 18 tuổi và kiếm tiền nuôi gia đình bằng đủ nghề, từ nhổ cỏ, bán thảm đến phục vụ quán rượu… Ðể dành tiền học đại học, đỗ tiến sĩ, và cuối cùng trở thành “một trong những nhà tâm lý học thiên tài của thời đại chúng ta” – như nhận xét của giáo sư David G. Myers về Gilbert. Một người như Gilbert hẳn nhiên đủ kinh nghiệm sống để có thể mổ xẻ và soi rọi hạnh phúc bằng kiến thức khoa học. Và như hầu hết công trình nghiên cứu trước giờ, nhóm Gilbert cũng khẳng định rằng hạnh phúc là giá trị tinh thần, cho nên nó là sản phẩm tinh thần chứ không phải vật chất.
Nói cách khác, tiền không tạo ra hạnh phúc.
(Nguồn: baotreonline.com)